cho Phật
giáo về một đề tài chưa được giới Phật giáo nghiên cứu nhiều trước đó. Nội dung
cuốn sách tập trung thảo luận về đạo đức học Phật giáo và liên hệ nó với những
vấn đề đạo đức hiện đại như phá thai, hạn chế sinh sản, nghiên cứu phôi thai,
trợ tử, việc kéo dài trạng thái sống thực vật.v.v… Cuốn sách cũng bàn đến vấn đề
khi nào thì đời sống một con người được xem chính thức bắt đầu, và khi nào cái
chết được coi chính thức xảy ra.
Keown biện
luận rằng đời sống của một con người bắt đầu từ lúc thụ thai, thời điểm theo
ông là thức (viññāna) chính thức
hiện hữu. Keown xem thức là phần cốt tuỷ nhất trong năm uẩn mà nó cấu thành nên
một con người. Với sự cân nhắc và chọn lựa, Keown đã dịch thuật ngữ viññāna thành tinh thần, thay vì thức,
và rồi đưa nó đến gần với khái niệm linh hồn của Thiên chúa giáo có nguồn gốc từ
Aristotele. Ông cũng đánh đồng viññāna
với gandhabba (S. gandharva/antarābhava, thân trung ấm, hoặc trung hữu), thuật ngữ chỉ cho thực
thể chuyển tiếp từ đời sống này sang đời sống khác mà nó được Kim Cương thừa chấp
nhận trong việc giải thích tái sanh, và được giảng giải cặn kẻ trong Tử thư
(Bardo thodol) của Tây Tạng. Dựa trên luận cứ này, Keown kết luận rằng phá thai
là trái với đạo đức Phật giáo, phạm vào giới thứ nhất là không được tước đoạt mạng
sống.
Quan điểm
này của Damien Keown đã không được Michael
G. Barnhart** chấp nhận. Dựa trên học thuyết Vô ngã (anatta), Barnhart biện luận
rằng, thức, cũng như tất cả các uẩn khác, tất cả đều không phải là những thực
thể tương tiếp từ đời sống này sang đời sống khác. Và theo ông, thức có mặt chỉ
khi não bộ đã phát triển, cũng có nghĩa rằng nó chưa hiện diện vào thời điểm đầu
của một bào thai. Bằng sự lập luận này, Barnhart cho rằng bào thai chưa phải là
một con người đúng nghĩa, nên phá thai là làm tổn hại một mầm sống, mà không phải
giết người, do đó không phạm vào giới thứ nhất như Keown đã biện luận.
(Barnhart [dường như] quan niệm rằng, giới thứ nhất là không giết người cố ý,
mà không phải không sát sanh nói chung).
Tuy nhiên, Barnhart cũng cho rằng phá thai là điều không đúng với tinh thần
Phật giáo. Nhưng tuy vậy Phật giáo cần khoan dung hơn với vấn đề này, bởi vì đời
sống con người hiện tại là quan trọng hơn cả. Phá thai hẳn nhiên là điều không
nên khuyến khích; nhưng cũng không nên triệt để ngăn cấm. Quan điểm tương tự có
thể tìm thấy nơi cuốn “Thế giới Thứ Bảy của Phật Giáo Thiền” (The Seventh World
of Chan Buddhism) của Ni sư Ming Zhen Shakya (người Hoa Kỳ nhưng xuất gia ở
Trung Quốc). Ni sư cho rằng, việc ngăn cấm phá thai triệt để sẽ đưa đến nguy hiểm
cho những phụ nữ nghèo và thiếu hiểu biết. Bởi vì vấn đề phá thai dù có bị cấm
hay không thì nó vẫn xảy ra trong mọi xã hội và trong mọi thời đại. Và khi phá
thai bị ngăn cấm, những phụ nữ giàu sẽ tìm đến những nơi hợp pháp để thực hiện điều
đó; còn những phụ nữ nghèo và thiếu hiểu biết sẽ gặp rắc rối lớn, và có thể
nguy hiểm đến tính mạng nếu họ thực hiện điều đó một cách lén lút (Ming Zhen
Shakya, 1985, tr. 163).
Dưới đây là bài phê bình của Michael G. Barnhart về quan điểm chống phá
thai của Damien Keown được đưa ra trong cuốn “Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học.”
* * *
Từ những nguồn tài liệu khác nhau, cho thấy rằng phá
thai bị phản đối mạnh mẽ trong truyền thống Phật giáo. Nhưng đồng thời cũng cho
thấy rằng phá thai không bị Phật giáo Nhật Bản phản đối, và được một số Phật tử
hiện đại ở Mỹ chấp nhận trong một vài trường hợp ngoại lệ.[1] Những nguồn tài
liệu đó hầu hết thường viện dẫn rằng ngăn cấm phá thai là của truyền thống
Theravāda. Ngược lại, Phật giáo Nhật cũng như những truyền thống mà chúng có giải
pháp khoan hòa hơn là thuộc những truyền thống về sau và là những truyền thống thuộc
Phật giáo Đại thừa. Bề ngoài, vấn đề dường như không khác với trường hợp của Thiên
chúa giáo La Mã, nơi phá thai cho dù bị phản đối bằng những lời lẽ gay gắt nhất
bởi những người có thẩm quyền của Giáo hội cậy vào truyền thống Kinh thánh, tuy
vậy lại được một số lớn con chiên ngoan đạo thực hiện, và ít nhất cũng được một
số những nhà thần học và triết gia bênh vực, là có thể được chấp nhận trong một
vài trường hợp.
Như vậy, nếu việc bênh vực phá thai của Thiên chúa giáo
tạo nên sự quan tâm, thì việc bênh vực phá thai của Phật giáo cũng thật sự có ý
nghĩa, một sự bênh vực được thực hiện bằng một sự hiểu biết đầy đủ mà một người
đang bơi ngược lại xu hướng giải thích theo quy ước nhưng vẫn ở bên trong truyền
thống. Nói cách khác, tôi không có ý bảo rằng Phật giáo cho phép thực hiện hay ủng
hộ sự chọn lựa phá thai, hay quyền của một người khi thực hiện một sự chọn lựa
như vậy, khi tôi chỉ ra rằng một sự chọn lựa như vậy có thể được thực hiện theo
một phương cách phù hợp với những nguyên tắc Phật giáo. Chính Phật giáo, do đó
cần phát biểu nhiều hơn nữa tiếng nói đạo đức về vấn đề này; và hơn nữa, bản chất
của việc tranh luận đạo đức có thể có những hàm ý quan trọng cho những vấn đề
khác ở trong tình huống tương tự, và mở rộng cơ sở lý thuyết cũng như những luận
cứ đạo đức liên quan.
I. Một trong những trường hợp chống phá thai mạnh mẽ nhất
theo một quan điểm Phật giáo đã thể hiện rõ nơi cuốn Phật Giáo và Đạo Đức Sinh Học của Damien Keown, một cuốn sách phân
tích cực kỳ tỉ mỉ và sâu sắc về những nhánh đạo đức sinh học của Phật giáo.[2]
Keown biện luận rằng sự nổi trội của truyền thống Phật giáo là cực lực chống
phá thai. Ủng hộ điều này, ông thuyết minh hai tuyến luận cứ. Luận cứ thứ nhất
dựa vào việc chống phá thai hầu như nhất quán, đặc biệt ở trong những bản kinh
Theravāda, điều Keown xem như là cốt lõi của truyền thống Phật giáo. Ở đây tôi
tin ông có luận cứ khá vững chắc mặc dù tôi không chắc lắm việc ông đề cập đến
điều mà ông gọi là “trào lưu chính thống Phật giáo” và đồng thời nhấn mạnh vào
“thẩm quyền kinh điển.”[3] Luận cứ thứ hai liên quan đến việc giải thích của
ông về những nguồn kinh sách này và nối kết chúng với những giáo thuyết căn bản
của Phật giáo: tính đồng nhất con người và các uẩn (skandhas), nghiệp và tái sanh, sống và chết.
Tôi thấy thảo luận của Keown về các nguồn kinh sách mà
chúng liên quan trực tiếp đến vấn đề phá thai là khá thuyết phục. Ở trong Tam tạng
(Pāli), hay ở trong những luận giải của Phật Âm (Buddhagosa), hoàn toàn rõ ràng
rằng phá thai được xem là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, như Keown chỉ ra
[tr. 92], các trường hợp đề cập đến những phụ nữ tìm kiếm phá thai vì những lý
do gây tranh cãi, có lẽ do sự vị kỷ, bao gồm “giấu giếm những chuyện ngoại
tình, ngăn chận quyền thừa kế, và sự kình địch trong gia đình giữa các bà vợ
chung chồng.” Nói tóm lại, nếu đây là những trường hợp điển hình của việc phá
thai, thì tình thế thiên mạnh sang chống lại việc thực hành phá thai. Keown nhận
xét nơi phần phụ chú rằng Phật giáo chắc chắn đứng về phía một phụ nữ tìm kiếm
sự phá thai để cứu lấy mạng sống của phụ nữ ấy. Tại sao Phật giáo tạo nên một sự
ngoại lệ như vậy thì không rõ ràng, đặc biệt y cứ vào những trường hợp mà Keown
đưa ra nhằm chống lại việc phá thai. Vì nếu phá thai luôn phạm Giới thứ nhất là không được tước đoạt mạng
sống, đặc biệt đời sống phát triển cao về phương diện nghiệp là đời sống của một
con người đang phát triển, vậy thì tại sao điều kiện nguy hiểm của người mẹ tạo
nên một sự sai khác? Tại sao yêu thích mạng sống này hơn mạng sống khác?
Hẳn nhiên, người ta có thể biện luận rằng phá thai
trong những trường hợp như vậy là một hình thức tự vệ. Sự thật Keown dường như
thấy rằng sát hại ở trong việc tự vệ thì không phải là trường hợp tước đoạt mạng
sống (lại được chỉ ra trong phần phụ lục). Nhưng việc mang thai và những nguy
cơ kèm theo cho thấy một loại tình huống hoàn toàn khác với tình huống tự vệ.
Trong trường hợp một bào thai, nếu mạng sống của người mẹ lâm nguy, thì không
phải vì bào thai có cử chỉ đang tấn công người mẹ. Đúng ra, điều kiện y học của
người mẹ khiến cho bà không thể mang một bào thai đến đúng kỳ sinh nở một cách
an toàn. Cho dù chính điều kiện y học của bào thai gây nên nguy hiểm cho người
mẹ, thì nó không hề giống với một sự tấn công vật lý. Bào thai không có trách
nhiệm về điều kiện y học của nó và không hề cố ý làm hại mẹ nó. Do đó câu hỏi tại
sao có những ngoại lệ đặc biệt như vậy đối với việc ngăn cấm chung về phá thai
vẫn chưa được trả lời. Tương tự, nếu những ngoại lệ như vậy có thể thực hiện, thì
tại sao không thực hiện chúng trong những trường hợp khác, những trường hợp có
thể ít đe dọa nhưng vẫn còn nhiều nguy hiểm?
Nhưng cho dù việc ngăn cấm phá thai của Phật giáo
nguyên thuỷ có hoàn toàn phù hợp hay không, sự thật rằng bằng chứng kinh điển
là chống lại việc phá thai. Tuy nhiên, khi đi đến liên hệ việc kết tội phá thai
với những suy xét sâu xa hơn của Phật giáo, thì tình huống trở nên kém thuyết
phục và có thể tạo nên chỗ tựa trong truyền thống Theravāda cho một sự định giá
khác về phá thai. Keown biện luận rằng Giới
thứ nhất cấm tước đoạt mạng sống là một phần của việc tôn trọng sự sống, mà
sự sống là một trong ba điều tốt cơ bản của Phật giáo: sự sống, trí tuệ và
“tình hữu nghị.” Trong khi việc tôn trọng sự sống là không thể phủ nhận được,
phá thai luôn phụ thuộc vào vấn đề rằng bào thai có thật sự là một mạng sống theo
đúng nghĩa thích hợp hay không, và người ta có thể thách thức Phật giáo hay
Keown về điểm này hay không. Tức là, như Keown giải thích hoàn toàn rõ ràng, mặc
dù Phật giáo coi trọng sự sống, nhưng không xem tất cả mọi sự sống đều như
nhau, và đời sống con người đang ở một giai đoạn phát triển cao về phương diện
nghiệp là đặc biệt quan trọng. Bào thai ở mọi giai đoạn phát triển của nó dĩ
nhiên là đang sống, nhưng rõ ràng nó không phải là một con người được công nhận
ở mọi giai đoạn. Vì chỉ là một bào thai, nó tất nhiên thiếu nhiều thuộc tính mà
người ta có thể gán cho nó là con người ngoại trừ hệ thống gene của nó. Do đó, trừ
phi người ta khẳng định rằng một số chuỗi gene thật sự là cốt tuỷ của loài người
chúng ta, thì người ta không thể nói rằng một cái trừng thụ tinh là một con người
phát triển bởi vì nó chỉ là một cái trứng thụ tinh.
Nói cách khác, chúng ta cần có một lý thuyết về những
gì cấu thành nên một con người, một đời sống con người, và do đó là một thứ xứng
đáng được bảo vệ nhất. Điều này được Keown nỗ lực đưa ra thông qua việc thảo luận
về học thuyết ngũ uẩn (skandha) truyền
thống và những liên hệ của nó đối với những giai đoạn phát triển phôi thai khác
nhau của con người. Với một vài ngoại lệ, điều mà tôi sẽ quay trở lại, Keown biện
luận rằng một cái trứng được thụ tinh đã là một con người hoàn chỉnh bởi vì thức
(viññāṇa), thành
phần cốt tuỷ nhất cho một đời sống đã hiện hữu. Viññāṇa, thường được
chuyển dịch là thức, tất nhiên chỉ là một trong năm thành phần (uẩn) của một
chúng sanh. Bốn thành phần khác là: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (suy
nghĩ, tư duy), và hành (các trạng thái tâm).[4] Biện luận của Keown về việc xem
viññāṇa như là uẩn cốt
tuỷ nhất có lẽ được phát biểu rõ nhất trong thảo luận và bác bỏ của ông về khả
năng tri giác như là tiêu chuẩn đạo đức căn bản cho việc tôn trọng một chúng
sanh. Ông viết: “Thức (viññāṇa), uẩn thứ năm, là yếu tố cơ bản nhất. Tuy
nhiên để định rõ viññāṇa, tiêu chuẩn căn cước đạo đức, thì chỉ nói rằng tất cả chúng sanh đều có căn
cước đạo đức, bởi vì không thể tách viññāṇa ra khỏi khối thần kinh của một chúng sanh. Không thể
nào chỉ ra viññāṇa mà không chỉ
ra một sinh vật đang sống, cũng giống như không thể chỉ ra ‘hình thù’ mà không
đề cập đến một đối tượng vật chất.”[5]
Tuy nhiên ông bổ sung, có lẽ không nhất quán: “Nói
chung, vì không phải viññāṇa cũng không
phải uẩn nào khác trong năm uẩn chính nó có thể bao hàm một cách đầy đủ bản chất
của một chúng sanh, nên có lý do để nghi ngờ bất cứ quan điểm nào mà nó quả quyết
xác định uẩn nào đó trong năm uẩn là phần cốt tuỷ ở nơi bản chất con người.”
(Keown 36).
Trước đó ông khẳng định rằng “mặc dù cảm thọ và tư tưởng
định rõ cấu trúc kinh nghiệm, thì chính…viññāṇa cấu thành nên nó.”
Điều mà tôi hiểu Keown đang biện luận ở đây, rằng viññāṇa là yếu tố quan trọng nhất trong năm uẩn; và điều này ít
nhất theo tôi, dường như phi Phật học nhất. Như chính ông chú thích và kinh điển
Pāli lập đi lập lại, chính sự kết hợp cả năm uẩn mới cấu thành nên một chúng
sanh. Vậy thì tại sao lại nhấn mạnh vào thức? Những lý do được trích dẫn ở
trên, theo ý kiến của tôi, là không đứng vững. Rõ ràng rằng, không có thân thể,
không có cảm giác, không có tâm hành (trong ý nghĩa của một nghiệp quá khứ), sẽ
không có một chúng sanh, ít nhất chúng sanh đó là một con người. Tức là khi thiếu
hình hài, cơ thể, có thể người ta có đủ tiêu chuẩn để làm một ngạ quỷ, nhưng
các bản kinh Pāli nói rõ rằng “các uẩn” hình thành nên bản ngã một con người,
hay ít nhất là ảo tưởng về một bản ngã. “Do đó, Đức Phật chỉ đặt xuống năm uẩn,
bởi vì chính năm uẩn này có thể làm cơ sở cho ảo tưởng về một bản ngã hay bất cứ
thứ gì liên quan đến một bản ngã.”[6] Do đó, nếu không có sự nối kết của năm uẩn,
thì không có cái tưởng về bản ngã; và thêm nữa, do đó không có cơ sở cho điều
mà Keown xem như là một cá nhân bản thể tách ra khỏi những đặc tính hiện tượng
đa dạng của nó. Nói tóm lại, không thể tách bất cứ uẩn nào ra khỏi “tổng thể thần
kinh của một chúng sanh.”
Do đó, xem Keown đã nói gì thêm qua thuật ngữ viññāṇa là thật sự quan trọng. Cách dịch có chọn lựa của ông rằng
viññāṇa thực sự không
phải là thức mà là tinh thần, điều mà nêu ra tôi nghĩ nếu không trái với tinh
thần Phật học thì ít nhất cũng có những liên hệ và hàm ý phản Phật học. Keown
loại bỏ việc chuyển dịch viññāṇa là thức theo
truyền thống bởi vì “kinh nghiệm viññāṇa ở trong hình
thức này [là thức] … thì chỉ là một trong nhiều cách thức của nó. Nó tốt hơn được
hiểu như là đang đóng chức năng tại một mức độ sâu hơn và làm nền tảng cho tất
cả những khả năng của một cơ thể” (Keown 25). Ông tiếp tục nhận xét rằng viññāṇa phần nào giống với khái niệm
linh hồn trong Thiên chúa giáo có nguồn gốc từ Aristole, chính là “Yếu tố tinh
thần trong con người mà nó cấu tạo, duy trì và kích hoạt các thành phần vật
lý.” Điều này do đó trở thành lý lẽ bào chữa cho việc khẳng định rằng ‘tinh thần’
là một cách dịch hợp lý thuật ngữ viññāṇa.
Thuật ngữ gây nghi ngờ là “tinh thần”, và tôi không
nghĩ nó là sai lạc khi đề cập đến viññāṇa ở trong một
vài ngữ cảnh như là tinh thần của một con người. Viññāṇa là a-đê-en (DNA) tinh thần mà nó định ra một con người
như là cá thể đang tồn tại (Keown 25).
Khá rối rắm, ông so sánh vai trò của viññāṇa với vai trò của dòng điện trong một chiếc máy tính để
làm sáng tỏ loại duy linh đang hình thành mà ông có trong đầu.
Một dòng điện chạy qua chiếc vi tính và sự hiện hiện diện
vô hình của nó ở trong mỗi phần chức năng. Khi nguồn điện được nối, nhiều hoạt
động phức tạp có thể xảy ra; khi nguồn điện bị cắt đi thì máy tính vẫn là một
chiếc máy tính nhưng chỉ là một đống linh kiện vô dụng. Giống như dòng điện, viññāṇa trao cho cơ thể thực hiện chức năng của nó (Keown 27).
Lý do tôi thấy sự liên hệ này gây khó hiểu là ngoài sự
“hiện diện vô hình”, thì điện cũng hiện diện hoàn toàn rõ ràng. Điện là một hiện
tượng vật lý, không phải hiện tượng tinh thần. Và nếu viññāṇa phải được hiểu trên một kiểu thức như vậy, thì không
chỉ nó không còn có tính cách tinh thần nữa mà cũng không còn thực hiện mục đích
chức năng trong việc giải thích “Yếu tố
tinh thần trong con người mà nó cấu tạo, duy trì và kích hoạt các thành phần vật
lý.” Điện có thể giúp một chiếc máy tính hoạt động, nhưng nó không hề nhận
thức được những thành phần vật lý của nó. Keown dường như đang nuôi dưỡng hai
khái niệm viññāṇa phần nào khác
nhau. Nó là cái có thực gần giống như linh hồn của Aristole mà nó đặc thù và
cấu thành nên một cá nhân bản thể tiến lên cùng với chiếc thang nghiệp đi đến
giác ngộ sau cùng. Cuối cùng, những gì tôi nhận thấy phi Phật học về một sự giải
thích như vậy thì không phải là sự pha trộn hầu như đối chọi về những đặc tính
tâm lý và vật lý, mà là mục đích mà sự lai ghép này bị buộc vào và mối liên hệ
của nó với khái niệm linh hồn. Việc Keown có ý muốn thực hiện một sự nối kết
như vậy là rất rõ ràng, đặc biệt khi ông nhận xét rằng viññāṇa do đó được hiểu như “là kẻ mang căn cước đạo đức của một
con người; trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đời sống này và đời sống kế tiếp… [N]ó
có thể được đề cập như là ‘tinh thần’. Một danh xưng thay thế cho viññāṇa trong trạng thái chuyển tiếp giữa các đời sống là gandhabba, mà nó được dịch là ‘thân
trung ấm/trung hữu’” (Keown 26). Như vậy, viññāṇa được dành cho việc giải thích trách nhiệm đạo đức cá
nhân ngang qua những giai đoạn khác nhau của kiếp sống, từ tái sanh đến Niết-bàn
tối hậu.
Tuy nhiên, một sự giải thích về đời sống con người như
vậy lại không phù hợp với việc phủ nhận bản ngã (atman) của Phật giáo. Thực ra, lối giải thích của Keown về viññāṇa giống với cách hiểu atman
của Vedanta hơn. Ví dụ ở đoạn khác, ông biện luận rằng “căn cước đạo đức” mà
ông đề cập thì không phải điều mà Locke xem như là “tính cách con người.” Khái
niệm của Keown thì rõ ràng hơn nhiều, trong khi khái niệm của Locke với những đặc
tính đi theo của nó về sự hợp lý và sự tự nhận thức là không thích hợp với nhân
chủng học Phật giáo. Những đặc tính hay những khả năng như vậy phát triển tại
những thời điểm khác nhau trong chu kỳ tiến hoá của một con người; do đó, nếu tất
cả những giai đoạn của sự hiện hữu con người là quan trọng về mặt đạo đức bởi
vì chúng tương tục về phương diện nghiệp, thế thì một cách hiểu bao quát về con
người là cần đến để bình ổn tính toàn vẹn của một đời sống con người như được
hiểu. Sức mạnh của khái niệm ngã nằm ở nơi cái nhìn siêu nghiệm của nó về một đời
sống con người và ủng hộ một căn cước đạo đức mà nó vượt qua chuỗi mắt xích tái
sanh. Nói tóm lại, ngã như được hiểu theo truyền thống chính xác thực hiện
những chức năng này: duy trì căn cước đạo đức, trong khi đồng thời không làm
thay đổi bất kỳ đặc tính đặc biệt nào của con người, bao gồm sự tự nhận thức
cũng như tất cả những đặc tính con người nói chung. Nói cách khác, nếu Keown muốn
tìm kiếm một sự chuyển dịch thuật ngữ viññāṇa khác với “thức”, thì thuật ngữ “linh hồn” dường như
thích hợp hơn là “tinh thần”.
Tuy nhiên, nói cho chính xác thì một yếu tố hay thực thể
như vậy là điều mà học thuyết ngũ uẩn của Phật giáo phủ nhận. Một cá nhân đúng
nguyên nghĩa, theo như kinh sách nói, thì giống như một chiếc xe ngựa, không thật
sự có. Nếu một chiếc xe ngựa có mặt, một Phật tử sẽ hỏi, “chiếc xe ngựa ấy
chính xác ở đâu?”
“Thưa
đại vương, nếu ngài đến bằng một chiếc xe ngựa, hãy nói với tôi về chiếc xe ngựa
đó… Từ ‘chiếc xe ngựa’ thì không ngoài một ngữ ngôn, danh xưng, một cái tên cho
tiện gọi bao gồm cọc xe, trục xe, bánh xe, thân xe.
Tương
tự, Nagasena (Na Tiên) thì không ngoài cách gọi, ngữ ngôn, danh xưng, chỉ là
cái tên chỉ cho tóc trên đầu, não, hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm tính và thức.
Mà ở trong ý nghĩa tuyệt đối không có một cái Ngã được tìm thấy ở đây.”[7]
Nói cách khác, không có atman nào cả, và cũng có thể cho rằng, không có cá nhân bản thể nào
cả. Thực tế, “nói cho đúng, khoảng thời gian đời sống của một chúng sanh cực kỳ
ngắn, tồn tại chỉ khi một tư tưởng tồn tại.” [8] Những Phật tử, ngay cả những
Phật tử Theravāda thời xưa, có thể sống rất an ổn mà không thấy có bất cứ thứ
gì có thể làm trở ngại tiến trình hiện hữu, tiến trình luân hồi của họ, và cũng
không cần đưa ra “căn cước đạo đức,” sự tương tục bản thể, hay a-đê-en (DNA)
tinh thần để giải thích tình trạng hiện hữu của họ. Câu hỏi tiếp theo là viññāṇa hay bất cứ đặc tính nào đó có cần tồn tại để giải
thích tính cách con người, hay để giải thích sự tái sanh và nghiệp hay không.
Keown dường như nhận thấy rằng một cách hợp lý phải có một điều gì đó và viññāṇa là ứng cử viên tốt nhất.
Giả định rằng chúng ta hiểu tái sanh không phải là sự
tái sanh của một con người nào đó mà chỉ là một tiến trình hay một chuỗi tiếp nối.
Thì theo cách nhìn này, tất cả mọi hoạt động hay sự kiện chia sẽ một vài hình
thức nối kết tuỳ thuộc (paṭiccasamuppāda/duyên sinh). Do đó, tất cả những hành động và sự kiện mà chúng xảy
ra bây giờ chia sẻ những sự nối kết bản chất với các hành động và sự kiện trong
quá khứ và trong tương lai cùng với một vài yếu tố tự nhiên.
Trong trường hợp con người, những yếu tố này tương ứng
với các uẩn. Sắc, thọ .v.v… tất cả biểu hiện những loại tuỳ thuộc khác nhau giữa
hiện tượng giới. Bởi vì không có ngã, linh hồn hay cái tôi, chúng ta có thể
nhìn vào tiến trình này theo hai cách khác nhau tương ứng với sự khác nhau giữa
giác ngộ và vô minh. Một mặt, chúng ta có thể nhìn vào tiến trình như là một tiến
trình hoàn toàn rỗng nơi không có thứ gì thực sự xảy ra, hoàn toàn không thủ chấp
và do đó thoát khỏi sự trói buộc của tham dục hay sự tham đắm đời sống, và quan
trọng hơn, thoát khỏi những mối lo âu về cái chết. Điều này biểu thị con đường
giác ngộ mà nó không nghĩ đến việc đầu thai bởi vì không có thứ gì tái sanh cả.
Vì thế, Đức Phật khẳng định, cái chết này là cuối cùng của Ngài. Hay, chúng ta
có thể nhìn vào tiến trình từ niềm tin rằng một sự vật có sự kéo dài tương tục.
Từ quan điểm này, có sự tái sanh như là sự đầu thai, trông mong vào những đời sống
tương lai, sự tồn tại của những đời sống quá khứ, và vân vân. Tất yếu chúng ta
phải giải thích tiến trình như là lý lịch của một con người, do vì sự tưởng tượng
về một bản ngã trở nên cần thiết. Chính điều cuối cùng này nó khiến ta vin vào
những khái niệm tương tự với khái niệm của Aristole, như linh hồn, tinh thần hay
“a-đê-en tinh thần.”
Sự thực, Keown biết những vấn đề này và biện luận tại
nhiều điểm rằng viññāṇa không thật sự là một linh hồn, không phải là một
“chủ thể kinh nghiệm” (Keown 26). Ông nói một cách hung hồn:
“Phật giáo
không đặt nền tảng đạo đức học của mình nơi một linh hồn hay bản ngã siêu hình,
và không cho rằng có bất cứ điều nào như vậy tồn tại. Theo Phật giáo, năm uẩn
là những thứ còn lại khi “linh hồn” bị tách ra.” (Keown 28).
Một điều mà tôi muốn nói thêm, là tại sao chúng ta cần
phải nói về “a-đê-en tinh thần” hay “căn cước đạo đức” để tạo nên ý nghĩa Phật
giáo? Các uẩn này chính chúng dường như cũng dễ bị đặt định và hoàn toàn mâu
thuẩn với khái niệm vô ngã. Nói cách
khác, tôi sẽ biện luận rằng, giống như tất cả những uẩn khác (sắc, thọ, tưởng,
hành), thức (viññāṇa) cũng không tồn tại, không vượt ra khỏi hay hiện diện
mãi trong đời sống. Không có uẩn nào trong các uẩn tồn tại bất biến, và đây là
điểm cốt tuỷ của học thuyết vô ngã.
