Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đổi mới phương thức HĐ Phật sự nhằm xây dựng hình ảnh PGVN trong cộng đồng XH
Đại đức Thích Minh Tiến - Phó Văn phòng I Trung ương GHPGVN
04/09/2011 20:08 (GMT+7)

Khi Giáo hội triển khai các công tác Phật sự mang tính tổ chức nhằm xây dựng hình ảnh Phật giáo trong cộng đồng xã hội như Đại lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, hoặc các hoạt động Phật sự khác, thì có một số vị Tăng Ni tỏ vẻ không hoan hỷ tham gia

Với truyền thống hộ quốc an dân, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam trong quá khứ và hiện tại đã làm được nhiều Phật sự có ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Và có thể nói, trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đều có hiện diện và đóng góp của quý vị Tăng Ni, Phật tử.

Thông qua những hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, hình ảnh Phật giáo Việt Nam đã và đang thu hút nhiều sự chú ý của xã hội cả trong và ngoài nước, qua đó đã nói lên những ảnh hưởng tích cực đối với chính sách pháp luật tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhà nước ta trong con mắt bạn bè Quốc tế.

Thực vậy, truyền thống hộ quốc an dân, thiết thân cùng đất nước của Phật giáo Việt Nam đã được chứng minh qua chiều dài lịch sử của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam và được thể hiện trong nhiều bài phát biểu, những chuyến viếng thăm thân mật của quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhân các sự kiện quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Phật đản, Đại hội, Kỷ niệm thành lập Giáo hội,...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 là kết quả của quá trình vận động thống nhất Phật giáo trong cả nước đã được khởi xướng từ những năm 1951.

Song do hoàn cảnh đất nước chiến tranh, sự nghiệp đó đã không thành, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử chưa được thực hiện và đến năm 1980 mới thành hiện thực mà cao điểm là thành công của Hội nghị thống nhất 09 tổ chức Phật giáo Việt Nam năm 1981.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trên bình diện chung, Tăng Ni, Phật tử đều có chung nhận thức là Giáo hội đã và đang làm được nhiều Phật sự có ý nghĩa, góp phần với những thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, để đáp ứng với những yêu cầu của tình hình mới đang diễn ra, đất nước đang hội nhập sâu sắc, chúng ta không thể không suy nghĩ những vấn đề tồn tại trong nội bộ Giáo hội. Là một Tăng sỹ, chúng tôi mạnh dạn đề cập trong bài viết này, để ngõ hầu quý vị quan tâm và chia sẻ những suy tư của cá nhân mình.

Thực tế, hiện nay một số Tăng Ni nhận thức đối với tổ chức Giáo hội còn nhiều mờ nhạt, không đầy đủ và thiếu tinh thần trách nhiệm xây dựng tổ chức Giáo hội.

Khi tiếp xúc một số vị Tăng Ni, thường cho rằng: ở chùa nào chỉ biết chùa đó, Giáo hội không giúp được gì cho chùa, Giáo hội không có ảnh hưởng và quan hệ với chùa nơi tôi trụ trì.

Chính nhận thức như vậy, khi Giáo hội triển khai các công tác Phật sự mang tính tổ chức nhằm xây dựng hình ảnh Phật giáo trong cộng đồng xã hội như Đại lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, hoặc các hoạt động Phật sự khác, thì có một số vị Tăng Ni tỏ vẻ không hoan hỷ tham gia (trừ các quận huyện tổ chức mang tính bắt buộc vì có gắn với một vài lợi ích khác như cầu giới, độ đệ tử, an cư kết hạ, nên tham gia một cách gượng ép, hình thức)

Mỗi chúng ta nên biết rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Là người đại diện chính thức của Phật giáo Việt Nam trong mọi quan hệ đối ngoại và quốc tế. Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tự viện, tịnh xá, tịnh thất và niệm Phật đường. Điều này đã được quy định tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

Căn cứ pháp luật của Nhà nước, mọi tổ chức tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo chỉ được hoạt động khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Vậy nếu không có Giáo hội là chủ thể được Nhà nước cho phép thành lập, hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà nước, thì mỗi chúng ta sẽ không có cơ duyên để thực hiện nguyện vọng cá nhân của mình là xuất gia tu học và hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ở các cơ sở tự viện.

