Vị sư phụ đáp: “Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ.”
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại: “Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”
Sư phụ đáp: “Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ.”
Người đệ tử gãi đầu: “Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
Một
tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã
làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với
mình.
Sư phụ gật gù
bảo: “Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng
những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy.”
Người
đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở. Anh
tuyên bố: “Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học
được sự tha thứ!”
Sư
phụ cười: “Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò
của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”
Câu
chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho
chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận
các sự việc rõ ràng để buông xuống. Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng
lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng
lượng khi đánh mất lòng khoan dung.
Tha
thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta
thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất
công…chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ… từ đó giúp cho
chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù… để rồi
tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự
khổ đau.
Qua
đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và
tương lai. Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha
thứ cho chính mình”, vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho
tâm mình luôn bình an. Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng
yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.
Đọc
và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự
khi bạn biết tha thứ , bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã
gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung ,
hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành
tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”.
Trên
bước đường tu tập của người con Phật, chúng ta phải cảm ơn những bậc
thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để chúng ta có cơ
hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình. Nghịch tăng thượng duyên
là vậy! Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến
thì ta dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện , ta đang biến
mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn…tự đánh mất chính mình lúc nào
không hay. Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn
những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng….để chúng ta
có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận
chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả!”
Với
tôi, việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư
Tổ không phải đơn giản và dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó nếu
mình muốn và tôi đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc
sống của chính mình với mọi người xung quanh…để có được sự bình an hạnh
phúc chân thật.