Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Kỳ vọng từ Hội thảo Hoằng pháp
14/03/2011 19:26 (GMT+7)

 Hơn nữa, thực hành là biểu hiện của đạo đức, là thân giáo, là điều kiện không thể thiếu của Hoằng pháp viên. Điều cần bàn ở đây là giáo lý, là phương pháp hỗ trợ thực hành sao cho có hiệu quả nhất. Ví dụ, tổ chức các lễ hội, nghi thức tụng kinh… là chúng ta đang hành trì nhưng hình thức và cách thức tổ chức như thế nào để thu hút tín đồ và có thể truyền dạy giáo lý thì cần phải học hỏi. Đây là điều Ban hoằng pháp cần trợ giúp các tự viện, ít nhất là phương pháp cơ bản.

Những ngày qua, khi đọc những thông tin về ‘Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc’ diễn ra tại Bình Dương những người con Phật không ai là không hân hoan và mong mỏi những thành tựu đạt được từ cuộc hội thảo ngay hiện tại và tương lai. Hình thức tổ chức, địa điểm tổ chức, truyền thông đưa tin, số người tham dự…khá ấn tượng. Điều đó cho thấy sự thành công trước nhất của nó là một trong những sự kiện Phật giáo được nhiều người quan tâm nhất, một dịp hiếm có để quy tụ hơn 1000 đại biểu từ hầu hết các tỉnh thành trong cả nước về tham dự và đóng góp trí tuệ của mình cho Phật sự truyền bá chánh pháp. Trong niềm vui chung ấy, người viết cũng một lòng hướng về cầu nguyện cho Hội thảo thành công tốt đẹp và nhân đây cũng xin bày tỏ một vài suy nghĩ với hy vọng chia sẻ và học hỏi từ chư tôn, thiện hữu tri thức.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Ban hoằng pháp đã tổ chức được bốn cuộc Hội thảo Hoằng pháp và số bài tham luận đóng góp cho Hội thảo cũng lên đến con số hàng trăm. Về mặt số lượng thì đây là một thành công lớn. Bởi lẽ, hằng năm cụ thể là từ năm 2008 đến nay, Ban hoằng pháp liên tục tổ chức được những cuộc Hội thảo lớn với số lượng tham dự đông đảo. Đặc biệt, Hội thảo năm 2010 và năm nay 2011 được tổ chức rất quy mô và có tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với Phật giáo và xã hội. Đồng bào Phật tử địa phương và những vùng lân cận có cơ hội tham dự, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật văn hóa và những chương trình văn nghệ Phật giáo đặc sắc. Các bạn trẻ có cơ hội tham gia tình nguyện viên phục vụ cúng dường và học hỏi Phật pháp sống động từ chư tôn đức và các đại biểu, từ đó tăng thêm kinh nghiệm sống cho bản thân. Những người nghèo khó cũng được thừa hưởng phước báo từ Hội thảo với những món quà vật chất và những bài pháp tinh thần từ chư tôn đức. Đó là thành tựu trước mắc trước mắt, dễ thấy.

Từ bốn lần Hội thảo, chắc chắn Ban hoằng pháp sẽ rút ra kinh nghiệm rằng Hội thảo Hoằng pháp tiếp theo sẽ tổ chức hằng năm hay 2-3 năm một lần để sao cho hiệu quả của nó tốt nhất; rằng tất cả những bài tham luận sẽ được tập hợp in ra ngay hay đúc kết và biên tập lại rồi xuất bản làm tài liệu cho hoằng pháp viên. Ban hoằng pháp chắc chắn cũng đánh giá được những thành tựu và hạn chế từ việc áp dụng những kết quả của Hội thảo trước đây vào thực tế cuộc sống để điều chỉnh chương trình Hoằng pháp sắp tới cho thích hợp với điều kiện mới.

Đã bốn kỳ Hội thảo rồi, có lẽ Ban hoằng pháp đã xây dựng cho mình một chương trình hay kế hoạch Hoằng pháp cụ thể cho từng vùng miền và những chính sách hỗ trợ thiết thực cho các Hoằng pháp viên có tâm phụng sự chúng sanh nhưng thiếu phương tiện. Trong các phương tiện ấy phải kể đến là sự trợ giúp của chính quyền sở tại, Ban đại diện Phật giáo sở tại và phương tiện đi lại nếu có thể. Nếu như Hoằng pháp viên cầm giấy giới thiệu của Ban hoằng pháp đến đâu bất kể Nam hay Bắc đều được trợ giúp đến đó thì Ban hoằng pháp đã thành công về mặt tổ chức, còn ngược lại thì dễ hiểu.

Về kế hoạch Hoằng pháp, hai vấn đề lớn không thể thiếu của người tu nói chung và Hoằng pháp viên nói riêng là giáo lý và thực hành. Thực hành là cốt tủy của người tu nên có lẽ không cần phải bàn. Hơn nữa, thực hành là biểu hiện của đạo đức, là thân giáo, là điều kiện không thể thiếu của Hoằng pháp viên. Điều cần bàn ở đây là giáo lý, là phương pháp hỗ trợ thực hành sao cho có hiệu quả nhất. Ví dụ, tổ chức các lễ hội, nghi thức tụng kinh… là chúng ta đang hành trì nhưng hình thức và cách thức tổ chức như thế nào để thu hút tín đồ và có thể truyền dạy giáo lý thì cần phải học hỏi. Đây là điều Ban hoằng pháp cần trợ giúp các tự viện, ít nhất là phương pháp cơ bản.

Đối với Hoằng pháp viên, có thể họ thông kinh điển và có kinh nghiệm Hoằng pháp nhưng đa số các vị trụ trì thì không phải như vậy. Do đó, việc biên soạn và phát hành giáo trình Hoằng pháp cơ bản cho tất cả tăng ni và Phật tử là điều hết sức bức thiết. Lý do là một tập thể hơn 1000 người với kinh nghiệm dày dặn truyền lại những kinh nghiệm và phương pháp qua giáo trình sẽ giúp cho tăng ni đỡ tốn rất nhiều thời gian băn khăn tìm đi lối thoát cho Phật sự Hoằng pháp. Giáo trình ấy như kim chỉ nam để tăng ni và Phật tử có thể sử dụng mà không phải lo lạc lối khi truyền bá chánh pháp. Được như vậy thì thành tựu của hội thảo sẽ vang vọng đi xa trong cũng như ngoài nước.

Không ai trong những người con Phật nghĩ rằng hội thảo chỉ là ‘đến hẹn lại lên’, xong rồi mọi thứ đâu vào đấy mà luôn mong mỏi rằng mỗi lần Hội thảo là mỗi lần Ban hoằng pháp đánh giá và rút kinh nghiệm để đưa ra những chương trình mới thích hợp hơn, là mỗi lần tìm ra giải pháp để khắc phục những khó khăn và tìm sự hợp tác mới. Sau kỳ Hội thảo này, những mong mỏi thiết tha trên có thành hiện thực không, chúng ta hãy chờ đợi.

Thích Hạnh Chơn
http://www.daophatngaynay.com

Các tin đã đăng:
Về đầu trang