Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Sức nặng của ngòi bút
21/06/2012 20:57 (GMT+7)



1. Sức nặng của ngòi bút đến từ chính nội dung chân thật và ý niệm chân chính của người truyền tải thông tin, ở đây muốn nói đến vai trò của người làm nghề báo (phóng viên, nhà báo). Nội dung chân thật từ lao động nghề nghiệp một cách nghiêm túc thông qua quá trình tác nghiệp, thu thập tin tức, thể hiện bài viết… có thể là một bằng chứng sắc đá cho những hành vi sai phạm pháp luật hoặc đi ngược lại đạo lý làm người, làm nghề của một số đối tượng bất hảo. Do vậy, khi một cây bút có sự nghiêm túc, chân thành (cẩn trọng, nói, viết, trình bày sự thật như chính nó) thì cũng góp phần làm cho con người tốt đẹp hơn, biết chùn tay trước cái xấu, cái ác hơn, xã hội từ đó cũng tốt đẹp hơn.

Ảnh: Internet

Làm đẹp xã hội, làm đẹp thêm cuộc sống đương nhiên không chỉ mỗi một việc làm “tồi tà”, lên án cái xấu mà còn phải “phụ chánh”, tuyên lưu cái tốt. Nhịp cầu giữa những con người cùng những việc làm thánh thiện nơi họ sẽ được nối thông qua những người làm công tác truyền thông. Tất nhiên, khen một người, tuyên dương một người trên mặt báo nếu đúng và đầy đủ về họ thì không chỉ giúp họ vững lòng tin, có hưng phấn cho những hành trình sống đẹp tiếp theo, giữ gìn được bản sắc tốt đẹp vốn có, đã xây dựng. Đồng thời, cũng là giúp cho những người còn yếu đuối có niềm tin vươn lên, để cho những người còn mờ mịt trong bóng tối thấy một điểm sáng, một tia sáng mà hướng tới, và cũng sẽ thắp sáng được chính mình trong bản năng lương thiện nơi cội nguồn tâm thức!

Lao động nghề nghiệp nghiêm túc cũng là một thể hiện của cái tâm trong sáng, chánh trực của người làm báo. Tất nhiên, cái tâm của người làm báo còn thể hiện ở chính ý niệm và tư tưởng truyền tin của người ấy. Một bản tin đúng y chang sự thật lan đi có thể được đánh giá cao về việc thông tin chân thật nhưng đôi khi lại không được đánh giá cao về tính nhân văn của người truyền tin (không chỉ là phóng viên mà là cả Ban Biên tập của một tờ báo).

Ví dụ như việc nêu tên thật của một người (kèm lời bình phẩm) khi người ấy chưa bị cơ quan điều tra kết luận là tội phạm thì e rằng đó là một “bản án” thiếu nhân đạo mà nhà báo vô tình (hoặc cố ý) đóng vai quan tòa, tự kết án một con người. Kết án một người một cách công khai đôi khi cũng là kết liễu tương lai, thậm chí mạng sống người ấy, cũng như làm dấy lên rất nhiều nỗi khổ, niềm đau cho những người thân-thương của họ. Đó là chưa nói, với thế giới quan của đạo Phật, luôn thấy trong con người ấy có Phật tánh, hạt giống thiện lành, trong chiều sâu của sự thật về vô thường, họ hoàn toàn có thể thay đổi theo hướng tích cực. Vậy thì, khi ta kết án ai đó là xấu hoặc tốt một cách tuyệt đối liệu đó có phải là bản án nhân đạo, là có tâm, có tầm đối với nghề “thư ký của thời đại”, với mục đích tối thượng là góp phần thay đổi con người, xã hội theo hướng tốt đẹp lên?