Do đó tôi không xem viññāṇa ở trong trạng thái tương tiếp với một thứ nào
đó, lại càng không phải là gandhabba
(thân trung ấm), đơn giản bởi vì nó không tương tiếp.[9]
Keown nói nhiều về vai trò cốt tuỷ của gandhabba ở trong tiến trình thụ thai như
được mô tả trong nhiều nguồn kinh Phật khác nhau. Giải thích về sự chuyển tiếp của
một thực thể trung gian cùng lúc với những điều kiện sinh học tại thời điểm thụ
thai là đưa ra điều trông rất giống với sự giải thích về việc tạo linh hồn. Điều
như vậy do đó biện hộ cho khẳng định của Keown rằng, đối với những Phật tử “nơi đa số các trường hợp, đời sống cá nhân
được tạo ra qua sự sinh sản hữu tính và bắt đầu nơi sự thụ thai” (Keown
91).[10] Do đó, phá thai là phi đạo đức bởi vì nó tước đi mạng sống và phạm vào
Giới thứ nhất là không được sát sanh.
Dưới dạng một biện hộ của Phật giáo về phá thai, khó
khăn chính đối với phép phân tích của Keown là liên quan đến cách hiểu của ông
về quan điểm sự sống của Phật giáo mà nó gộp phá thai dưới tiêu đề chung là giết
người cố ý. Dựa vào hiểu biết của mình về học thuyết vô ngã (anatta),
tôi thấy không có lý do để tán thành cách hiểu của Keown về đời sống con người theo
quan điểm Phật giáo. Đối với Keown, về mặt sinh học, sinh mạng con người là có
ý nghĩa quy phạm bởi vì nó sống được nhờ gandhabba
do đời trước truyền lại, như vậy cần thiết xem nó như là một cá nhân về phương
diện bản thể.
Một đời sống con người, trong ý nghĩa đạo đức, bắt đầu
một cách rõ ràng khi tất cả các uẩn cùng có mặt, và đức Phật cũng như kinh điển
Phật giáo nguyên thuỷ đã giải thích nhiều về chính xác khi nào một điều kiện như
vậy xảy ra trong tiến trình phát triển phôi thai. Tôi ngờ rằng hầu như sự nhiệt
tình của Keown dành cho việc giải thích của ông xuất phát từ những thứ tương tự
sẵn có mà chúng có thể được rút ra từ truyền thống luật tự nhiên của Thiên chúa
giáo La Mã và Phật giáo nếu viññāṇa của con người đồng nhất với linh hồn – khi gandhabba
xuất hiện bên trong tiến trình phát triển.[11] Tuy nhiên, một sự giả định như quy
cho Phật giáo một hình thức tạo linh hồn là điều rất cần phải tránh.
Nếu thức không hề song hành với tiến trình nghiệp từ cá
nhân đến cá nhân và thậm chí có thể là hoàn toàn tạm thời bên trong bối cảnh một
đời sống cá nhân, thế thì (1) tôi thấy không có lý do để giải thích viññāṇa
là thứ gì đó khác với thức hay điều tương đương như vậy, và (2) Phật giáo không
cần bắt viññāṇa phải có mặt tại thời điểm cụ thể nào đó trong tiến trình
phát triển phôi thai. Tức là, viññāṇa hay thức có mặt mỗi khi con người
nói theo thông thường là có mặt. Sự thật, chúng ta nói chung xem thức có mặt chỉ
khi, một cách tối thiểu, não bộ phát triển và có thể là sau đó.[12] Như vậy,
cho dù một Phật tử cho rằng thức làm nền tảng cho tâm và thân, khiến mọi chúng
sanh đều xứng đáng quan tâm đạo đức, thì không rõ một điều như vậy đã xảy ra lần
đầu tiên chính xác khi nào.
Thêm nữa, cho dù các nguồn kinh sách xác định thời điểm
như vậy có mặt sớm trong tiến trình thụ thai, một Phật tử có thể vẫn đặt nghi vấn
về thời điểm được chỉ định ấy chính yếu bởi vì, như tôi đã biện luận, Phật giáo
thiếu một lý thuyết bao quát hay một học thuyết có tầm mức sâu mà nó quy định sự
hiện diện của thức hay một thực thể trung gian tại bất cứ thời điểm cụ thể nào đó
trong tiến trình sinh học của sự phát triển con người.
Sự thật, Keown thừa nhận rằng một Phật tử có thể giữ
quan điểm ở trên vì Đức Phật đã xác nhận có vô số điều kiện bao phủ lên sự phát
triển một cá thể, một số hoàn toàn thuộc về sinh học. Tức là, ngay cả dựa trên
sự phân tích của Keown, Phật giáo về truyền thống tách cơ sở sinh học dành cho
sự sống ra khỏi chính đời sống cá nhân. Như vậy, một cái trứng thụ tinh thì người
ta có thể cho rằng đó là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ cho một
đời sống mới. Tất yếu, người ta cần đến sự hiện diện bổ sung của đầy đủ các uẩn
bao gồm viññāṇa để hoàn thiện sự phát triển đời sống con người.
Vai trò của thức được Keown biện luận bằng đoạn kinh “nếu thức bị ‘nhổ’ ra khỏi một người mới
sinh, thì sự trưởng thành và phát triển bình thường không thể tiếp tục”
(Keown 81). Một cách bất ngờ, sự khẳng định này cũng hình thành cơ sở cho quan
điểm của Keown rằng những bệnh nhân ở trong trạng thái sống thực vật thì vẫn là
những con người cần được bảo vệ đạo đức và không nên đối xử như là người chết,
như được thừa nhận bởi một số người tán thành về một định nghĩa cái chết thần
kinh não. Tức là, sự tồn tại sinh học tương tục và ổn định của họ (một số người
có thể sống vài thập kỷ) chứng minh sự hiện diện của viññāṇa và do đó là
đời sống con người.
Tuy nhiên, một Phật tử tự do có thể khẳng định rằng,
trong khi việc đánh mất viññāṇa có thể cắt đứt sự trưởng thành và phát
triển, thì viññāṇa được phát triển không nhất thiết ảnh hưởng đến sự
phát triển cơ sở sinh học của một đời sống cá nhân. Sự thực, chúng ta có thể biện
luận rằng (1) bởi vì sự “nhổ tận” thức ra khỏi người đang mang nó thường liên
quan đến thương tích vật lý, dĩ nhiên chúng ta sẽ nghĩ rằng sự trưởng thành và
phát triển chấm dứt; hay (2) cho dù viññāṇa là cốt tuỷ cho sự sống của một
con người và sự biến mất của nó báo hiệu sự kết thúc của con người, thì không
phải rằng chính cái nền sinh học và sự trưởng thành cũng như phát triển của nó
báo hiệu sự hiện diện tất yếu của viññāṇa.[13] Tức là, không phải viññāṇa
là cốt tuỷ đối với sự sống của cơ thể sinh học. Đặc biệt nếu, như Keown đề xuất,
Phật giáo chấp nhận sự hiện diện của nền tảng đời sống vật lý không có sự hiện
diện của gandhabba, thế thì tôi không
thấy cách Phật giáo có thể bác bỏ khả năng về một sự hiện hữu được kéo dài hơn
của cơ sở vật lý đó mà không cần viññāṇa như thế nào. Nền tảng đời sống sinh học có thể được giải thích hữu
cơ ở trong hình thức của một cơ thể có chức năng, nhưng điều ấy bản thân nó
không phải là một đời sống cá nhân. Tôi thấy không có cơ sở thuyết phục được dựa
trên những nguyên tắc Phật giáo nối khớp với những kinh điển nguyên thuỷ, tuyệt
đối cần đến quan điểm chống phá thai triệt để dựa trên lý luận rằng ‘đời sống cá nhân bắt đầu tại lúc thụ thai.’
