Nơi đó là một ngôi chùa ấp áp tình thương và tràn ngập những
tiếng cười của gần 50 em nhỏ mồ côi luôn coi thầy là một người thân trong gia
đình.
Thầy Florian Jung (Thích Đồng Hòa) và các chú tiểu ở tịnh xá Bửu Sơn
Có duyên với
Phật môn từ năm 14 tuổi, tình cờ đi chùa cùng một gia đình Phật tử Việt Nam
sống tại Đức, qua một khóa tu dành cho các bạn trẻ - thầy Florian Jung (Thích
Đồng Hòa) nhớ lại. Từ đó, những bài giảng của các thầy đã ăn sâu vào tâm trí
cậu, để rồi cứ Chủ nhật hàng tuần ngoài việc học, Florian Jung lại tới chùa để
nghe các sư thầy giảng pháp.
Sau khi hội
đủ duyên lành tu tập, Florian Jung xin gia đình xuất gia, bước sang một trang
mới trong cuộc sống. “Tôi thật sự có nhiều cảm xúc không nói lên thành lời vì
niềm hạnh phúc sẽ được bước trên con đường tu tập của một Tăng sinh trong độ
tuổi đôi mươi”, thầy chia sẻ.
Với tâm
nguyện mang lại tình thương, niềm vui cho các em nhỏ bất hạnh, Florian Jung đã
chọn ngôi tịnh xá Bửu Sơn thanh bình với tiếng cười nói vui vẻ, hồn nhiên của
những em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây trên bước đường tu tập, nhân duyên đó
được lớn dần lên trong Đại giới đàn “Hành Trụ 2011” - được quý thầy cho thọ
giới ở Việt Nam, với mong ước khi về nước sẽ mang những giáo lý Phật pháp lan
tỏa trên mảnh đất quê hương với hơn 260.000 người theo đạo Phật, thầy tâm
huyết.
Hỏi về những dự định của mình, thầy cho
biết ngoài công việc tiếp tục học Phật pháp - nghiên cứu Phật học chuyên sâu để
hiểu hơn về giáo lý cho thông suốt thì sau này thầy sẽ đi hoằng pháp, giúp bà
con Phật tử hiểu đạo, tu tập có hạnh phúc, nhất là hoằng pháp cho thanh thiếu
niên. Bên cạnh đó thì công việc phụ giúp các thầy chăm sóc cho các em nhỏ cũng
là một niềm vui, an lạc trên đường tu học đã gắn liền với thầy trong cuộc sống
hàng ngày.
Để tiếp thu tốt và nhớ vững kiến thức đã
học trong khi ngôn ngữ có lúc… bất đồng, thầy chia sẻ: “Là một Tăng sinh nước
ngoài, thời gian đầu do bất đồng về ngôn ngữ nên khi có thời gian học là phải
tranh thủ học mọi lúc mọi nơi. Thấy gì hay là tôi học, tôi học không chỉ ở
trường mà học cả lúc về chùa, chỉ cần chịu khó và phát tâm ham học là sẽ tiếp
thu kiến thức dễ dàng”.
Thầy kể khi tới Việt Nam kỷ niệm
đáng nhớ là lúc ở tịnh xá: “Cái gì cũng có nhân duyên của nó, lần đầu khi tới
tịnh xá Bửu Sơn tôi được các em nhỏ gọi một cách thân thương “thầy Tây”. Từ
những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng được các thầy ở đây giúp đỡ làm cho tôi càng thêm
gắn bó với nơi đây hơn, từ đó có thêm nghị lực để học tiếp, để vượt qua sự
khiếm khuyết ngôn ngữ mà mình đang vướng”.
Con đường đến với cửa Phật được thầy định hướng đi cho mình từ
năm 14 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp 12 thầy xin vào chùa để học, cho đến năm 22
tuổi thầy mới xuất gia sau khi được mẹ cho phép. Ở Việt Nam, nương tựa Phật
pháp, nương tựa thầy, bạn đồng tu, tâm nguyện của thầy sau khi về nước chính là
từ kiến thức đã học cộng với lợi thế về tiếng Đức thầy sẽ đi chuyên sâu hơn
trong việc đưa Phật giáo tới các bạn trẻ Đức để họ hiểu hơn nữa về Phật giáo
Việt Nam và hiểu nhiều hơn về văn hóa Phật giáo nói chung!
Vũ Giang
Cùng quý độc giả:
Chuyện những Thiên thần quét lá là
tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là
chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các
chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa
chùa.
Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc
chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ
niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm.
Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài
được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một
bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và
quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý
độc giả Báo Giác Ngộ. Giác Ngộ |