Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
“Hallyu” và ảnh hưởng cải đạo tại Việt Nam
Minh Thạnh
16/08/2012 09:27 (GMT+7)


Tác động của Hallyu ở Việt Nam diễn ra trên nhiều khía cạnh của văn hóa, trước hết là âm nhạc, phim ảnh. Các ngôi sao Hàn Quốc trở thành những thần tượng của công chúng trẻ âm nhạc Việt Nam. Khán giả ca nhạc bộc lộ cảm xúc trước những thần tượng Hàn Quốc đến điên cuồng, sảng loạn, với những hành động cử chỉ như khóc lóc đến mức ngất xỉu, hôn ghế ngồi của thần tượng… Còn phim ảnh thì cũng trở thành sốt. Hầu hết kênh truyền hình ở Việt Nam đều chiếu phim Hàn Quốc.

Nhiều nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Tìm hiểu làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở châu Á” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tháng 6/2012  vừa qua đều thống nhất mốc khởi đầu Hallyu tại Việt Nam là năm 1998, khi Đài Truyền hình TPHCM chiếu bộ phim nhiều tập “Anh em nhà bác sĩ”.

Hallyu – làn sóng văn hóa Hàn – có tác động đến lãnh vực tôn giáo, cụ thể là nó có làm cải đạo những nơi nó truyền lan đến, cụ thể là ở Việt Nam, theo xu thế cải đạo từ Phật giáo, tôn giáo truyền thống, sang tôn giáo mới du nhập Hàn Quốc trong thế kỷ XX là Tin Lành hay không, đó là vấn đề bài viết này muốn đặt ra.

Hallyu – làn sóng văn hóa Hàn – là một hoạt động văn hóa, một tiến trình văn hóa. Tôn giáo thuộc về lãnh vực văn hóa. Do vậy, tác động của Hallya đối với tôn giáo, mà cụ thể ở đây là việc cải đạo từ Phật giáo sang Tin Lành theo hình mẫu Hàn Quốc, là điều đương nhiên, ắt phải.

Hơn nữa, Hallyu vẫn được coi là một thứ “quyền lực mềm”. Mà nói quyền lực tức là có hàm ý buộc đối tượng chịu tác động phải tuân theo. Hallyu còn được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đánh giá bằng những cụm từ như “chủ nghĩa dân tộc văn hóa” (Lee Dong Yeon), “Chủ nghĩa quốc gia” mềm (Wong Jon Jin).

Từ một nước 90% theo Phật giáo chuyển sang một quốc gia Phật giáo là tôn giáo thiểu số, Cơ đốc giáo hóa đang là một xu hướng của xã hội Hàn Quốc. Xu hướng đó thể hiện trên nhiều mặt hoạt động, trong đó, có các lãnh vực của văn hóa. Hallyu tràn ra nước ngoài ắt phải mang trong nó điều đó.

Tác động của nó có thể là trực tiếp, có thể là gián tiếp. Trực tiếp là chính những người hoạt động văn hóa Hàn Quốc đến Việt Nam thúc đẩy hoạt động cải đạo. Vì bối cảnh tôn giáo của Việt Nam cũng giống như Hàn Quốc, nên đây tất yếu được coi là một thuận lợi.

Người Hàn Quốc đã cải đạo từ Phật giáo sang Tin Lành đến Việt Nam không sinh hoạt ở những thánh đường riêng, mà họ lồng ghép sinh hoạt tôn giáo vào những thánh đường người Việt. Đây là một lợi thế của Hallyu. Các nhà thờ Tin Lành hỗn hợp Hàn Việt thường xuyên tổ chức truyền giảng cải đạo. Hallyu tôn giáo có được môi trường để tác động mạnh mẽ. Chỉ cần những ngôi sao ca nhạc, điện ảnh đi nhà thờ hỗn hợp để làm lễ hàng tuần, tác động của họ đối với những fan hâm hộ trẻ của Hallyu là vô cùng lớn.

Tôi không có dịp để dự những buổi truyền giảng như vậy, nhưng có nghe nói về những trường hợp bạn trẻ cải đạo rồi tiếp tục sinh hoạt ở nhà thờ hỗn hợp Hàn – Việt (Quận 10, góc 3 tháng 2 – Ngô Quyền). Còn phía Tin Lành, việc sử dụng người của công chúng là con chiên để vận động cải đạo là một sở trường. Ở đây có chung công thức: họ nói từ những điều chưa có được hay không hay khi theo Phật giáo cho đến những điều được coi là tuyệt diệu khi cải đạo (điển hình là trường hợp Huệ Nhật, được viết thành sách).

Vì vậy, về mặt tác động trực tiếp, thì hoạt động cải đạo (mà họ gọi là rao giảng tin mừng), một trong những hoạt động chính của các cơ sở tôn giáo hỗn hợp Hàn Việt đương nhiên không thể bỏ qua cơ hội mà Hallyu mang đến. Sự ưu việt của văn hóa Hàn luôn được nhấn mạnh là sự chuyển đổi từ truyền thống, được coi là lạc hậu, sang hiện đại, được coi là tiên tiến. Quá trình đó gồm có chuyển đổi tôn giáo từ Phật giáo sang Cơ đốc giáo.

