Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý Đại Biểu, Thiện Hữu Tri thức, Khách quý và Phật Tử.
Được
tin trễ, hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011, tổ chức tại Bình Dương,
nên chúng tôi không chuẩn bị kịp để tham dự. Rất tiếc cho việc thiếu cơ
duyên của mình. Qua bài tham luận mang tính chủ quan nhưng có đủ bằng
chứng cụ thể và đã được thí nghiệm nhiều lần ở nhiều nơi, nên chúng tôi
có thể khẳng định “Ba giờ huấn luyện, 10 ngày hoằng hóa, đưa Phật pháp đến nông thôn”. Trước khi trình bày phương cách, chúng tôi xin có vài nhận xét nhỏ nhưng cần thiết như sau:
-
Đức Phật lúc chứng quả, Ngài chỉ khoảng 35 tuổi. Trong hội trường của
chúng ta hôm nay nhiều vị có số tuổi bằng Đức Phật lúc bấy giờ, có vị
thì tuổi ngang hàng với Phụ vương và Mẫu hậu của Ngài lúc ấy.
Một
“thanh niên” với tuổi đời như thế, sống trong một xã hội đầy thần
quyền, mê tín và bất công của Bà La Môn và Ấn giáo, nhưng tùy cơ và theo
hoàn cảnh, từ khi Thành đạo đến lúc nhập Niết bàn, Ngài không bao giờ
ngừng nghỉ việc giáo hóa độ sinh. Vì vậy mà giáo pháp của Ngài không
những được lưu truyền đến ngày nay mà còn phát triển ngoạn mục nhờ tính nhân bản, thực dụng và khoa học. Phật giáo đang từng bước là tôn giáo của hòa bình, giúp trị liệu và giải đáp những bế tắc của khoa học hiện nay (1).
Nếu
kể luôn số lượng Tăng Ni và cư sĩ trong cả nước, ít nhất, chúng ta cũng
có vài chục triệu vị Phật sẽ thành. Một mình, mà Đức Phật có thể giáo
hóa độ sanh được, tại sao “những vị Phật Việt Nam” không làm được
hoặc chưa làm được? Để Phật tử bị cải đạo, để số lượng tín đồ của độc
thần giáo gia tăng. Chúng ta có thể thờ ơ chăng trước sự nguy nan có thể
đến với dân tộc, khi Phật giáo chỉ còn là tôn giáo thiểu số?
- Nhiều
tôn giáo có mặt trên đất nước Việt Nam đã đóng góp cho quốc gia về mặt
văn hóa, tín ngưỡng, đạo đức v.v.. Riêng Phật giáo, đặc biệt hơn, được
lịch sử dân tộc công nhận là: “Luôn luôn đồng hành với dân tộc qua tất cả các thời đại” trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2000 năm. Nhưng ngày nay, chính sách của Nhà nước là Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Vậy các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, liệu có được vài tỉ Mỹ kim,
hay có vài tấn kim cương hột xoàn hoặc những vật hữu ích để đóng góp? Và
nếu như các tôn giáo không có tiền bạc hoặc vật chất giá trị, để đóng
góp cho chương trình dân giàu nước mạnh, thì các tôn giáo ấy sẽ trở
thành vô dụng đối với dân tộc?
- Ông
Bill Gates, người giàu nhất thế giới, đã cho dân nghèo các nước khoảng 4
tỉ Mỹ kim để chữa bệnh và thăng tiến cuộc sống, vì một số quốc gia ở
châu Mỹ La Tinh và Phi Châu có đến 30% bị bệnh Si-đa mà nguyên nhân
chính là do luật tôn giáo cấm tín đồ sử dụng phương tiện ngừa thai. Việc
làm của ông Bill Gates rất đáng trân trọng, nhưng đó cũng mới cho con cá chứ chưa phải cho cái cần câu.
