Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Ý nghĩa xã hội và nhân văn cao cả của Phật giáo
TS. Trịnh Đình Hà
28/06/2012 15:58 (GMT+7)


Phật giáo ra đời trước cả Kitô giáo và Islam giáo, qua 25 thế kỉ tồn tại đã khẳng định được vị thế của một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn lao và tích cực đối với đời sống tinh thần của nhân loại. Phật giáo Việt Nam cũng đã trải qua hai nghìn năm và thể hiện rõ tinh thần nhập thế tích cực, hộ quốc an dân, tạo nên một truyền thống tốt đẹp về mối quan hệ hữu cơ giữa đạo và đời trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Truyền thống ấy chắc chắn sẽ được phát huy cao độ trước vận hội của đất nước, góp phần ngày càng xứng đáng hơn vào việc thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Tư tưởng vô ngã vị tha, từ bi hỉ xả, bình đẳng, bác ái thấm nhuần trong giáo lí, trong hệ thống kinh điển và quá trình hoằng dương chính pháp cho thấy rõ Phật giáo ngay từ trong bản chất đã thể hiện tinh thần dân chủ, yêu chuộng hoà bình, có khả năng hoà giải, hoà hợp, tác động tích cực và ảnh hưởng sâu rộng trong mọi thành phần và giai tầng xã hội. ở Việt Nam, không phải chỉ có tăng, ni, Phật tử mà còn rất nhiều người không theo một tôn giáo nào cũng thực hành giáo lí Phật giáo, thành tâm coi những lời răn của Đức Phật như  là phương châm sống, là đạo lí làm người, lấy đó làm tiêu chuẩn để tu dưỡng, rèn luyện bản thân.

Phật giáo quan niệm tất cả chúng sinh, không kể là loài hữu tình hay vô tình, đều có Phật tính, tức là đều có khả năng thành Phật, chẳng qua vì đặc tính riêng của  mỗi loài khác nhau mà việc biến khả năng đó thành hiện thực khó dễ, nhanh chậm khác nhau mà thôi. Từ đó, Phật giáo coi trọng và bảo  vệ  sự  sống   hết  thảy chúng sinh, khuyến khích và giữ gìn mối quan hệ thân thiện, hoà hợp, bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và vũ trụ. Như một lẽ tự nhiên, Phật giáo trở thành một tôn giáo không những có khả năng mà còn đủ tư cách đóng vai trò tích cực và quan trọng góp phần giải quyết thảm họa môi trường toàn cầu hiện nay.

Trong khi lấy việc giáo hóa và phổ độ chúng sinh thoát khỏi trạng thái vô minh, dứt bỏ phiền não, đạt đến hạnh phúc chân chính, Phật giáo bao giờ cũng đề cao trí tuệ (Tuệ), năng lực phán đoán đạo lí, sự giác ngộ chân chính ở mỗi cá nhân. Đạo Phật là đạo trí tuệ xa  lạ với sự mê tín, nhất là sự cuồng tín, cố chấp. Do đó, trong “Bát chính đạo” - tám phương thức tu tập để thoát li mọi  ràng buộc của vô minh và tham ái mà Phật giáo cho là nguyên nhân của mọi khổ đau - thì Chính tri kiến là phương thức đầu tiên, là điều kiện tiên quyết của những phương thức còn lại (Chính tư duy, Chính ngữ,   Chính  nghiệp, Chính  mạng, Chính tinh tấn,  Chính  niệm và Chính  định). Không phải ngẫu nhiên mà đầu thế kỉ XX, ở Phương Tây có một số nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo, còn Albert Einstien thì nhận  định: “Tôn giáo của tương lai là tôn giáo của toàn cầu, vượt lên mọi tinh thần, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản ý thức đạo lí xuất phát từ tổng thể gồm  mọi  phương diện trên trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đủ những điều kiện ấy”[1]. Cuối thế kỉ XX, ở Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, bên cạnh những nhà  thờ Kitô giáo truyền thống, người ta đã chứng kiến sự xuất hiện những tự viện Phật giáo. Số người theo đạo Phật và học Thiền ngày càng tăng.

