Giông bão đời người chẳng chừa bất cứ ai, những nỗi đau hiển hiện
trong đôi mắt, hay trên làn môi có thấm vào đâu so với nỗi đau chúng ta
giấu kín tận đáy lòng. Trước nỗi đau khổ cùng tột ấy, tâm chúng ta chợt
bừng sáng, trí chúng ta hoát nhiên đại ngộ tìm được niềm an lạc tràn
ngập trong tâm hồn mà trong kinh Đức Phật dạy: “Phiền não tức Bồ-đề”.
Con người sinh ra hiện hữu trên cuộc đời này có hàng nghìn, hàng vạn
nỗi đau khổ khác nhau, nhưng chung quy không ngoài hai thứ:
1. Đau khổ tinh thần: Do hoàn cảnh bên ngoài tác động như làm ăn thất
bại, người khác ganh tỵ quấy nhiễu, chồng ngoại tình, con bất hiếu ăn
chơi trác táng, nghiện xì ke hút chích; hay nghĩ tới những hiện tượng
thiên nhiên như bão lụt, động đất, sóng thần… mà băn khoăn, làm cho tinh
thần người ta bất an, lo lắng sợ hãi đêm ngày.
2. Đau khổ thân thể: Bị bệnh tật hành hạ giày vò, bị đánh đập, hay bị
tai nạn… khiến cho thân thể đau đớn ăn không ngon, ngủ không yên giấc.
Tất cả những nỗi đau khổ ở cõi Ta-bà này ai cũng nếm trải qua. Nếu
chúng ta không hiểu Phật pháp, không biết tu tập thì than thân trách
phận; có người tìm đến cái chết; có người tìm cách báo thù kẻ đã gây ra
đau khổ cho mình. Nhưng chúng ta càng oán hận thì vết thương lòng càng
sâu, nào có ích gì?
Còn chúng ta biết tu học, có thực hành theo lời Đức Phật dạy làm
chất liệu trong cuộc sống, hiểu rõ nhân quả báo ứng, chỉ tự trách mình
nên biết chuyển hóa nỗi đau khổ thành giải thoát an lạc ngay trong cuộc
sống, điều mà Đức Phật đã thuyết giảng suốt cuộc đời giáo hóa của Ngài.
Lúc này, chúng ta như đóa hoa sen thơm ngát vươn lên từ bùn lầy nước
đọng, nở hoa tô thắm giữa cuộc đời.
Chính nhờ trải nghiệm nhiều nỗi đau khổ trong cuộc sống nên chúng
ta dễ cảm thông những nỗi bất hạnh của người khác. Bởi vì, cuộc đời
này “sống trong cảnh mới hiểu được người trong cảnh”. Bấy giờ, khi gặp
ai đó có nỗi buồn không biết bày tỏ với ai, chúng ta dễ đặt mình trong
hoàn cảnh của họ để sẻ chia, để an ủi vỗ về, giúp họ đứng lên sau lần
sắp gục ngã.
Nếu như cuộc đời chúng ta mãi sống trong cảnh bình yên, luôn được mọi
người tâng bốc, bợ đỡ thì chúng ta vẫn mãi mãi là một phàm phu tục tử,
tham đắm trong hư ảo danh lợi, trôi lăn trong sinh tử, bị phiền não trần
lao trói buộc thì làm sao thấy được bộ mặt thật của mình?
Vì thế, chúng ta hãy cảm ơn đau khổ, nhờ đau khổ mà tâm của chúng ta
rộng mở nhiều hơn, biết quan tâm chia sẻ đến những mảnh đời bất hạnh,
và có cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nhục. Đau khổ là con đường mà
ai cũng phải trải qua, chỉ có khác nhau giữa kẻ mê và người ngộ. Mê thì
trầm luân sanh tử, ngộ thì thấy được Niết-bàn giải thoát an lạc.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 142 | VIÊN THẮNG