Trong cuộc sống lứa đôi, các cặp
vợ chồng đều muốn có một gia đình hạnh phúc và muốn được sống bên nhau
trọn đời. Tương kính như tân - vợ chồng sống với nhau, đối đãi nhau,
kính trọng nhau như người khách quý lúc mới gặp - là một cách để giữ
vững niềm hạnh phúc đó. Nói thì dễ, nhưng làm được nó đòi hỏi rất nhiều
nỗ lực. Có khi chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt không đâu, một câu nói bông
đùa lỡ lời mà hạnh phúc bị tan vỡ. Tôi đã có dịp lắng nghe tâm tư của
các đôi bạn trẻ qua những buổi làm lễ hộ niệm thành hôn (lễ hằng thuận),
hay qua các buổi tham vấn cho các bạn gặp khó khăn trong liên hệ tình
cảm và nhận thấy sự thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày giúp
rất nhiều trong việc duy trì hạnh phúc tình cảm lứa đôi. Không thể tránh
những đụng chạm trong đời sống, nhưng ta có thể giải quyết chúng một
cách hài hòa, khi trong ta có sự hiểu biết và thương yêu.
Bài hát Cõi mê (A crazy world, ABBA,
1976) nói về cảm xúc, suy nghĩ và hành động của một chàng trai khi thấy
người yêu của mình tiếp xúc với một người đàn ông khác. Sáng hôm đó
không ngủ được, chàng trai đi bộ qua nhà người yêu để nói chuyện. Đến
nơi, chàng thấy một người đàn ông từ nhà của người yêu đi ra bãi đậu xe
và sau đó lái xe đi. Người yêu của chàng cũng đi ra tiễn. Chàng nghĩ là
mình bị phản bội và sợ là người yêu sẽ bỏ rơi mình. Thấy người yêu tỉnh
bơ như không có việc gì xảy ra, chàng như muốn điên lên và la lối rằng
là chàng đã hết lòng yêu nàng, sao nàng lại quen người khác, nàng chẳng
đã từng nói chàng là người đàn ông duy nhất của nàng hay sao. Cô gái mỉm
cười trả lời rằng có hai người đàn ông trong cuộc sống của cô. Anh trai
của cô - người vừa mới lái xe đi - là một trong những người đó. Anh
nàng đã đi xa một thời gian dài và nay trở về đây sinh sống. Chàng sẽ có
nhiều cơ hội tiếp xúc với người anh trai dễ thương của nàng. Nhận thấy
là mình bị hớ và như là đang ở trong cơn mê, chàng trai chỉ còn biết nói
thầm là người yêu đừng bao giờ bỏ rơi mình.
Thương yêu và được thương yêu là một
trong những nhu cầu căn bản và thâm sâu nhất của con người. Không thương
và không được thương thì ta khó mà lớn lên được. Tình thương yêu ở đây
không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình thương đối với người thân,
bạn bè và tha nhân. Và cả cho muôn loài khác nữa. Thương như thế nào để
ta và người ta thương được tự do, để người ta thương không trở thành
vật sở hữu của mình, để ta không sợ bị mất người ta thương. Thương như
thế nào để khi người ta thương được những người khác thương, ta cảm thấy
tình thương của ta thay vì bị giảm đi hay bị đe dọa thì lại được tăng
lên nhiều lần.
Trong thực tế, đa số chúng ta muốn người
ta thương chỉ thuộc về riêng ta, nên khi có người khác thương người ta
thương, ta cảm thấy khó chịu và thường có những phản ứng để chứng tỏ
quyền sở hữu của mình. Có khi mẹ chồng cũng ghen với nàng dâu vì không
còn được độc quyền chăm sóc con trai mình nữa. Những tình trạng tâm lý
này xảy ra khá thường, nên mới có câu “có thương thì mới ghen, không
thương thì ai ghen làm gì”. Nói vậy, nhưng không ai vui vẻ gì khi ở
trong tình trạng đó, dù là ghen với lý do chính đáng (khi người ta yêu
có người yêu khác) hay ghen bóng ghen gió. Người bị ghen thì cảm thấy
buồn và xấu hổ, người ghen thì cảm thấy giận dữ và bất an. Yên sao được
khi lúc nào cũng sợ mất người mình thương. Cả hai đều cảm thấy mất tự
do.
Sự
chiếm hữu thường đưa đến những khó khăn trong liên hệ tình cảm và làm
khổ người ta thương. Ghen chỉ là một ví dụ. Vì nghĩ người ta thương là
của ta, ta muốn người ta thương phải làm theo ý ta: phải mang áo màu
này, phải ăn thức ăn này, phải làm việc này..., nếu không thì ta buồn,
ta giận. Vì sao mà ta có những cảm xúc, suy nghĩ và hành động như trên?
Những gì đã xảy ra trong thâm tâm ta khi ta ghen? Có phương pháp nào để
chuyển hóa trạng thái ghen tuông đó, để bảo vệ và vun trồng tình yêu
ngày càng bền vững? Ta hãy tìm hiểu những sự kiện trên qua cái nhìn của
Duy biểu học, một môn học về tâm lý của Phật giáo.
Vận hành của tâm thức
Đời sống con người được biểu hiện qua
thân và tâm. Thức, một từ được dùng rất nhiều trong tâm lý học Phật
giáo, có nghĩa là biết. Để ghi nhận và biết những hiện tượng của cuộc
sống, ta có sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý. Mắt tiếp
xúc với hình sắc cho ta cái biết ở mắt - thấy, nhãn thức. Tai tiếp xúc
với âm thanh cho ta cái biết ở tai - nghe, nhĩ thức. Mũi tiếp xúc với
mùi hương cho ta cái biết ở mũi - ngửi, tị thức. Lưỡi tiếp xúc với vị
cho ta cái biết ở lưỡi - nếm, thiệt thức. Thân thể tiếp xúc với xúc chạm
cho ta cái biết ở thân thể - xúc, thân thức. Ý tiếp xúc với các pháp
(các hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý) cho ta cái biết ở ý - nhận
biết, ý thức. Để thử xem bệnh nhân có bị hôn mê hay không, bác sĩ thường
thử khả năng biết ở các giác quan.
Các từ tâm, ý và thức thường được dùng
để diễn tả các hiện tượng tâm lý mà mắt ta không thấy được. Cảm giác
(thọ, feeling) được phát sinh khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng
của chúng. Có cảm giác dễ chịu (lạc thọ); có cảm giác khó chịu (khổ
thọ); và có cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).
Tâm ta có những hiện tượng tâm lý gọi là
tâm hành (mental formation). Có 51 tâm hành, trong đó có tâm hành tốt
(như tin tưởng, trung thành, bao dung, không tham, không giận, sáng
suốt…), tâm hành xấu (như đa nghi, phản bội, ganh ghét, tham, giận, ngu
si…) và những tâm hành khác. Thọ và tưởng cũng là hai trong số 51 tâm
hành này.
Không phải tự nhiên mà các tâm hành này
xuất hiện. Chúng đã có mặt trong tâm ta từ lâu dưới dạng những hạt
giống. Những hạt giống này đã được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ
khác và được cất giữ ở một chỗ gọi là tàng thức (cái biết cất chứa).
Khi có điều kiện thích hợp thì những hạt giống tâm hành này biểu hiện
trên ý thức (cái biết biểu hiện). Ý thức dẫn đến những hành động và lời
nói trong sinh hoạt hằng ngày của ta. Nếu ta biết tạo điều kiện cho
những hạt giống tốt phát triển và biểu hiện, những ý nghĩ, hành động và
lời nói của ta sẽ đem lại niềm an vui cho cuộc sống. Ví dụ như một bà mẹ
lấy chăn đắp cho con khi thấy con ngủ mà không đắp gì. Hạt giống thương
yêu của người con được tưới tẩm nên cảm thấy hạnh phúc và thương mẹ quá
chừng. Hành động đơn giản vậy đó mà làm cho người con nhớ hoài.
Ta có thể xem tàng thức là nhà kho ở
tầng dưới, ý thức là phòng khách ở tầng trên của một căn nhà. Khi một
hạt giống xấu biểu hiện ở ý thức, ta không xua đuổi nó, chỉ cần nhận
diện sự có mặt của nó, và đừng tạo điều kiện cho nó phát triển thêm.
Thay vào đó, ta tạo điều kiện cho một hạt giống tốt phát triển và tập
trung vào tâm hành tốt đó thôi, tâm hành xấu sẽ yếu dần và từ từ đi
xuống tàng thức dưới dạng của hạt giống. Ví dụ như ta muốn khoe chiếc áo
đầm mới với một người bạn. Nhưng người bạn lại nói rằng màu đó không
đẹp. Thế là cơn giận trong ta nổi lên. Biết mình lỡ lời, người bạn lại
nói cái nơ thắt ngang lưng làm cho người mang nó thon và đẹp ra. Được
khen, cơn giận trong ta giảm đi. Ông bà ta cũng đã nói: “Chồng giận thì
vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”.