Mỗi người đi xuất gia, trước hết là một công dân, chúng ta được nương tựa ở vị minh sư, thường trú tại một cơ sở tự viện được pháp luật thừa nhận. Trải qua năm tháng tu học dưới sự dưỡng dục của sư trưởng, chúng ta trưởng thành được làm lễ xuất gia, giới thiệu đến các cấp Giáo hội, thành lập Hội đồng giới sư, trao truyền giới châu tuệ mệnh cho mỗi người, nhằm tiến tu đạo nghiệp và được đào tạo tại các cơ sở Phật học của Giáo hội từ sơ, trung, cao cấp, trở thành người tu sĩ chân chính phụng sự đạo pháp và dân tộc, được Giáo hội quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện, chăm lo sự nghiệp hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, thực hiện nguyện vọng xuất gia của cá nhân mình.

Như vậy, mọi sự trưởng thành và hành đạo của mỗi cá nhân Tăng Ni đều có sự chăm lo sâu sắc của các cấp Giáo hội và sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Vì vậy trách nhiệm phụng sự đạo pháp, dân tộc, xây dựng Giáo hội là trách nhiệm chung của mỗi người xuất gia.

Để nhận thức đầy đủ vấn đề trên, các cấp Giáo hội nên đổi mới công tác hoạt động Phật sự, nhằm khơi dậy niềm tự hào truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của Phật giáo Việt Nam và qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi tu sĩ trong việc xây dựng hình ảnh Phật giáo trong cộng đồng xã hội và đóng góp xây dựng Giáo hội ngày một vững mạnh.

Thực tế các cấp Giáo hội triển khai công tác Phật sự còn nhiều hạn chế. Quý vị lãnh đạo đều bị chi phối bởi quan niệm kiêm nhiệm Phật sự, thuận duyên thì làm, không thuận duyên thì thôi, dĩ hoà vi quý, vì làm cũng chẳng được bổng lộc gì, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, đôn đốc nhắc nhở nhiều lại bị oán trách, ông tu ông đắc, bà tu bà được. Do đó nhiều công tác Phật sự không được thực thi triển khai.

Nhiều vị lãnh đạo các cấp Giáo hội thiếu sự hiểu biết về công tác hành chính, duy trì điều hành công tác theo nề nếp cũ đã lỗi thời (lãnh đạo ở đâu là trụ sở đấy, lãnh đạo trực tiếp quản lý con dấu, vừa ký vừa đóng dấu, vừa làm thầy lại làm tớ), mang nặng hình thức quan hệ thầy trò.

Trong quá trình triển khai công tác, một số nơi thiếu sự thảo luận dân chủ, mang tính áp đặt, không tuân thủ quy định của Hiến chương và Nội quy hoạt động đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, nguyên tắc tập trung dân chủ không được phát huy trong ban lãnh đạo, vì thế mà ở những nơi này, nơi khác dẫn đến mất đoàn kết trong nội bộ, bằng mặt không bằng lòng, thậm chí còn lợi dụng những khiếm khuyết của nhau để gây chia rẽ.

Hoạt động Phật sự hiện nay nhiều địa phương mang tính cầm chừng. Các ban ngành viện từ trung ương đến địa phương, với chức năng nhiệm vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động Phật sự chuyên ngành giúp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Thường trực Ban Trị sự tỉnh thành hội, thực hiện chương trình hoạt động Phật sự và nghị quyết của mỗi nhiệm kỳ đã được đại hội Phật giáo đề ra.

Song trên thực tế chỉ có một vài ban triển khai hoạt động, còn lại chủ yếu chỉ là lễ ra mắt thông báo với Tăng Ni, Phật tử về các chức danh đã được Trung ương, Ban Trị sự phê chuẩn làm Trưởng Ban, Phó Ban, Uỷ viên đặc trách các ban ngành. Khi làm báo cáo tổng kết công tác Phật sự của các cấp Giáo hội, chủ yếu là thu gom thành tích của các cơ sở tự viện, chứ rất ít có thành tích chung mang tính chương trình hoạt động Phật sự, dưới sự chỉ đạo của các ban ngành viện trực thuộc triển khai sâu rộng đến các cơ sở của Giáo hội.

Đất nước đang ngày thay đổi, đời sống xã hội đang chịu ảnh hưởng chung của quá trình quốc tế hoá và hội nhập sâu sắc. Hàng ngày mỗi chúng ta phải giải quyết nhiều công việc phát sinh trong đời sống, nhằm mục đích xây dựng phát triển ổn định Giáo hội trong lòng dân tộc và đáp ứng yêu cầu chung của tình hình đất nước và quốc tế.

