Không chỉ có bữa hôm nay, mà hầu hết trong các bữa ăn, bé Sún liên tục tỏ thái độ “bất cần” với đồ ăn. Hôm nào đến bữa ăn cơm là chị phải mỏi miệng nhắc con ăn thứ này, gắp thứ kia, ăn như vậy là chưa đủ, cần phải ăn thêm chừng nào…
Dù con không muốn ăn, chị Thủy cũng ép kì hết khẩu phần là hai bát cơm kèm thức ăn, rau, đồ tráng miệng. Bé Sún thì cứ đến bữa ăn là lấm la lấm lét, có hôm nhân lúc mẹ và cả nhà không chú ý, bé mang đổ gần hết bát cơm cho chú cún con đang ngoáy tít đuôi ở dưới chân bàn.
Hầu hết trẻ em đều có thể cân bằng lượng thức ăn với các hoạt động của bản thân nếu con không bị buộc phải ăn. Mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách cung cấp nhiều loại thức ăn lành mạnh và bổ dưỡng với lượng vừa đủ mà từ đó con có thể ăn với một loạt các kết cấu và hương vị cho dinh dưỡng cân bằng.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích để mẹ đối phó với tình trạng từ chối thực phẩm của con:
- Cố gắng giữ bình tĩnh. Việc giữ bình tĩnh khi cho con ăn là vô cùng cần thiết bởi nếu vì trẻ lười ăn, mà cha mẹ liên tục quát mắng, hay thậm chí đánh đòn con sẽ càng khiến tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn, có thể khiến trẻ sặc, nghẹn… do khóc vì sợ hãi. Khi cho con ăn, cha mẹ hãy tạo cho con không khí vui vẻ, có thể cho con ăn cùng đứa trẻ khác để con có thể thi cùng bạn xem ai ăn nhanh hơn.
- Đừng ép trẻ ăn. Nhiều cha mẹ quan niệm rằng cần phải ép con ăn theo đúng định lượng của mình như vậy thì con mới đủ chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng. Trên thực tế đôi khi trẻ không muốn ăn đều có nguyên nhân của nó, có thể vì trẻ quá no khi ăn vặt quá nhiều, hoặc có thể trẻ cảm thấy khó chịu trong bụng…
- Cho phép trẻ ăn một số thực phẩm mà con thích và không ăn những thứ mà chúng không thích. Việc ép trẻ ăn những thứ mà chúng không thích sẽ khiến cho quá trình ăn uống của trẻ trở nên khó khăn hơn. Do vậy để trẻ có được tâm lí thoải mái, đôi khi cha mẹ nên cho trẻ ăn những gì trẻ thích và từ chối tiếp nhận những gì không thích. Được đáp ứng tính tự chủ trong bữa ăn, trẻ sẽ hăng hái và ăn ngon miệng hơn.
- Hãy tắt các thiết bị truyền hình để tránh việc trẻ bị xao lãng trong khi ăn. Ngoài ra để tạo sự chú ý cho trẻ, cha mẹ hãy trò chuyện với trẻ khi cho con ăn, điều này sẽ khiến trẻ quên đi việc nó đang phải ăn rất nhiều thứ mà thường ngày trẻ không thích.
- Hãy chia khẩu phần bữa ăn của con ra thành làm nhiều phần nhỏ khác nhau và cho con ăn dần dần. Vì đôi khi phải nhìn thấy những gì mình sẽ phải ăn là một điều vô cùng kinh hãi đối với trẻ. Cha mẹ có thể cho con ăn nhiều hơn vào lúc trẻ đói.
- Nếu ngay từ đầu bữa ăn, con đã tỏ thái độ từ chối, mẹ hãy để con ngồi yên lặng trong vài phút trước khi rời con khỏi bàn. Bởi vì rất có thể khi trẻ từ chối ăn mà vẫn phải ăn thì ngay sau đó “thoát” khỏi bữa ăn trẻ đùa nghịch sẽ khiến bị nôn trớ, như thế sẽ càng làm cho cảm giác sợ ăn của trẻ tăng lên.
- Hãy là một hình mẫu cho con bạn. Bởi nếu cha mẹ và những người thân trong gia đình có thói quen ăn uống lành mạnh, điều đó sẽ tác động trực tiếp đến trẻ, trẻ có thể bắt chước thói quen đó vì ngưỡng mộ hình ảnh của người thân.
AloBacsi.vn Theo Pháp luật & Xã hội