Trong tiếng nói phản ứng chung của truyền thông Phật giáo, trang tin Phattuvietnam.net đã có cuộc phỏng vấn Thượng tọa Thích Phước Nghiêm, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương về vấn đề này.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, ý kiến Thượng tọa ra sao về những sự việc gây tổn hại đến hình ảnh Phật giáo xảy ra gần đây?
TT Thích Phước Nghiêm:
Trước hết, phải thấy rằng, để làm tổn hại đến hình ảnh Phật giáo,
phương thức thường được dùng là giả danh, mạo nhận Tăng sĩ. Đây là điều
những người xấu dễ làm hơn cả, mà tác hại của nó thì lại rất lớn.
Có 2 dạng giả danh, mạo nhận. Đó là tự mạo nhận và việc giả danh được gán cho.
Ở
việc giả danh được gán cho, người ta nói đó là Tăng sĩ Phật giáo trong
quá trình loan truyền tin tức thất thiệt. Chẳng hạn, vụ “vị chân tu” ở
Bình Chánh cải đạo, vụ scandal ở Gia Lai… Ở việc tự mạo nhận, thì như
việc thí sinh Viet Nam Idol tự xưng ni cô, vụ sư giả gây rối ở sân bay,
hay mới đây còn có việc sư giả ngang nhiên vào chợ mua thịt heo ở Cần
Thơ… Tất cả đều không phải Tăng sĩ Phật giáo thật. Nhưng có trường hợp,
họ tự giả, có trường hợp, người loan tin cố ý làm sai lạc từ người ngoài
đời thành sư.
Việc
tự giả mạo cũng có nhiều hình thức. Tự xưng ni cô, nhưng để tóc, chỉ có
chiếc áo. Hay sư giả cạo tóc, mặc pháp phục hẳn hoi. Nhưng có trường
hợp lại xưng trớ đi là “đạo sư”, trong khi lại phỉ báng Phật giáo.
Đây
là bước leo thang mạo nhận Tăng sĩ, cả về tính chất lẫn số lượng vụ
việc. Trước đây, sư giả chỉ là những người mặc áo tăng sĩ đi xin ngoài
đường, ngoài chợ. Nay thì việc mạo nhận đã tràn lên các phương tiện
truyền thông, gây tổn hại hình ảnh Phật giáo. Số lần xảy ra ngày càng
nhiều hơn, hành động cũng đa dạng hơn, táo tợn hơn, nhiều vụ đáng coi là
nghiêm trọng vì bộc trần rõ mục tiêu công kích Phật giáo.
Phattuvietnam.net: Bạch thượng tọa, Thượng tọa có nói đến việc giả mạo do truyền thông gây ra?
TT Thích Phước Nghiêm:
Bây giờ, việc loan tin đã khác trước. Hoạt động truyền thông trên mạng
được mở rộng đến mức người ta có thể lợi dụng vì các ý đồ xấu. Chuyện
không nói có, chuyện bé xé ra to. Thí sinh Viet Nam Idol 2012 hàm hồ tự
xưng là ni cô, thì chụp lấy đưa tít thành ni cô dự thi. Rồi từ những tin
tức sai lạc, gieo cảm giác hết sức “dữ dằn”, “ghê sợ” qua những phản
hồi… Ở đây, có thể có 2 khả năng: cả vô tình lẫn cố ý. Cố ý vì biết rõ
là nói sai, nhưng vẫn có cố ý nói, nhằm mưu đồ hạ uy tín Phật giáo.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, hàng loạt sự kiện như thể xảy ra dồn dập gần đây, liệu đó có là ngẫu nhiên?
TT Thích Phước Nghiêm:
Tuy những việc xảy ra có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng vì nó
xảy ra liên tiếp trong một thời gian ngắn, nên chúng ta không thể không
đặt nghi vấn.
Dù
gì đi nữa thì Phật giáo chúng ta phải hết sức cảnh giác. Những mưu
toan, tổ chức tinh vi để bôi nhọ Phật giáo đã có từ thời Đức Phật. Có
thể có nhiều khả năng: có thể việc được sắp đặt, có thể việc là tự phát
nhưng phần nào tạo dư luận là có toan tính, có tổ chức…
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, sự việc diễn ra theo chiều hướng gia tăng, liệu có thể có bước leo thang mới?
TT Thích Phước Nghiêm:
Nếu phía Phật giáo chúng ta không có sự ngăn chặn thích đáng, sự việc
sẽ tiếp tục leo thang nữa. Vì vậy, cần phải tích cực khẩn trương chặn
đứng những hành động bôi nhọ Phật giáo đang diễn ra.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, chúng ta có thể ngăn chặn việc xúc phạm Phật giáo bằng những biện pháp nào?
TT Thích Phước Nghiêm: Bằng tất cả những biện pháp có thể.
Các
cơ quan đơn vị truyền thông Phật giáo phải lên tiếng vạch trần, phê
phán mạnh mẽ hơn nữa những hành động bôi nhọ, làm thương tổn đến hình
ảnh người tu sĩ Phật giáo, một trong những biểu trưng của Phật giáo Việt
Nam hiện đại.
