Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Chính niệm cho tình yêu
Đỗ Thiền Đăng
22/07/2011 13:25 (GMT+7)

Từ điển Làng Mai định nghĩa: Chính niệm là năng lượng giúp ta có mặt thật sự trong giây phút hiện tại và nhận diện được những gì đang xảy ra tại đây trong giây phút ấy. Năng lượng này nếu được duy trì sẽ làm phát sinh ra năng lượng chuyên chú, tập trung của tâm ý vào một đối tượng được lựa chọn, gọi là chính định. Năng lượng chính định nếu đủ hùng hậu sẽ giúp ta khám phá được thực chất của đối tượng kia, gọi là tuệ (…).
 
Có năng lượng chính niệm ta thật sự có mặt trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày và sống được sâu sắc những giây phút ấy. Chính niệm giúp ta tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm trong ta và xung quanh ta, những gì có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa (…). Chính niệm là trái tim của thiền tập.
 
Hầu như ai cũng nhận thấy tình yêu và nỗi đau là hai mặt của một thực thể. Ballev cho rằng: “Tình yêu là nguồn vui ngọt ngào nhất và là sự thống khổ dã man nhất”.
 
J. Chardonnes nhận thấy: “Chỉ có người ta yêu nhất mới có thể làm ta đau khổ nhất”. Thậm chí, Homere khẳng định: “Thương yêu càng nhiều thì thù oán càng sâu”.
 
Phải chăng, trong tình yêu, vẫn còn một cái gì đó “trục trặc”, một cái gì đó chưa thực đúng để cả hai có thể nếm trải được trọn vẹn mật ngọt mà không nhằn nhằm trái đắng? Và câu trả lời có lẽ đã rõ ràng như trong câu nói của Propertius và A.Camus: sự mù quáng - thiếu chính niệm!
 
Yêu người hay yêu ta?
 
Trong phẩm Sắc, kinh Tăng chi bộ, Đức Phật nói: Ta không thấy một sắc / tiếng / hương / vị / xúc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc / tiếng / hương / vị / xúc người đàn bà. Ta không thấy một sắc / tiếng / hương / vị / xúc nào khác, này các Tỷ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà như sắc / tiếng / hương / vị / xúc người đàn ông.
 
Sức mạnh của sự cuốn hút, sự đắm say giữa người nam và người nữ là điều khó cưỡng. Do đó, không lạ gì khi sự thiếu lý trí trong tình yêu trở nên một hiện tượng phổ biến. J.F.Regnard cho rằng: “Khi tình yêu muốn lên tiếng thì lý trí phải nín lặng”. Chính sự “nín lặng” của lý trí đã dẫn đến những đau khổ, phiền toái trong tình yêu.
 
Thử tưởng tượng, nếu bạn yêu thương một người nào đó song họ không yêu lại bạn mà đi yêu một người khác, thì tình yêu đó có thực sự trọn vẹn? Khi yêu, người ta luôn có ảo tưởng rằng người yêu phải thuộc về mình, là sở hữu của mình. Do đó, nhiều người cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, thậm chí phẫn hận bởi chính tình yêu của mình.
 
Kinh A hàm thuật lại một câu chuyện khiến chúng ta suy ngẫm. Lần nọ, vua Ba Tư Nặc hỏi phu nhân Mạt Lợi: Trên đời này, ái khanh yêu ai nhất? Mạt Lợi đáp: Dĩ nhiên người đó chính là bệ hạ! Vua hoan hỉ lắm, nhưng rồi bà ngập ngừng: Thưa, nếu bệ hạ cho phép, thần thiếp sẽ nói khác đi một chút, xác thực hơn. Rằng người mà thần thiếp yêu nhất chính là… thần thiếp.
 
Vua Ba Tư Nặc ngạc nhiên, không hiểu. Mạt Lợi giải thích bằng những câu hỏi: Vậy trên đời này bệ hạ yêu ai nhất? Thì là ái khanh, vua đáp. Vậy nếu thiếp lén bệ hạ đi yêu một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ làm gì? Thì… thì… ta sẽ…
 
Dù hơi khó khăn, nhưng cuối cùng vua Ba Tư Nặc cũng thừa nhận là ông sẽ xử tử hoàng hậu! Hôm sau, vua Ba Tư Nặc đến trình chuyện với Phật. Phật xác nhận ý kiến của Mạt Lợi qua bài kệ: “Tâm ta đi cùng khắp / Tất cả mọi phương trời / Cũng không tìm thấy được / Ai thân hơn tự ngã… / Vậy ai yêu tự ngã / Chớ hại tự ngã người”.
 
