Trong đó 86 người khẳng
định rằng rất quan tâm đến vấn đề tâm linh. Đây có phải là chuyện ngẫu
nhiên?
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (áo vàng) tham gia khóa thiền cùng các doanh nhân. Ảnh: P.H. |
Doanh nhân là những người điều hành, quản lý doanh nghiệp,
lo việc kinh doanh của doanh nghiệp. Họ là những người chịu trách nhiệm
kiếm tiền cho doanh nghiệp và tìm mọi cách để doanh nghiệp phát triển.
Từng nước, tỷ lệ doanh nhân có khác nhau nhưng theo tôi biết con số này
thường dao động từ 5% đến 22% dân số quốc gia.
Doanh nhân làm
việc với thị trường, vì thị trường là môi trường để kinh doanh. Trong
thế kỷ XXI này, mỗi doanh nhân phải có trí tuệ, sức khỏe, có chí, có
thần kinh vững để chèo lái con đường sự nghiệp vì lợi ích của công ty,
của đất nước và chính họ. Họ không chỉ là những nhà trí thức thực thụ
mà còn có chuyên môn sâu, có hiểu biết trong nhiều lĩnh vực khác nhau
và có các mối quan hệ rộng.
Doanh nhân Việt Nam thuộc loại trẻ
hàng đầu thế giới. Doanh nhân dưới 50 tuổi của nước ta chiếm đến gần
60% và con số này vẫn có chiều hướng gia tăng.
Nói chung, khi
nói đến doanh nhân chúng ta thường hiểu họ là những người lắm của,
nhiều tiền, có cuộc sống sung túc. Số lượng tài sản mà các doanh nhân
nắm giữ chiếm một phần đáng kể tổng tài sản quốc gia. Họ chính là xương
sống cho nền kinh tế của đất nước. Có người nói không sai rằng chính
các doanh nhân là người chủ thực sự của đất nước. Vậy, tại sao doanh
nhân thời nay quan tâm đến tâm linh và họ đang làm gì trong lĩnh vực
tâm linh?
Đọc một số sách và tài liệu nước ngoài tôi được biết
rằng bệnh của thế kỷ XXI là rối loạn chuyển hóa. Chính rối loạn chuyển
hóa sinh ra bao nhiêu loại bệnh khác, trong đó có nhiều bệnh nan y như
tim mạch, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Khi bị căng thẳng, khi bị sức
áp quá lớn, khi ngày đêm bị stress, các doanh nhân rất có nguy cơ bị đủ
các thứ bệnh. Sự thiếu cân bằng chắc chắn là một trong các nguyên nhân
gây ra các bệnh về rối loạn chuyển hóa.
Có một câu chuyện nửa
đùa nửa thật mà tôi đã kể nhiều lần, rằng khi một công dân trái đất hỏi
một vi Tiên về nhận xét của Ông với loài người.Tiên Ông trả lời rằng,
loài người ở trái đất là ngu dốt. Công dân trái đất hết đỗi ngạc nhiên.
Tiên Ông nói rằng loài người tiêu phí sức khỏe của mình trong thời trai
trẻ để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền và để rồi khi lớn tuổi dùng toàn
bộ tiền bạc kiếm được để “mua” lại sức khỏe, nhưng đã không kịp. Doanh
nhân là những người phung phí sức khỏe thời trai tráng thuộc loại bậc
nhất. Và khi về già, cuộc sống của họ sẽ ra sao?
Trong sự nghiệp
kinh doanh của mình, phần lớn doanh nhân ngày đêm nhìn thấy tiền. Họ ăn
với chữ “tiền”, ngủ với tiền. Mơ cũng toàn thấy tiền và tiền. Nhiều
doanh nhân dành hết thời gian, cả ngày lẫn đêm để làm ra tiền vì họ
khát khao làm ra tiền, nhiều tiền, cho họ và doanh nghiệp của họ. Tiền
rất tốt cho cuộc sống. Tuy nhiên tiền cũng như lửa - có 2 mặt của nó.
Những từ như “tiền bạc”, “tiền tệ” chúng ta rất hay được nghe. Nhưng
tiền cũng rất bạc bẽo, tiền cũng rất tệ. Chính vì vậy nhiều doanh nhân
cũng đã chết vì tiền, chết cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Chính vì
sự xoay vần trong kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp mà doanh nhân rất
cần có cuộc sống cân bằng. Họ cần ngộ ra để biết rằng tiền cũng chỉ là
một phần của cuộc sống, rằng hạnh phúc và bình an rất quan trọng trong
sự nghiệp của họ. Chính vì vậy tâm linh rất cần thiết đối với doanh
nhân.
Ngày nay nhiều doanh nhân đã thật sự dựa vào tâm linh để
sống và làm việc. Tâm linh giúp cho doanh nhân gieo vào tâm của mình tư
duy đúng - mang lợi ích cho mọi người xung quanh, cho cả doanh nghiệp,
trong đó có mình. Khi doanh nhân đi theo con đường tâm linh, họ luôn có
mong muốn để mỗi cá nhân, cả doanh nghiệp, mọi đối tác được giàu có và
thành đạt, được hạnh phúc và bình an.