Ở giữa tàng thức và ý thức là mạt na
thức, cái biết chấp ngã. Cái biết chấp ngã này cho rằng tất cả các hiện
tượng đều nhằm để phục vụ ta, chỉ cho riêng ta. Nó như là bức màn che,
làm cho cái biết của mắt, tai, lưỡi, thân và của ý không được khách
quan. Khi tiếp xúc với đối tượng nào, ta cũng nghĩ là của ta và cho ta.
Ví dụ như một chàng trai thấy một cô gái đẹp mỉm cười, lại nghĩ là cô ta
cười với mình. Hay trong một buổi sinh hoạt chẳng hạn, thấy người khác
được khen và được nhắc tên, ta cũng muốn được nhắc tên mặc dù ta không
dính líu gì đến chuyện đó.
Trở lại câu chuyện của chàng trai và cô
bạn gái. Chàng có cảm giác khó chịu khi thấy người đàn ông rời khỏi nhà
của người yêu - khổ thọ sinh ra khi mắt thấy cảnh mình không muốn thấy.
Vì không biết người đàn ông đó là anh của người yêu, chàng nghĩ người
đàn ông là người yêu của nàng và người yêu đã lừa dối chàng - một tri
giác sai lầm (vọng tưởng). Tri giác sai lầm của chàng trai đã phát sinh
những tâm hành sợ hãi (sợ mất người yêu), giận dữ và nghi ngờ. Không
kiểm soát được cơn giận, chàng lớn tiếng cãi với người yêu. Cô gái rất
khéo, nói ngay người đàn ông đó là anh trai mình. Cơn sợ hãi, giận dữ và
nghi ngờ trong chàng biến mất nhờ nghe được câu chàng muốn nghe - người
đó không phải là người yêu của nàng. Tuy nhiên, cô gái cũng muốn tưới
tẩm hạt giống cởi mở, bao dung của người yêu, muốn cho chàng bớt ghen và
tập chia sẻ người mình thương với người khác nên mới nói là anh trai
của nàng cũng quan trọng giống như chàng vậy, chàng nên làm quen với anh
trai của nàng, anh nàng dễ thương lắm.
Câu chuyện kết thúc có hậu nhờ chàng
trai biết nói ra những điều làm cho chàng đau khổ và cô gái biết lắng
nghe và biết nói ra những điều làm cho chàng bớt khổ. Nếu vì tự ái mà
chàng trai bỏ về rồi cứ im lặng ôm lấy niềm đau, rồi ghen bóng ghen gió,
thì có thể cuộc tình sẽ tan vỡ. Tự ái là một điều không nên có mặt
trong tình yêu. Chỉ cần chàng trai đi trễ năm phút là không thấy anh
trai của người yêu đi ra khỏi nhà của nàng, và sẽ không có sự hiểu lầm.
Ta không thể đóng cửa các giác quan, không thể không nhìn, không nghe,
không thấy. Chàng trai nên cám ơn những gì đã xảy ra. Nhờ vậy chàng mới
hiểu được mình hơn. Phiền muộn nằm sẵn trong ta chớ không nằm ở ngoài.
Đổ lỗi cho những điều kiện bên ngoài mà không nhìn kỹ những gì xảy ra
trong tâm thì không giúp ta chuyển hóa được khổ đau.
Không để cảm thọ chi phối
Khó khăn xảy ra khi ta không biết cách
ứng phó với cảm thọ. Đang giận mà không biết cách điều hòa cơn giận, ta
mới la hét, đập phá để giải tỏa năng lượng giận đó. Tâm lý học Tây
phương trước đây thường đề nghị một phương pháp để giải tỏa năng lượng
giận là đánh vào một cái gối bông, tưởng tượng gối bông đó là đối tượng
giận của mình, để năng lượng giận có cơ hội thoát ra ngoài. Hành động
này tự nó có tính cách bạo động. Đánh xong rồi, mệt đừ, năng lượng giận
có được giải tỏa, nhưng hạt giống bạo động lại được tưới tẩm. Phương
pháp này nay ít được dùng.
Năng lượng được biểu hiện trong ta dưới
ba dạng: tinh, khí và thần. Tinh là năng lượng tình dục, khí là năng
lượng hơi thở, thần là năng lượng của các trạng thái tâm lý. Năng lượng
hơi thở có tính chất trung hòa có tác dụng nuôi dưỡng thân tâm. Khi hai
loại năng lượng tình dục và tâm lý có tính cách phá hoại, ta lập tức trở
về với hơi thở, chuyển hóa chúng thành năng lượng hơi thở. Tập trung
vào hơi thở vào và hơi thở ra, đừng suy nghĩ gì cả. Có thể sẽ mất 5, 10
phút, hoặc lâu hơn, nhưng không sao. An trú trong năng lượng của hơi thở
chánh niệm, giúp ta không hành động theo cảm xúc - khi không làm chủ
được lý trí - và tránh được tình huống “Chưa đánh được người mặt đỏ như
vang/Đánh được người mặt vàng như nghệ”.
