Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chiếc áo tâm linh
09/04/2012 07:58 (GMT+7)


Để có sự kết nối rộng rãi này, internet và điện thoại di động… là một trong những phương tiện hỗ trợ dẫn dắt Phật tử chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với chùa chiền, chư vị xuất gia cũng như giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Các chú tiểu Myanmar thích thú với laptop.

Thế nhưng, song song với mặt tích cực tu học, nhiều bạn trẻ thường để tâm chú ý đến đời sống tu sĩ khá nhiều và không ngần ngại phê phán người tu hành, nhất là với các vị xuất gia trẻ tuổi. Các bạn cho phép mình phản ảnh đủ điều từ hành vi đến cuộc sống riêng tư của các vị. Khi thì bạn thắc mắc vì sao “một số nhà tu ở chùa với các tiện nghi… sang quá”. Có bạn thì lấy làm khó chịu khi thấy vị sư trẻ dùng điện thoại đời mới cùng chiếc xe tay ga hiện đại. Tệ hại hơn, việc hoàn tục của vị tu sĩ nào đó cũng được các bạn quan tâm, bình luận và mổ xẻ một cách gay gắt trong sự thiếu cảm thông.

Nói chung, phần nhiều thời gian các bạn dành cho việc bàn luận bày tỏ ý kiến, đánh giá với lời lẽ luôn phàn nàn, khó chịu trước những gì các bạn nhìn thấy. Các bạn cùng nhau tự do lên tiếng mà quên mất, mỗi một bình luận được đưa ra (nhất là được truyền tải nhanh đến chóng mặt trên internet, các mạng xã hội) vô tình góp phần làm xấu đi hình ảnh chung của người tu.

Vì sao? Vì “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Hẳn bạn đã hiểu nghĩa câu nói này. Trong bối cảnh đời sống xã hội phát triển như hiện nay, những ngôi chùa hoặc tịnh thất trang nghiêm đẹp đẽ, những chiếc xe máy (hoặc xe hơi) cùng điện thoại đời mới hiện đại…, mọi cái mà bạn thấy, tất cả là “chiếc áo” để các người tu làm phương tiện tu tập và hành đạo, hoàn toàn không mấy liên quan và gần như không hề ảnh hưởng gì nhiều đến tư cách cá nhân của các vị ấy.

Hơn ai hết, các vị ấy luôn ý thức điều đó. Vậy, các bạn trẻ chúng ta đừng quá lo lắng và xét nét mà vô tình mạo phạm đến những vị tu sĩ, bậc thầy tâm linh của mình. Vì tu hành là việc của tâm linh, không phải việc của hình thức. Mọi phương tiện vật chất chỉ là phương tiện hỗ trợ công việc hoằng hóa của các vị được tốt hơn mà thôi. Khi đời sống con người ngày càng phát triển thì nhu cầu học hỏi, thính pháp, giao lưu của Phật tử bá tánh càng được nâng cao. Không thể căn cứ vào hình thức thanh bần hay hiện đại để xác định một vị chân tu đích thực. Vậy, có nên tồn tại mọi thắc mắc, thẳng thắn tỏ bày quan điểm nơi hàng đệ tử chúng ta về các phương tiện, vật dụng cần thiết của quý thầy, quý cô - những điều buộc phải có, phải dùng cần thiết cho tu học và hành đạo?

Tăng sĩ ngày nay chắc chắn phải khác với đời sống Tăng sĩ ngày xưa. Người tu ở thị thành đương nhiên lại không giống những vị tu hành ẩn dật nơi núi non, hành trang được gói gọn trong ba tấm y và một bình bát. Tu sĩ ngày nay không nhất thiết cứ phải cần đến hình thức thanh bần dung dị, tối giản mọi phương tiện vật dụng cần thiết trong đời sống. Vì trong chừng mực nào đó, thiếu những điều kiện cần này sẽ là một bất lợi lớn cho việc hoằng pháp, hành đạo của các vị, khi xã hội vốn đầy ắp phương tiện truyền thông, con người luôn cần sự kết nối, giao lưu, làm việc v.v…

Vai trò tâm linh

Đối với các vị tu sĩ, mọi vật phẩm cúng dường không phải hễ muốn là được. Không hẳn bất cứ vị tu sĩ nào cũng được cúng dường đầy đủ các vật dụng. Đó là phước báu riêng của mỗi vị được hình thành từ quá trình dày công tu tập nhiều đời hôm nay mới hiện hữu. Khi tín chủ dâng cúng, các vị tùy duyên thọ nhận. Song quan trọng đối với các vị, những phương tiện ấy chỉ là “vật ngoài thân”, hầu hết các vị ấy không quá lệ thuộc vật chất như chúng ta.

Người tu có phước đức thì từ không thành có. Như Trí Giả đại sư từ chối mọi quyền lợi, cung kính, ẩn dật trong vùng đầm lầy Học Tuyền nhưng đức hạnh của ngài khiến  vua Tùy Dạng đưa binh lính đến tận vùng hẻo lánh ấy xây chùa cho ngài. Điều này trong kinh Pháp Hoa (phẩm Pháp sư thứ 10) có dạy nếu tu ở chỗ vắng, Phật khiến hóa nhân đến nghe pháp, cúng dường.

