-HỘI PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI CỘNG HÒA SÉC
-HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI BA LAN YÊU ĐẠO PHẬT
-HỘI PHẬT TỬ VIỆT NAM TẠI CH HUNGARY
-TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO BANG SACHSEN- CHLB ĐỨC
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn đức Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự TW Giáo Hội PGVN.
Kính thưa quí Phật tử và các vị khách quí.
Hôm nay trong không khí hân hoan của những người con Phật Việt Nam
cùng nhau hướng về Thủ đô để tham dự Đại hội Đại biểu GHPGVN nhiệm kỳ
VII, xin cho phép con được thay mặt các Hội Phật tử Việt nam tại CH Séc,
Ba Lan, Hungary và Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo VN tại bang Sachsen
CHLB Đức bày tỏ lòng thành kính dâng lên Tam Bảo, dâng lên Đại hội của
những người con Phật xa quê. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Là một trong những người được đại diện cho các Hội Phật tử tại Đông
Âu tham dự Đại hội, chúng con xin có mấy ước nguyện dâng lên Đại hội.
I-VAI TRÒ VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA CÁC HỘI PHẬT TỬ:
Sau thập niên 90, do chế độ chính trị tại Đông Âu thay đổi tạo
nên những chuyển biến trong kinh tế, nhiều bà con Việt Nam đã ở lại
kinh doanh và quyết định lấy đây là quê hương thứ 2 để an cư lạc
nghiệp. Từ đó hình thành nên cộng đồng người VN ở khắp mọi nơi. Người
VN ở các nước Đông Âu yêu nước và luôn gắn bó chặt chẽ với quê hương.
Tại đây, tỉ lệ người Việt có kiến thức và có văn hoá khá cao, rất năng
động và nhiều sáng kiến, nhiều đột phá trong kinh doanh cũng như trong
tổ chức các hoạt động cộng đồng. Đó cũng là một thuận lợi rất lớn cho
việc phát triển Phật giáo tại các nước này.
Trong những năm gần đây, phong trào Phật giáo tại các
nước Đông Âu phát triển rõ nét. Năm 2007, Hội Phật tử VN tại CH Sec ra
đời, cũng năm 2007 là Ba Lan, năm 2009 là Hungary, 2010 là TTVHPGVN tại
Bang Sacchsen CHLB Đức. Trong chiều hướng phát triển đó là hàng chục
Chi hội Phật tử, hàng chục ngôi chùa liên tục ra đời. Tín đồ Phật tử
trong những năm 2006, 2007 chỉ một vài nhóm nhỏ vài chục người thì cho
đến hôm nay phải tính đến con số nghìn và nhiều nghìn người hướng tâm
về với Đạo. Sự hiện diện của Đạo Phật, nhất là trong bối cảnh kinh tế
khó khăn, như luồng sinh khí mới thổi vào đời sống tinh thần của cộng
đồng. Các Hội Phật tử đã góp phần đưa ánh sáng Phật pháp tới mọi
vùng miền, đưa bà con hướng về Tổ Quốc, về cội nguồn dân tộc, khơi lại
các giá trị tinh thần và tâm linh cho bà con người Việt xa quê.
Nhiều chuyến hoằng pháp của TW GH do HT Thích Chơn Thiện Phó chủ tịch Thường trực HĐTS Giáo hội làm trưởng đoàn
sang hoằng Pháp tại Châu Âu nói chung đã tác động tích cực đến việc
củng cố và phát triển các Hội Phật tử Sec, Ba Lan, Hungary, Sachsen
CHLB Đức và một số nước trong khu vực.
Các lễ hội Phật giáo hằng năm của các Hội Phật tử được tổ chức đều
đặn, phong phú và tích cực như: lễ Thượng nguyên, Đại Lễ Phật Đản, Đại
Lễ Vu Lan được tổ chức tại thủ đô Praha, Warzsawa, Budapest, Dresden,
Athens và tại nhiều thành phố, địa phương tại Châu Âu. Các đại lễ này
mỗi năm càng thu hút đông đảo hơn số lượng bà con tham gia.
- Các Hội cũng đã phối hợp Tổ chức được nhiều khóa tu học Phật Pháp cho Phật tử và thanh thiếu niên đề tài“Tuổi trẻ và Đạo
Phật”, các buổi “Giao lưu Phật pháp” . Đặc biệt mùa hè năm 2012 Hội PT
Séc đã kết hợp với TTVH Phật giáo bang Sachsen CHLB Đức tổ chức Trại hè
thanh thiếu niên VỀ NGUỒN với sự tham gia của gần 200 trại viên.
-Cùng quí Thầy, các Hội đã tổ chức lễ hằng thuận, tang lễ, lễ
cầu an, cầu siêu tại tất cả các vùng miền. Đối với bà con sống xa quê
hương, những nghi lễ này đã xoa dịu nỗi đau, làm ấm lòng người đang
sống. Và qua đó bà con càng thêm hướng về với Đạo Phật.
