Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách nghiên cứu về hoằng pháp
16/03/2011 17:24 (GMT+7)



Cơ quan nghiên cứu hoằng pháp là tai, là mắt của Ban Hoằng pháp, vừa phát hiện những vấn đề liên hệ đến Phật giáo Việt Nam, là cơ quan thu nhận thông tin. Đồng thời, đây cũng là cơ quan tìm hiểu, nghiên cứu các phương thức mới, các công nghệ mới để ứng dụng vào hoạt động hoằng pháp.

Phật giáo Việt Nam chúng ta hiện đã có một viện nghiên cứu quan trọng, đó là Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Qua một thời gian hoạt động khá dài, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã có những thành quả lớn lao trong việc nghiên cứu phổ biến các công trình nghiên cứu.

Nhiều tác phẩm giá trị đã được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức biên soạn, nhiều hoạt động học thuật như sinh hoạt khoa học, hội thảo khoa học đã được tổ chức thành công.
 
Tuy nhiên, như tên gọi của mình, Viện Nghiên cứu Phật học là cơ quan chuyên trách những vấn đề nội tại Phật giáo, nghiên cứu những giá trị bên trong của Phật giáo.
 
Lãnh vực quan hệ giữa Phật giáo với cộng đồng xã hội, Phật giáo với thế giới, Phật giáo với nhà nước, Phật giáo với kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, Phật giáo trước những chuyển biến thời cuộc, Phật giáo với công tác truyền bá, Phật giáo trong quan hệ với các tôn giáo khác, đặc biệt là vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo… chưa phải là hoạt động nghiên cứu trọng tâm của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
 
Có thể hình dung, chiều hoạt động của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam là chiều hướng nội, đi sâu vào các giá trị tĩnh, các giá trị có thể tương đối độc lập.
 
Trong khi hoạt động nghiên cứu vừa đề xuất ở trên là chiều hướng ngoại, đi sâu vào việc thể hiện và truyền bá giáo lý Phật giáo, chiều nghiên cứu động, nghiên cứu Phật giáo trong mối quan hệ luôn luôn thay đổi với các thành tố bên ngoài, tìm hiểu những vấn đề phát sinh trong việc truyền bá Phật giáo.
 
Có thể nói, nếu Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nghiên cứu những vấn đề đạo trong đạo, thì hoạt động nghiên cứu được đề xuất ở đây là đạo trong đời.
 
Các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có thể nói hầu hết luôn có giá trị ổn định lâu dài, hầu như khó thay đổi.
 
Trong khi đó kết quả các hoạt động nghiên cứu hướng ngoại là các kết quả trước mắt, phục vụ trong một thời gian ngắn, có thể biến động, thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu liên tục, bền bỉ, bám sát, linh động, nhạy bén…
 
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phục vụ cho việc tìm hiểu tư tưởng đạo Phật, lịch sử Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam, hướng về những giá trị quá khứ.
 
Trong khi đó, trong tình hình truyền bá giáo lý đạo Phật hiện nay, rất cần những nghiên cứu hướng về tương lai, trên cơ sở thu thập số liệu, phản ánh chính xác thực trạng hiện tại, từ đó đưa ra những kiến giải, tiên lượng, dự báo về tương lai của Phật giáo Việt Nam và việc truyền bá giáo lý Phật giáo tại Việt Nam.
 
Khi gặp những vấn đề cấp bách trong hoạt động đối ngoại của giáo hội, những vấn đề phát sinh mang yếu tố thời đại…, thì Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam như hiện nay khó mà đáp ứng vai trò “think tank”, tư vấn, tham mưu cho Hội đồng Trị sự hay các Ban Trung ương có liên hệ đến vấn đề nảy sinh cần giải quyết.
 
Trước những nhu cầu như trên chúng tôi xin đề xuất thành lập “Viện Nghiên cứu Hoằng pháp”.
 
Viện Nghiên cứu Hoằng pháp có thể là một viện trực thuộc Hội đồng Trị sự, cũng có thể là một viện trực thuộc Ban Hoằng pháp Trung ương, cũng có thể khởi đầu là một tổ công tác nghiên cứu.
 
Nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu hoằng pháp là phát hiện, ghi nhận các vấn đề, các nhu cầu phát sinh trong hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam, phân tích, nghiên cứu, đề xuất các hướng giải quyết.
 
Cơ quan nghiên cứu hoằng pháp cũng nghiên cứu các vấn đề có liên hệ với lãnh vực hoằng pháp, theo yêu cầu của chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thuộc Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Hoằng pháp Trung ương.
 
Cơ quan nghiên cứu hoằng pháp là tai, là mắt của Ban Hoằng pháp, vừa phát hiện những vấn đề liên hệ đến Phật giáo Việt Nam, là cơ quan thu nhận thông tin. Đồng thời, đây cũng là cơ quan tìm hiểu, nghiên cứu các phương thức mới, các công nghệ mới để ứng dụng vào hoạt động hoằng pháp.
 
Việc nắm một cách không chính thức số lượng tu sĩ và tín đồ, theo dõi sự biến động số lượng tu sĩ và tín đồ cũng thuộc nhiệm vụ của cơ quan nghiên cứu hoằng pháp được đề nghị ở đây.
 
Một Viện Nghiên cứu Hoằng pháp như đã đề nghị có kinh phí hoạt động tối thiểu, không trở thành gánh nặng của Giáo hội. Kinh phí được phân bổ theo đề tài. Trụ sở của Viện có thể đặt tại một ngôi chùa bất kỳ, hoặc Văn phòng Giáo hội, nhân sự do quý vị tu sĩ kiêm nhiệm.
 
Tuy nhiên, nhân sự của Viện Nghiên cứu Hoàng pháp chỉ là nhân sự khung. Nghiên cứu viên là toàn thể tăng ni Phật tử có tâm với sự nghiệp lợi sinh và có năng lực nghiên cứu khoa học.
 
Nghiên cứu viên hoằng pháp không đòi hỏi trình độ Phật học uyên thâm như đối với nghiên cứu viên Phật học, mà yêu cầu nhiều hơn kiến thức khoa học xã hội. Đây là thế mạnh của số đông Phật tử là cán bộ giảng dạy đại học, giáo viên, cán bộ nhân viên các ngành khoa học xã hội, báo chí, truyền thông.
 
Viện Nghiên cứu Hoằng pháp chỉ cần đóng vai trò cơ quan yêu cầu, nêu đề tài, kết nối, hỗ trợ và nghiệm thu việc nghiên cứu.
 
Nếu xét thấy cần, Viện Nghiên cứu Hoàng pháp cũng có thể đảm nhiệm việc tổ chức biên soạn các loại tài liệu hướng dẫn hoạt động hoằng pháp tài liệu giáo khoa các cấp về hoằng pháp.
Minh Thạnh
 
Tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bình Dương - 2011 - Nguồn: Phattuvietnam.net

Các tin đã đăng:
Về đầu trang