Xuất phát tình hình chung đó, mỗi tập thể, cá nhân phụ trách công tác Phật sự phải đổi mới nhận thức, tư duy về trách nhiệm của Tăng Ni đối với Giáo hội và Giáo hội đối với Tăng Ni. Đồng thời phải đổi mới phương thức làm việc và lãnh đạo trong việc hoạnh định xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện chung của xã hội, triển khai sâu rộng trong hệ thống tổ chức, qua đó xây dựng hình ảnh Phật giáo trong cộng đồng dân tộc.

Trong quá trình sống và làm việc đối với tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, mỗi chúng ta phải triệt để tôn trọng nguyên tắc đoàn kết hoà hợp. Trong Kinh Đại bát Niết bàn có đoạn viết: “Này các Tỷ khiêu, khi nào chúng Tỷ khiêu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ khiêu, chúng Tỷ khiêu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”.

Như vậy, tư tưởng đoàn kết, hoà hợp trở thành lực lượng, có ý nghĩa sống còn, lâu dài, quyết định thành tựu của mọi công tác Phật sự đối với Giáo hội, là cơ sở tạo nên sức mạnh cộng hưởng to lớn để dẫn đến sự cường thịnh, không bị suy giảm của Giáo hội ở bất kỳ thời nào trong xã hội. Tư tưởng đại đoàn kết còn là nguyên lý chung của mọi hệ thống chính trị xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết, thành công - thành công - đại thành công”.

Với tinh thần đoàn kết, hoà hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử 2000 năm của mình, đã vận dụng một cách sáng tạo, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh của đất nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mọi tông phái, tổ chức, hễ là người con Phật thì chung một lý tưởng phụng vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, vì thế mà Phật giáo Việt Nam đã được hợp nhất với sự tham gia của 09 tổ chức hệ phái.

Phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, dân chủ, tạo nên sức mạnh tập trung, ở mỗi cấp Giáo hội đều có ban lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Trong quá trình triển khai công tác Phật sự, tập thể ban lãnh đạo và mỗi cá nhân phụ trách phải tuân thủ hai nguyên tắc được quy định tại Luật Phật chế (đối với đạo pháp) và quy định hành chính được quy định tại Luật pháp Nhà nước và Hiến chương, Nội quy, Quy chế hoạt động của tổ chức Giáo hội.

Nếu như những quy định của trong Luật Phật chế là điều kiện cần để sử dụng trong cách ứng xử đối với tập thể Tăng chúng về việc đạo, thì những quy định của hành chính được coi là điều kiện đủ để chúng ta dung hoà giữa đạo và đời. Hai vấn đề trên thực chất chỉ là một nội dung, vì các pháp của Phật không ngoài các pháp thế gian (Phật Pháp bất ly thế giác giác).

Trên nguyên tắc đó, mỗi cấp Giáo hội phải không ngừng kiện toàn tổ chức, thích hợp với từng giai đoạn phát triển chung của xã hội. Phải rà soát lại những quy định đã lỗi thời, kịp thời bổ sung, phát huy sức mạnh tập thể. Đối với các ban ngành viện chuyên môn phải tự đổi mới, chủ động triển khai các nhiệm vụ Phật sự, tham mưu cho cấp lãnh đạo các chương trình hoạt động ích đạo lợi đời, hướng dẫn thực hiện sâu rộng trong hệ thống tổ chức và cơ sở tự viện, tạo nên phong trào, gắn với kết quả chung của các cấp Giáo hội.

Hơn ai hết, chúng ta là những người xuất gia, làm việc của những người xuất gia, lấy công thưởng đức, đền đáp bốn ân, hàng ngày lễ Phật, tụng kinh cầu nguyện quốc thái dân an, thì phải thấy được trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, với Giáo hội để vượt qua những nhận thức tư duy lỗi thời, để đoàn kết, hoà hợp, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động Phật sự, nhằm xây dựng hình ảnh Phật giáo trong lòng dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, và sự xương minh của đạo pháp.

Đánh dấu lênChia sẻ trên Facebook Facebook | Twitter bài viết này Twitter | Chia sẻ trên Google Google |

Subscribe to comments feedPhản hồi (8 bài gửi):