Khi vui quá - ví dụ như khi đội banh
mình ưa thích đoạt giải vô địch Euro 2008, thì một năng lượng náo nhiệt
xuất hiện, nó bắt ta phải làm gì đó. Ta hét, đập bàn, đập ghế để ăn
mừng. Khi buồn quá - ví dụ như khi cuộc tình đổ vỡ - một năng lượng
tuyệt vọng xuất hiện. Năng lượng này cũng rất mạnh, có khi khiến ta làm
những hành động dại dột, nguy hiểm đến tính mạng. Khi cô đơn và muốn có
người hiểu để chia sẻ nỗi niềm, một năng lượng bức xúc xuất hiện, có thể
khiến ta kiếm người để tâm sự, để ôm ấp. Đây là trường hợp năng lượng
tâm lý chuyển sang năng lượng tình dục. Hiện tượng “tình một đêm” đa số
là do lý do này. Ta cũng có thể chuyển hóa năng lượng tình dục qua năng
lượng khí và thần. Người tu trong nhà thiền thực tập chuyển hóa năng
lượng tình dục thành năng lượng tu học, để có thể thành công trên con
đường lý tưởng, như bài kệ dưới đây:
Xin đem năng lượng này,
Chuyển thành tinh tấn lực,
Đường lý tưởng đi lên,
Sự nghiệp mau hoàn tất.
Khi ta không còn bị cảm thọ chi phối, ta
có thể bình tĩnh nhìn lại những gì đã xảy ra để ứng phó với những phiền
muộn một cách thích đáng.
Năm lời phát nguyện
Hạnh phúc cuộc sống lứa đôi tùy thuộc
vào mối quan hệ của đôi lứa với nhau, với mọi người và mọi sự việc chung
quanh. Có được mối quan hệ tốt với cha mẹ, người thân và bạn bè, sẽ
giúp cho cuộc hôn nhân thêm bền vững. Buổi lễ thành hôn được tổ chức
dưới sự chứng kiến của nhiều người, họ là những nhân chứng, và họ mong
muốn cho cuộc hôn nhân được tốt đẹp. Khi đôi lứa gặp khó khăn, họ có thể
giúp hàn gắn đổ vỡ.
Khi làm lễ hằng thuận theo nghi thức
Phật giáo, cô dâu và chú rể được hướng dẫn đọc năm lời phát nguyện(*),
trong đó có hai lời nguyện để tưới tẩm sự hiểu biết và thương yêu giữa
hai người, để việc đối xử theo tinh thần “tương kính như tân” có thể
thực hiện được:
Chúng con nguyện nương vào nhau, xây dựng cho nhau bằng tình thương, sự tin cậy, sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn.
Chúng con nguyện thường tự nhắc nhở rằng
sự trách móc, sự hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không
giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy
mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc.
Đọc xong năm lời phát nguyện thì cả hai
được công nhận là vợ chồng. Hai vợ chồng được khuyên là nên cùng nhau
đọc lại những lời phát nguyện này mỗi tháng một lần, vào dịp trăng tròn.
Trước khi trao nhẫn, cả hai cùng lạy nhau hai lạy để tỏ lòng tương kính
với nhau.
Hạnh phúc là một điều có thật và ở trong
tầm tay của chúng ta. Có nắm được nó, có giữ được nó hay không tùy theo
cách nhìn, cách ứng xử của chúng ta. Sống với hiện thực, đừng sống
trong ảo tưởng. Những hiểu lầm và khó khăn trong cuộc sống lứa đôi là
điều không thể nào tránh khỏi. Với hiểu biết và thương yêu, chắc chắn
những khó khăn đó sẽ được chuyển hóa thành chất liệu để xây dựng hạnh
phúc.
(*) Nghi thức tụng niệm Đại toàn, đạo
tràng Mai Thôn biên soạn. Ba lời phát nguyện khác là: (1) Chúng con
nguyện sống đời sống hàng ngày sao cho xứng đáng với đạo đức của tổ tiên
và nòi giống chúng con. (2) Chúng con nguyện sống đời sống hàng ngày
sao cho xứng đáng với kỳ vọng mà tổ tiên và giống nòi đặt nơi mỗi chúng
con. (3) Chúng con nguyện trong đời sống hàng ngày dồn hết tâm lực và
phương tiện để xây dựng cho thế hệ con cháu của chúng con trong tương lai .