Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
GIA ĐÌNH LÀ NỀN TẢNG XÃ HỘI
Thích Đạt Ma Phổ Giác
02/01/2018 21:35 (GMT+7)

 



Hiện tại, ta phải biết gieo tạo nghiệp lành thuần thục khi còn mạnh khỏe, đến lúc gần chết, tâm niệm cũng phải lành thì mới chắc chắn bảo đảm đi đến cõi lành. Còn nếu bình thường tạo nghiệp lành mà lúc gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảo đảm đi đến cõi an vui, tốt đẹp. Còn nếu hiện tại khi ta chưa biết tu, lỡ gây tạo nghiệp dữ nhiều, lúc gần chết tâm niệm biết thay đổi thì cũng có thể chuyển đổi được phần nào nghiệp xấu ác trước kia, vì nghiệp không cố định.

        Con người ta ai cũng quý trọng thân này vì cho rằng nó là ta, thật của ta, nên cứ mãi chạy theo vào trường đời danh vọng, để làm sao cho có thật nhiều tiền bạc, của cải, vật chất sung túc, đầy đủ, dư dã. Từ chỗ bám víu lo cho thân này, nên tìm cách vơ vét, bóc lột về cho riêng mình thật nhiều, đã lo cho ta rồi đến của ta, vợ ta, con ta, cha mẹ ta, người thân của ta, đất nước ta v.v…

       Chính vì quan niệm sai lầm trên, nên Phật thí dụ bà vợ thứ ba là gia đình người thân. Khi ta giàu có, quyền cao chức trọng thì ai cũng đến chúc mừng, tán thán, rồi nhờ vã, ăn theo để được giúp đỡ và kiếm chác chút đỉnh. Gia đình, người thân là nền tảng để phát triển hình thành nên một xã hội nếu trong gia đình biết sống hiếu thuận với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới, vui vẻ, thuận thảo với anh em và sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia khi gặp người bất hạnh. 

       Có ông lão đã gần 90 tuổi, nhưng không bao giờ biết lo tu tâm dưỡng tánh, nên suốt cả cuộc đời nhọc nhằn, lao khổ trăm bề. Lúc còn trẻ thì lo gầy dựng sự nghiệp để lo cho thân này, nên ráng làm thật nhiều tiền rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái, con cháu, chắt chít đầy nhà. Đông con, đông cháu nên suốt ngày ông cứ vì thế mà bận rộn, lo hết việc này lại đến việc kia, không có thời gian nghỉ ngơi.

      Hôm đó, trên đường đi giáo hóa, Phật biết ông sắp hết duyên phần, vì lòng từ bi nên Phật ghé nhà muốn ông thức tỉnh về sự vô thường, không dính mắc vào tình cảm, gia đình, người thân, để ông hồi tâm thức tỉnh trở lại, khi ra đi được an ổn, nhẹ nhàng mà sinh về cõi lành. Do đó, Phật đọc bài kệ vô thường cho ông nghe nhằm nhắc nhở và cảnh tỉnh. Ông nói bài kệ hay quá chừng, nhưng bây giờ tôi chưa rãnh để học bài kệ đó được, phải lo coi thợ thầy, nhân công, để làm cho xong căn nhà mát năm gian, phiền Phật khi khác ghé lại để ta cùng nhau tham khảo nghĩa lý bài kệ.

       Chiều hôm đó, người nhà chạy đến tịnh xá báo tin ông đã bị cây rớt trúng vào đầu, chết liền tại chỗ. Câu chuyện trên là một bài pháp sống nhằm nhắc nhở hàng Phật tử chúng ta phải ý thức việc tu hành của mình. Khi còn trẻ thì ta phải nương nhờ sự lo lắng, giúp đỡ của cha mẹ về mọi phương diện, đến khi lớn khôn, trưởng thành thì ta có vợ có chồng và sinh con đẻ cái, gầy dựng giống nòi nhân loại. Sau khi lo tròn trách nhiệm chu toàn cho con cháu rồi, ta phải biết sắp xếp thời gian để tu tập chuyển hóa, sống vui vẻ hạnh phúc tuổi già để chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được vuông tròn tốt đẹp hơn.