Sen Hồng vào lúc 03/09/2011 17:44
avatar
Xin cảm ơn Đại đức đã có bài viết tham luận thực là xác đáng;nhân đây con có ý kiến,kiến nghị GHPGVN và ban chỉ đạo TWGHPGVN về việc chuân bị Đại hội PGVN các cấp cơ sở : Con nghĩ rằng cả một Ban đại diện PG của một huyện gần 50 chư Tăng,Ni mà không có lấy 1 đại biểu đi dự Đại hội PGVN toàn quốc thì quả là THIỆT THÒI quá;một tỉnh có 10 huyện,thị thì ít nhất phải có 11 đại biểu thì mới có sự trọn vẹn và chu đáo.Từ trước đến khóa vừa qua con chỉ thấy có 6 vị ;mà các Quý vị lại cao niên ( tuổi cao,sức đã yếu);như thế thì làm sao GHPGVN có sức mạnh và sức bật được!!!? không phải đi dự để nhận kỷ niệm nào đó...mà đi dự Đại hội để lãnh trách nhiệm tối cao và có trọng trách,nhiệm vụ cao cả.
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
thiện trí vào lúc 03/09/2011 19:33
avatar
thầy minh tiến nói đúng lắm,phật giáo phải vững mạnh là nhờ vào tăng ni trẻ.Thì đại hội các tỉnh cần nên trẻ hóa tăng sự.
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
CHÚ ĐẠI vào lúc 03/09/2011 21:27
avatar
Con thật tâm đắc với bài viết của thầy Minh Tiến.Nhưng thầy ơi khó lắm, thầy làm việc ở tận trung ương nên không biết rõ đó thôi.
Như ở tỉnh con chẳng hạn, cả thành phần ban trị sự đều là thầy trò một nhà. Có thảy 9 vị thì đã 5 vị là đệ tử của vị trưởng Ban Trị Sự, cộng lại là 6. 
Thế nên đưa ra việc gì thì thầy trò thầy ấy quyết tất.
Bây giờ là như thế, mai sau vẫn như thế mà nối tiếp nhau, một gia đình trị, thử hỏi làm sao Phật Giáo Phát triển được.
Thầy không tin thầy thử cho kê khai lý lịch danh sách các Ban Trị Sự ở Bắc là biết ngay mà.
Thật là chán !
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
sa di vào lúc 03/09/2011 22:48
avatar
chú Đại ơi ! 
chú không nên lo chỉ có quê chú là như vậy.
quê mình đây ĐăkLăk cũng vậy
trưởng ban trị sự - trưởng ban hoằng pháp- trưởng ban nghi lễ - cũng cùng một chùa đấy thôi.
khổ lắm chú Đại ơi
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
H.P vào lúc 04/09/2011 07:58
avatar
Tỉnh Khánh Hòa nhà tớ mới Đại hội xong, cũng có khác gì đâu? 1 vị Trưởng ban Trị sự 80 tuổi đã nói trước quên sau, mắt đã mờ dần, đang làm phó thư ký HĐCMTƯ. 9 vị Phó ban trị sự nối hàng nhau lại là 9 vị đại lão Hòa thượng nữa.
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
mạnh đức vào lúc 04/09/2011 08:33
avatar
Điều đại đức nói rất đúng với tình trạng ở TP.HCM. Xin cảm ơn đại đức. Mong BTS THPG TP.HCM đọc bài viết này thật kỹ để làm việc có trách nhiệm hơn.
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
VH vào lúc 04/09/2011 15:32
avatar
Xin độc giả chúng ta có bài phản hồi ,tham luận thì nên nhẹ nhàng một chút,tế nhị một chút,khéo léo một chút...để LÀM NÊN CÁI VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA KHÔNG NHỮNG NGƯỜI VIỆT TRONG THỜI ĐẠI @ MÀ AI ĐÓ - NGƯỜI NGOẠI ĐẠO HỌ CÓ VÀO XEM THÌ HỌ CŨNG PHẢI CÚI ĐẦU THÁN PHỤC CÁI VĂN HÓA ỨNG XỬ CỦA CHÚNG TA...CÁC BẠN NHÉ.
Báo cáo phản hồi không thích hợp
Phản hồi hayPhản hồi dở
0
sadi vào lúc 04/09/2011 18:40
avatar
nếu ai đó đã từng về tỉnh hội Đắc Nông sẽ thấy được sự khởi sắc từ các tăng , ni trẻ hiện đang lãnh đạo giáo hội tỉnh nhà. 
Sức sống trẻ từ các tăng, ni đã làm nên một Phật giáo Đắc Nông ngày càng vươn lên với nhiều hoạt động thu hút số đông phật tử. 

Đắc Nông là tỉnh nghèo " rách mồng tơi" được tách ra từ Đắc Lắc vài năm
nhưng tinh thần hoằng pháp thì thật đáng tán thán không nghèo chút nào.

Lãnh đạo giáo hội Đắc Nông không ở chung một chùa... âu cũng là lý do để họ khởi sắc????

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/diendan/phatsuhomnay/16148.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang