Với Phật giáo, sống là sống
với. Do đó, bạn bè là một thuộc tính riêng có của các loài chúng sanh
nói chung và của con người nói riêng, và là một trong những nhân tố quan
trọng, có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực lên bối cảnh sống cũng
như khả năng thăng hoa tâm linh của một con người. Sống phải có bạn bè.
Không có bạn bè, được xem là một trong năm điều bất hạnh đã được Đức
Phật cảnh báo(1).
Phân loại đặc tính của một tình bạn tốt
Sự vận hành tất bật của dòng sống sinh
động đã đưa con người đến với nhau. Có những mối gặp gỡ và liên hệ
thoáng qua, có những mối gặp gỡ và liên hệ vững bền. Trong sự phong phú
của các mối liên hệ và quan hệ đó, tình bạn xuất hiện. Do bởi đặc tính
riêng của từng mối quan hệ và liên hệ nêu trên, tình bạn cũng được thể
hiện với nhiều dạng thức phong phú và sinh động.
Theo quan niệm thường tình, nếu căn cứ về phương diện hình thức
thì tình bạn có thể tạm phân định ra những dạng như: bạn đường, bạn
học, bạn đồng hương, bạn đồng nghiệp, bạn tri kỷ, bạn đời, bạn đạo, bạn
đồng tu… Nếu xét riêng về phương diện giá trị và tính chất, thì
tình bạn có thể phân làm hai loại: bạn tốt và bạn xấu. Trong quan hệ bạn
bè nói chung, hai tính chất này đóng vai trò quyết định cũng như xác
định chiều hướng thăng hoa hay suy đọa của từng mối quan hệ.
Ở đây, mặc dù hình thức và tính chất là
hai yếu tố luôn hiện hữu bên nhau trong quan hệ bạn bè, tuy nhiên, hình
thức là biểu hiện dễ thấy nhất. Bởi lẽ, đặc thù của điều kiện sinh hoạt
và hoàn cảnh sống của con người đã tạo ra những hình thức bạn bè tương
ứng. Do đó, để hiểu rõ thực chất về các mối quan hệ bạn bè, thì việc
khảo sát về hình thức và tính chất của từng mối quan hệ đó là những việc
cần làm. Tuy nhiên, theo cảm quan của người viết, dù mang bất cứ hình
thức nào đi chăng nữa, thì tính chất của mối quan hệ bạn bè là điều tối
quan trọng, vì tính chất sẽ nói lên thực chất của mối quan hệ đó là gì.
Và do vậy, bài viết chỉ tập trung khảo sát về tính chất, mà cụ thể là
tính chất tích cực, của các mối quan hệ bạn bè theo lời dạy của Đức Phật
trong kinh điển.
Theo kinh Giáo thọ thi ca La việt - Sigalovada Sutta(2),
mặc dù bạn bè có nhiều dạng thức khác nhau, nhưng thực chất bạn tốt thì
không nhiều. Theo kinh văn, có bốn loại bạn tốt mà ta có thể bắt gặp
trên cuộc đời, đó là:
Thứ nhất, là những người có thể che
chở bản thân bạn và cả tài sản khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa
khi bạn sợ hãi, giúp đỡ bạn thật nhiều khi bạn túng thiếu(3).
Đã là con người, ai cũng có đôi khi lâm vào tình cảnh yếu đuối, thế cô, mất kiểm soát bản thân cũng như tài sản. Cụm từ vô ý phóng dật
thể hiện cho sự vô tình mất kiểm soát bản thân, trong việc sa đà vào
những trò vui thông thường mà thế gian thường có. Một cuộc giao du thân
hữu, một buổi liên hoan quá đà, khi tri giác bị mê mờ và thân thể oặt ẹo
thì có khả năng bạn sẽ đối diện với bao nguy cơ bất an về sinh mệnh và
cả tài sản. Sự hiện hữu của bạn tốt vào lúc này có thể giúp bạn vượt
thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm nêu trên.
