Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Những người con gái của đức thế tôn trong xã hội hôm nay
24/09/2010 09:22 (GMT+7)


Sau thời kì hoàng kim của chánh pháp, một chuỗi thời gian quá dài đủ để những tấm gương sáng của Ni đoàn đi vào lịch sử nhưng huyền thoại, xa xôi. Một phần lý do tất yếu là xã hội cần phải bước đi từng bước một, mà nền giáo lý được phát kiến bởi đức Thích tôn thì hoàn hảo tuyệt vời. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, nơi cái xã hội mà quyền con người chỉ có ở giai cấp thượng lưu, quyền xã hội chỉ có ở nam giới, bậc thầy của trời người đã xác nhận sự bình đẳng tuyệt đối của loài người, phá tan định kiến giai cấp và công nhận những vị Ni đầu tiên gia nhập vào dòng Thánh của Ngài.

Lịch sử là điều không thể phủ nhận, nhưng sau thời hoàng kim đó, hơn hai ngàn năm trăm năm, Phật giáo phát triển và lan rộng ra trên phạm vi toàn thế giới bởi những tấm gương hoằng pháp đắc lực của những bậc đống lương mang dòng họ Thích. Nhưng nơi những thành tựu đó, người ta đã hầu như không nhìn thấy dấu vết bàn tay của Ni đoàn, bởi sự lác đác đến mờ nhạt đó, đã không ít người đâm ra nghi ngờ về khả năng hoằng pháp của Ni giới, tuy nhiên, một số khác quan tâm hơn đã nhìn nhận rõ hơn về điều này.

Số phận chung của phụ nữ đương đại

Lịch sử về quyền con người của phụ nữ thế giới có thể nói được bắt đầu từ một ngôi trường đầu tiên dành cho nữ học sinh mang tên Troy Female Seminary thế kỷ thứ 19, tại Hoa Kỳ, cho đến thời điểm đó, lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương phụ nữ mới được đi học. Và suốt một thời gian dài đấu tranh sau đó, phụ nữ mới có được quyền bầu cử, chính thức có đủ quyền con người nơi xã hội Tây phương.

Phật giáo bắt đầu và phát triển từ Đông phương, nơi cái xã hội mà cho đến nửa thế kỷ hai mươi, quyền xã hội của phụ nữ mới được chính thức công nhận. Và dĩ nhiên trước thời gian đó, trừ một vài trường hợp đặc biệt, đại đa số là không được đến trường, không được học tập. Và cũng cùng trong số phận chung đó, sau thời kì vàng son của chánh pháp trụ thế, một số rất ít ỏi vị ni xuất gia, những hành động phát túc siêu phương đó đã được xem là phi thường, là vĩ đại đối với hàng nhi nữ, thế nhưng dẫu rằng đã cố gắng thoát ra khỏi định kiến của đương thời, thành quả đạt được cũng chỉ trong chừng mực đơn lẻ, tự độ.

Hai ngàn năm trăm năm trước, đức Thế Tôn vốn đã công nhận vài trò nữ giới nơi giáo pháp của ngài, nhưng giáo pháp ấy, là giáo pháp mà “ai đến thì mới thấy”, và cho nên, những kẻ không đến với ngài thì làm sao thấy được nơi giáo pháp ấy bậc thầy đã tuyên bố sự bình đẳng cho các nữ học trò ngài. Xã hội không mở ra một cái nhìn sáng sủa, nữ giới không có cơ hội để nhìn xa, và như thế, với những cái thấy, cái biết đại đa số nữ lưu chỉ quanh quẩn nơi sân nhà góc bếp, từ sinh ra đến lớn lên, trưởng thành, tất cả đều đi theo một lề lối như đã được vẽ sẵn, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Đó cũng là một lý do hiển nhiên mà nữ giới không xuất gia, bởi, làm sao thấy được mình có cái quyền quyết định cuộc đời mình và làm sao thấy được tương lai phía trước của cuộc đời mình mà nghĩ đến sự thay đổi. Và dù là sự thay đổi thôi cũng còn chưa nghĩ đến, thì chuyện phát túc siêu phương chẳng phải là quá hiếm hoi.

Xã hội ngày nay đã không còn vấn đề nữa đối với quyền xã hội của nữ giới, trong mọi ngõ ngách của khoa học đương đại, nơi nơi chốn chốn đều có bàn tay khối óc của hàng nữ nhi, và ở chốn thiền môn, đại chúng Tỳ-kheo-ni đã không còn là chuyện hiếm hoi như hồi đầu thế kỉ hai mươi các học ni đi tìm thầy truyền giới nữa.

