Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Xót xa nhìn đám tang ở Sài thành
12/02/2012 14:13 (GMT+7)




Sống ở mảnh đất rồng này, bao nhiêu bộn bề của cuộc sống, lo toan, rồi chứng kiến bao nhiêu cảnh tranh giành, trộm cướp,… mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây đều phải cảnh giác, lo sợ, hồi hộp. Rồi một lần chứng kiến cảnh đám tang ở một quận trung tâm Sài thành này, chợt thở dài, sao người ta có thể làm thế. Lòng người, tình thương ở đâu khi nỗi buồn xen lẫn với niềm vui, tiếng cười đùa, tiếng la hét trước quan tài mà người chết nằm đó. Có gì đâu mà lạ, một đám tang hỗn tạp, không ra gì, phi đạo đức, phi văn hóa!

Ở các vùng ven, nông thôn đám tang thường có thầy về siêu độ, tụng kinh cho người khuất được về thế giới bên kia an lành. Tiếng chuông mõ, tiếng khóc thương của người thân tạo nên một không khí trầm buồn, mà làm cho người viếng tiếc thương. Còn đằng này, ở chốn phồn vinh, nơi bậc nhất, mọi thứ diễn ra trái ngược lại. Ở đây, trước ngày di quan, người ta cứ bàn tán xôn xao liệu có pê đê lại múa hát không, có giúp vui không?…

Một đêm chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nơi một đám tang, như một vũ trường di động. Tiếng nhạc như ở vũ trường tạo nên một không khí sôi động. Nhóm người này còn hát hò, nhảy múa những dòng nhạc dành cho bar, vũ trường, các điệu múa có một không hai như những vũ công múa điêu luyện, mà đôi khi người ta cứ lầm tưởng là vũ nữ múa cột, lắc qua lắc lại xung quanh linh cữu người chết.

Thật đáng buồn và nhục nhã khi thấy cảnh tượng này. Càng đáng trách hơn khi lẽ ra một đám tang phải thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng, lịch sự, hạn chế tối đa có thể về trang điểm cho bản thân, cách ăn mặc cầu kỳ, lòe loẹt… Còn đằng này, nhóm người kia ngoài ca hát còn nhảy múa đến mức thoát cả y phục. Quá lộ liễu, xem thường chuyện tôn nghiêm của tang lễ. Bởi chỉ có thể làm như vậy họ mới dễ nhận tiền hơn từ người xem, họ nhét tiền vào những chỗ mà người ta luôn che đậy. Sự hiếu kỳ càng làm cho họ muốn tìm hiểu. Tại sao trong đám tang có thể làm như thế được? Trong khi người chết vẫn nằm kia bên ngọn đèn leo lét, nhang vẫn hun hút khói và gia chủ thì cứ vẫn thản nhiên nhìn, mặc cho ở ngoài diễn ra bao nhiêu trò vui, trò lạ…

Thử đặt câu hỏi tại sao nhóm người này lại biết và đến đám tang, và rồi câu trả lời là họ đã móc nối với những “chủ trại bán quan tài”, một cú điện thoại là biết ngay địa điểm thích hợp, thời điểm đêm trước ngày chôn cất người chết. Sau đó, việc tìm đến gia chủ và thỏa thuận “ăn chia” trong giây lát, lý do ngụy biện là nhờ có họ đến mà nhiều người biết và thăm viếng. Không ai dám đụng chạm hay xen vào, bởi họ cũng có người bảo kê, đỡ đầu.

Còn những người xem thì thế nào, sao lại có những hành vi kỳ lạ, thô bỉ trong đám tang? Lý do được cho là vì họ ăn nhậu say trong đám tang rồi không làm chủ được bản thân, hòa cùng âm nhạc và không thể kìm lòng được trước những gì đang diễn ra trước mắt nên ai cũng làm như nhau, có những hành vi giống nhau. Có người thậm chí còn quay phim, chụp hình ghi lại nữa là đằng khác. Tranh thủ có sẵn nhạc, nhiều người cũng bỏ sức ra hát, múa, nhảy cùng giúp vui… đôi khi thấy hơi quá đà, cũng dừng lại trong giây lát, nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đó, vẫn cứ diễn ra cho đến khi mệt, khi không còn ai.

Điều gì đã làm cho một vài đám tang thời nay thay đổi đến mức kỳ lạ như thế? Xét về nhân phẩm thì nó đã đi quá xa các chuẩn mực đạo đức, còn về phương diện văn hóa thì đây là một biểu hiện xấu, phi văn hóa, phi đạo đức, không còn gì để bàn luận, đánh giá nữa. Chẳng lẽ, xã hội phát triển thì người ta muốn làm gì thì làm, thích đi ngược lại với đời, làm cho khác, cho mới, cho lạ. Toàn là những lý do phản biện đầy tham tính, đó có lẽ vì kiếm chác chút đỉnh về lợi lộc nhưng họ lại đi quá đà, làm khác đi bản chất lâu nay vốn có, để lại nguy hiểm cho xã hội. Người ta nhìn vào sẽ nghĩ sao về việc làm này, cần phải dừng lại ngay, chấm dứt. Còn bọn trẻ sẽ nghĩ sao trong khi đầu óc nó vẫn chưa có gì, ngây thơ nhưng đã chèn vào những hình ảnh lố lăng, tăm tối.

Chẳng lẽ, phải làm như thế để người chết trong quan tài phải mỉm cười khi đi về thế giới bên kia. Còn người giúp vui thì được tiền, người đến viếng xem cũng chẳng mất mát gì, trái lại còn được thú vui, trọn vẹn cả đôi điều. Với cái cách làm như thế, đã làm biến chất truyền thống tang lễ tôn nghiêm mà lâu nay ông bà ta để lại.

Làm cho đám tang thật vui, thật sống động, và đặc biệt là thật lạ cho hấp dẫn, khác đời. Nhìn những cái đám như vậy, giống như trong một hội chợ với dòng người hỗn tạp, thật sự ngậm ngùi. Xót xa khi thấy một đám tang như thế…
Văn Điệp

http://giacngo.com.vn/tuvansongdao/songdao/2012/02/12/125452/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang