Ở đây tôi xin phép chỉ trình bày phẩm
chất “thiểu dục tri túc” và phân tích phần tích cực của phẩm chất này
trong việc đào tạo con người với cung cách sống “mỗi người vì mọi người”.
Điều đáng lưu ý đầu tiên là trong lời
khuyên “thiểu dục”, chúng ta phải hiểu rằng những ước muốn tích cực,
thiết thực, làm điều tốt để phục vụ cuộc sống vẫn được ca ngợi như hằng
ngày chúng ta được nghe qua những trường hợp thành công rực rỡ của nhiều
thanh niên hiếu học vượt khó, của nhiều phụ nữ miệt mài lao động, của
nhiều nông dân cần cù thực hiện các dự án nuôi trồng.
Đó là những loại thiện dục, rõ ràng là ở
mức cao hơn một loại ước muốn khác, ước muốn buộc phải có do những nhu
cầu tự nhiên như ăn, mặc, ở mà bất cứ một xã hội ổn định nào cũng đã
định ra một mức sống tối thiểu cho người dân. Chính trên mặt bằng của
mức tối thiểu đó chúng ta mới bàn đến “thiểu dục”; nói thế để chúng ta
khỏi nói tới sự khổ luyện “tam thường bất túc” của nếp sống đạo. Điều
đáng nói là lề thói của một số người lạm dụng nhu cầu để tư kỉ tư lợi,
rất dễ dẫn đến nhiều tiêu cực trong cuộc sống đời thường.
Chung quanh ta, gần như quá dễ dàng nghe
thấy nhiều trường hợp người giàu sang, dư thừa mọi thứ nhưng lại luôn
luôn cau có lo âu. Lắm khi họ đi kiếm người để than thở, đi tìm chỗ để
cầu xin. Đêm, ngày không ngủ được, lo nghĩ trăm mưu ngàn kế để đạt cho
được điều đã ước mong. Đó là những trường hợp còn quá nhiều dục vọng,
mong cầu đủ thứ, có rồi còn ưng có thêm nữa, mong cầu này dù đạt được sẽ
kéo theo mong cầu khác, một sinh hai rồi sinh ba, sinh bề bộn, tạo nên
tâm trạng rối bời. Người tham dục như thế, tham sắc tham danh, tham lợi
nói chung là bị đắm chìm trong nhục dục ngũ trần, lấy đâu được giây phút
hạnh phúc, làm sao an tịnh được tâm hồn để hướng về nẻo thiện, giúp đỡ
tha nhân. Câu kinh Pháp Cú 216 đã ghi:
“Ái dục sinh sầu muộn,
Ái dục sinh lo sợ,
Người đã trọn vẹn dập tắt ái dục,
Không còn sầu muộn, càng ít lo sợ”.
Dập tắt ái dục là một thái độ rốt ráo,
trong cuộc sống đời thường mấy ai đạt được. Nhưng bớt ước muốn (thiểu
dục) để ít lo sợ và giảm sầu muộn thì không ít người đã làm được bằng
cách có nếp sống tri túc, nghĩa là biết đủ. Đủ ở đây phải được hiểu là
đủ so sánh với hoàn cảnh, với công việc và với trách nhiệm của mỗi
người.
Trong nếp sống “thiểu dục tri túc”, mọi
ước muốn đều phải phù hợp ngang tầm vóc, ngang nhu cầu tối thiểu thì may
ra mới không đưa đến ưu phiền, đau khổ. Khi đã có và cái có đã đủ, đủ
theo ý nghĩa nêu trên thì phải biết đủ (tri túc) và đừng mong cầu gì
nữa. Có tri túc mới không có tình cảnh đi quỵ luỵ, năn nỉ cầu xin. Có
thể mới cảm nhận được tự do, mới tránh được sỉ nhục. Thế nên người xưa
đã để lại lời dạy:
“Tri túc thường lạc, đa tham tắc ưu.
Tri túc giả, bần tiện diệc lạc. Bất tri túc giả, phú quý diệc ưu. Tri
túc thường túc, chung thân bất nhục. Tri chỉ thường chỉ, chung thân bất
sỉ. Tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư”. (Biết đủ vui hoài, tham nhiều lo
mãi. Biết đủ nghèo hèn cũng vui. Không biết đủ giàu sang cũng khổ. Biết
đủ thường thấy đủ, cả đời không nhục. Biết thôi thường thôi, cả đời
không hổ. So với trên không đủ, sánh với dưới thì dư).
