Hội thảo quốc tế với chủ đề "Giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Việt Nam”
đã diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2011 tại khách sạn Melia
Hà Nội do Hội đồng trao đổi văn hóa Ấn Ðộ, Ðại sứ quán Ấn Ðộ tại Việt
Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Giáo Hội Phật giáo
Việt Nam đồng tổ chức
Hội thảo đã qui tụ được nhiều học
giả, nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo, nhiều giáo sư, Tiến sỹ của các nước
Việt Nam, Ấn Độ, Srilanca , Trung Quốc, Camphuchia và Thái Lan
Các báo cáo khoa học trong hội thảo đã đề cập đến mối liên hệ văn hóa từ
hàng nghìn năm trước giữa Việt Nam và Ấn Độ thông qua hệ qui chiếu và
chiếc cầu nối là Phật giáo. Một số báo cáo đã trình bày các vấn đề học
thuật rất chuyên sâu về Phật giáo, về sự phát triển của Phật giáo ở Việt
Nam từ cái nôi Phật giáo Luy Lâu ở miền Bắc hàng nghìn năm về trước
Tôi rất quan tâm đến bản báo cáo khoa học về vấn đề giáo dục Phật giáo
trong sự phát triển bền vững của Châu Á do Đại đức Thích Nhật Từ - Phó
Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trụ
trì chùa Giác Ngộ trình bày
Khi nghe bản báo cáo này tôi có thêm nhiều suy ngẫm về sự cần thiết phải
giáo dục đạo đức Phật giáo cho tuổi trẻ. Đây là vấn đề mà tôi đã có dịp
đề cập đến đôi lần
Ai cũng biết rằng sự khát khao có một cuộc sống hòa bình và an lạc trên
trái đất này là một hằng số chung bất biến của mọi dân tộc. Thế nhưng
những ai quan tâm đến tình hình thế giới trong những năm gần đây đều
thấy một thực tế là hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra nhiều sự kiện đau
lòng!
Đó là những xung đột sắc tộc và tôn giáo triền miên, các cuộc bạo động
chính trị xuất phát từ lòng hận thù dai dẳng. Thêm vào đó là sự tàn phá
dữ dội hơn bao giờ hết của sức mạnh thiên nhiên.
Báo cáo khoa học của Đại đức Thích Nhật Từ nêu lên vấn đề làm thế nào để
đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của
một châu Á đa văn hóa và đa tôn giáo nói chung.
Châu Á là một vùng lãnh thổ rộng lớn
và đông đúc dân cư. Chỉ riêng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm một
nửa dân số toàn cầu. Châu Á cũng nổi tiếng trong lịch sử nhân loại với
nền văn minh sông Hằng và nền văn minh Trung Hoa hình thành từ hàng
nghìn năm trước.
Châu Á cũng là nơi đan xen các nền
tôn giáo trong đó có mặt tất cả các tôn giáo lớn nhất của nhân loại như
Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Hinđu giáo.
Từ xưa đến nay trong khu vực châu Á
cũng đã diễn ra không biết bao nhiêu là xung đột và chiến tranh. Gần đây
nhất là xung đột vũ trang và bạo lực không dứt ở Pakistan, Apganistan,
Srilanca.
Đó là chưa kể đến những vụ đánh bom và bắt cóc con tin kinh hoàng xảy ra ở Indonexia, Thái Lan và Philippine.
Xuất phát từ thực tế đó, trong báo
cáo khoa học của mình, Đại đức Thích Nhật Từ đề xuất một giải pháp Phật
giáo cho vấn đề này. Đó là việc giáo dục tôn giáo, trong đó đặc biệt là
giáo dục Phật giáo cho người dân châu Á.
Từ hơn hai nghìn năm trước Đức Phật
đã ra đời để chỉ dạy cho chúng sinh hiểu được căn nguyên của những nỗi
khổ đau muôn thuở của con người và cách vượt qua những nỗi khổ đau đó
nhằm mang lại thái bình và an lạc cho mỗi con người, cho cộng đồng xã
hội và cho toàn nhân loại.
Bản chất của nền giáo dục Phật giáo là Từ Bi Hỷ Xả, là tất cả vì con người, vì hòa bình và an lạc cho mọi chúng sinh.
Giáo dục Phật giáo có vai trò rất to
lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về sự cùng tồn tại hòa
bình, về sự đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nước không phân biệt qui mô
dân số và lãnh thổ.
Mục đích của giáo dục Phật giáo là
hướng đến xây dựng một xã hội dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng giữa
các quốc gia và các dân tộc, một xã hội không còn bạo lực.
Trong xã hội thì vấn đề giáo dục sự
đoàn kết đồng lòng có ý nghĩa sống còn. Ngoài cuộc sống vật chất thì các
nhà lãnh đạo xã hội cũng phải đảm bảo cho người dân được bày tỏ tâm tư
nguyện vọng của mình đối với những vấn đề quốc kế dân sinh có tầm ảnh
hưởng quốc gia.