Chúng ta để ý, nếu du lịch Nhật Bản thường xuyên giới thiệu những ngôi chùa với niềm tự hào, thì điều đó rất hiếm thấy ở du lịch Hàn Quốc. Thế nhưng, phim Hàn Quốc thì tràn đầy hình ảnh lễ cưới ở nhà thờ, hình ảnh các buổi cầu nguyện dưới thánh giá.

Ví dụ cụ thể nói trên là một trường hợp ảnh hưởng gián tiếp. Người nghiện phim ảnh Hàn Quốc hiện nay, là người chịu tác động của Hallyu, tự mình Hàn Quốc hóa trong sinh hoạt. Điều đó, có nghĩa là giải truyền thống văn hóa dân tộc, phi dân tộc hóa. Họ ăn mặc, trang điểm, để tóc, chọn giầy theo kiểu Hàn Quốc, ăn kim chi, ăn lẩu Hàn, mì Hàn… Cái gì là Hàn thì họ đều vơ vào, còn việc xem phim Hàn, nghe nhạc Hàn thì là điều bình thường của mọi người, tôn giáo Hàn bây giờ là Cơ đốc giáo.

Hallyu không diễn ra tự phát mà có sự thúc đẩy. Có nhiều người Hàn mở quán ăn để rao giảng Tin Lành. Đến ăn thì được chủ quán tiếp chuyện, mời đi nhà thờ Hàn Quốc. Cũng có rất nhiều người Hàn là tín đồ nhiệt thành truyền đạo làm các công việc liên hệ với văn hóa tại Việt Nam, nhiều nhất là dạy học. Số những người này rất tích cực đóng góp cho Hallyu. Chắc chắn họ ý thức rằng Tin Lành theo kiểu Hàn Quốc là một dạng quyền lực mềm có sức mạnh hết sức lớn lao.

Hallyu trong tôn giáo là điều mà từ trước đến nay dường như ít được đề cập đến. Mong rằng bài viết này giúp cho người Phật tử Việt Nam thấy được một khía cạnh mới của áp lực cải đạo tín đồ Phật giáo. Áp lực cải đạo đến từ Hàn Quốc nặng nề không kém gì phương Tây trong bối cảnh làn sóng văn hóa Hàn đang tạo ra những tác động bất ngờ, không tưởng tượng nổi ở Việt Nam, có khi làm bức xúc dư luận xã hội.

Các bậc phụ huynh Phật tử nên quan tâm đến sinh hoạt của con em mình nhiều hơn, nếu con em mình đã có những biểu hiện chịu những tác động của Hallyu. Tác động đó có thể sẽ đi đến việc cải đạo ở một nhà thờ Tin Lành Hàn Việt, thậm chí, vận động bạn bè cùng cải đạo theo kiểu Hàn Quốc.

Kết luận bài viết này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn thầy Thích Văn Phong đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin về hoạt động vận động cải đạo cũa những người Hàn Quốc đang cư trú, làm việc tại Việt Nam.

Có nhà nghiên cứu cho rằng Hallyu đã đạt đỉnh sóng và đang qua đỉnh sóng. Có điều, theo chúng tôi, dù Hallyu có giảm đi nữa, thì hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam đến từ Hàn Quốc vẫn sẽ chỉ giảm tác động gián tiếp, còn tác động trực tiếp thì sẽ không giảm bao nhiêu, dù ảnh hưởng của Hallyu nói chung có giảm đến mức nào đi nữa. Tiến trình cải đạo theo như lời thầy Thích Văn Phong đã được, có thể nói là “xuất khẩu” sang Việt Nam. Người Hàn Quốc nhiệt thành đi cải đạo còn hơn cả người Mỹ. Những người Hàn Quốc sang Việt Nam cải đạo sẽ không buông xuôi một khi Hallyu qua thời đỉnh sóng, chuồi xuống thành “sóng xuôi” (1) đi nữa.

Chúng ta hãy nhớ một điều, nếu một người Hàn Quốc nào đó khẳng định Hàn Quốc hiện đại hóa nhờ Tin Lành hóa, thì câu hỏi của chúng ta là tại sao Nhật Bản, Đài Loan… không có cải đạo như ở Hàn Quốc mà vẫn hiện đại hóa thành công?

MT

 

(1)  Xem thêm “Văn hóa Hàn – “quyền lực mềmvà mối lo”, Cát Khuê ghi từ Hội thảo “Làn sóng Văn hóa Hàn Quốc ở châu Á” tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, báo Tuổi Trẻ thứ tư ngày 27 tháng 6 năm 2012.

Các tin đã đăng:
Về đầu trang