- Trong
đời thường khi gặp nhau, đông cũng như tây, nam cũng như bắc, ai ai
cũng hỏi thăm nhau ‘Thầy, cô, anh, chị, chú, bác…’ có khỏe mạnh không?
Chứ không ai hỏi có bao nhiêu hột xoàn, giàu hay nghèo. Điều đó cho thấy
sức khỏe là tối ưu cần thiết. Nếu sức khỏe không có thì có hằng đống kim cương hột xoàn cũng chẳng ích gì.
- Phật Giáo không có tỉ tỉ đô la, không có kim cương hột xoàn để giúp vào việc làm cho dân giàu nước mạnh. Nhưng Phật Giáo có một “kho châu báu vô tận” mà nhân loại có thể tự do sử dụng, không cần xin phép, chẳng phải tranh giành, bởi không bao giờ khô cạn.
Thật
vậy, trong 50 năm qua, các khoa học gia và y giới Tây phương đã sử dụng
Thiền của Phật giáo để chữa đủ thứ bệnh, từ tim gan tỳ phế thận, tiểu
đường, ung thư, Si-đa… Thậm chí, có nhiều trường hợp, Thiền còn công
hiệu hơn thuốc. Nhiều kết quả trong chữa trị, đưa đến kết luận rằng: “Thiền có thể làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa.”
Thật
ra không phải chỉ có Thiền mà Tịnh và Mật cũng đem lại kết quả tương
tự. Nhưng người Tây phương thích Thiền hơn. Kèm theo bài tham luận nầy
là một ngàn tập sách mỏng “Thiền là phương thuốc trị bệnh” (2), xin được cung kính cúng dường đại biểu khóa Hội thảo Hoằng pháp, như là một minh chứng cho những điều đề cập.
*
Tiếp theo, xin trình bày phương pháp “Ba giờ huấn luyện, 10 ngày hoằng hóa, đưa Phật pháp đến nông thôn”.
Năm rồi, liên tiếp 24 địa điểm, từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, tôi đi thuyết trình “Thiền và Sức Khỏe” như là một thí nghiệm. Mỗi nơi có khoảng từ 40 đến 300 thính giả. Có nơi
chư Tăng Ni đến dự khá đông. Lý do, có lẽ Quý vị có ít nhiều cảm tình
với tôi qua một số chương trình từ thiện, tạp chí và nhiều tác phẩm văn
hóa của Hội Từ Thiện Giao Điểm. Nhưng dường như, lý do chính là vì đề tài thiết dụng: Thiền và sức khỏe.
Sau nữa giờ thuyết trình là thời gian giao lưu hào hứng. Kết quả rất
phấn khởi; thính giả rất hoan hĩ. Qua những kinh nghiệm nầy tôi thấy rõ
hơn nếu sử dụng Thiền, hoặc Tịnh hay Mật để hoằng dương Phật pháp thì
chắc chắn có nhiều kết quả mà tốn ít thời gian và phương tiện.
Nhiều
thế kỷ trước, một số Tổ sư các nước đến truyền đạo tại Việt Nam, đa số
không biết tiếng Việt. Quí Ngài làm cốc hoặc am để ở tu hành. Nhờ hiền
lành đạo đức nên dần dần quần chúng tiếp cận. Quý Ngài cũng giúp dân
chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc, tập võ v.v.. Thời gian từ 5 đến 10
năm, mỗi quý Ngài cũng chỉ có vài ngàn tín đồ.
Một
Tăng Ni được đào luyện từ năm đến mười năm chưa chắc đã đi thuyết pháp
được, vì ngoài kiến thức Phật học, cần phải có tài biện thuyết và nghệ
thuật diễn giảng. Nhưng nếu dùng phương pháp Thiền, Tịnh hay Mật thì chỉ
cần 3 tiếng đồng hồ huấn luyện cho một người, có vốn liếng trung bình về Phật học, thì vị đó có thể hướng dẫn quần chúng một cách dễ dàng.