Tôi chấp nhận rằng kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ phần
nào có khuynh hướng chống phá thai. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, tôi không chắc nền
tảng là ở đó chính yếu bởi không có một học thuyết về sự tạo nên linh hồn. Hơn
nữa, cho phép những Phật tử hiện đại đối diện với những vấn đề y học khó hiểu của
ngày hôm nay, tôi hoàn toàn không biết chắc giáo lý đã luận ra như thế nào. Ví
dụ, việc sinh ra thiếu một phần não, trạng thái sống thực vật và những điều kiện
hôn mê khác, mà ở đó những bệnh nhân tồn tại chỉ ở trong một ý nghĩa nhỏ nhất
và dựa vào sự trợ sống; chưa tính đến sự phẩu thuật cấy ghép, sự tiến bộ trong
di truyền học con người, và vân vân, mà chúng chắc chắn đặt ra một sự thách thức
đối với những cách hiểu truyền thống về cơ thể con người. Nhiều trong số những
trường hợp này, theo suy nghĩ của tôi, hoàn toàn bị Keown (hay cách chuyển dịch
Phật giáo của ông) gạt phăng. Khẳng định rằng những bệnh nhân đang sống trong
trạng thái thực vật là vẫn hoàn toàn còn sống[14] thì không đánh giá đúng những
phức tạp của các ca bệnh hay của Phật giáo, mà cả hai cho thấy rằng ‘đời sống’
là một hiện tượng ‘duyên sinh’ phức tạp vô cùng.[15]
II. Nếu chúng ta giữ cách dịch/giải thích truyền thống về viññāṇa
như là thức, phủ nhận bất kỳ thứ linh hồn, tinh thần, ngã hay cái tôi nào như
là hạt nhân tồn tại của con người, hoặc là hạt nhân cho chu kỳ của nhiều kiếp sống
hay cho một kiếp sống cá nhân duy nhất, thì chúng ta thấy không có cớ gì, dù là
một Phật tử Theravāda, không thể chọn một quan điểm xã hội phóng khoáng hơn đối
với vấn đề phá thai cũng như một loạt những vấn đề y sinh khác. Điều này không
phải để nói rằng phá thai là một vấn đề kém quan trọng, mà quan điểm ở đây là
việc thiếu tôn trọng đời sống hiện tại cần được giảm bớt. Tất nhiên, bởi vì phá
thai làm tổn hại đời sống tương lai, nên nó vẫn là một vấn đề hệ trọng về mặt đạo
đức, nhưng như vậy chính nó không phạm Giới
thứ nhất. Đúng hơn, chừng nào mà thức chưa được nghĩ là có mặt, thì chúng
ta đối diện với nền tảng vật chất của một đời sống, chứ không phải là đời sống
của một con người.
Theo nhiều cách, lối giải thích quan điểm Phật giáo này
sẽ phản ánh điều mà nhà nghiên cứu luân lý sinh vật Bonnie Steinbock gọi là
“quan niệm vị lợi”:
Theo quan niệm vị lợi, phôi thai và bào thai tiền ý thức
thiếu vắng trạng thái đạo đức, cho dù rằng chúng có khả năng trở thành con người….
Sự thật rằng một thực thể sống có khả năng phát triển thành một con người, thì
không có nghĩa rằng nó có bất kỳ sự lợi ích nào khi thực hiện điều như vậy. Và vì
không có sự lợi ích, một thực thể sống có thể không có đòi hỏi sự chú ý và quan
tâm đạo đức của chúng ta.[16]
Tuy nhiên, Steinbock tiếp tục biện luận rằng khả năng con
người của chúng ta tạo nên một sự khác biệt đạo đức liên quan đến những sinh vật
sống vị lợi. Như vậy, theo quan điểm của bà, một đứa bé được xem là cao quý hơn
một con tinh tinh cho dù con tinh tinh được phát triển đầy đủ, trên cơ sở rằng
những con tinh tinh không phải là những con người có đạo đức trong bất kỳ ý
nghĩa thích đáng nào.[17]
Điều tương tự đối với Phật giáo khi nó nhấn mạnh vào vai
trò của thức hay điều đôi khi được gọi là “khả năng phát triển dành cho thức,”[18]
như Keown không mệt mõi chỉ ra, là sự có mặt của viññāṇa là then chốt đối
với tình trạng hiện hữu của con người. Nếu viññāṇa là thức và làm nền tảng
mà trên đó tâm và thân kết hợp, thì sự hiện diện của viññāṇa báo hiệu một
giai đoạn có ý nghĩa về phương diện nghiệp, giai đoạn của một đời sống cá nhân
mà sự giải thoát hoặc tái sanh là hai khả năng biểu thị sự thắng lợi hay thất bại
đạo đức. Như vậy, theo quan điểm Phật giáo, đời sống con người bao gồm một thân
thân thể vật lý và những khả năng vận động cảm giác khác nhau, kết hợp với tâm
hay trí năng, tất cả đang giỡn đùa một quá khứ có điều kiện nghiệp, điều đó
luôn ở trong ngữ cảnh; những cá nhân không hề có sự hiện hữu không có ngữ cảnh.
Thức thực sự là nền tảng của tâm và thân.
Thân thể chính nó không phải là tâm, và không có dấu vết
chủ nghĩa vật lý hay giản hoả luận trong việc hiểu bản chất con người này. Tuy
nhiên, tâm thì luôn luôn sinh diệt; tâm được đồng nhất với những suy nghĩ và những
suy nghĩ này thì thoáng qua. Dòng tâm thức, chúng ta có thể nói, là một dòng
sông của Heraclite, không bao giờ giống nhau ở hai thời điểm. Thức là khả năng
được phát triển cho một dòng chảy như vậy ở trong ngữ cảnh vật lý. Nhưng có phải
điều này có nghĩa rằng thức, dòng suy nghĩ tâm thức, sự phức cảm vận động giác
quan, hay ngữ cảnh nghiệp của chúng ta chính chúng là cá thể tồn tại? Đúng ra, đến
khi những yếu tố như vậy cùng sanh khởi, chúng ta có một con người, và sự vắng
mặt vĩnh viễn của một uẩn nào đó là sự mất đi một con người. Rõ ràng, nhìn qua thấy
có sự hợp lý trong việc khẳng định rằng không có thân thể chúng ta không thể tồn
tại; không có thức chúng ta không thể tồn tại; không có tâm chúng ta không thể
tồn tại. Nhưng tất cả chúng hợp lại không tạo ra một điều khác mà chúng ta gọi đó
là con người mà nó tồn tại tách rời những đặc tính này, cũng không phải điều mà
nó tiếp tục sau đó hay đã tồn tại trước đó. Do đó, nói cho chính xác, mỗi và mọi
người chúng ta là vô ngã, mặc dù chúng ta vẫn giữ “căn cước đạo đức” và vì vậy phải
chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
Phương cách duy nhất trình bày một câu trả lời phần nào
có thể chấp nhận được đối với câu hỏi khi nào thì đời sống bắt đầu và khi nào
nó kết thúc chắc chắn cần thông qua tiến trình loại suy. Chúng ta có thể nói rằng
mỗi chúng ta là một thực thể sống, một thực thể có ý nghĩa đạo đức. Câu hỏi biến
thành là chúng ta giống những người khác bao nhiêu. Trong cùng hoàn cảnh, chúng
ta xem họ như thế nào? Một bào thai có cấu thành một chúng sanh có ý nghĩa đạo
đức hay không? Câu trả lời tuỳ thuộc vào việc chúng ta giống với bào thai cụ thể
là bao nhiêu. Chắc chắn, một bào thai thời kỳ cuối thì hiển nhiên không phải là
một bào thai ở thời điểm mới bắt đầu.
