Kẻ bội thu trên đường đi lấy kinh
* Nghe nói Tây du ký mang lại cho ông danh tiếng và gia đình, từ đó cuộc đời ông thay đổi ra sao?
- Trước khi đóng Tây du ký, tôi chỉ là một diễn viên trẻ 23 tuổi vô
danh ở đoàn Côn Kịch Triết Giang. Người trong đoàn kịch khi giới thiệu
tôi với người ngoài, lúc nào cũng thêm một câu: “Bố anh ấy là “Nam Hầu
Vương” Lục Tiểu Linh đấy!”. Tới khi tôi nhận vai Tôn Ngộ Không cũng
không thoát khỏi cái bóng của bố tôi. Tuy nhiên sau khi phim được phát
sóng, bố tôi nhận thấy mọi chuyện đã thay đổi, con trai ông đã có gia
đình, được khán giả yêu thích. Không những thế, khi ông tới Bắc Kinh
tham gia một cuộc họp, mọi người đều ùa ra bắt tay hân hoan chào hỏi:
“Ôi kìa, chẳng phải bác là cha của Tôn Ngộ Không sao?”. Sự thay đổi đó
thật thú vị. Tôi thấy mình thật may mắn. Được diễn một vai diễn hay,
được làm một người chồng tốt, có một cô con gái ngoan, tôi rất hài lòng.
Sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ tới Hoài An dưỡng lão và làm bảo vệ tại Viện
bảo tàng Ngô Thừa Ân (tác giả của tác phẩm Tây du ký). Cuộc đời như vậy,
tôi thấy rất hoàn hảo.
* Con gái ông và vợ ông có thích các vai khỉ của ông không?
- Con gái tôi năm nay đã 19 tuổi. Hồi nhỏ, cháu cho rằng tôi chính
là Tôn Ngộ Không, còn cháu đương nhiên là một con khỉ nhỏ. Cháu thường
hỏi tôi rất chân thành và ngây thơ rằng: “Cha ơi, Tôn Ngộ Không và Kim
Cương biến hình ai lợi hại hơn?”. Vu Hồng, vợ tôi, chính là thư ký
trường quay của đoàn phim Tây du ký, từng đóng vai Vương hậu trong tập
Thiên Trúc thu thỏ ngọc. Bạn bè tôi đều nói rằng tôi là kẻ bội thu trên
đường đi lấy kinh. Vợ con tôi đều rất thích các vai diễn của tôi, đều
ủng hộ tôi rất nhiệt tình.
* Xin bật mí về cuộc sống hiện nay của ông?
- Để tự do sáng tác, tôi không ký hợp đồng độc quyền với bất kỳ công
ty nghệ thuật hoặc biểu diễn nào. Tôi cũng không có trợ lý, không có bảo
mẫu lẫn tài xế riêng. Tôi cũng không biết lái xe, nên thường đi tàu
điện ngầm. Khi đi ra ngoài, tôi không đeo kính đen, cũng không né tránh
khi bị mọi người nhìn ngó. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường tập thể thao,
chủ yếu luyện võ, để giữ hình thể. Muốn đóng vai khỉ, cần phải rất mềm
dẻo, dai sức. Ngoài ra, tôi cũng sưu tầm những đồ có liên quan tới
khỉ... Nói chung cuộc sống của tôi rất bình dị.
Cải biên không có nghĩa là bóp méo
* Hình ảnh quá lớn, quá thành công về nhân vật Tôn Ngộ Không hẳn bao trùm lên ông rất nhiều?
- Đúng là tôi phải mất 10 năm để vượt ra khỏi hình ảnh này. Nhiều lúc
tôi muốn “cân đẩu vân” một cái, lộn ra khỏi Tôn Ngộ Không, nhưng cứ
giãy giụa mãi không thoát ra nổi. Sau khi đóng Tây du ký, tôi đã nghỉ
diễn liền 3 năm (từ 1988-1991) vì sợ mọi người không chấp nhận tôi trong
các hình ảnh nhân vật khác, dù có nhiều kịch bản mời chào. Thậm chí có
lúc bấm bụng thử vai, tôi và đạo diễn đều run như nhau vì thời gian 6
năm đóng phim Tây du ký quá dài, khiến mọi hành vi, cử chỉ của tôi vẫn
vô tình bị ảnh hưởng của nhân vật này. Có lúc tôi nghĩ lẽ nào mình không
thể đóng được các vai diễn khác. Chả lẽ sự nghiệp diễn xuất của mình
chỉ chấm dứt ở đây và chỉ được định hình bởi vai Tôn Ngộ Không hay sao?
Tôi thật không cam tâm. Nhưng tôi không bao giờ ân hận vì đóng Tôn Ngộ
Không.
* Vậy sau đó, ông đã dùng phép “biến hóa” thế nào?
- Năm 1991, đạo diễn Hoàng Kiện Trung làm phim Ăn Tết đã tìm tôi, dám
để “Tề thiên đại thánh” hóa thân thành một chàng sợ vợ, bạc nhược. Để
tôi diễn tự nhiên, ông đã nghiêm cấm mọi người trong đoàn trêu chọc tôi
và không được ai nhắc đến từ “khỉ”. Còn tôi cũng nỗ lực nghiên cứu vai
diễn từ những chi tiết nhỏ nhất. Tới khi duyệt phim – đạo diễn Trần Hoài
Kỷ (cha của đạo diễn Trần Khải Ca) đã không nhận ra tôi, còn hỏi diễn
viên này ở đâu ra. Từ đó, tôi tự tin hẳn. Bắt đầu từ năm 2004, tôi nhận
đóng tiếp các vai diễn khác, từ hiện đại tới nhân vật lịch sử.
