Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Liên tài và tri ngộ
30/10/2010 22:43 (GMT+7)



Những năm 1960 trở đi, thông qua sinh hoạt văn nghệ, Bùi Giáng đã gặp gỡ, quen thân với nhiều văn nghệ sĩ ở Sài Gòn cùng thời như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, v.v… Khó thể nói là ông thân thiết ai hơn ai trong nhóm đó, nhưng ông có vẻ gần gũi với Trịnh Công Sơn nhất về mặt tư tưởng.

Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng

Tự nhận mình là điên, là “phiêu bồng rớt hột” đệ nhất, Bùi Giáng thích cà khịa những bạn bè văn nghệ nào thường khoác lên người một vẻ trang nghiêm đạo mạo thái quá. Trịnh Công Sơn không phải là loại người thích trang nghiêm, nhưng tư tưởng, những ý niệm mang tính siêu hình đầy quyến rũ, thuyết phục của ông trong âm nhạc đã làm Bùi Giáng nhiều phen “chấn động dị thường” (chữ của Bùi Giáng). Trong tâm cảm của Bùi Giáng, chỉ những kẻ “phiêu bồng” với cuộc đời, những người có cuộc sống ít nhiều khác thường một chút mới có tài năng lớn hoặc những tư tưởng cao xa. Nhưng Trịnh Công Sơn không có tính phiêu bồng cũng không sống khác thường, điều ấy làm Bùi Giáng… nghĩ ngợi. Cuối cùng, ông bèn ghẹo nhạc sĩ họ Trịnh bằng hai câu thơ tưởng là tếu táo nhưng sâu sắc: “Công Sơn trịnh trọng phiêu bồng/ Thưa rằng thơ nhạc có ngần ấy thôi”. Có một sự chơi chữ thú vị khiến cụm ngữ “trịnh trọng phiêu bồng” bỗng có hồn, vẽ lên được phần nào tư thái Trịnh nhạc sĩ. Là một kẻ trịnh trọng - chứ không buông tuồng - trong phiêu bồng, nghĩa là trong khi phiêu bồng vẫn luôn có ý thức về chung quanh (đứng ở ranh giới thăng hoa với thực tại nhiệm màu), Trịnh Công Sơn, nhờ thế, luôn có những nắm bắt… thần sầu. Có lần nhạc sĩ ra bộ thắc mắc: “Anh Giáng chê mình, cho rằng thơ nhạc của mình có ngần ấy thôi?”, Bùi Giáng liến thoắng: “Mi trịnh trọng phiêu bồng mà thơ nhạc kỳ tuyệt như rứa giữa trần gian, nếu… dã man phiêu bồng, thơ nhạc của mi thành nhã nhạc cõi trời rồi, người đời ai còn may mắn được thưởng thức”.


Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn tại nhà riêng họ Trịnh
Tình bạn trong đời

Thời trước 1975, nhà xuất bản An Tiêm ở đường Lý Thái Tổ thường là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn nhà thơ lang thang và… trốn lính. Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn đã gặp nhau và quen thân nhau từ những năm tháng ấy.

Ngôi nhà của Trịnh Công Sơn thường kín cổng cao tường. Ai đến thăm thì nhấn chuông và luôn có một “thị tỳ” là cháu gái của ông ra mở cổng, “nhận diện” khách rồi “báo cáo”. Bùi Giáng khi đến, không bao giờ nhấn chuông mà đứng ngoài cổng kêu to: “Bớ… Sơn, trẫm đến vấn an nhà ngươi đây”. Và mỗi lần như thế, thường là đích thân Trịnh nhạc sĩ phải ra mở cổng. Có một điều kỳ lạ, Bùi Giáng lớn hơn Trịnh Công Sơn đến 13 tuổi, nhưng ngoài lúc gặp nhau trực tiếp thì xưng hô “mi - ta”, còn lúc Trịnh Công Sơn không có mặt, ông thường gọi bằng anh rất trịnh trọng. Chính người viết bài này có lần gặp ông, đề nghị ông viết cho một bài thơ về Trịnh Công Sơn, ông hồ hởi nói ngay: “Thơ cho anh Sơn thì ta viết dễ như chơi, vì ta với anh Sơn quá hiểu nhau”. Và đúng ngày hôm sau, ông đến gặp và đưa ra bài thơ với cái tựa và lời đề từ rất trang trọng: “Tặng người bạn cũ một bài thơ vui. Gửi anh Trịnh Công Sơn”.

Gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất hiếu khách, từ bà mẹ cho đến những người em. Bao giờ Bùi Giáng đến, thân mẫu của Trịnh Công Sơn cũng tự tay đơm cơm cho ông, xong, trước khi ông về còn biếu một ít tiền hoặc đôi ba cái bánh. Có lần, ông xin quá giang một người là bạn đọc chở về bằng xe đạp, dọc đường, hai cái bánh tét ông “gánh” trên vai cứ lủng lẳng chạm vào tay người lái khiến rất khó điều khiển. Người đó nói ông nên cho hoặc “rục” đi cho xong, nghe vậy Bùi Giáng liền sừng sộ: “Mi không chở thì cho ta xuống, chớ đây là bánh của bà mẹ vĩ đại đẻ ra anh Sơn cho ta, ta làm sao bỏ”.


Những năm Bùi Giáng về ở “ổn định” với người cháu rể tại Bình Thạnh, ông hầu như không giao du với ai trong giới văn nghệ, chỉ lang thang đây đó với “người đời” ban ngày, buổi tối trở về. Nhận ra sự “vắng mặt” của ông, một tối khuya, Trịnh Công Sơn nhờ một người bạn chở đến tận nơi. Lúc nhạc sĩ vừa đến thì đèn trong nhà cũng vừa tắt phụt. Trịnh Công Sơn gọi khẽ: “Anh Giáng ơi! Sơn đây” thì đèn bật sáng, Bùi Giáng mở cửa bước ra với bộ dạng thật sạch sẽ, tươm tất. Khi Trịnh Công Sơn đã vào trong nhà, Bùi Giáng trịnh trọng thắp lên một cây nhang thơm, nói “bạn đến, ta phải xông hương tiếp bạn”. Trịnh Công Sơn ứa nước mắt.

Rất nhiều lần Trịnh Công Sơn tiếp rượu thân mật Bùi Giáng tại nhà riêng hoặc ở quán xá. Một buổi chiều năm 1988, ông và Bùi Giáng vừa ăn vừa uống rượu vodka tại quán Ba Miền. Chính trong bữa tiệc rượu này, hai kẻ tri ngộ lại một lần nữa “tri ngộ” nhau bằng màu sắc: Trịnh Công Sơn vẽ chân dung Bùi Giáng, và ngược lại. Nói cho công bằng, Bùi Giáng có vẻ “thất thế” trước Trịnh Công Sơn về cái khoản vẽ, nhưng với bức tranh vẽ bạn lần đó, ông vẽ quá “lên tay”, làm như tình bạn đã nhập vào những ngón tay tài hoa của ông vậy. Ông cũng cảm hứng viết ngay vào dưới bức chân dung của ông do họ Trịnh vẽ mấy câu thơ cấp tốc: Chịu chơi Hộ Trịnh Công Sờn/ Cửa trời rộng mở rập rờn hoàng hoa/ Chào nhau giữa những vốc-ka/ Liên Xô số dzách ngọc ng… Câu thứ tư dang dở, có lẽ lúc đó ông bí vần, và đó là chuyện hiếm có đối với kẻ “mắn thơ” như ông. Cũng có lẽ do tại Trịnh Công Sơn làm ông… chao đảo vì rượu, vì người.

Tao ngộ trong hội thoại

Thuở mới chọn con đường đi vào thế giới của văn chương, triết học, Bùi Giáng thốt: “Đây là một niềm tương ngộ, cuộc trùng phùng, những tao ngộ tình cờ trong một cuộc Hội thoại”, ý nói những tư tưởng, những sáng tạo ngôn ngữ, văn chương đều là một sự gặp gỡ để cùng hội thoại về những lẽ đời. Có lẽ, ông đã có nhiều tao ngộ nhất với Trịnh Công Sơn trong cái cuộc hội thoại mà ông đã nói đó.

Về cái chết của cô em mọi nhỏ trên rừng do bom đạn thời Pháp, ông từng viết rất thổn thức: “Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên đường mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con”. Thì cũng vậy, chiến tranh ám ảnh rất nặng nề tâm thức Trịnh Công Sơn. Ông viết: Một buổi sáng mùa đông/ Một đứa bé ra đồng/ Đạp trái mìn nổ chậm/ Xác thân thành hư không. Bùi Giáng có cái nhìn siêu hình xa xăm diệu vợi: Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không/ Ta đi còn gửi đôi dòng/ Lá rơi có dội ở trong sương mù. Trịnh Công Sơn cũng “lo ra”: Tôi như trẻ nhỏ/ Ngồi bên hiên nhà/ Chờ xem thế kỷ tàn phai. Và từ hình ảnh lá của Bùi Giáng ẩn dụ người chết đi như lá rụng “dội” không âm vang trong sương mù cõi đời, Trịnh Công Sơn tiếp nối… dữ hơn: Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày. Rất lạ là Bùi Giáng cũng hay nghĩ đến chuyện kiếp sau, và ông “thích” hình ảnh “núi đá”: Ngựa về núi đá đầu thai. Trịnh Công Sơn cũng thế: Chờ cây non trên núi đầu thai. Một tư tưởng “lẩn quẩn” nhiều nhất trong các tác phẩm, từ thơ đến triết của Bùi Giáng là sự kiện “lỡ từ lạc bước bước ra” của con người khi đến với trần gian và từ đó con người cứ hoài nhớ về một chốn quê xưa nào đấy. Tại sao con người cứ sinh ra rồi mất đi, tiếp nối mãi hoài như thế? Đến nỗi những câu thơ ông diễn tả cơ hồ cũng lẩn quẩn theo, như một sự bế tắc: Đi về đi ở đi đi/ Đi là đi biệt từ khi chưa về. Trịnh Công Sơn cũng có niềm thắc mắc “loanh quanh” tương tự: Hôm nay ta về lại ngỡ ta đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Cuối cùng, nói về cái chết, ấy là lúc từ giã “cái tôi” trần gian để về chín tầng cao gặp “cái tôi” bất tuyệt của mình, Bùi Giáng ngỏ lời: Rồi tôi cũng phải xa tôi/ Đời tài hoa cũng xa xôi phương trời, Trịnh Công Sơn - sợ mình “về” sau, cũng thốt: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây/ Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này/ Còn bao lâu tôi xa anh, xa em, xa tôi.

Ngày 7/10/1998, Bùi Giáng Bay về ổ chín tầng cao/ Con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên. Cũng lại Trịnh Công Sơn viết những câu thơ đúng nhất và tha thiết nhất về kẻ tri ngộ của mình: Thi nhân vĩnh viễn chân trời ấy/Đảo điên điên đảo bụi trần gian/ Từ ấy tôi buồn như cỏ dại/Buồn vì một chút bụi lang thang. 3 năm sau, Trịnh Công Sơn cũng: Những hẹn hò từ nay khép lại/ Thân nhẹ nhàng như mây... Câu nói của ông về Bùi Giáng ngày nào hẳn cũng rất đúng cho chính ông: “Bùi Giáng là hư không là vô thường, là thiên niên kỷ trước, là lầu không, là vô biên mầu nhiệm, là bát quái trận đồ vô ra bế tắc mà rốt cuộc cũng vẫn luân lưu một sự đời miên viễn nói cười hả hê vu vơ mầu nhiệm”. Và khi nhắc đến sự chết, sự đi đi về về với chốn trần gian, người đời sau cũng chỉ muốn nhắc đến tên hai người tài hoa tri ngộ này, như một biểu tượng chung: Giáng đã đi rồi Sơn cũng đi/ Nghìn xưa đâu có Giáng, Sơn gì/ Nghìn sau đâu có Sơn cùng Giáng/ Dắt díu nhau về dắt díu đi (thơ của một bạn đọc ký tên Long Điên trong sổ tang Trịnh Công Sơn).

Đỗ An (Theo TT&VH)

Đăng lại từ diemnhin.vn

Các tin đã đăng:
Về đầu trang