Trước sự quan tâm của bạn
đọc, chúng tôi, nhận thấy đây là cơ hội để khái quát hóa vấn đề, đi từ một hiện
tượng riêng lẻ, đơn nhất, là việc đốt vàng mã trong nhà chùa, đến tìm hiểu một vấn
đề có tính phổ biến, bao quát hơn, là cách mà Phật giáo Việt Nam chúng ta đối xử
với những yếu tố truyền thống, nhưng ít nhiều có tính chất tiêu cực, mà có thể
gọi gọn bằng từ “hủ tục”. Thành tố “tục” thể hiện tính chất truyền thống. Trong
khi thành tố “hủ” trong từ nói trên thể hiện tính chất tiêu cực.
Chúng tôi xin được có mấy
nhận định như sau:
1.
Rất mừng là khoảng hơn 50 ý kiến, có lẽ
gần phân nửa là ý kiến dài, cho cả 2 bài có liên hệ đến vấn đề, gồm bài trả lời
phỏng vấn của Thượng tọa Thích Thanh Quyết, và bài chia sẻ những quan điểm của
Thượng tọa do tôi viết, đều:
-
Thống nhất với nhau trong nhận thức.
-
Chỉ khác biệt nhau về cách xử lý. Một bên
chủ trương Phật giáo nên tuyệt đối cấm cửa đối với đốt vàng mã, đuổi thẳng ra
khỏi chùa. Còn một bên thì tán thành cách xử lý của thượng tọa Thanh Quyết,
mang tính chất trung dung: “Tôi không cổ
suý cho việc lạm dụng quá mức vàng mã, nhưng tôi nghĩ vẫn nên duy trì hình thức
đốt vàng mã mang tính kỷ niệm, vì ý nghĩa nhân văn của nó”.
Theo
tôi, khác biệt nhau về nhận thức thì khó mà cùng nhau giải quyết vấn đề, nhưng
nếu đã thống nhất cơ bản về mặt nhận thức, chỉ khác biệt về hướng xử lý, thì việc
tiến đến giải quyết vấn đề đã trở nên dễ dàng.
Điều
thống nhất về mặt nhận thức, là tất cả các ý kiến đều xác định như Thượng tọa Thích
Thanh Quyết: “Nhà Phật không có nghi lễ đốt
mã”.
Thống
nhất được nhận thức trong một cuộc trao đổi ý kiến như thế là điều rất tốt. Giờ
thì chúng ta bàn đến cách xử lý vấn đề ở tầm bao quát hơn: cách xử lý với những
hiện tượng truyền thống, mang tính dân gian, nhưng ngoài đạo Phật, có thể có
tác dụng tiêu cực.
2.
Đã nói đến việc xử lý, thì tất yếu phải
xét tới tính khả thi của biện pháp xử lý. Không thể đưa ra cách xử lý không khả
thi. Phật giáo không phải là một tôn giáo có giáo quyền mạnh và điều đó càng hết
sức rõ nét ở Phật giáo Việt Nam. Đối với những yếu tố truyền thống, nhưng được
xác định là không phải từ Phật giáo và mang tính chất tiêu cực, thì tất nhiên
phải loại trừ. Vấn đề ở chỗ là loại trừ như thế nào, tức thời hay có quá trình,
hoặc chấp nhận có tính hình thức, với ý nghĩa tượng trưng, kỷ niệm.
Theo
tôi, thì cách xử lý trước hết phải mang tính thực tế, tính khả thi, không duy ý
chí, không ngắt ngang, phủ nhận căng thẳng, đạp đổ tức thời như “Hồng vệ binh”
với những yếu tố được gọi là “tàn dư phong kiến” trong “Đại Cách mạng Văn hóa” ở
Trung Quốc.
Tức
là, chỉ có thể giải quyết như cách mà thượng tọa Thích Thanh Quyết đã nêu, tức
là trung đạo, trung dung, có quá trình, không nóng vội, cực đoan, chủ quan, duy
ý chí.
Nếu
không như thế, thầy nói cấm, còn số Phật tử muốn đốt vàng mã vẫn cứ đốt. Thầy
nói không đốt, thì cứ để thầy nói. Đốt ở chùa này không được, thì người ta mang
sang chùa khác, hay bỏ chùa tụ tập nhau mà đốt ở đình, đền, miếu, phủ… nào đó,
chẳng cần đến chùa, đến thầy nữa!
Như
thế, chẳng những có lợi gì trong việc hoằng hóa, mà còn gián tiếp đuổi một số
Phật tử đi ra nơi khác, xa rời Tam Bảo.
Còn
cái cảnh, nếu thầy nói không, còn Phật tử vẫn chen nhau đốt vàng mã phừng phừng,
thì có khác chi một cảnh tấu hài, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”.