Thế giới ngày nay, ngoài những lời nói và việc làm tốt đẹp thực sự vì lợi ích của cộng đồng, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các tà thuyết, những luận điệu mơ hồ, bịp bợm, ngụy biện, v.v... gây hại cho nhân quần nhằm thoả mãn dục  vọng ích kỉ của một số kẻ tham bạo. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, bên cạnh mặt tốt đẹp nhằm định hướng Xã hội chủ Nghĩa của Đảng và Nhà nước ta, và nhờ sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi để xây dựng cuộc sống hạnh phúc của những người lao động sáng tạo chân chính; mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng  đẻ ra không ít kẻ gian xảo, cơ hội, có thể bất chấp mọi mưu  mô, thủ đoạn  để lừa  gạt nhân dân, tranh quyền đoạt lợi, v.v... từ đó phát sinh ra những tệ nạn xã hội như tham nhũng, mua quan bán tước, cờ bạc trộm cắp, nghiện hút, mại dâm, bạo lực, v.v...

Những cái xấu đó lại nhờ có hoàn cảnh thuận lợi của thời đại thông tin toàn cầu mà lan truyền như đại dịch, đang thực sự là nguy cơ, thách thức đối với con người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Nếu chúng ta thực sự mong muốn nguy cơ, thách thức đó không trở thành hiểm họa, thì không thể chỉ có nhà  nước mà tất cả các tổ chức xã hội đều phải nhanh chóng hành động. Phật giáo với ưu thế là khả năng tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức của con người bằng con đường Bát chính đạo đã chỉ ra, có thể và cần phải tích cực nhập cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xã hội nghiêm trọng này.

Phật giáo quan niệm rằng vũ trụ, tự nhiên, vạn vật đều do nhân duyên mà biến hoá, tiêu trưởng, “sinh sinh bất tức, hoá hoá vô cùng”. Duyên khởi (hay Duyên sinh) là nguyên lí căn bản, nền tảng của triết lí Phật giáo. Theo đó, tất cả mọi sự vật đều có liên hệ nhân quả với nhau, dự vào điều kiện nhất định mà phát sinh, biến hoá. Quy luật phổ quát ấy vận dụng cụ thể vào lí giải đời sống xã hội chính là luật Nhân quả, cũng là một trong những lí luận cơ bản của Phật giáo. Phật giáo nhận rằng phàm là có làm việc thiện hay ác, tất có thể quả báo thiện hay ác; tư tưởng hành vi như thế nào, đều tất yếu dẫn đến hậu quả tương ứng. Điều này có nghĩa là “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Có một số ít người không tin, còn đại đa số những người lương thiện tin vào luật nhân quả này. Theo tôi, đây là “quy luật của muôn đời”, và rất biện chứng. Nó cũng  biện chứng như quy luật “Họa hề, phúc chi sở ỷ. Phúc hề, họa chi sở phục” (Họa là chỗ dựa của phúc. Phúc là chỗ nấp của họa) trong Dịch học vậy. Chỉ có điều, ta có đủ “chính tri kiến” để “ngộ” ra hay không mà thôi.

Hiểu lẽ vô thường, thấm nhuần luật nhân quả, người ta sẽ có nhiều khả năng đề kháng hơn với các chứng tham, sân, si là nguyên nhân sâu xa của những “căn bệnh thế kỉ” như  strees, béo phì, HIV-AIDS, v.v... và những hiểm họa toàn cầu như ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tham nhũng, khủng bố, bất bình đẳng xã hội, bạo lực gia đình và học đường, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Khi mọi tư tưởng, hành vi của con người đều hướng đến việc tạo thiện nghiệp, tránh ác nghiệp, nhờ đó mà giữ được thân tâm an tịnh là khi xã hội cũng được an bình, hạnh phúc.

Tư tưởng “gặp việc ác không làm là thiện rồi; gặp việc thiện không làm là ác rồi” thể hiện tính triệt để và nhất quán trong quan điểm đạo đức của Phật giáo; đồng thời cũng chứng tỏ Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa về bản chất không phải hoàn toàn “xuất thế” mà thực sự là tích cực nhập thế. Tư tưởng ấy cần được đề cao và thực hành rộng rãi không chỉ trong tăng ni, Phật tử mà còn cả trong đời sống cộng đồng.

 Có thể nói rằng: ý nghĩa xã hội và nhân văn cao cả của Phật giáo chính là ở chỗ khẳng định khả năng “thành Phật” của chúng sinh; mong muốn và thực hành việc giáo hoá, giác ngộ chúng sinh, kích thích, khơi dậy “Phật tính” ở mỗi con người, khiến cho con người có ý thức làm chủ mọi hành vi, làm chủ số phận của chính mình, từ đó góp phần làm cho xã hội được an lạc và thanh tịnh./.

TS. Trịnh Đình Hà

Trường Đại học Hồng Đức, Tp. Thanh Hoá.

Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo

 


[1] Dẫn lại từ Lưu Thị Quyết Thắng. “Bàn về trí tuệ trong đạo Phật”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2008, tr. 18.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang