Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Cách nhận diện sư thật hay 'giả' sư
01/01/2014 13:37 (GMT+7)


Phật giáo có hai tông phái lớn là Bắc tông và Nam tông. Phật giáo Bắc tông đào tạo quý Thầy ở chùa, vừa tu vừa hội nhập dòng đời, hóa tha độ chúng, sống tập thể, sống đại chúng tu hành truyền trì giáo pháp đức Phật. Còn Phật giáo Nam tông đào tạo quý Sư ở chùa tu tịnh hạnh phạm hạnh, độ cư độc thiện, lánh xa mọi ràng buộc thế gian.

Riêng tại Việt Nam có ba tông phái lớn là Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Sinh hoạt Phật giáo Bắc tông và Nam tông như giới luật quy chế của Phật giáo quốc tế. Nhà sư Phật giáo Nam tông có đi trì bình khất thực thật nghiêm túc như thời đức Phật sanh tiền, không ăn chiều.

Còn Phật giáo Khất sĩ hiện nay cũng đã truyền bá rộng rãi đến các quốc gia trên thế giới. Về pháp tu Phật giáo Khất sĩ, do đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai sơn năm 1943 truyền bá con đường trung đạo, không Nam tông không Bắc tông, không đại thừa không tiểu thừa. Nhà sư Khất sĩ sống ở tịnh xá, đi chân đất, ăn chay trường, đi trì bình du tăng hóa đạo theo tiêu chí không dừng chân bất cứ nơi nào trong thế gian như đức Thế Tôn ngày xưa, ăn ngọ, không ăn chiều.

Theo Hòa thượng Thích Giác Quang (Tịnh Độ Non Bồng - Đồng Nai), có nhiều nhà sư sống tập thể trong một tịnh xá, cũng có những vị phát nguyện sống trong am thất tu hành độc cư độc thiện giữ gìn thật nghiêm túc về giới luật Phật, mỗi ngày đi khất thực với thời gian từ 8 giờ đến 9 giờ, đi chân đất, không nhận tiền, không che dù… Người dân gặp quý Sư đi khất thực đúng phép nên cúng dường để có thêm nhiều phước đức.

Bên cạnh đó, quý Sư đi khất thực độ chừng ba nhà thì đã trở lại tịnh xá rồi và thọ thực đúng vào lúc giờ ngọ (12 giờ), sau khi thọ thực, nếu có sự cầu thỉnh của tín chủ thì quý Sư thuyết pháp khuyến thiện, 13 giờ chỉ tịnh, chiều và tối học Phật pháp, thực tập thiền định… Đấy là hạnh lành của nhà Sư du Tăng Khất sĩ Việt Nam và thời đức Phật hình thức này cũng chính là hạnh nguyện của ba đời chư Phật.

Theo nội quy Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hạn chế tối đa việc nhà Sư khất thực và không đi khất thực với thời gian vô hạn định, nhằm để thanh lọc những việc "giả sư". Đó là những kẻ mặc y giả không thọ giới, không ở chùa, ở nhà thế tục tự cạo đầu, tự mặt áo pháp  đi "ăn xin" (lưu ý: Không phải khất thực mà là đi ăn xin) ở khắp các tỉnh thành.

Theo Thị Giả/Phật giáo

Các tin đã đăng:
Về đầu trang