Đó chính là cái kế “sâu rễ bền gốc" mà Đức Thánh Trần đã truyền dạy lại cho hậu thế.
Trong phần trao đổi học thuật, một
học giả tham gia hội thảo đã bày tỏ sự đánh giá cao tính khoa học và
tính thực tiễn trong bản tham luận của Đại đức Thích Nhật Từ. Học giả
này cũng đề nghị Đại đức Thích Nhật Từ nói rõ hơn về giáo dục Phật giáo
theo quan điểm của Đức Phật.
Đại đức Thích Nhật Từ nói rằng trong Kinh Pháp cú chương 11 Đức Phật đã chỉ ra 4 nội dung giáo dục cho giới trẻ:
Thứ nhất là giáo dục Trí tuệ
Trí tuệ của mỗi con người không chỉ
là tri thức mà còn cao hơn trí thức. Giáo dục trí tuệ giúp cho những
người trẻ tuổi luôn luôn biết tư duy và hành động một cách đúng đắn.
Thứ hai là giáo dục đạo đức
Giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ nhằm
giúp họ biết về các chuẩn mức đạo đức trong xã hội, biết đóng góp cho sự
phát triển của xã hội.
Thứ ba là giáo dục về sức khỏe
Giáo dục sức khỏe giúp tuổi trẻ hiểu rõ về Thân và đóng góp của Thân cho nhân loại.
Thứ tư là giáo dục thiên hướng nghề nghiệp
Một người trẻ tuổi khi đến tuổi
trường thành thì phải thông thạo nghề nghiệp để nuôi sống mình và góp
phần phụng dưỡng cha mẹ và người thân.
Thật kinh ngạc là từ hơn hai nghìn
năm trước mà Đức Phật đã dạy những điều vô cùng xác đáng về nội dung
giáo dục tuổi trẻ. Tôi cho rằng những nội dung ấy vẫn còn giữ nguyên giá
trị tham khảo trong thời đại hôm nay.
Một vị học giả khác cũng cho rằng
bản tham luận khoa học của Đại đức Thích Nhật Từ là rất đúng đắn về mặt
tư duy. Nhưng vị học giả này còn băn khoăn về tính thực tiễn của giáo
dục Phật giáo trong việc giải quyết các xung đột có yếu tố bạo lực.
Ông lấy ví dụ cụ thể về tình hình
không ổn định ở 4 tỉnh miền Nam Thái Lan vốn trong lịch sử là một quốc
gia Hồi giáo. Vị học giả hỏi Đại đức Thích Nhật Từ là việc giáo dục
Phật giáo liệu có thể góp phần giải quyết tình trạng bất ổn này hay
không.
Đây là một câu hỏi khó và tế nhị vì
nó không chỉ liên quan đến vấn đề giáo dục Phật giáo mà còn đến lợi ích
của các tôn giáo khác nhau ở Thái Lan là Đạo Phật và Đạo Hồi. Thêm vào
đó là sự có mặt của các nhà khoa học Thái Lan đang tham gia hội thảo.
Đại đức Thích Nhật Từ cho rằng mấu
chốt để giải quyết các xung đột là phải thấy được sự khác biệt về tôn
giáo trong một quốc gia. Không nên đào sâu thêm các dị biệt mà phải biết
phát huy thêm các giá trị tương đồng. Trước hết nên thương nhượng với
nhau nhằm mục đích hòa giải. Nếu không thương nhượng được thì mới
chuyển sang giai đoạn thương lượng mà cốt lõi là dựa trên luật pháp.
Đại đức Thích Nhật Từ nói cụ thể hơn
rằng Thái Lan là một đất nước theo Đạo Phật là chủ yếu. Các vị Thủ
tướng Thái Lan từ trước đến nay phần lớn đều là người theo Đạo Phật nên
việc giải quyết các xung đột ở bốn tính miền Nam cũng được xử lý theo
tình thần Phật giáo mà họ đã được giáo dục trong chùa.
Đại đức Thích Nhật Từ nói rằng vốn
là Phật tử nên các nhà lãnh đạo Thái Lan đã không chủ trương dùng vũ lực
để trấn áp mà luôn luôn kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa
bình thương lượng.
Họ còn chủ động kêu gọi các nhà sư
Thái Lan đã bị khủng bố, bị bạo hành, đánh đập hãy từ bi hỷ xả mà không
lấy oán trả oán đối với những người đã gây ra tai vạ cho mình. Nhờ thế
tình hình đã không bùng phát thêm lên.
Một vị Giáo sư người Thái Lan tham
gia hội thảo đã đứng lên phát biểu làm rõ thêm về tình hình xung đột ở 4
tỉnh miền Nam Thái Lan. Ông cũng cảm ơn Đại đức Thích Nhật Từ về sự am
hiểu và thông cảm tình hình đất nước ông và về lời giải thích thỏa đáng
của Thầy.
Tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục cho giới trẻ với 4 nội dung mà Đức Phật đã chỉ ra từ hàng nghìn năm trước.
Ai cũng biết từ thập kỷ 80 đến nay do tác động của cuộc cách mạng khoa
học và kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ
sinh học, nền kinh tế thế giới đã trải qua những biến đổi vô cùng sâu
sắc. Đây là giai đoạn mà nền kinh tế chuyển từ nền kinh tế công nghiệp
sang nền kinh tế tri thức, nền văn minh nhân loại chuyển từ văn minh
công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Chưa bao giờ vai trò của tri thức,
của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội lại trở
nên quan trọng như thế. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử mà sự thay đổi
trong xã hội lại diễn ra nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện đến như thế.
Điều đó buộc người ta phải hành động nhanh chóng, phải "làm việc theo tốc độ của tư duy" như lời của Bill Gates.
Xét trong bối cảnh ấy vấn đề giáo
dục và đào tạo đã trở nên mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên
thế giới. Tuổi trẻ là tương lai và là niềm hy vọng của mỗi gia đình và
của toàn xã hội. Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ
đã có lần nói rằng tuồi trẻ là mầm chồi của mỗi quốc gia. Nếu mầm chồi
mà đã bị thui chột thì làm sao quốc gia có thể phát triển lên được.
Từ khi đất nước đổi mới và hội nhập
kinh tế với khu vực và thế giới thì cuộc sống vật chất của nhân dân khắp
thành thị và nông thôn đã có sự tiến bộ đáng kể.
Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng
đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách. Đầu tư cho giáo dục từ ngân
sách quốc gia cũng không ngừng tăng lên qua các năm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo
dục và Đào tạo, nếu năm 1987 cả nước có 107 trường Đại học và Cao đẳng,
thì năm 2009 con số này là 376 trường, tăng 3,7 lần. Chỉ riêng 2 năm
2006-2007 đã có gần 40 trường Đại học mới được thành lập hoặc nâng cấp
từ trường Cao đẳng. Nhờ sự gia tăng nhanh chóng về số trường, tổng số
sinh viên cũng tăng 13 lần, từ trên 133.000 năm 1987 lên trên 1,7 triệu
năm 2009. Số lượng công nhân có tay nghề đã tăng từ 12,3% năm 1996 lên
27% trong năm 2005.
Tuy nhiên cùng với sự phát triển
đáng trân trọng đó thì cũng đã xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại về
hành vi và đạo đức của một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi.
Phải thẳng thắn thừa nhận một thực
tế là hàng ngày, hàng giờ xung quanh chúng ta đang xảy ra biết bao nhiêu
là tệ nạn liên quan đến tuổi trẻ. Nào là trộm cắp, bạo lực học đường,
nghiện ngập ma túy. Nào là coi thường cha mẹ, vô lễ với Thầy cô. Thậm
chí có trường hợp còn phạm tội ở mức gây ra án mạng đã làm dư luận xôn
xao trong thời gian gần đây.
Chúng tôi cho rằng không thể giải
quyết vấn nạn này bằng các mệnh lệnh cấm đoán của gia đình, nhà trường
hoặc xã hội. Cũng không thể có hiệu quả lâu dài khi áp dụng các biện
pháp quản lý mang nặng tính hành chính như đã làm lâu nay.
Không ai có thể giám sát được con
cái mình mọi lúc mọi nơi. Vấn đề là phải làm sao để các em tự nguyện
giám sát được chính bản thân mình. Muốn thế thì cùng với việc giáo dục
học đường nhằm trang bị các kiến thức chuyên môn nghề nghiệp cho giới
trẻ thì việc giáo dục đạo đức Phật giáo là một giải pháp căn cơ góp phần
giải quyết tận gốc vấn nạn này.
Chỉ sau khi đã đạt được sự thống
nhất chung về nhận thức như vậy giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Nhà
nước thì chúng ta mới có thể bàn đến các giải pháp triển khai cụ thể.
Trước hết là việc lựa chọn các nội
dung để đưa vào chương trình giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu
niên. Bước tiếp theo là đề xuất các hình thức tổ chức nhằm từng bước
thực hiện qui trình giáo dục này một cách hiệu quả nhất.
Nếu được thực hiện thì đây sẽ là một
chương trình giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ có tầm ảnh hưởng và qui mô
to lớn nhất từ trước đến nay!
Trong giai đoạn hiện nay, khi mà
những vấn nạn do tuổi trẻ gây ra đã trở nên nhức nhối cho toàn xã hội
thì vấn đề giáo dục đạo đức Phật giáo cho thanh thiếu niên là một việc
làm vô cùng cần thiết và không thể chậm trễ hơn được nữa !
Nếu không thì sẽ là quá muộn!