Trong
các buổi diễn giảng, thuyết pháp các vị giảng sư phải lưu ý Tăng Ni
Phật tử về việc có những hoạt động xúc phạm Phật giáo Việt Nam đang diễn
ra, chỉ rõ những mưu toan thâm độc của việc làm này, cảnh giác Tăng Ni
Phật tử.
Dư
luận Tăng Ni Phật tử sáng suốt đấu tranh với những việc làm sai trái,
mạo nhận, giả danh, thấy rõ đúng/sai, phải/trái, trắng/đen, chính/tà,
chân/ngụy. Kịp thời lên tiếng phản bác những tin tức, luận điệu giả dối
xấu xa.
Giáo hội nên có kế hoạch chủ động đối phó với những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến Phật giáo.
Trước
mắt, phía Phật giáo cần có tiếng nói chung phản ứng sự việc. Nếu diễn
tiến không bị chặn đứng thì còn có luật pháp. Làm thương tổn đến danh
dự, uy tín của cá nhân, đơn vị, tổ chức, đương nhiên là điều luật pháp
ngăn cấm.
Phattuvietnam.net: Bạch Thượng tọa, còn hoạt động truyền thông trên mạng hiện nay rất lộn xộn, phức tạp?
TT Thích Phước Nghiêm: Phật giáo chúng ta cần phải có những đối phó thích ứng với hiện trạng này.
Trước
tình trạng phức tạp, lộn xộn và có thể nói nhiều sai lạc của thông tin
trên mạng, Phật giáo Việt Nam cần phải có hoạt động thông tin truyền
thông mạnh, kịp thời đính chính, đính chính có hiệu quả đối với những
tin tức sai lạc, thất thiệt, bôi bác.
Tăng
Ni Phật tử và công chúng bạn đọc rộng rãi hãy hết sức thận trọng khi
tiếp xúc với những thông tin liên hệ đến Phật giáo Việt Nam trên mạng.
Việc liên tục xuất hiện những thông tin ngụy tạo, giả mạo, mang tính
chất đầu độc, phỉ báng đối với Phật giáo cho thấy thông tin trên mạng có
những vấn đề lớn. Ngay cả khi xuất hiện những hình ảnh Tăng Ni Phật tử
thì công chúng Tăng Ni Phật tử cũng đừng vội tin, vì việc giả mạo không
mấy khó khăn, kể cả việc giả mạo hình ảnh đối với từng cá nhân cụ thể.
Việc
có sắp đặt, có tổ chức, hệ thống, hay việc tự phát, riêng lẻ chúng ta
cần tìm hiểu, nhưng những ý đồ xấu đối với Phật giáo Việt Nam rất rõ
ràng. Từ việc Duy Tuệ tung hình ảnh hình tướng Tăng lên mạng song song
với việc xuất bản sách và thuyết giảng nói xấu Phật giáo đến việc sư giả
ngang nhiên mua thịt heo trong chợ cho mọi người thấy, tất cả đều mang
tính chất trêu ngươi, thách thức đối với Phật giáo Việt Nam, không phải
chỉ dừng lại ở mức giả danh xin tiền, bán nhang như trước đây.
Hiện
trạng rất bất bình thường. Đây là điều chúng ta cần phải nhận thức rõ
đối với tình trạng hiện nay. Phật giáo Việt Nam đang là nạn nhân của một
chuỗi hành động xấu xa, thâm độc. Có những người đang coi những nhà tu
hành Phật giáo là thù địch với họ. Từ đó, họ tìm mọi cách để nói xấu,
bôi nhọ, xuyên tạc, công kích bằng những giọng điệu gàn dở hay những thủ
đoạn bịp bợm tinh vi. Lưu manh tự xưng “đạo sư”, người còn để tóc chỉ
mặc áo nâu sơ sịa không loại trừ một kiểu tự xưng mang tính chất hoang
tưởng tâm thần thì giật tít “Ni cô đi thi Viet Nam Idol”, người tu tại gia thì biến thành “bậc chân tu cải đạo”…, tất cả đều nói lên tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Đối
với các phương tiện truyền thông đại chúng chính thức (báo giấy, đài
phát thanh, truyền hình, trang tin được cấp phép), mong rằng quý vị hết
sức thận trọng khi loan truyền những tin tức có liên hệ đến Phật giáo
trong bối cảnh không bình thường này. Chẳng hạn, những thông tin liên hệ
đến Duy Tuệ đã là một vấn đề cho Phật giáo Việt Nam.
Quý
Tăng Ni Phật tử cần hết sức trang nghiêm trong hình tướng và hành vi.
Những chuyện xấu như quay phim chụp ảnh lén rồi lồng ghép, xử lý ngụy
tạo, ráp nối giả dối rất có thể xảy ra .
Những
người có lương tri, công tâm hãy sát cánh cùng Tăng Ni Phật tử Việt Nam
bảo vệ lẽ phải, gìn giữ sự thật, soi cho ra những trò yêu ma đổi trắng
thay đen, đảo lộn phải trái, giả mạo, bịa đặt, dối trá, tiểu tâm.
Phattuvietnam.net:
Bạch Thượng tọa, xin chân thành cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian
trao đổi ý kiến. Kính chúc Thượng tọa an lạc.
MT