Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Bạn trẻ thủ đô Hà Nội “Vì một Việt Nam không rác”
21/03/2013 15:06 (GMT+7)


Ngày 21 tháng 2 năm 2013, tại Tp.HCM, trong lễ ra mắt Cafe “Sống Xanh” với sự hiện diện của rất nhiều tổ chức và cơ quan trong và ngoài nước, Cư sĩ Thiện Đức - Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books đã phát động phong trào “Vì một Việt Nam không rác”.

Chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trên khắp mọi miền đất nước, nhất là tại Tp.HCM.

Nhằm biến lời kêu gọi của cư sĩ Nguyễn Mạnh Hùng thành sự thật,  ngày 17/3, CLB Yêu sách Thái Hà phối hợp cùng CLB Nhà Quản Trị Tương Lai (FMC) trực thuộc khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Công đoàn đã tổ chức hoạt động thu gom rác tại hồ Gươm.

Hoạt động ý nghĩa này đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn trẻ thủ đô Hà Nội, những người yêu thiên nhiên và muốn biến đất nước Việt Nam thành xanh, sạch, đẹp.
 

Đúng 8h sáng, các “chiến sĩ” áo xanh và áo cam chúng tôi đã tụ hợp đông đủ tại hồ Gươm, sẵn sàng cho một ngày ý nghĩa. Trời Hà Nội bỗng đổ trận mưa to. Liệu có phải ông trời đang muốn thử thách ngọn lửa của sinh viên, thử thách tình yêu của chúng tôi với phong trào “Vì một Việt Nam không rác”?   
 

Mưa không thể cản trở được nhiệt huyết của người trẻ. Tất cả đã cùng nhau hát vang những ca khúc tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu với thiên nhiên, với Hà Nội, với quê hương. Tôi nhìn thấy nụ cười, ánh mắt trong veo và nhiệt huyết, thấy sự gắn kết đã lan tỏa giữa những con người mới gặp nhau chỉ trong ít phút.

Sẵn sàng với túi, bao tay, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xanh của mình. Chúng tôi cùng nhau tập trung làm việc, chăm chỉ tìm những mảnh rác dù là nhỏ nhặt nhất: giấy gói kẹo, đầu thuốc lá, vỏ chai… xung quan hồ Gươm, trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Hành động đó đã nhận được nhiều ánh mắt ngạc nhiên của những người đi dạo ở hồ. 
 

Vui và ngạc nhiên nhất, đó là khi khách du lịch người Ba Lan vui vẻ cùng tham gia hành trình xanh của chúng tôi. Bà không ngần ngại bỏ dở việc tham quan của mình, cúi xuống vỉa hè cùng tham gia làm sạch môi trường. Việc làm của bà đã khiến chúng tôi càng hăng hái và vui vẻ tham gia hết mình cho một hoạt động đẹp, tạo dựng hình ảnh đất nước Việt Nam, nhất là một thế hệ trẻ sống có trách nhiệm với xã hội, với quê hương. Đi hết một vòng hồ, nhìn thành quả lao động của mình thu gom được, lòng mỗi bạn trẻ không giấu được niềm vui và tự hào.

Trong giờ giải lao, chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu hồ Gươm, tháp Bút, đền Ngọc Sơn. Mỗi danh lam thắng cảnh ở nơi đây đều ẩn trong nó những biến động thăng trầm của lịch sử, những vẻ đẹp ngàn đời của đất nước và con người Việt Nam.

Hình ảnh hồ Gươm – một chứng nhân lịch sử văn hóa đã hiện lên sống động, khơi dậy mãnh liệt tình yêu thiết tha dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến, sự biết ơn với cha ông đã gìn giữ độc lập non sông, đất nước.
Lặng yên ngắm nhìn hồ Gươm xanh thẳm với những rặng liễu rủ tóc thướt tha, ngắm nhìn tháp cũ cổ kính rêu phong, màu đỏ rực rỡ như mặt trời của cầu Thê Húc, lòng tôi lại nhớ về một bài hát:

 “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời

Càng toả ngát hương thơm hoa thủ đô

Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô

Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau...

 
Trải qua nhiều bom rơi đạn lạc, trải qua sự thay da đổi thịt của thủ đô, hồ Gươm vẫn giản dị giữ trong nó vẻ đẹp của “lẵng hoa tươi đẹp nhất”, vẻ đẹp bình yên, cổ kính làm lay động bao tâm hồn của người con đất Việt, của bạn bè quốc tế. Hà Nội cần xanh và sạch. Thủ đô Hà Nội cần không có rác. Nhất định là như vậy.
 
 Hoạt động đẹp này sẽ được duy trì để nơi đây mãi giữ được vẻ đẹp xanh của nó – biểu tượng của văn hóa, của khát vọng hòa bình, văn tài võ trị của cả một dân tộc có lịch sử ngàn đời. Chúng tôi muốn cả triệu bạn trẻ thủ đô Hà Nội cùng chung tay “Vì một Việt Nam không rác”.

Đêm tôi ngủ rất ngon. Các bạn tôi cũng vậy. Tôi mơ thấy Việt Nam ta đã sạch rác, giống như các nước quanh ta: Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản,…

Tôi biết ơn người con Phật, Cư sĩ Thiện Đức - Nguyễn Mạnh Hùng đã đứng ra kêu gọi mọi người ứng dụng Phật học vào cuộc sống. Đó là làm sạch môi trường, vì cuộc sống của chúng ta và vì chúng sinh an lạc.

 

Trần Thúy Ngọc – Sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội,  Phó chủ nhiệm CLB yêu sách Thái Hà

Các tin đã đăng:
Về đầu trang