Kế đến, sợ hãi là một thuộc tính
tâm lý gắn kết với con người từ khi lọt lòng cho đến lúc nhắm mắt xuôi
tay. Thử hỏi, có mấy ai trên cuộc đời này không từng hơn một lần đối
diện với một hoặc nhiều nỗi sợ hãi? Sợ thất nghiệp, sợ hết tiền, sợ ốm
đau, sợ không đẹp, sợ già, sợ chết, sợ túng thiếu, sợ phản bội, sợ kẻ
thù, sợ thiên tai…. Tuổi trẻ, trung niên và lão niên đều có những mối lo
âu thường trực, gắn liền với từng chặng đường tuổi tác. Trong khi lâm
vào hoàn cảnh sợ hãi đó, tâm bạn sẽ bối rối bất an và khổ đau là hệ quả
kéo theo, làm khô cằn và héo úa tâm tư của bạn. Ở đây, một người bạn
chân tình sẽ là chỗ dựa tin cậy, lắng nghe và sẻ chia, giúp bạn vượt qua
trong từng nỗi sợ cụ thể.
Kế nữa, một người bạn tốt là người bạn có
thể giúp bạn khi bạn lâm vào hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn. Giúp một
cách thật lòng và thật nhiều. Một người bạn tốt phải vượt qua quan niệm
hoán đổi vật chất dung tục: bánh ít đi, bánh quy lại mà phải là cho đi không cầu mong nhận lại bao giờ. “Giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu” đó là ý chính của nguyên ngữ kinh văn.
Thứ hai, một người bạn tốt luôn
chung thủy với bạn, khi khổ cũng như khi vui, chia sẻ những điều sâu kín
trong tâm tư mình và đồng thời giữ bí mật cho bạn, không bỏ bạn hoặc
khinh thường khi bạn gặp khó khăn, dám hy sinh thân mạng vì bạn(4).
Tình bạn tốt là tình bạn được thử thách
qua hoàn cảnh và thời gian. Một tình bạn tốt là một tình bạn vẫn được
giữ bền vững khi nghèo khó cũng như khi giàu sang. Trong nhân gian, hấp
lực của của cải vật chất dễ làm chao đảo và thay đổi lòng người. Một
tình bạn chân chính phải vượt qua sự cuốn hút đó cũng như phải tránh xa
hiện thực: giàu đổi bạn mà người đời cực lực lên án. Thủy chung, như nhất với bạn, trước sao sau vậy là đức tính cần có của một tấm chân tình.
Kế đến, trải nghiệm bản thân để rút ra
những tri thức quý giá là điều mà con người thường thực hiện. Do bởi
việc tự thân trải nghiệm đôi khi phải trả giá bằng đau khổ của chính
mình, cho nên chỉ có thể sẻ chia tri thức đó, và chỉ có thể sẻ chia những điều sâu kín trong lòng cho những ai là bạn thân.
Song song đó, giữ điều bí mật cho người cũng
là đức tính mà người bạn tốt cần phải kiện toàn. Vì giữ bí mật cũng
đồng nghĩa với việc bảo hộ thanh danh, tiếng tốt cho bạn. Nếu bạn gặp
khó khăn, ta phải ra tay cứu giúp. Nếu bạn bị sa cơ thất thế, ta cần
phải lân mẫn quan tâm, không được coi thường hay khinh rẻ bạn.
Và đặc biệt, một đức tính được thắp lên chất ngất sáng ngời, là dấu hiệu cao cả của một tình bạn tốt, đó là dám hy sinh thân mạng vì bạn.
Ai cũng rõ, cái quý nhất trên cuộc đời là sinh mạng, là sự sống. Sự
sống là giá trị duy nhất không thể có cái thứ hai. Đó cũng là điều dễ
hiểu để lý giải tại sao đôi khi người ta bất chấp tất cả, miễn làm sao
giữ được sinh mạng của chính mình. Dám hy sinh cái duy nhất, cái quý
nhất đó là một điều mà người bạn tốt có thể thực hiện. Kiện toàn được
tiêu chuẩn này, thì khoảng cách vươn tới chân lý Vô ngã không còn xa.