 2. Ở một góc nhìn khác, ta thấy sức nặng của ngòi bút cũng có thể đến từ cái tâm thiếu trong sáng. Khi ta đã để mình vấy bẩn tâm hồn, dính líu vào danh, lợi… thì khi đó ngòi bút chắc chắn sẽ bị “bẻ cong”. Bẻ cong ngòi bút là khi ta viết ra những điều thiếu chân thật theo “đặt hàng” nhưng không phải là đặt hàng từ bạn đọc, từ những người gửi gắm tin-yêu nơi mình, mà là từ những thế lực đen tối có nhiều quyền và lắm tiền. Khi đó, cái giá cho một bài báo không phải chỉ đơn thuần là nhuận bút mà còn là một khoản rất nặng tay được “trao và nhận” dưới dạng quà biếu kèm phong bì mà nhà báo khi nhận phải cúi đầu, dạ vâng, hứa hẹn…

Đau lòng là thực tế, có những nhà báo đã không chỉ nhận từ sự gợi ý lo lót của chủ thể sai phạm mà còn đi gợi ý ngược, thậm chí dọa đăng bài hạ uy tín để “được nhận” khi thói ăn bẩn đã hình thành và gây “nghiện” trong người!


Đôi khi, ngòi bút bị bẻ cong còn là thái độ im hơi lặng tiếng trước một hay nhiều sự thật mà nhà báo biết rõ là bất công, là thối nát, là hỏng hết cả một bộ sậu, cả một dàn anh-chị từ trên xuống dưới… Nhưng nhà báo không dám hó hé vì họ có thế lực, họ có đủ quyền hành để có thể bịt miệng mình, thứ quyền hành đến từ sự tác oai, tác quái, coi trời bằng vung, hăm dọa đến hành hung người tác nghiệp. Và đó, cũng có thể là sự bịt miệng bằng những tờ polymer xanh đỏ với chiêu thức tương tự như trên, gọi là “trám họng”.

Khi nhà báo không đủ dũng cảm hoặc không đủ tỉnh táo cũng như không đủ sức mạnh để vượt thắng trước uy quyền, sự ngang ngược và cả sự ngọt ngào của lợi lộc bất chính thì sẽ để cho ngòi bút bị “tịt”. Sức nặng này đôi khi ta cũng phải hiểu và cảm thông, bởi nhà báo thì cũng là con người bình thường như bao người, về mặt xã hội cũng có gia đình, có người thân nên nhỡ có gì thì nỗi oan, nỗi khổ thấu trời ấy ai sẽ gánh, ngoài người thân, gia đình? Và trong tâm của nhà báo, do vẫn là người bình thường nên hạt giống tham-sân-si vẫn còn, vẫn có những lúc không thể thắng được “ma quân” trong mình với những bày biện rất đẹp, rất thích thú nhằm đánh bật “chất thép” (sự vững chãi, thẳng thắn, trung thực, thanh liêm) - khí chất đòi hỏi ở người cầm bút.

Và cũng chính vì lý do đó, mà người làm báo cần phải được bảo vệ. Tất nhiên, trước tiên là cơ quan chủ quản cũng như Hội Nhà báo (hội đoàn nghề nghiệp chính thức, được công nhận với vai trò là người bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà báo…). Kế đến là dư luận, là bạn đọc thân thương, người đi cùng người làm báo trên từng trang báo. Ở đây, vai trò phản biện và bảo vệ quyền lợi cũng như những thứ xung quanh người làm báo cần phải được thực thi bằng sự tận tâm, bằng trái tim thì mới truyền được lửa cho nhà báo - những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, tư tưởng. Còn bạn đọc, dư luận, thực chất đã từng cùng với tòa soạn báo bảo vệ phóng viên, những cây bút yêu nghề, có tâm và tầm mà họ yêu-kính bằng chính sự phản biện hợp tình, hợp lý của mình.

Từ sự bảo vệ đúng luật, hợp lòng người, có lý lẽ, có tình như vậy chắc chắn sẽ là năng lượng lành, tiếp sức và tiếp lửa cho những người cầm bút, những thế hệ cầm bút tiếp nối vững chãi, nuôi lớn tâm với nghề. Nghĩa là nuôi lớn ý thức tác nghiệp nghiêm túc cũng như ý thức truyền tin trong tình thương, sự hiểu biết, để tránh những sự thật lan đi và gây nên những tổn thương ghê gớm trong lòng người, tưới tẩm những hạt giống bất thiện (sân si, tham muốn, đua đòi...) trong người tiếp nhận nói chung. Và, cũng với suy ngẫm đó, người làm báo thiết nghĩ cũng cần nguyện với lòng là phải xứng đáng với tin yêu của bạn đọc, bằng cách sống và viết từ trái tim nóng, từ cái đầu tỉnh táo, bao dung…

Lưu Đình Long

Các tin đã đăng:
Về đầu trang