Do
vậy, theo tôi, đối xử với những yếu tố truyền thống dân gian ngoài Phật giáo, ở
đây là đốt vàng mã và các việc khác như cúng sao, giải hạn, xin xăm…, việc nào
có mức tiêu cực giới hạn, vẫn tạo cơ duyên cho tín đồ đến chùa, lễ Phật, thì
nên loại trừ từng bước một, khoan dung, trung đạo, có quá trình, giữ mặt tích cực,
hạn chế phần tiêu cực, tránh việc nói được mà không làm được.
3.
Còn đối với những yếu tố có thể ảnh hưởng
đến việc hoằng hoá làm ảnh hưởng đến việc quy tụ Phật tử, nhất là Phật tử trẻ,
như trường hợp chúng tôi vẫn thường nhắc đến, như “triển lãm” quan tài trước cửa
chùa (chùa Linh Phước, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, Long An) mà việc dẹp bỏ nằm
trong tầm tay nhà chùa, thì cần phải dẹp bỏ ngay lập tức. Cũng vậy, đối với việc
cúng bia lên Phật, dùng bia trong các buổi
trai tăng, Phật tử trực tiếp giết gia súc tế lễ người quá vãng, tạo tác phạm giới…
Đây là những hủ tục tai hại cho sự phát triển Đạo pháp hơn nhiều so với chuyện
đốt vàng mã.
Đừng
nên quá tập trung vào các tiểu tiết mà quên đi chuyện đại sự. Đốt vàng mã quá lắm
là việc tốn kém, không mang tính chất liên hệ đến giới luật như cúng bia lên Phật
rồi uống đến say xỉn, chẳng những là phạm giới, mà còn ảnh hưởng oai nghi, cũng
như việc phạm giới sát sinh khi cúng tế hay việc duy trì quan tài gây âm khí cửa
chùa, làm trở ngại việc thanh niên đến cửa Phật... Đó là những việc lớn cần tập
trung xử lý và có thể xử lý khả thi đạt kết quả nhanh chóng, nếu quyết tâm.
Cuốn
hút vào mối “ưu tư” vàng mã sẽ là tình trạng lạc hướng trong vấn đề xử lý những
yếu tố truyền thống dân gian, không phải của đạo Phật, mang tính tiêu cực, bỏ
quên chuyện lớn mà vướng víu chuyện nhỏ, quên cái có thể giải quyết ngay, vướng
víu vào những chuyện chưa khả thi. Vì vậy, không nên xem xét tách rời, phi biện
chứng, phi nhân duyên, khi chỉ thấy, chỉ lo vấn đề vàng mã, “thấy cây mà không
còn thấy rừng”, thấy cái riêng lẻ, mà không thấy cái chung, cái bao quát.
4.
Hoà thượng Thiện Hoa có nói một câu có
tính chất đúc kết tinh hoa Phật pháp rất có ý nghĩa, mà tôi vẫn thường ghi nhớ:
“Phàm làm việc gì cũng nghĩ đến hậu quả của nó”.
Chúng
ta thử áp dụng lời khuyên trên vào vấn đề đang thảo luận. Phát biểu hay thậm
chí nhân danh giáo quyền ban hành một lệnh cấm đốt vàng mã, tuyệt đối cấm cửa
vàng mã với chùa chiền…, một vị lãnh đạo Giáo hội như thầy Thuợng tọa Thích
Thanh Quyết có thể làm. Nhưng như đã bàn, có cấm được không? Hay rồi diễn ra
cái cảnh “ai cấm mặc ai, thuận tay cứ đốt”. Có tầm nhìn hơn, trí tuệ hơn, thì cần
phải thấy trước những việc phản tác dụng đối với một việc cấm đoán triệt để như
vậy đưa ra.
Trong
số những ý kiến phản hồi mang tính chất thảo luận, có ý kiến của bạn đọc Đào
Văn Hoàng rất đáng chú ý:
“Quý vị hãy thức tỉnh trong tình hình tôn
giáo hiện nay để trải nghiệm thêm. Thiên chúa giáo hiện nay đã cho giáo dân của
mình lập bàn thờ tổ tiên, thắp hương tưởng niệm người thân, cho phép con chiên
được kết hôn với người tôn giáo khác rồi đó và nhiều tín ngưỡng tâm linh khác nữa.
Và cứ đà này là họ sẽ cho phép con chiên của họ cúng ông bà tổ tiên và đốt vàng
mã đó”
Độc
giả Minh Ngọc cũng bổ sung: “TCG đã cho
phép thắp hương, làm giỗ, lác đác vài nơi còn thờ Ông Địa, Thần Tài, đốt vàng
mã…”
Thực
ra, nói cho đúng, thì khi Đạo Catô La Mã cho phép con chiên đốt hương, thì về
cơ bản, họ cũng cho phép con chiên đốt vàng mã, vì đốt hương hay đốt vàng mã đều
là những nghi thức tín ngưỡng bản địa, rải rác ở các địa phương khác nhau trên
thế giới. Những văn kiện dẫn đến việc cho phép đó, chỉ nói nguyên tắc chung, không
phân biệt đâu là đốt hương, đâu là đốt vàng mã. Đốt cái gì, thì đối với họ cũng
là nghi lễ ngoại đạo.
Đó
là các văn kiện của “Công đồng Vatican II”, gọi tắt là Vaticano II, mà bạn đọc
có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Hai trong số năm nguyên tắc cơ bản của Công
đồng Vatican II là: cởi mở với thế giới, từ tâm hơn là khắt khe (diễn văn khai
mạc Công đồng Vatican II, do Giáo hoàng Gioan XXIII đọc ngày 11/10/1962 tại
Vatican). Những nguyên tắc này đưa đến những văn kiện tương ứng chỉ có tính chất
tổng quát giống như “nghị quyết” của ta, nhưng có giá trị lâu dài, không xác định
thời gian theo nhiệm kỳ.
Các
đơn vị cơ sở của đạo Catô La Mã, tuỳ những hoàn cảnh cụ thể, vấn đề cụ thể, mà
áp dụng các văn kiện của Vaticano II. Điều đó dẫn đến việc cho phép đốt hương,
và trên tinh thần của các văn kiện, thì đốt vàng mã cũng được phép, vì như đã
nói đốt cái gì đó cũng là hình thức tín ngưỡng ngoài đạo Ca tô La mã.
Sở
dĩ đạo Ca tô La Mã có chuyển đổi trong quan điểm như vậy, vì qua thực tế họ đã
thấy được những hệ quả bất lợi của việc thù địch, khắt khe, đối kháng với tín
ngưỡng dân gian. Điều này họ đã nghiên cứu kỹ, đã tổng kết và đi tới kết luận.
Thái
độ chung được chỉ đạo từ Vatican bây giờ lại không khác gì ý của thầy Thanh Quyết:
không khuyến khích nhưng cũng không cấm.
Nay
không lẽ, Phật giáo chúng ta lại làm cái việc ngược lại với tinh thần cởi mở,
khoan dung, vốn là ưu điểm của Phật giáo, các tôn giáo khác phải học tập gián
tiếp (không nói ra), mà đi làm theo cái mà họ đã cho là sai lầm, khắt khe, nhỏ
hẹp, cần dẹp bỏ, thay đổi bằng sự cởi mở, rộng rãi hơn.
Trong
đạo Ca tô La Mã, sau khi các văn kiện của Vaticano II được công bố, kết thúc Công
đồng này, thì có một thiểu số chống đối kịch liệt, phủ nhận và bất tuân
Vaticano II, mà chức sắc Ca tô La Mã người Việt Nam điển hình cho xu hướng này
là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Dĩ nhiên, ông ta đi vào những điểm cụ thể như cấm
cửa việc con chiên đốt hương (có thể hiểu cũng có giá trị tương đương với đốt
vàng mã). Các tài liệu của đạo Ca tô La Mã ở Việt Nam cũng ghi nhận việc một số
giáo xứ, một số chức sắc cũng như giáo dân phản đối thụ động Công đồng Vatican
II, bằng cách trì hoãn việc thực hiện nội dung văn kiện Công đồng, hoặc vẫn áp
dụng các quan điểm cũ, kể như không hề có các văn kiện của Vaticano II (1).
Bây
giờ, lẽ nào, Phật giáo chúng ta lại có thể đối xử với những yếu tố tín ngưỡng
dân gian La Mã theo cách của một thiểu số tín đồ đạo Catô La Mã cực đoan và lạc
hậu đã nói ở trên hay sao?
Hãy
cẩn trọng, “Phàm làm việc gì cũng nghĩ đến hậu quả của nó”. Có thể có một cái bẫy
ở đây!
Thượng
toạ Thích Thanh Quyết phát biểu như thế, theo tôi là có chừng mực, vì
nhích hơn một tí nữa, là cấm. Như vậy, là Phật giáo chúng ta, một tôn
giáo mang tính chất truyền thống, lại xử sự với tín ngưỡng bản địa theo cách của
một tôn giáo ngoại lai, mà như đã nói, cách mà họ đã thấy là sai lầm và đã điều
chỉnh.
5.
Cũng xin phép trao đổi về ý kiến đặt vấn
đề “lập trường chánh pháp” và “tuỳ thuận với cái mê”
Tôi
thấy tất cả các ý kiến trên diễn đàn đều
thống nhất với nhau ở khâu nhận thức, xác định rõ Phật không dạy đốt vàng
mã và vô ích trong việc siêu độ, trợ giúp cho các vong linh. Vì vậy, không có ai có vấn đề về “lập trường chánh
pháp” cả.
Còn
cái mê, thì tiêu chí để xác định trong trường hợp này, nên lấy tiêu chí về giới
để xác định đánh giá, cái mê nào trái với giới luật (như có yếu tố sát sanh,
liên hệ với rượu và các chất say…) thì nên coi là trọng điểm giải quyết.
Còn
nếu nói chỉ là yếu tố ngoại lai, vô hại đối với Phật giáo và nhân sinh, nếu
không đi quá đà (như cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, cúng cô hồn…) thì nên từng
bước giải quyết, không nên làm “Đại cách mạng văn hoá”.
Tôi
không biện bạch cho Thượng toạ Thích Thanh Quyết, vì Thượng toạ nói chừng mực
như thế, thì không cần gì đến ai biện bạch. Tôi chỉ có ý kiến vì thấy có sự cần
chia sẻ. Nay, đã có quá nhiều ý kiến thảo luận, nên tôi thấy cần phải nói thêm
cho đầy đủ, cho rõ ràng hơn.
Cách
ứng xử của Phật giáo Việt Nam đối với các yếu tố tín ngưỡng truyền thống ngoài
đạo Phật có thể có tính chất tiêu cực là một đề tài thú vị và bổ ích cho việc
hoằng hóa và tu tập. Vì vậy, việc bạn đọc quan tâm đến vấn đề này là rất đáng mừng
và rất đáng hoan nghênh.
Tôi
xin đề nghị các ý kiến, vốn đã viết dài, có nhiều ý tưởng, chi tiết trong diễn
đạt, thì nên đầu tư thêm một chút nữa để thành bài viết hoàn chỉnh, để đáp ứng
nhu cầu tìm hiểu, thảo luận của bạn đọc, cũng như làm phong phú hơn số lượng
bài viết của Phattuvietnam.net, từ những
ý kiến vốn đã có chất lượng và tâm huyết
trước sự phát triển của Đạo pháp.
6.
Về đề xuất cụ thể đối với việc đốt vàng
mã, thì
-
Không nên đốt trong kiến trúc chùa, tuyệt
đối không đốt trong chánh điện, trong khoá lễ. Chỉ đốt ngoài sân chùa, ở một
góc sân (nếu Phật tử thấy cần thiết phải mang đến đốt ở chùa).
-
Nhà chùa treo bảng nhắc nhở: Không nên đốt
vàng mã, “Nhà Phật không có nghi lễ đốt
mã”.
-
Số lượng đốt giới hạn 1 xấp giấy/lần (trị
giá khoảng 5.000đồng/lần), có tính chất tượng trưng, kỷ niệm.
-
Không cho bán vàng mã trong chùa.
-
Trong các buổi thuyết pháp, chư tăng nên
luôn yêu cầu không đốt vàng mã.
MT
(1)
“Công đồng” (không phải “cộng đồng”) là
một dạng hội nghị đặc biệt quan trọng của đạo Ca tô La Mã, với sự tham dự của
các chức sắc từ Giám mục trở lên và một số quan chức trong Giáo hội Ca tô La
Mã, nhóm họp chính thức để bàn luận những vấn đề thuộc giáo lý và luật lệ của đạo
Ca tô La Mã.
Công
đồng giữ vai trò nắm quyền tối thượng đối với Giáo hội Ca tô La Mã.
Công
đồng Vatican II không chỉ là một hội nghị, mà là một chuỗi hội nghị và hoạt động
nghiên cứu, đệ trình các nghiên cứu, xem xét và thông qua các văn bản tổng kết
quá trình nghiên cứu bắt đầu từ tháng 5/1959 kết thúc vào cuối năm 1965.
Các
hoạt động thảo luận hội nghị chính thức và nghiên cứu liên quan được thể hiện
qua số lượng giấy in là 150 tấn, 56 triệu trang giấy, dùng 284.000 mét băng từ
ghi âm các cuộc họp.
Con
chiên tại Việt Nam bắt đầu có thể đốt hương và làm nghi lễ tín ngưỡng dân gian
khác ngoài đạo Ca tô La Mã sau khi Vaticano II kết thúc, với hàng loạt văn kiện
thể hiện các quan điểm mới, phục vụ cho việc truyền đạo và hành đạo của tôn
giáo này trong bối cảnh mới, nhằm mục tiêu tăng số lượng con chiên, đưa đạo Ca
tô La Mã vào vị trí thích nghi hơn với bản
sắc dân tộc nơi nó truyền đến.