Không những lần đầu tiên xuất hiện trong kinh Phật, đọc lại lịch sử phát
triển của nhân loại, Đông cũng như Tây, ở quá khứ cũng như hiện tại,
gương hy sinh vì bạn bao giờ cũng được tán thán và tôn vinh.
Thứ ba, một người bạn tốt phải biết
khuyến khích bạn làm điếu tốt, ngăn chặn bạn làm điều xấu ác, chỉ bày
bạn những điều bạn chưa hiểu, chia sẻ và đưa ra những lời khuyên bổ ích,
hướng bạn vươn lên những cõi thiện, lành(5).
Làm người thì vẫn chưa đủ, mà phải là làm
người tốt. Bạn bè cũng vậy, tình bạn tốt khác với tình bạn thông thường
ở chỗ, đó là phải nỗ lực khuyên bảo bạn làm điều tốt, ngăn chặn, không
cho bạn làm điều xấu, điều không hay. Có như vậy, ý nghĩa hỗ tương lẫn
nhau của một tình bạn được thể hiện. Có thể, sự khuyên răn của ta đôi
khi làm bạn bực dọc, chán ngán, nhưng một khi đời sống của bạn có sự
chuyển hóa thật sự từ sự khuyên răn kia, tất sự hàm ơn sẽ xuất hiện
trong tâm của bạn. Và như vậy, tính tương hỗ, keo sơn của bạn bè thân
hữu, sẽ được thăng hoa lên cung bậc mới. Đó cũng là điều được khẳng định
trong kinh Dhananjani(6): người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn.
Là một người bạn tốt, thì cần phải sẻ chia cho nhau, không những phương
diện vật chất mà con cả phương diện tinh thần. Ở đây, bạn tốt phải là
người sẻ chia tri thức, kinh nghiệm. “Học thầy không tày học bạn”. Dân gian đã khái quát giá trị đó thành một phương châm kiện toàn kiến thức hữu hiệu cho mọi người.
Hơn thế nữa, sự gần gũi, sự thấu hiểu, sự cảm thông lẫn nhau giữa một tình bạn tốt, là điều kiện thuận lợi để có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp và bổ ích
trong những tình huống đời thường. Một lời khuyên kịp thời và bổ ích
đôi khi cứu được sinh mạng của một con người hoặc có khả năng chuyển hóa
một tâm trạng bế tắc, cùng quẫn. Cũng vì vậy, giá trị của lời nói đúng
lúc, đúng thời được đánh giá rất cao trong kinh Tăng Chi(7). Ở đây, chỉ có bạn bè, thường là người đầu tiên đưa ra lời khuyên kịp thời cho bạn nhất.
Và chuẩn mực cuối cùng, một người bạn tốt
phải là người có chí nguyện hướng thượng, thanh cao và cùng đưa bạn
vươn lên thực hiện chí nguyện đó. Không thân cận kẻ ngu/ Nhưng gần gũi bậc trí/ Ðảnh lễ người đáng lễ/ Là điềm lành tối thượng(8).
Thứ tư, một người bạn tốt phải là
người lấy khổ đau và hạnh phúc của bạn làm khổ đau hay hạnh phúc của
mình; ngăn chặn những ai nói xấu bạn và tán thán những ai ca ngợi bạn(9).
Vui với niềm vui của bạn và buồn khi bạn
gặp chuyện bất an là tâm thế cần có của một người bạn tốt. Bạn vui thì
mình vui là điều dễ thực hiện, nhưng khi bạn buồn đòi hỏi mình phải có
một thái độ phù hợp để sẻ chia. Nguyên văn của kinh là: “Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn”. Ở đây, ý nghĩa tích cực của cụm từ không hoan hỷ đồng nghĩa với việc ra tay tương trợ khi bạn gặp hoạn nạn. Khi hoạn nạn mới biết ai là bạn.