Hiểu là hiểu vậy nhưng sống thiểu dục
tri túc thì không dễ. Kẻ hám danh, người hám lợi, một số người lại tham
đắm sắc dục, quả thật cuộc đời đầy quyến rủ, đầy cạm bẫy, phức tạp khôn
lường.
Theo thói thường thì người đời rất muốn người khác nể vì
trọng vọng mình, nhiều khi chẳng phải do phẩm chất của mình mà lại do
mình quen lớn. Ý muốn đó là tham danh mà đương sự đã quên mất rằng người
ta trọng vọng mình có quen lớn chứ không phải trọng vọng mình. Khi
không được trọng vọng thì sinh ra phiền bực, giận hờn, thật là vô lối.
Sao lại ưng người ta đối xử với mình quá mức mình đang là.
Tri túc về danh thì khỏi phải chạy vạy
nhờ vả mong kiếm cho ra một chức vụ cao hơn mà mình không xứng, không hề
chọn đường bất chính để kiếm thêm bằng cấp, học vị không do công lao
học tập của mình, vượt quá trình độ hiểu biết của mình. Có tri túc thì
không bao giờ trang trí cái ta hơn cái ta đang là.
Người tham lợi thì
lại thấy cái đương nhiên là của ta khi muốn nhận những món lợi không do
mình làm ra. Những ví dụ có thể quá dễ thấy trong xã hội mà báo chí
hằng ngày đã vạch ra, đôi khi những tiêu cực đã biến thành thói quen,
ngang nhiên ăn mòn dần tính trung thực lẽ ra phải có một cách toàn vẹn
trong mọi công việc. Những tiêu cực đó rất thường khi xảy ra cho những
kẻ đã có đủ hoặc đã dư thừa, lần hồi trở thành trầm trọng với những hình
thức hối lộ, tham nhũng.
Tri túc về lợi thì không chịu hoà mình
vào những trường hợp đắc lợi không do mồ hôi nước mắt mình làm ra. Nếp
sống đó là một mặt tích cực mà xã hội nào cũng trông chờ. Người xưa đã
để lại lời dạy quý giá cho muôn đời:
“Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất
dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ
kỳ đạo đắc chi bất khứ dã. Bất nghĩa nhi phú thả quý ư ngã như phù vân”.
(Giàu sang ai chẳng muốn, nhưng có được bằng đường bất chính ta không
thèm. Nghèo hèn ai chả ghét, nhưng thoát ra bằng cách gian tà ta không
chịu. Giàu sang mà bất nghĩa ta coi như mây nổi mà thôi).
Tri túc về sắc dục thì không có quan hệ
lang chạ thầm kín với người khác phái ngoài vợ hay chồng mình; đây là
yếu tố căn bản nhất của nếp sống gia đình để bảo vệ hạnh phúc cho chính
gia đình mình, danh giá cho mình và không phạm đến hạnh phúc danh giá
của kẻ khác. Liên quan vấn đề này, một trong năm giới mà có lẽ mọi người
phải noi theo, đức Phật đã dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm
đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
Trong hiện tình dân số thế giới đang
càng ngày càng tăng vọt đáng ngại, vấn đề tri túc này còn được hiểu rộng
thêm ra là phải hạn chế sinh đẻ để góp phần ổn định xã hội. Có con đầu
lòng đúng là nền tảng của hạnh phúc gia đình, nhưng đây là thứ hạnh phúc
có được bằng mồ hôi nước mắt, bằng lo âu đủ thứ và dài ngày. Qua đứa
con thứ hai, có lẽ hạnh phúc cũng chỉ vậy nhưng công lao nuôi dưỡng hai
con đã phức tạp hơn nhiều. Đâu phải chỉ cho ăn, cho mặc, chỉ lo giữ gìn
sức khoẻ cho con không mà thôi. Còn phải lần hồi dạy dỗ về tính tình, kể
cả lúc đã cho con đi học. Rõ ràng là bổn phận làm cha làm mẹ không dễ.
Đến khi có đứa con thứ ba thì nhiều gia đình đã quên dần niềm hạnh phúc
ban đầu để chỉ còn theo thói quen nuôi con cho khôn lớn, lắm lúc phải tự
an ủi mình “trời sinh trâu sinh cỏ”, hoặc “năm ngón tay phải có ngón
ngắn ngón dài”, như là những người tự biện hộ về sự bất lực của mình khi
không tròn bổn phận nuôi dạy con mà nền giáo dục và y khoa hiện nay đã
bảo rằng phải dạy con từ khi còn trong bụng mẹ (thai giáo).
Những khi thấy một người quát mắng con
hay đánh đập con trong cơn thịnh nộ, khi nghe trường hợp cha hoặc mẹ để
chạy theo những cám dỗ hoặc khi đọc tin có người con xử sự hết tình đối
với cha mẹ, có lẽ không ai là không suy nghĩ: “thế thì thà đừng có con
là hơn”.
Không thiểu dục tri túc còn có nhiều
cách thể hiện, đôi lúc nhìn qua thấy không có gì động chạm đến đời sống
xã hội nhưng kỳ thật đã đưa lại những tai hại không nhỏ.
Đó là trường hợp không thiểu dục tri túc
của những kẻ quen thói la cà quán xá nhậu nhẹt say sưa, vung phí tiền
bạc của gia đình, lại không giữ gìn được sức khoẻ và lắm khi rượu vào
lời ra, lập bè lập nhóm để chém giết lẫn nhau, hoặc vì quá chén gây nên
tai nạn khi lái xe dọc đường.
Không thiểu dục tri túc nên mới xuôi
theo thị hiếu “mốt” này “mốt” nọ, bất kể trong nhà có tiền hay không.
Xem phim Hàn Quốc hay Nhật Bản, thấy nữ diễn viên chính đi đôi giày lạ
hay có bộ y phục đặc biệt, thế là không ít người thuộc phái nữ đua nhau
mua sắm giày, quần áo y như vậy; thấy nam diễn viên có đầu tóc hay hay
thì một số thanh niên lại đi đổi kiểu tóc cho giống. Tánh đua đòi đã
vượt ra ngoài nhu cầu thực sự của mình, đã làm cho nhiều bà mẹ buồn
phiền và cũng đã rất dễ đẩy tuổi trẻ ra xa cội nguồn dân tộc.
Một cuộc sống không thiểu dục tri túc đã
có nhiều tác hại cho cá nhân rồi từ đó cho xã hội. Giai do chỉ vì cá
nhân không chế ngự lòng tham, một trong tam độc tham, sân, si đã làm trì
trệ bước đường tu thân cho nhiều người và cũng đã gây nên không biết
bao nhiêu tội phạm trên đời: mua gian bán lận, buôn lậu, mua bán ma tuý,
chặt cây phá rừng, mua bán sắc dục, bắt cóc trẻ em, cướp của giết
người, mua bằng bán tước, hối lộ tham nhũng… hình thức tội phạm càng
ngày càng mới không sao đoán trước được.
Người đời thường bảo lòng tham là vô
đáy, nhưng với cung cách thiểu dục tri túc, không còn tư kỉ tư lợi, chắc
chắn đời người thường được an lạc, tâm trí được an tịnh, sáng suốt để
chu toàn các công việc. Nếu là nhà kinh doanh chẳng hạn thì nguyên tắc
tri túc khiến người đó dám nghĩ đến những dự án phù hợp với những điều
kiện đang có của địa phương về hoàn cảnh, kinh phí, tài nguyên, nhân
lực… có thể mới dễ thực hiện thành công dự án và sau đó mới đem lại kết
quả tốt.
Cuộc sống đang phô diễn dưới thiên hình
vạn trạng, trong hoàn cảnh hiện nay của đất nước ta, mọi nỗ lực đều nhắm
đến công cuộc xây dựng một cuộc sống phồn vinh trong đó mọi người dân
được an cư lạc nghiệp. Nhưng đâu đó đang còn những hiện tượng tiêu cực
đang kìm hãm bước tới đích cao đẹp đó, đang là mối bận tâm chung của xã
hội. Trong bối cảnh như thế, có lẽ nếp sống thiểu dục tri túc là một
phương thuốc mầu nhiệm, nếu không xoá hẳn được thì cũng làm giảm được
nhiều tiêu cực hiện nay, tăng đà phát trển cho đất nước.
Để kết thúc phần trình bày những ý kiến
thô thiển trên đây, tôi xin phép được nêu ra một hình ảnh về vai trò
quyết định của một con người trong câu nói của một người xưa: “Nhân
thường giảo đắc thái căn tắc bách sự khả tố”. (Người thường nhai được rễ
rau thì trăm việc đều làm được).
C.T.N