Thời đại ngày nay, thời đại của nền tri thức được coi là thước đo của xã hội, thời đại mà sự truyền thông phát triển đến chóng mặt và con người được tiếp nhận hàng loạt hàng loạt thông tin mỗi ngày. Điều đó cũng mở ra cho Phật giáo nhiều cơ hội mới để đem đạo Phật đến với con người trên toàn thế giới. Và, vai trò của những người con Phật sẽ hơn bao giờ hết cần phải được củng cố và khai thác triệt để tiềm năng của mình. Số lượng ni giới phát triển khả quan hôm nay mang theo nhiều hứa hẹn đóng góp sức mình trong sứ mạng hoằng dương chánh pháp, chung vai gánh vác trọng trách tác như lai sứ mà mấy thiên niên kỉ dài hầu như chỉ được đảm trách bởi một cánh tay của chư Tỳ-kheo Tăng. Và con đường nào cho những người con gái của đức Thế tôn.

Học vấn cho Ni giới


Dĩ nhiên, không cần nói thì ai cũng biết, đó là điều kiện không thể thiểu để khơi nguồn trí tuệ, là điều làm thềm thang cho tất cả hai mặt thế gian và xuất thế gian. Nêu vai trò học vấn cho Ni giới có lẽ đôi khi được coi như thừa thãi, bởi học vấn thì không giới hạn cho bất cứ ai. Tuy nhiên đã từng xảy ra những quan điểm rằng, trong một số chư Ni, những người không có năng khiếu giảng dạy, không có năng khiếu đứng trước quần chúng thì không cần phải học nhiều, bởi học nhiều cũng có đi giảng được đâu. Cũng đã có không ít người từ nhận định đó mà không còn coi trọng việc học nữa, và như thế, hệ quả sẽ đi liền theo một cách tương ứng và chắc chắn mà ai cũng có thể nhận ra. Và bên cạnh đó, cũng đã không ít trường hợp học mà không biết để làm gì mà chỉ là học cho biết, dĩ nhiên rằng học cho biết thì cũng rất nhiều người muốn như thế, nhưng vai trò của những người con Phật là không phải học chỉ cho bản thân mình, thực trạng đó, không phải bởi cá nhân không ý thức được trách nhiệm của mình mà then chốt là không thể xác định cho mình định hướng.

Và như vậy, vấn đề cơ bản đã được coi là học phải có định hướng.

Xã hội hiện đại mở ra cho Phật giáo nhiều cơ hội mới để đem giáo lý Phật đà, nền giáo lý được coi là luôn luôn minh triết và chân lý trong mọi thời đại, áp dụng vào cuộc sống đương đại, tuy nhiên, nơi xã hội hiện đại đầy cơ hội đó người ta cũng nhìn nhận ra được nó mang đầy tính thách thức, thách thức đầu tiên vẫn là không tiến ắt lùi. Tất nhiên là như thế, với một khối lượng thông tin ồ ạt mỗi ngày, nơi cái đà đó, Phật giáo không lưu thông, không hoạt bát ắt hẳn sẽ bị đẩy lùi bởi vô số thông tin khác đang dồn dập phục vụ con người. Và như thế, Phật giáo hơn bao giờ hết cần phải phát huy triệt để vai trò của mình. Còn quá nhiều phương tiện truyền giáo đang bỏ ngõ, mà ở đó có những ngõ đường được cho là trong khả năng thế mạnh của chư Ni. Và trang bị cho con đường hoằng dương chánh pháp, trình độ học vấn về Phật học cũng như thế học theo định hướng của mình vẫn luôn luôn là điều quan yếu.

Và những ngã đường hoằng pháp

Đã từng có rất nhiều ý kiến và lời khuyến khích rằng đã đến lúc chư Ni cần phải bước và vị trí giảng sư, giáo thọ sư, với cương vị một người thầy như chư Tăng đã làm. Hẳn là đứng trên bục giảng hay nơi pháp tòa thì nhiều người muốn thế, tuy nhiên số lượng tăng ni theo học ở các trường Phật học hiện nay đang ở con số hàng ngàn, để việc làm của mình mang lại hiệu quả cao thì tốt nhất nên đặt mình vào vị trí nào phù hợp với khả năng năng khiếu của mình nhất. Và hơn thế, một lực lượng giảng sư đông đảo là vô cùng quan trọng, tuy nhiên điều đó cũng không thể nói là sự hưng thạnh của giáo đoàn trong xã hội hôm nay khi mà còn có rất nhiều ngõ đường hoằng pháp còn để trống.

Một lãnh vực muốn nêu ra đầu tiên nhất ở đây tuy chưa bao giờ là trống bởi các thế hệ trước nay đều quan tâm, tuy nhiên chưa bao giờ là đủ đối với Phật giáo Việt Nam hôm nay đó là biên, phiên dịch. Sự nghèo nàn đến bức thiết trong tạng kinh tiếng việt đã là một trở ngại lớn cho nhu cầu tu học của một dân tộc có lịch sử Phật giáo đáng được quốc tế kính nể. Và càng hiếm hoi hơn với những bản dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giới thiệu cùng Phật giáo quốc tế những trước tác giá trị của cao Tăng Việt Nam. Đây là một việc làm đòi hỏi một trình độ khá kén chọn cả về ngoại ngữ và trình độ Phật học, điều này không chỉ cho riêng Ni giới, tuy nhiên dụng ý ở đây muốn gửi đến các học Ni có quan tâm lãnh vực này là ngoại ngữ vẫn là thế mạnh của nữ giới hiện nay, vậy thì chư Ni không ngại ngần gì không thử sức.

Phương tiện truyền thông đương đại mở ra nhiều con đường để đem đạo Phật vào lòng xã hội mà nơi đó, con đường nhập thế của Phật giáo không còn chỉ đi theo một hình thức kinh điển truyền thống, người truyền giáo không chỉ là giáo thọ, giảng sư và người nhận giáo không còn chỉ là những tín đồ thuần thành khăn gói xa xôi đến chùa cầu pháp. Sự phát triển vượt bậc của phương tiện truyền thông đã đưa xã hội ngày nay tiến xa hơn về mặt nắm bắt thông tin. Người học Phật chẳng chỉ là những người thường xuyên đến chùa nghe pháp, mà nếu cần học, bất cứ ai, chỉ cần nhấp chuột hay nhấn remote truyền hình, hàng loạt bài pháp sẽ hiện ra. Và những ai đã làm nên điều đó, câu trả lời dĩ nhiên rằng ai cũng có thể, nhưng để cho giáo lý đó được là nền giáo lý đích thực đúng nguồn gốc của Phật giáo, thì ngay trong thế giới truyền thông kia, những thành viên admin và editer, cần có sự hiện diện của những thành viên tăng già và công việc đó nằm trong tầm khả năng của quý Ni.

Thế giới tâm linh và tình cảm phong phú và nhạy bén của nữ giới đã mở ra cho họ một nguồn sáng tác văn học vô cùng phong phú, điều đó đã được khẳng định rất rõ ràng khi trên văn đàn thế giới xuất hiện nhiều cây bút xuất sắc là nữ tác gia. Có thể nói văn học, thơ ca là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, đó là một công cụ chuyển tải đầy hiệu quả mà không kén đối tượng. Một bài thơ, một mẫu truyện hay sẽ để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc và nếu tác phẩm được xây dựng bởi tinh thần Phật giáo thì đó là một hành động hoằng pháp thành công. Dẫu biết rằng để là một cây bút anh tài có khả năng mang đến tầm ảnh hưởng lớn là thuộc về tài năng, nhưng tài năng thì có một phần tất yếu là cần phải được trau dồi, mài dũa. Và chư Ni chúng ta, những người có hứng thú ở lãnh vực này khi mang trong mình một hoài bảo hoằng truyền Phật pháp, chắc chắn sẽ gặt hái được ít nhiều thành công nếu được trau dồi và định hướng vững vàng.

Văn hóa nghệ thuật, về năng khiếu dành cho những tâm hồn nhạy cảm phải cần được đề cập đến lãnh vực nghệ thuật này, một bức tranh ý nghĩa, một bản nhạc hay… đòi hỏi một năng khiếu nhất định và một sự đầu tư đúng mức. Những tác phẩm nghệ thuật chuyển tải ý hướng của Phật giáo này sẽ có tác dụng vang vọng, ảnh hưởng cả hiện tại và tương lai, đó là một lãnh vực kén chọn tuy nhiên vẫn nằm trong điều có thể của những người phụ nữ trong Phật giáo.

Communication, có thể nói, vai trò giao tiếp là thế mạnh của phụ nữ đương đại, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nhà ngoại giao của các nước phát triển thường thuộc lãnh vực của quý bà. Vai trò này cũng là một thế mạnh của chư Ni khi được đào tạo một cách có bài bản hệ thống. Có lẽ hơi khiên cưỡng khi đề cập điều này với hiện thực Phật giáo tại Việt Nam hôm nay, tuy nhiên để có một tầm nhìn về tương lai khi Phật giáo Việt nam bước ra cùng quốc tế, và như vậy sẽ không hề khiên cưỡng khi quan tâm đề cập điều đó từ hôm nay.

Giáo dục, đây là một lãnh vực mãi mãi là trong tầm ngắm của Phật giáo, dĩ nhiên rằng điều nầy chẳng phải chỉ chư Ni mà tất chư Tăng Ni đều hướng đến. Sẽ không có gì là không thể khi chư Tăng, chư Ni ở một số nước đang điều khiển cả ngôi trường đại học bao gồm các khoa thế học lẫn Phật học. Điều đang quan tâm ở đây chỉ là cấp trường học nhỏ nhất, trường mẫu giáo, bởi nó đang là điều có thể làm ở Việt Nam hôm nay. Đề cập giáo dục mầm non có vẻ như là chuyện nhỏ nhưng thật sự nếu là một hệ thống trường mầm non có tổ chức và vươn rộng trên nhiều địa bàn thì chẳng thể là nhỏ tí nào. Và việc làm này sẽ được coi là thật sự quan trọng khi nhìn thấy được những mầm non trẻ thơ đang nhận được sự giáo dưỡng từ chư Ni sẽ là những Phật tử hộ pháp đắc lực trong tương lai. Đó là điều có thực đã xảy ra với Phật giáo Việt nam mấy thập niên về trước.

Y dược, bên cạnh giáo dục, đây là một ngành luôn được coi là ưu tiên quan tâm. Giáo pháp của đức Thế tôn là những bài thuốc tiêu trừ phiền não tâm bệnh và dĩ nhiên rằng nó càng hiệu quả hơn khi được mang đến với con người bởi những tấm gương y đức là những người con gái của đức Thế Tôn, những người phụ nữ mang nhiều khả tính yêu thương và từ ái.

Những điều đã đưa ra ở đây không giới hạn chỉ cho Ni giới,  tuy nhiên đó là những đơn cử có thể xem là thế mạnh của chư ni, chỉ là những lãnh vực đơn cử để muốn nói lên rằng còn có vô số việc cần làm cho mục đích hoằng pháp hôm nay. Đó cũng chẳng phải là những gì mới mẻ bởi các thế hệ trước ta đã làm và đang làm, tuy nhiên phát triển đến những lãnh vực đó hiện nay vẫn còn là những cá nhân đơn lẻ và chưa được coi là phương tiện, ngõ đường hoằng pháp đáng quan tâm, bởi không được quan tâm khuyến khích như thế cho nên đã và đang còn quá nhiều ngõ trống cần làm. Ni giới ngày nay, một số lượng đủ đông để nghĩ đến những lãnh vực như thế, tuy nhiên, để bước vào đó quả là một quá trình cam go nhiều mặt cần đối phó mà trước mắt nhất là bắt đầu từ nền học vấn của hôm nay.

Chẳng thể nào rằng, chư Ni không có năng khiếu giảng dạy được thì học để làm gì. Đành rằng sự rụt rè và e ngại trước đám đông là một điểm yếu mà phụ nữ Á đông thường gặp phải, nhưng Phật giáo của xã hội hôm nay đã mở ra rất nhiều ngõ đường để tất cả cùng chung tay phụng sự. Học ni ngày nay không chỉ học về những môn học căn bản kinh luật luận của người xuất gia mà hơn thế, cần phải định hướng cho mình những ngành học đúng với năng khiếu và hoài bão của mình, và hơn bất cứ điều gì hết cần có một nhiệt tâm để theo đuổi không mệt mỏi mục đích và lý tưởng.

Sự phát triển nào cũng cần có những bước đi, từng bậc thang một, và sự phát triển của Ni đoàn ngày nay cũng không thể vượt ra ngoài quy tắc đó, và tất cả đều được xem là bắt đầu từ sự quan tâm đến nền học vấn của hôm nay. Nhìn những tà áo lam hiền dịu dưới vành nón lá Việt Nam của những Ni sinh tuổi cắp sách trên sân trường hẳn đó không chỉ là những hình ảnh nên thơ mà còn mở ra cho nhiều người niềm hy vọng lớn lao về tương lai phía trước, những người con gái của dòng tộc họ Thích này sẽ làm gì để xứng đáng sứ mạng của mình nơi xã hội hôm nay. Tất cả đều đang ở thế mong chờ một tương lai tươi sáng.■


Viết bởi Khải Tuệ 
Nguồn Tập San Pháp Luân 73

Các tin đã đăng:
Về đầu trang