Quan niệm phổ thông và thường tình đó của thế gian dường như là sự biến
tấu nhiệm mầu về chân lý tình bạn mà Đức Phật đã dạy từ lâu trong kinh
điển.
Một người bạn lý tưởng thì luôn sẵn sàng
lăn xả khi bạn của mình gặp hiểm nguy, vì lằn ranh giữa bạn và ta vốn dĩ
rất nhạt nhòa cho một tình bạn thực lòng và đúng nghĩa.
Mặt khác, khi sống trong cuộc đời, ai
cũng từng đối diện với tám ngọn gió của thế gian, như: lợi danh và thất
bại, tiếng xấu và danh thơm, tán thán và chỉ trích, hạnh phúc và khổ
đau(10). Nói xấu nhau cũng như ca ngợi nhau là hai trong
tám ngọn gió đời có thể làm xáo trộn và đôi khi gây ra sự biến loạn
trong đời sống của một con người. Ngăn chặn ai đó nói xấu bạn cũng như
tán thán ai đó khen ngợi bạn, là minh chứng sinh động của một tình bạn
tốt.
Vài suy nghĩ về một tình bạn vững bền
Tìm kiếm và có được một người bạn tốt là
hạnh phúc cho bất cứ ai khi sống trên cuộc đời này. Tuy nhiên, không
phải ai cũng có may mắn đó. Trong trường hợp tìm mãi mà vẫn không gặp
bạn hiền, thì cần phải suy ngẫm thêm từ những lời dạy của Đức Phật trong
kinh Tiểu Bộ: Nếu không được bạn lành/ Thận trọng và sáng
suốt/ Bạn đồng hành chung sống/ Bạn thiện trú hiền trí/ Hãy như vua từ
bỏ/ Ðất nước bị bại vong/ Hãy sống riêng một mình/ Như tê ngưu một sừng(11). Sống
một mình tuy cũng buồn và bất tiện về nhiều mặt, nhưng thực ra vẫn còn
tốt hơn khi sống chung với người không tốt. Mặt khác, sống riêng một mình vẫn là một cơ hội để bạn trải nghiệm cảm giác tự chủ và tự do như con tê ngưu một sừng, tự tại bình yên giữa chốn rừng xanh.
Kế đến, tìm bạn để chơi vốn là điều khó
và càng khó hơn để nhận ra đâu là người bạn tốt để đặt niềm tin tưởng,
sẻ chia. Để thiết lập một tình bạn đúng nghĩa và chân thành, chúng ta
đừng để cái vỏ hào nhoáng của hình thức bề ngoài chi phối. Vì lẽ, vẻ bề
ngoài chưa thể phản ánh đúng giá trị đích thực của một con người. Không phải do sắc tướng/ Biết rõ được con người/ Không phải nhìn thoáng qua/ Ðặt được lòng tin cậy/(12).
Từ việc biết bạn, hiểu bạn đến tin bạn là cả một quá trình dài. Trong
quan hệ bạn bè, niềm tin là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ niềm tin là
một trong những cơ sở của đạo đức. Xã hội có niềm tin là xã hội có đạo
đức, bạn bè có niềm tin thì tình bạn mới vững bền. Tuy nhiên, niềm tin
muốn đặt đúng chỗ, đúng người, là điều cần phải cân nhắc, cần phải có sự
thẩm sát của lý trí, trí tuệ. Hiểu bạn để rồi tin bạn, là một trong
những yêu cầu bắt buộc để có được một tình bạn vững bền. Vì lẽ, khi chơi với bạn nhưng không hiểu bạn thì tình bạn đó có nguy cơ tan rã rất cao.