Các Hội đã phát động và tham gia nhiều công tác từ thiện trong và
ngoài nước như: ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam, chương trình
Trái tim cho em, ủng hộ bà con bị sập cầu, chìm đò, bị bão lụt, bảo trợ
một số trung tâm từ thiện, nuôi trẻ em khuyết tật, ủng hộ các bà con bị
cháy chợ, ủng hộ quỹ Học sinh nghèo vượt khó…
- Trong việc kết hợp nhịp nhàng hiệu quả, Hội Phật tử VN tại CH Séc
có ảnh hưởng rất tích cực, làm động lực tương tác thúc đẩy các hoạt động
Phật sự của cộng đồng người con Phật tại Balan, Hungari, CHLB Đức, CH
Hy Lạp…
II- NHỮNG ĐỀ NGHỊ KÍNH GỬI LÊN TW GIÁO HỘI PGVN:
-Trong việc hoằng dương Phật pháp, vai trò của các Hội
Phật tử, của các cá nhân tích cực và có uy tín trong cộng đồng là đặc
biệt quan trọng. Hội Phật tử là tổ chức thành viên của Hội người Việt
Nam tại bản xứ được cơ quan đại diện nhà nước Việt Nam và pháp luật nhà
nước sở tại công nhận. Chỉ khi hoạt động theo sự chỉ đạo thống nhất
của TW Hội Phật tử thì mới có sự thống nhất, mới đi đúng chính pháp và
mới đủ sức lan toả mạnh mẽ. Các Hội Phật tử luôn thống nhất và kết hợp
chặt chẽ với các Hội đoàn của cộng đồng.
Trong tương quan cuộc sống, các Hội Phật tử luôn có sự kết hợp chặt chẽ với các Hội đoàn khác
trong cộng đồng như Hội Người cao tuổi, Hội Văn học Nghệ Thuật, Hội
Phụ nữ, Hội doanh nghiệp…. để hỗ tương đẩy mạnh các hoạt động Phật sự
theo từng lĩnh vực. Tại CH BaLan, Hội người BaLan yêu Đạo Phật được Hội NVN trực tiếp hỗ trợ, đứng ra gánh vác Phật sự và chỉ đạo xây chùa NHÂN HÒA cho cả cộng đồng. Do đó, hoạt động gắn với cộng đồng, với các đoàn
thể là sự gắn kết chính thống và vững bền trên bước đường hoằng pháp.
Hoạt động theo nhóm riêng lẻ, sẽ không có định hướng phát triển và dễ
đi đến sự manh mún, mất đoàn kết nội bộ Phật giáo.
-Trong xu thế phát triển lâu dài, để thể hiện đúng tinh thần học pháp, nếu chỉ dừng ở phong trào, mỗi năm tổ chức mấy ngày
lễ Phật giáo thì mới chỉ là hình thức. Các chư tăng cần hướng dẫn bà
con học pháp, tu tập, hành trì để thực sự tạo nên nội lực của mỗi Phật
tử.
- Các Hội Phật tử tại Đông Âu thỉnh cầu Giáo Hội quan tâm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các lãnh đạo Hội một cách thật nghiêm túc, khách quan, thật đầy đủ và khi có những vấn đề khúc mắc hoặc chưa sáng tỏ, xin được hội kiến và trình bày.
-Đề nghị của Hội người VN tại Balan yêu Đạo Phật:
1. Việc duy trì kênh thông tin trao đổi giữa TW Giáo hội và các
Hội phật tử tại Đông Âu cần được chính thức hoá và thường xuyên chứ
không chỉ vào dịp có phái đoàn sang. TW Giáo hội cần có sự phân công bộ
phận và cá nhân cụ thể để tiếp nhận thông tin chính thức và chính
thống từ những đại diện có trách nhiệm của các Hội PT. Mặt khác TW Giáo
Hội cũng cần căn cứ vào những thông tin từ tổ chức Hội người Việt và
Ban công tác cộng đồng thuộc cơ quan đại diện nhà nước ở các nước sở
tại. Hết sức tránh việc thu nhận những thông tin sai lệch từ một vài cá
nhân thậm chí một nhóm người không có trách nhiệm và thiếu thiện chí
trong cộng đồng.
2.Việc thỉnh mời Quý Thầy làm cố vấn hoặc trụ trì chùa ở nước ngoài xin được đề đạt theo nguyên tắc sau:
-Phật giáo tại Đông Âu rất cần những quí Thầy không phải đi
sang theo cách “tham quan” mà phải phát tâm ở lại lâu dài, vì bà con
cộng đồng mà thực sự dấn thân phụng sự Đạo Pháp, không ngại gian khó, thị phi.
-Sự có mặt của Quý Thầy phải đem lại sự an lạc, thống nhất và ổn định trong cộng đồng chứ không phải dẫn đến chia rẽ mất đoàn
kết. Điều này sẽ được cộng đồng xác nhận trong quá trình hoat động Phật
sự của Quý Thầy và cũng là thể hiện quy tắc của nhà Phật là sự thuận
duyên, không áp đặt.
-Đề nghị của TT Văn hóa Phật giáo bang Sachsen:
Có đặc thù khác với CH Séc và CH Ba Lan, CH Hungary, riêng CHLB
Đức là nơi có nhiều tổ chức Phật Giáo khác nhau cùng hoạt động. Do đó,
Giáo hội Phật giáo VN cũng cần có những phương cách dung hòa, giao
lưu….để tăng thêm tình Đạo, gắn kết bà con trong tinh thần hòa hợp những người con Phật.
Đạo Phật là chất gắn kết rất hiệu quả, có sức qui tụ tất cả các
tầng lớp, các giới, các lứa tuổi bước trên một con đường tiến tới giác
ngộ giải thoát và an lạc, giúp cho bà con cùng hướng về quê hương đất
nước. Vì vậy phát triển Đạo Phật trong lòng cộng đồng Việt kiều xa quê, tôn vinh những giá trị đích thực của Đạo
Phật là để đem lại niềm an vui cho cộng đồng, nâng cao vị thế của dân
tộc, vị thế của Giáo Hội PGVN, kết nối cộng đồng và cũng chính là hướng
đến xu thế chung của nhân loại.
Kính chúc chư tôn đức, quí khách và các quí đại biểu sức khỏe và an lạc. Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Hà Nội 23.11.2012