Cung không đủ cầu
Năm 1997, Ban TTXH T.Ư kết hợp cùng với Trường Cao đẳng Sài Gòn đào tạo chuyên ngành mầm non cho hơn 100 chư Ni và Phật tử tại các tỉnh thành về học tại thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp, rất ít người còn giữ nghề. Theo Ni sư TN.Huệ Từ, Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới (PBĐTNG) T.Ư, từ lớp đào tạo này chỉ có khoảng 20 người còn làm nghề, đảm nhiệm chủ trường, quản lý. Những người này sở dĩ đứng được với nghề, là vì bổn sư đã mở trường mầm non tại trú xứ và xuất phát điểm từ nhu cầu thật sự. So với các ngành khác, ngành mầm non rất ít được sư cô chọn, số lượng cô giáo là sư cô đứng lớp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sư cô TN.Tâm Khánh, cô giáo Trường Mầm non dân lập Họa Mi I
hướng dẫn các cháu chấp tay lạy Phật - Ảnh: Bảo Toàn
Thực tế, nhu cầu phụ huynh đưa con vào học các trường mầm non của Phật giáo rất cao nhưng hiện nay rất ít tỉnh thành có mở trường mầm non. Thống kê sơ bộ hiện chỉ có các tỉnh: Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có thành lập trường mầm non do Phật giáo điều hành. Trong khi đó, xã hội rất quan tâm, đặt niềm tin vào những trường do Phật giáo điều hành vì lẽ các trường luôn đặt chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ lên hàng đầu.
Thừa Thiên Huế, một trong những tỉnh được sự đồng thuận của chư tôn đức về vấn đề giáo dục mầm non nhưng vì những khó khăn về nội tại cũng như ngoại tại nên không phát triển mạnh như mong muốn. Ni sư TN.Như Minh, Phó ban TTXH PG TT-Huế cho biết: “Hiện nay, hệ thống trường mẫu giáo tại huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, TP.Huế do chư Ni điều hành có 175 lớp với 5.282 cháu. Ở Huế, tu sĩ chưa được phép đứng lớp dạy (khác với bên các soeur, họ có hình thức như người đời).
Thực ra, các chùa mở trường mầm non cũng có nhiều ưu điểm như: con em Phật tử có môi trường đến học khỏi vào trường của các soeur, giúp đỡ một số gia đình con em nghèo không có tiền để đóng học phí, tạo duyên cho các phụ huynh có dịp tiếp xúc với chùa. Các cháu được học trong môi trường tốt sẽ nâng cao phẩm chất đạo đức và huân tập hạt giống từ bi. Người đầu tiên có chủ trương thành lập trường mầm non Phật giáo ở Huế là cố Ni trưởng TN.Chơn Thông, trụ trì chùa Diệu Viên, từ năm 1963-1964, ở đây đã thành lập trường và có xe đưa đón học sinh từ thành phố về chùa học. Ở Huế, đa số đạo hữu cũng như người dân thiết tha có trường của Phật giáo mở để đưa con em vào học vì họ tin tưởng học ở chùa, dưới sự hướng dẫn của các sư cô sẽ ảnh hưởng về mặt đạo đức cho các cháu sau này”.
Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực PBĐTNG T.Ư cũng rất ưu tư với mong muốn đưa giáo dục mầm non vào chùa để trẻ em có môi trường học tập tốt nhất. Tạo nền tảng trong môi trường học thân thiện, trẻ được chú trọng dạy dỗ sự lễ phép, đạo đức để hình thành nên tính cách của các cháu. Với tâm huyết đó, Ni trưởng cũng đã thành lập Trường Mầm non Tuệ Uyển tại chùa Bước Chân Tuệ Uyển (Long Thành, Đồng Nai), trường này dành phần nhiều cho gia đình công nhân khó khăn, trường cũng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Trường Mầm non dân lập Họa Mi I (chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận) thành lập từ năm 1995, hoạt động dưới sự quản lý của Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Phú Nhuận, hiện có 20 người, trong đó có 3 sư cô làm quản lý chuyên môn và 4 sư cô là giáo viên. Về chất lượng hơn hẳn các trường mầm non khác, trường được phụ huynh tin tưởng gởi con đến học, ban đầu trường nhận từ 24 tháng tuổi nhưng hiện nay trường chỉ nhận trẻ từ 3 tuổi. Tuy nhiên, những ngày đầu hè thì số lượng bé vào học đã đủ nên không thể nhận thêm. Hiện nay, trường mầm non Phật giáo là mảnh đất để trống chưa được đầu tư đúng mức, cung chỉ là phần nhỏ so với nhu cầu của xã hội.
Phật giáo không thể đứng bên lề
Xã hội hóa giáo dục, giáo dục mầm non Phật giáo cũng cần phải đầu tư có hệ thống tức phải có chủ trương của Giáo hội, ngành giáo dục Phật giáo và sự đồng thuận của chư tôn đức. Thực tế đáng buồn là những trường mầm non đang hoạt động hiện nay cũng chỉ là theo chủ kiến và cố gắng của cá nhân với nhiều ưu tư cho thế hệ “búp sen hồng Phật giáo” mà chưa được sự thống nhất xuyên suốt. “Thậm chí có những ý kiến đề xuất về trường mầm non Phật giáo được nêu trong những buổi họp của Ban Thường trực HĐTS thường không được chấp nhận hoặc im lặng cho qua, thành ra cũng nản”, một vị Ni sư cho biết.