Thứ ba là sự tương ưng, mà nghĩa gần nhất
là giống nhau, cùng chung nhau, tương tự như nhau. Ở đây, nghĩa rộng
nhất liên hệ đến thuật ngữ Phật học gọi là đồng sự13, giữ một vai trò
quan trọng cho một tình bạn vững bền. Tiêu chuẩn tương ưng đặt ra ở đây
là tương ưng về nhận thức, tương ưng về đạo đức, tương ưng về nghiệp lực
và tương ưng trong việc phóng xả, vị tha(14).
Trước hết, sự tương đồng về nhận thức, về
tri thức, về kiến giải là cửa ngõ để tạo nên một sự thấu hiểu, cảm
thông giữa hai người. Nhận thức, tri thức ở đây không hẳn là sự thông
minh, sáng tạo mang tính trường lớp. Nhận thức, tri thức ở đây cần được
hiểu như là sự hiểu biết nhất định, có thể do học tập, có thể do tự rèn
luyện về một hoặc nhiều lãnh vực nào đó của đời sống. Không tương đồng
về nhận thức, tri thức là mấu chốt tạo ra mọi sự khập khiễng ở tất cả
các mối quan hệ.
Bên cạnh sự thấu hiểu, cảm thông, một
người bạn hiền cần phải có đức hạnh tốt. Đức hạnh là sự tự chế ngự, tự
kiểm soát bản thân mình, tuân hành những nguyên tắc sống đem đến sự an
lạc cho mình cũng như cho người. Đức hạnh được ví như tài sản riêng có
của một con người mà không có thể quy đổi và tạo ra một sắc thái, hấp
lực riêng trong mắt của bạn bè.
Sự tương ưng tiếp theo là sự tương ưng về
hành nghiệp. Những người có cùng sở thích, cùng đam mê, cùng xu hướng
dễ gần gũi nhau hơn. Đây là một trong những yếu tố đáng lưu tâm để xây
dựng một tình bạn tốt đẹp và bền vững.
Và cuối cùng, đức tính hào phóng, hỷ xả,
vị tha là một trong những tố chất để xây dựng một tình bạn tốt đẹp. Sẽ
rất bất hạnh cho một tình bạn nếu như người kia chỉ biết có bạn và có
mình. Sống phóng xả, vị tha là chất liệu cần có của một tình bạn đẹp. Vì
lẽ, tính phóng xạ, vị tha còn được xem là một trong liên hệ gần với bốn
đức tính tối quan trọng mà Phật giáo gọi là Bốn tâm vô lượng.
Lưu ý cuối cùng, lựa bạn mà chơi là quan niệm thường tình trong nhân gian. Quan niệm đó thật đúng khi được soi rọi bằng ánh sáng tuệ giác từ kinh điển: Người
gần kẻ hạ liệt/ Rồi cũng bị hạ liệt/ Thân cận người đồng đẳng/ Ðược
khỏi bị thối đọa/ Ai gần bậc thù thắng/ Mau chóng được thăng tiến/ Do
vậy hãy sống chung/ Bậc ưu thắng hơn mình15. Có một lưu ý nhỏ
từ đoạn kinh văn trên. Vì trong khi thiết lập quan hệ bạn bè, nếu như
ai cũng chọn đối tượng hơn mình về tất cả các mặt, thì thử hỏi người ưu
việt kia, làm sao có thể bằng lòng chọn một người thấp hơn mình để mà
chơi được? Vả lại, với người thấp kém kia, mãi mãi không có khả năng
vươn lên vì không ai dám kết bạn cùng họ? Cần phải thấy rằng, bạn bè là
sự tổng hòa đồng điệu của những yếu tố ngang bằng nhau, giống nhau và
bình đẳng như nhau về một hoặc nhiều phương diện. Nếu quá cách biệt nhau
thì chưa thể gọi là quan hệ bạn bè mà có thể rơi vào những dạng quan hệ
khác, đan xen nhau trong cuộc sống này. Chính vì vậy mà ta có thể thấy
người hạ liệt vẫn có bạn hạ liệt và kẻ thanh cao vẫn có bạn thanh cao. Ở
đây, tính tối ưu tối thắng của người cần được hiểu rằng: tuy đồng chất,
đồng hàng với nhau, nhưng trong mỗi con người, ai cũng có những giá trị
tích cực riêng có. Thấy được điều ưu thắng đó từ bạn bè và nỗ lực học
tập, là tâm thế tích cực của một tình bạn tốt. Nói rõ hơn, bạn bè ai
cũng có những điều hay, là bạn tốt, cần phải học những điều hay từ bạn
bè để tự mình hoàn thiện.