Phá thai là một vấn đề của lương tâm, và những câu hỏi
thích hợp cần nghĩ đến khi suy tính phá thai có thể như sau: Những gì tôi đang
tìm cách đạt lấy? Tại sao tôi đang có hay không có đứa trẻ này? Loại đời sống
nào thì thích hợp với đứa trẻ này? Làm cách nào tôi cảm nhận về đời sống này, sự
sống mới này? Loại khổ đau nào liên quan đến đời sống hay việc phá thai? Tóm lại,
tất cả những câu hỏi điển hình mà chúng ta đặt ra là để suy ngẫm khi đối mặt với
sự mang thai ngoài ý muốn.
Tất nhiên, là những Phật tử, chúng ta sẽ chấp nhập kết
luận rằng một bào thai là một “đời sống”. Dù với bất cứ tình huống gì mà chúng
khiến cho việc phá thai trở nên cần thiết, chúng ta không thể biện minh cho việc
làm đó. Nhưng đối với chúng ta, không chỉ những bào thai, mà tất cả những hình
thức sống khác đều đáng được kính trọng. Chúng ta không thể biến chúng thành những
tài sản riêng của chúng ta. Thú vật hay thậm chí lúa gạo cũng đều chia phần sống
thiêng liêng. Tuy nhiên, chừng nào mà chúng ta vẫn còn sống thì tất yếu chúng
ta còn tiếp tục “tước đoạt” mạng sống của những loài sống khác nhau như vậy. Thậm
chí trong bối cảnh cố gắng điều chỉnh những mâu thuẩn và bất bình đẳng nơi xã hội,
chúng ta đôi khi phải đánh mất thân thể của mình mà nó là nguồn sống của những
đứa trẻ. Giới nữ cần đưa ra điều này như là một trong những vấn đề xã hội, nhưng
đồng thời cần phải biết rằng đời sống của con người là đủ thứ vấn đề mà nó
không thể quét vôi trắng lên hết được. Đời sống đủ các vết thương và việc làm tổn
thương. Ở Nhật, tuy nhiên, luôn có mối đe doạ của tôn giáo thiếu suy xét. Cũng
có nhiều phong trào chống hiện đại, và chúng bị làm cho rối tung lên với việc trỗi
dậy sự quan tâm về linh hồn người chết.[19]
Tất nhiên, hẳn có tranh luận rằng cách thức xem xét vấn
đề như thế này về cơ bản là rời rạc. Chúng ta hoặc cố ý tước đoạt mạng sống hoặc
không cố ý, và nếu chúng ta cố ý, thì chúng ta phạm vào Giới thứ nhất của Phật giáo. Câu trả lời mà một Phật tử có thể phát
biểu, chẳng hạn như của Ochiai Seiko, “Vâng,
chúng ta cần luôn tránh huỷ diệt một đời sống, cho dù đời sống đó vô nghĩa thế
nào đi chăng nữa.” Nhưng ‘đời sống’ là một từ đa nghĩa, và việc diệt tiêu một
hình thức sống trong việc phục vụ những đời sống khác là tất nhiên bị ngăn cấm
trong Phật giáo. Và nếu mục đích của chúng ta không phải kết liễu một đời sống
mà để cứu lấy những đời sống khác, thì chúng ta không đề cập đến trường hợp duy
nhất là việc cố ý sát hại. Nói cách khác, hành động từ bi sẽ luôn bao hàm việc
cân nhắc đầy đủ những điều kiện mà chúng ảnh hưởng đến một tình huống hay hành
động. Về quan điểm này, giá trị của Giới
thứ nhất là để ngăn cấm việc giết người cố ý mà ở đó mục đích rõ ràng là chấm
dứt mạng sống của một con người. Một hành động như vậy không bao giờ có thể là
môt hành động từ bi theo cách nhìn Phật giáo.
Tuy nhiên, ở trong những tình huống nan giải như vậy, nơi
mâu thuẩn lợi ích là rõ ràng liên quan, người ta sẽ cân nhắc về những vấn đề
liên quan đến tình trạng và bản chất của đời sống. Nếu chúng ta nói về các đời
sống và những quyền lợi của người mẹ và bào thai, các bào thai và gia đình, hay
các bào thai và những cộng đồng (chẳng hạn như ở vào thời điểm đói kém), thì
chúng ta trực tiếp bị đối mặt với vấn đề thế đứng đạo đức liên quan đến những loại
đời sống khác nhau. Những gì tôi đã biện luận ở đây là rằng bởi vì Phật giáo chấp
nhận một sự khác biệt giữa cơ sở sinh học của đời sống và những khía cạnh nhận
thức cũng như cảm xúc cao hơn của nó, và nhấn mạnh rằng đời sống một con người
cần đến sự nối kết của tất cả những khía cạnh như vậy, nên không người Phật tử
nào đánh đồng một bào thai có linh cảm với một con người có tri giác.
Tóm lại, mặc dù Phật giáo khuyến khích hành động từ bi,
câu hỏi về từ bi là gì ở trong trường hợp của một phụ nữ mang thai ngoài ý muốn
không thể trả lời một cách độc đoán bằng những lời tuyên bố siêu hình về đời sống
bắt đầu khi nào. Như vậy, vẫn chấp nhận Phật giáo Theravāda, nhưng chúng ta
không cần tuân theo việc chống phá thai triệt để của Keown./.
Michael G. Barnhart - Nguyên Hiệp dịch
Chú
thích:
* Giáo sư giảng dạy tại Goldsmiths College, University
of London, nghiên cứu Phật học và viết nhiều sách báo về Phật giáo, chủ yếu Phật
giáo Theravada. Một vài tác phẩm quan trọng: The Nature of Buddhist Ethics (1992); Buddhism & Bioethics (1995); Buddhism,
A Very Short Introduction (1996)…
** Giáo sư giảng dạy tại Kingsborough
Community College, The City University of New York, nghiên cứu Phật học, khuynh
hướng nghiêng về Phật giáo Đại thừa. Tác phẩm xuất bản: Śūnyatā,
Textualism, and Incommensurability (1994); Ideas of Nature in an
Asian Context (1997); Reinventing the
Wheel: A Buddhist Response to the Information Age (Review) (2001)…
1. Ví dụ, Philip Kapleau hay
Robert Aitken mà Ken Jones đã đề cập trong The Social Face of Buddhism (London: Wisdom Publications, 1989). Về quan điểm của Phật
giáo Nhật đối với vấn đề phá thai xin xem Liquid Life: Abortion and Buddhism
and Japan của William R. LaFleur, (Princeton: Princeton University Press,
1992).
2.
Damien Keown, Buddhism and Bioethics (London:
Macmillan, 1995).
