Theo Rebecca Rickman, cây viết quen
thuộc của trang Familyshare, chúng ta nên khuyến khích con trẻ bằng
những lời khen ngợi. Tuy nhiên, bên cạnh những cách khen đúng vẫn có lời
khen phản tác dụng. Trẻ em có thể nghe thấy một điều gì đó hoàn toàn
khác xa so với những gì chúng ta định nói. Bé cũng nhớ từng lời chúng ta
nói vì thế cần thận trọng trong việc dùng từ ngữ. Bạn cũng cần "uốn bảy
tấc lưỡi" trước khi khen ngợi trẻ với những ngôn từ được chọn lọc cẩn
thận để không làm ảnh hưởng tới lòng tự trọng của đứa trẻ.
Dưới đây là 5 cách khen ngợi trẻ mà chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận trước khi định áp dụng:
1. So sánh
Trẻ em nên được đánh giá dựa trên những
giá trị riêng của bé, chứ không phải là đánh giá theo những đứa trẻ
khác. Vì thế đứa trẻ thấy những lời khen kiểu này là rất tầm thường.
Thay vì “Con thông minh như anh trai của
con vậy”, bạn nên nói: "Con đã làm bài tập về nhà của mình rất tốt. Mẹ
rất tự hào vì điểm số con đạt được". Thay vì nói: "Con xinh đẹp hơn tất
cả cô bé khác trong đêm vũ hội này", bạn có thể nói: "Đêm nay con thật
dễ thương. Con hãy nhớ mình là ai và biết mình muốn gì nhé”.
2. Khen kèm dự đoán
Đưa cho trẻ em những dự đoán không thực
tế hoặc hơi cường điệu có thể khiến bé cảm thấy mình không hoàn thành
được nhiệm vụ khi dự đoán của cha mẹ không được đáp ứng.
Thay vì nói: "Con gái mẹ thật xinh đẹp.
Các chàng trai sẽ xếp hàng theo con dài đến tận góc đường", bạn có thể
nói: "Con xinh đẹp lắm, vẻ đẹp đến từ tính nết hiền dịu của con". Thay
vì nói: "Con rất hiểu biết về tiền bạc, con sẽ trở thành triệu phú năm
con 20 tuổi", bạn có thể nói: "Biết cách quản lý tiền bạc sẽ giúp con
rất nhiều khi lập gia đình riêng".
3. Lời khen ở mức tột bậc
Nói với trẻ rằng bé là người tốt nhất, đẹp nhất, giỏi nhất... có thể gây hại khi bé nhận ra sự thật không phải như vậy.
Thay vì nói: “Không có ai trên thế giới
chơi đàn dương cầm hay hơn con", tốt hơn bạn hãy nói: "Bản nhạc con chơi
có ý nghĩa đối với rất nhiều người". Thay vì: "Không tìm đâu ra người
yêu con như cách mẹ yêu con đâu" (điều này có thể gây ra sự dự đoán
không chính xác như đã nêu ở trên), mẹ nên nói: "Hãy tìm hiểu kỹ càng
người con sẽ hẹn hò. Hãy dành thời gian để tìm kiếm một người xứng đáng
với con".
4. Lời khen rụt rè
Đây là hành động đối lập với lời khen ở
mức tột bậc, là khi bạn làm giảm bớt một thành tích nào đó của trẻ,
khiến cho thành tích của trẻ bớt quan trọng.
Thay vì nói: "Đây là đội bóng văn nghệ
hay nhất mẹ từng biết", bạn có thể nói: "Mẹ rất thích cách con đã dành
thời gian và công sức để tập hát và biểu diễn. Mẹ thật sự ấn tượng".
Thay vì nói: "Con vẫn xinh đẹp khi con tức giận", bạn có thể nói: "Dường
như con đang bực bội vì việc gì đó. Con muốn nói gì phải không?" (Đây
không phải là một lời khen nhưng dù sao nó cũng có ý nghĩa hơn câu nói
trên).
5. Khen ngợi những điều không phải là các giá trị lâu dài
Việc tiết kiệm lời khen đối với những
thứ không quan trọng là... rất quan trọng. Rất nhiều ông bố bà mẹ thường
nói với con của mình: "Con thật xinh đẹp". Điều này chỉ có ý nghĩa
trong trường hợp đặc biệt, bởi đây là giá trị có thể bị lấy đi bất cứ
lúc nào. Quan trọng hơn là cho trẻ biết có nhiều điều ý nghĩa hơn là một
khuôn mặt đẹp. Đổi lại, có một số lời khen dựa trên những đặc điểm tính
cách có thể kéo dài. Những điều này có ích cho mọi người và có giá trị
vĩnh cửu.
Ví dụ: Con là một người biết
giúp đỡ người khác/ Mẹ thích cách con nghĩ tốt về mọi người/ Con khiến
mẹ cười, mẹ thích được cười/ Con có rất nhiều ý tưởng hay.
Lời khen là rất quan trọng. Một ông bố
từng nói "Nếu tôi khen vợ con mình, ngay lập tức họ sẽ dừng cố gắng".
Thật là một bình luận sai lầm! Bởi lời khen nếu được đưa ra một cách cẩn
thận khi bé đạt được thành tích hay cột mốc nào đó, bé sẽ biết rằng bé
đang đi đúng đường, và nên tiếp tục. Vì thế, hãy suy nghĩ trước, sau đó
hãy khen ngợi một cách hào hiệp nhưng phải thấu đáo.
Kim Kim (Theo Familyshare)