Cuộc đời có bao nhiêu mối quan hệ thì có
bấy nhiêu dạng bạn bè. Mặc dù trong mỗi mối quan hệ bạn bè hiện hữu
nhiều tính chất khác nhau. Thế nhưng hai tính chất căn bản và then chốt,
có mặt hầu hết trong các mối quan hệ bạn bè, đó là bạn tốt và bạn xấu.
Bạn xấu thì phong phú đa dạng và hầu như khó có thể liệt kê ra hết. Bạn
tốt thì ít và khó phát hiện.
Trong thời đại ngày nay, khi những giá
trị đạo đức căn bản của đời sống con người đang rung lên những hồi
chuông báo động, thì những chất liệu biểu trưng cho một tình bạn tốt,
được thể hiện trong kinh Giáo thọ thi ca la việt mà chúng ta vừa
khảo sát ở trên, vẫn mang tính thời sự hơn bao giờ hết. Thực tế đó, một
lần nữa xác tín rằng, những chân lý trong giáo pháp của Đức Phật, dù
liên hệ đời thường, nhưng tất cả đều chiếu sáng rực rỡ khi được khám phá ra(16).
C.P (Nguyệt San Giác Ngộ 184)
(1)
Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Du hành dài, kinh Du hành dài: Có
năm điều nguy hại, này các Tỷ-kheo, cho người sống du hành dài, du hành
không có mục đích. Thế nào là năm? Không nghe điều chưa được nghe; không
làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; có sợ hãi một phần điều đã được
nghe; cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; không có bạn bè.
(2) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh giáo thọ thi ca la việt. Nxb. TP. HCM, 1991, tr 539
(3) Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 22
(4) Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 23
(5) Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 24
(6) Kinh Trung Bộ, tập 2, kinh số 97, kinh Dhananjani.
(7)
Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Hiềm hận: “Tôi sẽ nói đúng thời,
không phải phi thời”; “Tôi sẽ nói chơn thật, không phải phi chơn thật”;
“Tôi sẽ nói nhu hòa, không phải thô bạo”; “Tôi sẽ nói lời liên hệ đến
lợi ích, không phải lời không liên hệ đến lợi ích”; “Tôi sẽ nói với từ
tâm, không phải với sân tâm”.
(8) Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, kinh Điềm lành lớn (kinh Đại hạnh phúc - Maha Mangala Sutta)
(9) Kinh Trường Bộ, Sđd, đoạn 25.
(10)
Kinh Tăng Chi, chương Tám pháp, kinh Tùy chuyển thế giới. Nguyên văn:
Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, tán thán và
chỉ trích, lạc và khổ.
(11) Kinh Tiểu Bộ, kinh Tập, phẩm Rắn, kinh Con tê ngưu một sừng.
(12) Kinh Tương Ưng, tập 1, Thiên có kệ, chương Ba, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, Bện tóc
(13) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, kinh Nhiếp pháp.
(14)
Xem thêm, kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh
Xứng đôi. Nguyên văn: cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí,
đồng trí tuệ.
(15) Kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, phẩm Người, kinh Cần phải thân cận.
(16) Xem thêm, kinh Tăng Chi, chương Ba pháp, phẩm Kusinara, kinh Che giấu.