3. Xem Keown, trang xiv-xv, ở đó ông đưa ra một sự biện
hộ cho phương pháp giải thích của ông về Phật giáo. Trong khi rõ ràng không có
gì sai với nỗ lực tìm kiếm nền tảng kinh sách của một tôn giáo truyền thống, thì
cho thấy (Keown) có chiều hướng là đề cao quá mức Phật giáo Theravāda, bộ phái
có khuynh hướng thiên về văn bản và kinh sách hơn Phật giáo Mahāyāna, nơi chúng
ta thấy không bám sát vào kinh điển, chẳng hạn như truyền thống Thiền. Vì Phật
giáo Đại thừa bao gồm cả hai truyền thống cổ đại lẫn hiện đại, phương pháp của
Keown phần nào làm suy yếu khẳng định của ông là chính thức phát biểu cho các
Phật tử nói chung.
4.
Trong tuyển tập Milindapañha, “There Is No Ego”, như được Henry Clarke
Warren dịch trong Buddhism, In Translations (New York: Atheneum,
1974; originally Harvard University Press, 1896), tr. 133.
5. Tất nhiên, điều này không loại trừ khả năng rằng có
thể có những hữu tình, có thể không phải là những loài “sống” theo ý nghĩa đầy
đủ, chúng thiếu viññāṇa. Cốt
lõi việc khẳng định của Keown ở đây đơn giản là rằng nếu người ta có viññāṇa, thì người ta đang sống; điều này không cho ta biết bất
cứ thứ gì về trường hợp mà ở đó người ta thiếu viññāṇa. Sự thực, tôi biện luận thêm rằng, chính khả
năng như vậy mà việc thực hiện việc phá thai và có lẽ một vài hình thức giúp chết
không đau có thể được chấp nhận theo quan điểm Phật giáo.
6. Visuddhi-Magga, Chương xiv, bản dịch tiếng
Anh của Warren,
tr. 157.
7. Milindapañha, tr. 131-133.
8. Milindapañha, Warren
dịch, tr. 234-8. Vấn đề nêu lên trong đoạn văn này là bằng cách nào “tái
sanh xảy ra mà không hề có bất cứ sự đầu thai nào.” Câu trả lời về cơ bản là rằng
không có thứ gì tương tục từ đời sống này sang đời sống khác, tuy nhiên những đời
sống có thể được nối kết nhân quả với nhau “để con người không trốn khỏi nghiếp
xấu của mình.” Tức là, dù bạn chết, thì không có nghĩa rằng bạn không không chịu
trách nhiệm đối với những hành vi của bạn và những kết quả tương lai của bạn.
Nghiệp là có thực cho dù sự hiện hữu cá nhân của một người là vốn giới hạn...
9. So sánh với thảo luận của Gogen ở trong tập sách xuất
bản nhiều kỳ Shobogenzo Genjonkoan, ở đó ông nói về củi, ví dụ, “chúng ta không
nên giữ quan điểm rằng nó là tro về sau và củi trước đó” (Norman Waddell and
Masao Abe, "Shobogenzo Genjokoan," The Eastern Buddhist 5
(October 1972), tr. 129-140). Với Dogen, đây là bản chất của tất cả mọi tiến
trình: không một ai cần đến một yếu tố tồn tại và biến đổi để cột chặt tiến
trình thành một tổng thể. Một quan điểm như vậy tương phản sâu sắc với miêu tả
của Keown về thức như là “bao hàm sinh động bên trong tất cả mọi kinh nghiệm
cho dù là vật lý hay trí năng” (Keown 26).
10. Mặc dù ông nhường chỗ cho những trường hợp nơi sự
thụ thai xảy ra nhưng không có sự truyền thừa thực thể trung gian, ví dụ trong
trường hợp sự hình thành song tinh.
11. Keown cho biết ở đầu cuốn sách, mục đích của ông là
để phác thảo và khai triển những điểm giống nhau như vậy, biện luận rằng Phật
giáo chính nó là một phương pháp luật tự nhiên về đạo đức học. Xem xi-xī trong
phần giới thiệu.
12. Keown xét đến một luận điểm
phần nào tương tự với luận điểm mà Louis van Loon đưa ra, xem Keown, 143-144.
Van Loon ủng hộ một định nghĩa về cái chết “não bậc cao”, như vậy đánh đồng đời
sống một con người với đời sống của bản ngã có ý chí. Keown bác bỏ điều này xem
như là không đích thực Phật giáo, biện luận rằng tác ý (cetana) là một chức năng tâm cao hơn viññāṇa và vì vậy có
thể vắng mặt dù có sự hiện diện của thức. Tôi cũng phản bác quan điểm của Van
Loon là ý chí và thức là giống nhau, thức thì thiết yếu hơn ý chí, do vậy người
ta có thể có thức mà không có ý chí.
13. Điều này song song với nỗ lực xác định sự bắt
đầu đời sống bằng việc đề cập đến cái chết não. Dù là sự chấm dứt một vài mức độ
hoạt động não báo hiệu cái chết, thì không phải sự hiện diện của nó bao hiệu sự
sống? Do đó, chúng ta có một tiêu chuẩn không độc đoán đối với vấn đề khi nào đời
sống bắt đầu. Vấn đề đối với luận điểm này là rằng hoạt động não chỉ là một điều
kiện cần nhưng không phải là một điều kiện đủ đối với đời sống. Xem Baruch
Brody, Abortion and the Sanctity of Life (Cambridge, MA: The MIT Press,
1975) và sự bác bỏ của Bonnie Steinbock trong Life Before Birth: The Moral
and Legal Status of Embryos and Fetuses (Oxford: Oxford University Press,
1992). Điều này cũng xuất hiện nơi một giải thích vắn tắt trong Ethical
Issues in Modern Medicine của John D. Arras và Bonnie Steinbock, ấn bản lần
thứ 4. (Mountain View, CA: Mayfield Publishing Company, 1995), tr. 329-43.
14. Keown, tr. 158-68.
15. Đây có thể là điều nguy hiểm khi đi đến xem xét những
ca bệnh thay vì những nguyên tắc trong kinh điển thời kỳ đầu để trình bày một
quan điểm Phật giáo.
16. Xem Steinbock, trong Steinbock and Arras, tr. 337.
17. Chính Keown làm nổi bật điểm
này trong sự phân tích của mình về một trật tự đời sống theo thứ bậc trong Phật
giáo. Keown biện luận rằng khả
năng để đạt Niết-bàn và giác ngộ là tiêu chuẩn thích đáng. Bởi vì về phương diện
này con người vượt xa muông thú, nên đời sống của họ thì hoàn toàn có giá trị lớn
hơn. Xem Keown, “Karmic Life,” 46-48.
18. Qua “khả năng được phát triển
dành cho thức”, tôi muốn nói khả năng dành cho thức, tất nhiên, điều chúng ta
có ngay cả khi ngủ, hoặc khi bất tỉnh.
19. Xem LaFleur, 169 –
170. Mặc dù Phật giáo Nhật là Phật giáo Đại thừa, và Keown đã chỉ ra nhiều sự
khác nhau giữa Phật giáo Nhật và những hình thức Phật giáo khác ở châu Á, thì
những quan điểm được thể hiện trong đoạn văn này không công khai chống lại bất
cứ điều gì của Đại thừa hay Nhật Bản. Những nguyên tắc được trình bày nói chung
là rất Phật giáo.