Thiền,
theo tôi hiểu, một cách tổng quát, là có hai loại: Thiền Trị bệnh và
Thiền Giác ngộ. Thiền Giác ngộ bao gồm Thiền Tánh không, Như Lai thiền,
Thiền Tứ niệm xứ, Thiền Minh sát tuệ v.v…Lại còn chia ra Thiền Đại Thừa
và Thiền Nguyên Thỉ. Còn Thiền Trị bệnh chỉ cần áp dụng Thiền Chú, Thiền Quán hoặc Thiền Thở (quán sổ tức). Phương pháp nào cũng được, miễn sao định được tâm trong vòng tối thiểu 10 phút, ngày 2 lần là có kết quả nhanh chóng.
Từ kinh nghiệm qua 24 buổi giao lưu về Thiền và Sức khỏe
và vài nhận định nêu trên, chúng tôi thấy nếu ban Hoằng pháp mỗi tỉnh
huấn luyện khoảng 50 Tăng Ni và cư sĩ về Thiền trị bệnh. Sau đó, chia
thành 25 nhóm, mỗi nhóm hai người. Mỗi ngày, một nhóm có khả năng đến
được 2 làng, một làng buổi sáng, một làng buổi chiều. 25 nhóm, mỗi ngày
đi được 50 làng. 10 ngày sẽ đi được 500 làng. Có nghĩa là đi gần hết một
tỉnh trung bình. Ban Hoằng pháp tỉnh nào phụ trách tỉnh đó. Cố nhiên
phải có các phương tiện di chuyển cho hoằng pháp viên và nên biếu mỗi
thính giả một tập sách mỏng “Thiền là phương thuốc trị bệnh” như là những bằng chứng cụ thể. Tiền in mỗi tập khoảng 5000 đồng.
Trước lúc đến một làng, chúng ta phải theo thủ tục hành chánh:“Nước có vua chùa có chủ”.
Nếu trong thông báo mời dân làng đến nghe thuyết pháp thì chắc chắn họ
sẽ không đến, vì có nhiều dân làng chưa là Phật tử. Nếu là Phật tử,
nhưng lúc đến, chúng ta giảng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Nhân quả, Luân
hồi, Thập nhị nhân duyên…thì chưa chắc họ đã muốn nghe. Bởi trước mắt,
họ cần phải đối phó với cái ăn cái mặc và bệnh tật…Chúng ta phải hiểu
được thực tế như thế. Do vậy, công việc của các vị tiền trạm hay nếu
trong văn bản thông báo, thư mời dân làng, chúng ta nêu rõ là “Chúng tôi đến để hướng dẫn dân làng trị bệnh theo phương pháp Khoa học hiện đại mà không tốn tiền”. Hoặc ngắn gọn là mời đến để nghe“Thiền và Sức khỏe”.
Thiết nghĩ, trong 100 gia đình, cũng có ít nhất vài chục gia đình đến
dự. Lúc họ đến, chúng ta trình bày những bằng chứng cụ thể mà khoa học
gia và y giới Tây phương đã chữa bệnh bằng Thiền. Chúng ta hướng dẫn họ
rõ ràng, cặn kẻ để trị bệnh hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Những người chưa có
bệnh, chúng ta cũng giải thích cho biết Thiền có khả năng làm cho con
người “Đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa” mà trong tập sách mỏng tôi đã trình bày và đưa ra bằng chứng cụ thể.
Chúng
ta có thể gởi lại danh tánh, địa chỉ và số phone, để nếu cần thì vị đại
diện trong làng liên lạc. Chúng ta cũng xin tên, địa chỉ và phone của
vài vị đại diện dân làng. Vài tháng sau, có dịp đến thăm, lúc đó tha hồ
mà đàm đạo, thuyết giảng.