       Trường hợp của ông già trên thật là diễm phúc mới có nhân duyên gặp Phật, nhưng vì ông ta cứ mải mê gầy dựng sự nghiệp thế gian mà cuối cùng bị tai nạn, chết bất đắc kỳ tử. Chết như vậy thì ba thứ thân thương nhất mà mình hằng ngày phải lo lắng cưu mang; trước tiên là lo cho thân này nên cố gắng phải làm ra thật nhiều tiền bạc của cải để đáp ứng mọi nhu cầu cho thân, rồi kế đến là cho con ta, cùng với những người thân thuộc, bà con hai bên.

        Nhưng đến khi ra đi, những thứ đó đâu thể giúp được cho mình, cụ thể như ông trưởng giả đó kêu ba bà vợ phát tâm đi theo, có bà nào chịu đâu. Duy chỉ có bà vợ thứ tư khỏi cần phải hỏi, bởi bà đại diện cho việc làm và những thói quen của ta mỗi ngày, ta làm tốt hay xấu, đúng hay sai, có phước hay có tội, nhiều ít gì thì nó vẫn sẽ theo ta trong cuộc hành trình của đời sống kế tiếp.

        Vậy chủ yếu cuộc sống của thế nhân hằng ngày ngoài công việc lo tròn trách nhiệm, bổn phận với gia đình người thân, ta cần phải sắp xếp thời gian tu hành để gầy dựng cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn. Hiện tại, ta phải biết gieo tạo nghiệp lành thuần thục khi còn mạnh khỏe, đến lúc gần chết, tâm niệm cũng phải lành thì mới chắc chắn bảo đảm đi đến cõi lành. Còn nếu bình thường tạo nghiệp lành mà lúc gần chết tạo nghiệp dữ thì chưa bảo đảm đi đến cõi an vui, tốt đẹp. Còn nếu hiện tại khi ta chưa biết tu, lỡ gây tạo nghiệp dữ nhiều, lúc gần chết tâm niệm biết thay đổi thì cũng có thể chuyển đổi được phần nào nghiệp xấu ác trước kia, vì nghiệp không cố định.

       Phật vì lòng từ bi thương xót, muốn giúp cho ông lão ý thức việc sống chết mà lo thúc liễm thân tâm, chuẩn bị cho đời sống kế tiếp được tốt đẹp hơn, nên đến nhà khuyên nhủ, chỉ dạy, nhưng ông lão nào có hay biết gì. Ông còn hẹn Phật chờ đến khi nào rãnh rỗi thì hãy đến rồi cùng bàn luận nghĩa lý của bài kệ. Do đó, ông phải chịu chết bất đắc kỳ tử, chết như vậy thì khó lòng siêu thoát, vì đang còn dính mắc vào việc làm dang dỡ. Nhiều khi, thần thức của ông phải chịu loanh quanh, lẫn quẩn trong nhà, vì luyến tiếc việc làm chưa xong, chính vì vậy mà ông có thể trở thành con ma vất vưỡng. Vì ông nghĩ thân này lâu dài bền chắc, bám víu vào sự nghiệp tài sản và lo lắng, cưu mang cho gia đình, người thân quá mức mà bị họa chết bất đắc kỳ tử như vậy. Người cư sĩ tại gia hãy suy tư, nghiền ngẫm lời Phật dạy qua câu chuyện trên, để chúng ta ý thức việc tu hành, biết cách sắp xếp hài hòa trong mọi công việc mà có thời gian hoàn thiện chính mình.

https://thuvienhoasen.org/a29111/gia-dinh-la-nen-tang-xa-hoi

Các tin đã đăng:
Về đầu trang