Đức Dalai Lama đã bắt đầu lên đường đến California, Hoa Kỳ, bắt đầu
chuyến hoằng pháp dài 12 ngày của mình.
Đức Dalai Lama tại Đại học Nam California
Trong chuyến hoằng pháp này, lịch thuyết giảng và gặp gỡ các nhân
vật cao cấp ở Hoa Kỳ được bố trí kín hết thời gian của ngài. Điều đặc
biệt là trong chuyến viếng thăm này, Đức Dalai Lama được các trường đại
học danh tiếng ở Hoa Kỳ thỉnh giảng và chia sẻ với sinh viên, giảng viên
của họ. Các trường đại học ấy đứng ra tổ chức các buổi thuyết giảng rất
quy mô. Tất cả các buổi thuyết giảng đều có bán vé, thế nhưng ngài đi
đến đâu thì ở đấy hội trường đều đông nghẹt thính chúng.
Khởi
đầu chuyến hoằng pháp, vào sáng ngày 3-5, Đức Dalai Lama đã có buổi
thuyết giảng trước công chúng về đề tài “Đạo đức thế gian, những giá trị
nhân văn và xã hội”. Buổi thuyết giảng do Hội đồng Liên tôn giáo của
sinh viên Đại học Nam California (University of Southern California -
USC) tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Galen thuộc USC.
Chiều ngày
3-5, ngài tham gia buổi thảo luận về đề tài “Đạo đức thế gian: những
nguồn gốc, các yếu tố và chức năng của nó trong xã hội”. Buổi thảo luận
này cũng do Hội đồng Liên tôn giáo của sinh viên Đại học Nam California
đứng ra tổ chức, diễn ra tại hội trường Bovard của USC.
Sáng ngày
4-5, ngài Dalai Lama tham dự “Thắp lên ánh sáng”. Tại đây, ngài đã có
bài diễn văn chính, đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề những quyền cơ bản của
con người. Buổi lễ trao giải được diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn nghệ
thuật Carpenter.
Chiều ngày 4-5, ngài tham gia buổi đối thoại với
những nhà lãnh đạo trẻ về chủ đề “Tình thương yêu và sự lãnh đạo toàn
cầu”. Buổi đối thoại này do Trường Đại học California Irvine tổ chức tại
trung tâm các sự kiện Bren của trường.
Vào ngày 5-5, ngài Dalai
Lama có buổi thuyết giảng tại Đại học Nam California về đề tài “Đạo đức
thế gian và sự phát triển của nhân loại”.
Ngày 6-5, ngài thuyết giảng về đề tài “Sự ý thức về nhân quyền và tâm từ bi” tại hai đại học thuộc Đại học California.
Ngày
7-5, Đức Dalai Lama tổ chức buổi cầu nguyện, chia buồn về sự qua đời
của ngài Dorjee Khandu, Thống đốc bang Arunachal Pradesh, thuộc cực Đông
của Ấn Độ.
Sáng ngày 8-5, ngài tham gia buổi lễ “Truyền trao
năng lượng của Đức Phật Dược Sư”, do Trung tâm Tâm linh và Trị liệu và
Tổ chức từ thiện người Tây Tạng ở Hoa Kỳ tại bang Minnesota phối hợp tổ
chức. Buổi lễ diễn ra tại sân vận động Mariucci, thuộc Đại học
Minnesota.
Chiều ngày 8-5, Đức Dalai Lama thuyết giảng về đề tài
“Sự hòa bình thông qua sự thanh bình nội tâm” trước đông đảo thính chúng
tại sân vận động Mariucci, Đại học Minnesota, cũng do hai tổ chức nói
trên đứng ra tổ chức.
Ngày 9-5, ngài nhận bằng danh dự và có bài
phát biểu chính tại buổi lễ nhận bằng do Trường Đại học Nam Methodist tổ
chức tại hội trường McFarlin.
Sáng ngày 11-5, Đức Dalai Lama
tham gia buổi pháp đàm về đề tài “Những phương thức biểu hiện khác nhau
của sự bất bạo động”, do Đại học Arkansas tổ chức tại sân vận động Bud
Walton. Chiều cùng ngày, cũng tại địa điểm trên, ngài thuyết giảng về
chủ đề: “Bất bạo động trong thế kỷ mới: Con đường hướng tới”.
Ngày
12-5, Đức Dalai Lama viếng thăm cựu Tổng thống Mỹ, ông George W. Bush,
tại dinh thự riêng của cựu tổng thống ở Dallas, Texas. Sau đó ngài đến
Viện Bảo tàng Meadows của Đại học Methodist để tham gia buổi phỏng vấn
của báo giới về vấn đề dân chủ.
Qua ngày 13 và 14-5, ngài tham dự
Hội nghị thượng đỉnh Giáo dục Hòa bình tại Newark với chủ đề “Sức mạnh
của bất bạo động”, do Tổ chức Ngôi nhà Tây Tạng (Tibet House) và Quỹ từ
thiện Drew A. Katz đồng phối hợp tổ chức, diễn ra tại Newark, New
Jersey.
Ngày 14-5 là ngày cuối cùng trong chuyến hoằng pháp dài
ngày của Đức Dalai Lama ở Hoa Kỳ. Chuyến hoằng pháp của ngài đã đem đến
một nguồn sinh khí mới cho người dân Hoa Kỳ, đặc biệt là cho giới học
thuật và tầng lớp thanh niên, sinh viên Hoa Kỳ. Cũng trong chuyến đi
này, ngài đã được một số trường đại học, một số tổ chức ở Hoa Kỳ vinh
danh, trao giải thưởng và trao bằng danh dự. Trong khoảng thời gian 12
ngày viếng thăm và hoằng pháp tại Hoa Kỳ, Đức Dalai Lama đã có nhiều
buổi thuyết giảng tại nhiều địa điểm khác nhau, chủ đề mà ngài đề cập
đến xoay quanh các vấn đề mang tính thời sự, đó là vấn đề đạo đức nhân
sinh, vấn đề bình quyền, bình đẳng, vấn đề chiến tranh và hòa bình, bảo
vệ và xây dựng một xã hội hài hòa, bền vững. Đấy là những vấn đề không
chỉ nước Mỹ mà toàn thể nhân loại đang quan tâm. Hy vọng là với tuệ giác
của Đức Dalai Lama, những chia sẻ của ngài sẽ góp phần cho chúng ta
thấy tường tận vấn đề và tìm ra được những hướng đi thích hợp cho cộng
đồng xã hội.
Minh Nguyên GNO - Theo Dalailama.com