Vậy nên, đừng nhìn qua những tiện nghi bề ngoài mà đánh giá phẩm chất người tu hành. Dẫu một lúc nào đó hay một phương diện nào đó các vị có thể sơ suất, hạn chế về tư cách hay ứng xử nhưng vẫn hơn gấp vạn lần chúng ta bằng chính con đường các vị đã chọn: đời sống xuất gia. Một đời sống hướng thượng mà người thế tục chúng ta không thể so sánh khi từng ngày, từng giờ các vị dũng cảm đương đầu với bao thử thách, từng bước tạo dựng sự nghiệp tu tập, chuyển hóa phiền não, tập khí và bản năng của con người mà hình thức “đầu tròn áo vuông” cũng chưa nói lên được điều gì.


Là người con Phật, hẳn các bạn biết rằng, trước hết, mỗi người tu cho chính mình, không phải tu vì… người khác và càng không phải để chứng tỏ một nét đẹp đáng kính nào ở hình thức bên ngoài, vì điều đó nói cho cùng cũng không thật sự cần thiết. Người có phước báo và đức độ, tức hảo tướng sẽ hiện. Những vị tu sĩ chân chính không phải nhọc thân cố sức thể hiện cho đúng với “kiểu mẫu” một nhà tu (dẫu là oai nghi tứ hạnh). Từ nơi tâm thảnh thơi sẽ biểu hiện ra bên ngoài thong dong tự tại.

Đừng đánh đồng nhà tu bình thường với chư vị Thánh tăng, đừng thần thánh hóa các vị ấy. Đó là chưa kể vô tình ta mạo phạm và bất kính qua những đánh giá sai lầm, trách nhầm chính các bậc Bồ-tát, đại sĩ hiện thân nghịch hạnh ở cuộc đời. Điển hình như Tế Điên tăng, Tuệ Trung thượng sĩ, Bùi Giáng thi sĩ…, các vị xuất hiện giữa đời qua hình thức bình dị, có phần xuềnh xoàng cùng những hành động kỳ quặc, song ai dám bảo tâm hồn các vị chưa thoát tục?

Nên, hàng Phật tử chúng ta nếu có bắt gặp một vài vị có phong cách sống phá cách, đừng vội cho đạo đức các vị đó có “vấn đề”. Chúng ta đừng làm giám khảo xét đoán đối với các nhà tu mà hãy quán sát từ xa, mọi tốt xấu đều là hình ảnh cho ta quán niệm. Chính Đức Phật, trước khi giác ngộ thành Phật, Ngài cũng đã trải qua vô vàn thể nghiệm và khó khăn. Bài học ngộ nhận sai lầm từ chính những vị đồng tu với Phật (5 anh em Kiều Trần Như) của hàng ngàn năm về trước mãi là bài pháp quý giá với chúng ta. Chúng ta đừng lặp lại sai lầm mà các vị ngày xưa đã mắc phải khi Đức Thế Tôn nhận bát sữa do cô gái chăn bò cúng dường. Chính bát sữa này đã góp phần làm thay đổi cuộc đời Sa-môn Cồ Đàm, đưa Ngài đến quả vị Toàn giác sau những năm tháng theo đường lối khổ hạnh. Vì vậy, chúng ta không nên phí phạm thời giờ vào việc khắt khe với những phương tiện mà người tu sử dụng. Người Phật tử có Chánh kiến không vì một cá nhân hay bề ngoài mà đánh mất niềm tin nơi Tăng bảo. Điều đó nói lên tính thị phi không nên có nơi một người mộ đạo, bởi người học Phật ngoài Chánh kiến còn cần Chánh tư duy để có nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc với đạo.

Việc một người xuất gia hoàn tục, vì lý do nào đó các vị chọn con đường trở về đời sống bình thường làm người cư sĩ cũng là nhân duyên. Hoàn tục không phải việc đáng chê trách. Hoàn tục chưa hẳn các vị ấy đã thối thất tâm bồ-đề mà chỉ là những chướng duyên nhỏ trên bước đường tu tập các vị phải gặp và cần đối diện. Không nên vội vàng quy kết hay đổ lỗi cho sự buông lung nào đó mới dẫn đến việc hoàn tục. Đó chỉ là nghiệp duyên của mỗi người. Xuất gia không phải con đường dễ dàng cho mọi người và rõ ràng không phải ai đi tu cũng đều trọn vẹn và thành tựu.

Nếu các bạn thực sự lo lắng và quan tâm đến một số hình ảnh không đẹp của đạo theo quan niệm của cá nhân bạn, chúng ta vẫn còn nhiều phương cách bộc lộ. Sự việc sẽ ý nhị hơn nếu ta phản ánh với chư tôn đức có trách nhiệm giáo dục các vị xuất gia trẻ hay dùng phương thức góp ý hoặc đổi trao riêng qua điện thoại, email của vị ấy trên tinh thần sẻ chia nhẹ nhàng, tránh đàm luận có tính cách gièm pha phổ cập trên các phương tiện truyền thông sẽ gây mất tín tâm với những người vừa bước vào đạo, chưa hiểu hết giáo pháp.

Làm được như vậy ta vừa dựng xây tô bồi cho đạo pháp mà vẫn giữ được sự quý kính với các vị xuất gia, tu hành. Đây cũng là một cách để các bạn tu cho mình và tu… cho người. Hãy là thiện tri thức trẻ, các bạn nhé!

Nhật Nguyệt

http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2012/04/09/124018/

Các tin đã đăng:
Về đầu trang