Nhiều người hỏi tôi, tại
sao các doanh nhân có nhiều tiền lắm của, quyền lực lớn vậy mà vẫn tìm
đến với tâm linh. Xin thưa, con người chúng ta, dù có chức vụ cao thế
nào, dù có nhiều tiền đến đâu vẫn luôn tìm cho mình chỗ dựa. Doanh nhân
lại càng như vậy. Nhất là những khi chịu sức ép lớn, trách nhiệm cao,
khi có quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi cũng muốn dựa vào đâu
đó, vào ai đó. Nhiều người đã tìm đến đức Phật, … Một số đã tìm ra chỗ
dựa tâm linh cao nhất - dựa vào chính mình, chính nội lực và tâm của
mình. Tâm linh giúp doanh nhân có chỗ dựa.
Bạn có thể thắc mắc
rằng sự khác biệt trong vấn đề tâm linh của doanh nhân là gì. Theo tôi
các doanh nhân thường tin và có niềm tin một cách chọn lọc. Họ thường
tin vào những gì mang tính khoa học, có tính thuyết phục, logic. Doanh
nhân không tin mù quáng. Để doanh nhân tin vào cái gì đó không dễ.
Những gì họ tin thường đã được kiểm chứng và có tính thuyết phục cao.
Và một khi đã tin rồi, niềm tin có sức mạnh rất lớn đối với họ. 67%
doanh nhân được phỏng vấn cho rằng đức tin đã giúp cho họ thành công
trong các dự án, công trình. 73% người được hỏi cho biết sức mạnh vô
hình, sức mạnh từ nội tâm đã giúp họ vượt qua nhiều khó khăn tưởng
chừng không thể qua nổi.
Khoảng đời sống tâm linh, các doanh
nhân giàu có họ luôn nghĩ đến việc dùng những đồng tiền của mình như
thế nào để mang lại nhiều hơn lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội. Những
doanh nhân tâm linh hiểu rất rõ luật nhân quả, hiểu ý nghĩa của việc
cho và nhận. Nhờ tâm linh mà họ biết cách để tự quản lý nghiệp của
chính mình. Những doanh nhân giàu có thường sẻ chia sự giàu của mình
với xã hội, với cộng động. Doanh nhân Việt Nam chúng ta tham gia rất
tích cực vào công tác từ thiện. Có được như vậy là nhờ những hiểu biết
và việc áp dụng tâm linh vào cuộc sống.
Ngày nay nhiều doanh
nhân áp dụng sâu sắc triết lý đạo Phật trong kinh doanh. Ở TP HCM có
các CLB như Doanh nhân Phật tử, thiền, yoga... Doanh nhân và giới tri
thức tham gia rất đông. Nhiều khóa tu dành riêng cho doanh nhân đã được
tổ chức và đã mang lại những lợi ích rất lớn và thiết thực. Chính nhờ
những chương trình tâm linh như vậy các doanh nhân đã hiểu rõ chính
mình, tìm thấy chính mình, để tâm hồn mình lắng đọng, để có thời gian
ngẫm nghĩ về công việc, về cách làm ăn của mình, để tránh những điều
đáng tiếc có thể xảy ra, để tránh tối đa những gian lận, những việc làm
có thể mang hậu quả dài lâu cho xã hội và chính doanh nghiệp của mình.
Bản
chất kinh doanh là mang lại lợi ích, lợi ích cho chính mình và cộng
đồng. Chính nhờ hiểu rõ giá trị của tâm linh mà các doanh nhân đã không
chấp nhận kinh doanh bằng mọi giá, không dùng các mánh khóe, thủ đoạn
để làm giàu. Nhờ hiểu biết về tâm linh mà các doanh nhân kiếm tiền đích
thực bằng trái tim, khối óc, sức lực và trí tuệ của mình và của cả tập
thể. Họ biết rất rõ rằng mật pháp để kinh doanh thành công và bền vững
là thật tâm, là bằng cái tâm chân chính của mình.
Tôi tin rằng,
nhân dịp đầu xuân mới này, mỗi doanh nhân có cơ hội ngồi lại nhìn sâu
thẳm vào chính tâm can của mình để hiểu mình đã và đang làm gì. Tôi tin
rằng đa số các doanh nhân Việt Nam chúng ta trong những ngày năm mới
này vẫn dựa vào tâm linh, vào tâm sáng của mình để làm giàu nhiều hơn,
mang lại lợi ích cho chính mình và xã hội lớn hơn. Có tâm thì sẽ có
linh. Với tâm linh, không chỉ các doanh nhân sẽ có cuộc sống sung túc
và hạnh phúc.
Theo VnExpress
(*) Bài viết của ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books