*Ông thấy làm phim truyền hình thời xưa và nay có gì khác nhau?
- Hồi trước làm phim rất vất vả, tiền lại ít. Cát-sê của tôi là 70
tệ/tập, khác xa với mức cát-sê cao ngất 200.000 tệ/tập của các diễn viên
bây giờ. Điều kiện làm phim hồi đó rất khó khăn, máy móc chỉ quay được
lúc trời nắng ráo. Cứ mưa là phải dọn đoàn ra về. Cứ 7, 8 giờ sáng chúng
tôi bắt đầu khởi hành và quay về nhà trọ lúc 7, 8 giờ tối. Đóng xong
cảnh nào, chúng tôi đều xem lại để rút kinh nghiệm. Khi thấy cảnh nào
chưa được, tôi lại chủ động xin đạo diễn cho quay lại. Cách làm phim giờ
đây rất khác, làm quá nhanh và học thoại ngay tại trường quay, không
giống như trước kia người diễn viên dành nhiều thời gian tâm huyết cho
vai diễn. Mọi người làm phim giờ đây lúc nào cũng vội vã. Tất nhiên điều
đó ảnh hưởng mạnh tới chất lượng vai diễn.
* Ông có cho rằng phim truyền hình Tây du ký bản mới có thể vượt trội hơn Tây du ký bản cũ không?
- Gia tộc tôi 4 đời đều đóng vai khỉ, có thể nói là cái bóng thu nhỏ
của nghệ thuật kịch khỉ trên sân khấu Trung Quốc, vì vậy tôi có tình cảm
rất sâu nặng với tác phẩm Tây du ký. Giờ đây có quá nhiều phiên bản
khác nhau của Tây du ký. Phim tôi đóng là bản kinh điển, các phim khác
đều có đủ loại: hài chọc lét, phim cấp ba... Trong Tây du ký phiên bản
của Mỹ lại cho Đường Tăng và Quan Âm Bồ Tát hôn nhau. Trong phiên bản
của Nhật, Đường Tăng bị biến thành nữ giới, yêu đương với Tôn Ngộ Không.
Tôi thấy rất phẫn nộ và tuyệt đối không thể tha thứ về những chuyện bóp
méo nhân vật và tác phẩm đến vậy. Nếu tác giả Ngô Thừa Ân còn sống,
chắc chắn sẽ kiện họ. Chuyển thể không có nghĩa là cải biên loạn xị, cái
gì cũng phải có giới hạn, tính cách cơ bản của nhân vật không thể thay
đổi. Nếu cứ cái đà cải biên loạn xạ thế này, nếu con cháu chúng ta hỏi:
“Rốt cuộc Tôn Ngộ Không có bao nhiêu bạn gái?”, chúng ta sẽ trả lời ra
sao?
* Ngoài vai khỉ, ông cũng thành công với không ít nhân vật khác
như vai Chu Ân Lai, Lỗ Tấn. Ông hy vọng được đóng vai diễn ra sao?
- Là một diễn viên, tôi luôn muốn được thử sức với nhiều dạng vai
diễn. Điều này đòi hỏi tôi càng phải nỗ lực hơn nữa. Tôi có khát vọng
muốn được đóng nhiều nhân vật nổi tiếng của thành phố Thiệu Hưng (tỉnh
Triết Giang). Tuy đã từng đóng vai Chu Ân Lai trên phim ảnh, vai Lỗ Tấn
trên kịch nói, song quê hương Thiệu Hưng của tôi còn có nhiều nhân vật
lịch sử khác mà tôi rất muốn tái hiện.
*Ông có thể tiết lộ về những mơ ước của mình?
- Cuộc đời tôi có bốn ước nguyện lớn nhất. Một là đóng phim truyền
hình Tây du ký, hai là đóng vai Ngô Thừa Ân. Sau 10 năm chờ đợi, cuối
cùng phim TH Ngô Thừa Ân và Tây du ký sắp được phát sóng rộng rãi toàn
quốc, trong đó tôi đóng cả hai vai Ngô Thừa Ân và Tôn Ngộ Không. Ngoài
ra, tôi còn mong muốn đóng phim truyện nhựa Đại náo thiên cung (cũng sắp
được thực hiện) và khởi động việc xây công viên theo chủ đề “Tây du
ký”. Trong những năm còn lại của đời tôi, tôi nguyện tiếp tục phát triển
nghệ thuật đóng kịch khỉ.
* Xin chân thành cám ơn ông, chúc ông sức khỏe và hy vọng sớm gặp lại ông trong các bộ phim mới.
Lục Tiểu Linh Đồng tên thật là Chương Kim Thái, dân tộc
Hán, sinh ngày 12.4.1959 tại Thượng Hải. Hiện ông là diễn viên đoàn kịch
thuộc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Trung Quốc, Đài truyền hình
T.Ư. Sống cùng gia đình tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Lục Tiểu Linh Đồng trong vai Tôn Ngộ Không - Ảnh: NVCC
|
Các giải thưởng: Giải Kim Ưng lần thứ 6 cho Nam diễn viên
xuất sắc nhất và giải 10 ngôi sao truyền hình Trung Quốc lần thứ nhất
(1978-1987). Giải nghệ sĩ biểu diễn được công chúng kính trọng nhất năm
2007, Giải nhất trong 10 nhân vật đóng góp nhiều nhất cho Trung Quốc năm
2008, Giải nhất trong 10 diễn viên truyền hình có sức ảnh hưởng lớn
nhất suốt 30 năm phim truyền hình Trung Quốc (2008), Giải Diễn viên xuất
sắc nhất cấp quốc gia (2000), Chủ tịch Giải 10 ngôi sao truyền hình
Trung Quốc lần thứ hai với 1,23 triệu phiếu bầu…
|
Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)