Mới đây nhất (vào tháng 4-2012), PBĐTNG T.Ư kết hợp Ban TTXH T.Ư và Trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư liên kết tổ chức tuyển sinh lớp chuyên ngành Cao đẳng mầm non và ngành Xã hội cho chư Ni các tỉnh thành. Ngành mầm non là ngành học có chi phí cao, khoảng 12 triệu đồng cho trọn khóa học và được PBĐTNG T.Ư tài trợ với điều kiện chư Ni phải ký cam kết phục vụ sau này. Có 120 hồ sơ ngành mầm non được phát ra thế nhưng chỉ có 32 hồ sơ nộp lại, ít thí sinh nên ngành mầm non đành ngưng tuyển sinh.
Là người trực tiếp tư vấn cho thí sinh, SC.TN Tâm Pháp, Hiệu phó chuyên môn Trường Mầm non dân lập Họa Mi I cho biết, chỉ có 5 người thật sự yêu thích và đam mê nghề, còn lại là những người không định hướng được nghề mầm non sau này sẽ làm gì, một số khác lại băn khoăn học xong thì biết xin việc ở đâu, ai nhận, một số lại học theo dạng “a dua” thấy người khác học thì mình cũng học hoặc rảnh thì học cho vui…
Thực tế, những điều các sư cô (thí sinh) còn băn khoăn là đúng và chính đáng vì lẽ dù là một người có đam mê với nghề nhưng với sự ít ỏi các trường mầm non Phật giáo đang hoạt động hiện nay liệu có chỗ đứng cho mình. Trong khi đó, với hình tướng của một sư cô chắc chắn không có trường nào nhận đứng lớp, và một lẽ nữa, các sư cô chưa thấy được tiềm năng của một “hệ thống trường mầm non Phật giáo trong tương lai” để có thể dám hy sinh cho nghề mình chọn.
Không thể phủ nhận chất lượng của những trường mầm non do Phật giáo thành lập, điều hành cũng như nhu cầu thực tế ngày càng nhiều của xã hội, Phật giáo hãy mạnh dạn đầu tư hệ thống trường mầm non và chư Ni sẽ là một bộ phận không thể thiếu. Xã hội hóa giáo dục, Phật giáo không thể đứng bên lề.
Khi Sư cô là cô giáo mầm non “Được sư phụ khuyến khích, tôi thi và tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành mầm non. Những giờ lên lớp, bận bịu với những tiết dạy chữ, rồi múa, hát, đọc thơ… với những cháu nhỏ và cho chúng tình yêu thương thật sự mới thấy rằng nghề mà mình chọn là đúng đắn. Nó không chỉ không ảnh hưởng gì đến việc tu tập mà còn làm cho mình thêm tự tin, vun bồi thêm chất liệu cho cuộc sống tu tập”, Sư cô TN.Tâm Pháp Hiệu phó chuyên môn Trường Mầm non dân lập Họa Mi I cho biết. Đã mười năm làm nghề với nhiều năm đứng lớp làm giáo viên và hiện tại là Hiệu phó chuyên môn, sư cô nhận ra mình thật sự đam mê và giàu lòng yêu trẻ.
Yêu trẻ, yêu nghề còn giúp các Sư cô có thêm chất liệu trong đời sống tu tập Với Sư cô TN.Tâm Khánh thì ngoài lòng yêu trẻ ra thì cô thật sự đam mê nghề. Có hơn năm năm làm những việc phụ như là một bảo mẫu và hai năm làm giáo viên đứng lớp, Sư cô cảm thấy rất hạnh phúc khi làm nghề. Là sư cô nhưng rất năng động, sáng tạo, có năng khiếu múa, hát không thua kém các cô giáo khác, sư cô thường biên đạo nhiều tiết mục cho các cháu múa, hát phục vụ cho lớp và những buổi văn nghệ trong lễ khai giảng, lễ tổng kết… Ngoài ra, cô trò còn tham gia nhiều tiết mục văn nghệ phục vụ tại các đạo tràng chuyên tu, văn nghệ Phật đản, Vu lan... Hỏi sư cô chăm chút các cháu như vậy thì có ảnh hưởng đến việc tu học không? Sư cô cười rất tươi không ngần ngại cho biết, không những không ảnh hưởng mà còn thấy mình có thêm niềm vui, chất liệu yêu thương để quên đi bao mỏi mệt, nâng cao chất lượng trong tu tập. Với sư cô, nghề cô giáo mầm non không chỉ yêu nghề, mến trẻ mà còn phải thấy xa hơn, đó là biết tận tụy vì cái chung, vì lý tưởng mà quý Sư bà luôn ấp ủ: giáo dục Phật giáo và phụng sự xã hội. Nhiều năm gắn với trường mầm non, Sư cô TN.Tâm Pháp nghiệm ra, các trường mầm non do Phật giáo điều hành có rất nhiều lợi thế. Trường được phụ huynh và xã hội tin tưởng bởi môi trường Phật giáo và con người Phật giáo đã trở thành đại diện chuẩn mực của đạo đức nên đa số phụ huynh rất tin tưởng cho con đến học. Phụ huynh rất tâm đắc những phương pháp giáo dục của các sư cô, các cháu biết lễ phép, ngoan ngoãn, biết lạy Phật và đọc kinh... Phụ huynh muốn các cháu có một nền tảng ban đầu vững chắc trong môi trường tốt đẹp của đạo đức, tinh thần từ bi… mà hình thành tính cách cho các cháu sau này. |