Nói
là mỗi nhóm hai người, nhưng tâm lý Phật tử, qua các lần đi cứu trợ,
chúng ta thấy có nhiều người tình nguyện đi theo vì vui, lạ và có dịp đi
xa. Nếu trong đoàn có vài người biết hát biết đàn hoặc loại văn nghệ
“bỏ túi” thì chuyến hoằng pháp “Thiền trị bệnh” sẽ rất thành
công. Lúc con người có được niềm vui, có được sự an lạc, có được nụ
cười; chính đó là Thiền, là Tịnh. Trong trạng thái nầy, não bộ sẽ tái
tạo, bạch huyết cầu gia tăng, hệ thống miễn nhiễm mạnh lên, nên có khả
năng chống lại vi khuẩn và vi trùng giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe.
Chúng ta không biết là tinh thần Từ bi Hỷ xả của Phật đi vào lòng dân tộc Việt từ lúc nào trong câu nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cũng thế, chư Tăng Ni thường dạy Phật tử tham sân si là ba độc tố (three poisons) chúng sẽ làm hại cuộc đời mình. Ngày nay, khoa học và y giới đã chứng minh, sống vui vẻ (hỷ xả), yêu đời (từ bi) đó là thuốc bổ. Nhưng nếu quá tham sân si thì bạch huyết cầu bị giảm, gan yếu, hệ thống miễn nhiễm suy dần nên dễ bị bệnh tim, cao huyết áp và tiểu đường…
Thiền không xa lạ với chư Tăng Ni và Phật tử, nhưng cái mới là không ngờ Thiền lại có thể làm cho Con người đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa. Và đó là một sự đóng góp rất lớn để có thể làm giảm ngân sách chi tiêu y tế đến tiền tỉ Mỹ kim.
Tại
Mỹ, bộ quốc phòng, các hội thể thao và một số trường học đã dạy và thực
hành thiền để cải tiến cuộc sống. Nhiều danh nhân thế giới và cả Tổng
Thống Mỹ Barack Obama cũng ngồi thiền. Trái lại chúng ta, có của báu
trong nhà nhưng vẫn chưa sử dụng.
Một
số vị tu theo Tịnh độ lại chỉ trích người tu Thiền, và ngược lại. Có
lần chúng tôi được nghe HT. Thích Quang Nhuận ở Huế nhắc lại lời Chư Tổ
rằng: “Thiền hay Tịnh cũng đều là pháp môn của Phật cả, tùy theo căn cơ của chúng sanh mà áp dụng”. Hòa Thượng cũng cho biết thêm, một số nữ tu của tôn giáo bạn đến xin học Thiền.
Tháng 11.2010, tôi gặp một Đại Đức tại phi trường Liên Khương Đà Lạt, sau khi kính tặng tập sách mỏng “Thiền là Phương thuốc trị bệnh” Thầy nói: Chùa tôi ở Đại Ninh, có hai Phật tử qua tu thiền bên nhà thờ. Tôi mời đến hỏi lý do. Hai bà trả lời: “Chùa mình không dạy Thiền để chữa bệnh, nên con qua học bên đó chứ không phải theo đạo.”
Anh,
chị và gia đình em tôi mấy năm qua bệnh nhiều quá, chữa trị nhiều nơi
nhưng không khỏi. Sau đó đến trung tâm Thiền trị bệnh tại Bình Dương.
Sau ba tháng thực hành nay đã lành bệnh. Người hướng dân tại Trung tâm
nầy không phải là một vị Sư, mà cũng chưa hẳn là một Phật tử, em tôi nói
thế.
Ở
nước ngoài, người ta quýnh lên vì sợ mất nhiều tín đồ, nên họ đã đẻ ra
cụm từ “Christian Meditation” (Thiền Cơ Đốc giáo) mà trong lịch sử họ
chỉ có môn Tĩnh Tâm chứ không có Thiền. Còn y giới và khoa học gia luôn
luôn đề cập đến Thiền Phật Giáo trong khoa học và trong trị liệu, từ
bệnh Tâm thần đến cơ thể như Erich Fromm, Carl Jung, Dean Ornish,
Herbert Benson, Jon Kabat-Zinn…
Ngày
2.5.2011 sắp đến, UCLA, một đại học nỗi tiếng của Mỹ, mời ngài Đa Lai
La Ma đến chủ trì buổi thảo luận của các khoa học gia về Khoa học Thần
kinh não bộ (neuroscience) và Phật Giáo (Tây Tạng).
Nhưng
tại Việt Nam, hầu như Phật Giáo chưa có một trung tâm nào dạy Thiền trị
bệnh. Trái lại có nhiều tổ chức tư nhân, dạy Yoga để trị bệnh, nhưng
Yoga đâu bằng Thiền và mất rất nhiều thì giờ và không phải miễn phí. Còn
Thiền, bất quá là tốn một cái gối, hoặc ngồi trên ghế hay trên bậc cấp
xi măng cũng được.
Để tránh việc lạc dẫn tín đồ, Giáo Hội, hoặc Ban Hoằng Pháp Trung Ương nên mở các khóa huấn luyện Thiền Trị bệnh phối hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục. Rồi cấp chứng chỉ, để tránh tình trạng nay thì chưa có nhưng mai thì “lạm phát Thiền Sư” gây tác hại và mất uy tín.
Kết luận:
Muốn quần chúng“Đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, chống bệnh tật và lão hóa”, phải
chăng các chùa tại thành thị nên có các lớp Thiền hoặc Tịnh độ trị
bệnh? Tạo thành một phong trào ngừa và chữa bệnh bằng Thiền rồi dần dần
sẽ lây lan đến các trường học và các cơ sở y tế. Thiền, phối hợp với
thuốc để cùng trị bệnh, kết quả sẽ gấp bội.
Tại
nông thôn cũng thế, làng nào có chùa thì nên có các lớp hướng dẫn Thiền
và Tịnh để giúp dân. Làng chưa có chùa thì có thể mượn, nhờ căn nhà của
một vị hảo tâm.
Trong
lúc nếu chưa có phương pháp nào hiệu quả thiết thực hơn, cúi xin Chư
Tôn Đức lãnh đạo Giáo Hội quan tâm, có nên chăng áp dụng Thiền, Tịnh và
Mật như là phương tiện cho chương trình hoằng pháp và cải thiện đời sống
con người vốn dĩ có nhiều bệnh tật, khổ đau. Phải chăng đó cũng là một
phương cách hữu hiệu, ứng dụng để góp phần vào chính sách của nhà nước
là:“Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Giáo Pháp của Phật có thể ví như một món hàng vô giá (hàng xịn)
nhưng ban tiếp thị Phật tử chúng ta chưa làm đúng chức năng? Để mỗi
ngày bị hao mòn, mất dần tín đồ! Trong lúc kẻ khác sử dụng hàng nhái,
hàng tồi hoặc hàng cóp, nhưng họ lại làm được việc, lấn sân. Điều đó
không đáng để chúng ta suy gẫm sao?
Luật
Tôn giáo thiếu rõ ràng hoặc không áp dụng, nên một số người ngang ngược
dám múa gậy vườn hoang núp dưới chiêu bài tự do tôn giáo.
Cánh đồng trống, nếu không trồng cây hữu dụng vào đó thì cỏ dại sẽ mọc. Đó là lỗi của chúng ta, có lẽ không nên trách cứ một ai?
Trân trọng kính chào Chư Tôn Đức cùng quý liệt vị.
3.3.2011
(1) Xin xem bài “Chỉ niệm một chữ Úm”, Tuần báo Time, cuốn 5, bộ sách nhỏ “Phật học ứng dụng”, Hồng Quang biên soạn, đang in.
(2) Đây chỉ là một chương lấy từ bộ sách nhỏ 10 cuốn nói trên.