Như vậy, kẻ mà ta yêu nhất chính là tự ngã của mình. Vì yêu tự ngã nên mới có chuyện ta đòi xử trảm người ta yêu khi người đó không chịu yêu ta nữa. Nếu thực sự yêu người, thì ta có thể chấp nhận việc họ không yêu ta.
 
Thiền sư Nhất Hạnh nói: “Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau”, hay: “Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực”.
 
Do đó, không phải phi lý khi M. De Stael cho rằng: “Tình yêu thường chỉ là lòng ích kỷ ác nghiệt đến nỗi tự mình hủy diệt hạnh phúc người mình yêu”. Meilhan thì khẳng định: “Trên đời người nào yêu mà không mong được người yêu lại, người đó mới là người yêu thật lòng”. Gandhi cũng thừa nhận: “Tình yêu chân chính bao giờ cũng hiến tặng, không bao giờ đòi hỏi đáp đền”. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương người như thể thương thân…”
 
Khi ta thực yêu ai đó, thì ta không thể làm tổn hại người ta yêu. Ta phải biết nâng niu người yêu, phải biết tôn trọng người yêu - tôn trọng cả thể xác lẫn tâm hồn, và tôn trọng cả những ước mơ, chí nguyện chân chính của người ấy nữa.
 
Có lẽ ta còn nhớ câu chuyện của ngài A Nan - vị thị giả Đức Phật. Ngài A Nan nổi tiếng học giỏi và đẹp trai. Một cô gái, do tiếp xúc với ngài, đã bị lưỡi sét ái tình giáng trúng. Cô đau khổ vô cùng. Nhờ sự giúp đỡ của mẹ, cô quyết dùng bùa chú để chinh phục cho bằng được vị tu sĩ đẹp trai ấy.
 
Rất may, Đức Phật sớm quán biết sự việc nên cho người đến giải cứu. Ngài A Nan thoát nạn, song cô gái lại hết sức bất mãn. Cô quyết đến gặp Phật để “bắt đền”.
 
Đức Phật khéo hỏi cô gái: Con yêu A Nan vì cái gì? Cô lúng túng, cố gắng trả lời, rằng con yêu A Nan vì ngài có đôi mắt đẹp, cái mũi cũng đẹp, cái miệng cũng đẹp… Đức Phật lần lượt chỉ cho cô thấy rằng cặp mắt, cái mũi, cái miệng… hay nói chung là cái thân tứ đại của ngài A Nan chỉ là tập hợp của nhiều yếu tố, mà toàn là những yếu tố… bất tịnh.
 
Sau cùng, ngài hỏi một câu quyết định: Con nói con yêu A Nan, vậy con có yêu cái chí nguyện xuất gia của A Nan không? Đến đây thì cô gái tỉnh ngộ, sau đó cô xuất gia và tu hành chứng quả A La Hán!
 
Học cách yêu thương
 
Yêu thương một ai và nuôi dưỡng được tình yêu đó là cả một nghệ thuật. Và nghệ thuật đó cần phải học. Rất nhiều cặp tình nhân, sau một thời gian yêu nhau mặn nồng, đã tuyên bố chia tay vì một lý do hết sức đơn giản: không hiểu nhau.
 
Ban đầu, trong cơn say nắng, tình yêu là một giấc mơ hồng. Nhưng rồi, khi cơn choáng váng đi qua, họ chợt bừng tỉnh và nhận thấy người yêu mình toàn những khiếm khuyết. Rằng anh hay em chỉ là một kẻ ích kỷ hay anh hay em chỉ yêu công việc chứ không thực sự yêu người thương của mình. Họ đã thiếu cẩn trọng khi đến với nhau, hay nói cách khác, tình yêu của họ vắng bóng chính niệm, và việc chia tay là một điều dễ hiểu.
 
Chính niệm giúp cho ta nhìn đúng bản chất của sự vật. Em hay anh cũng là một con người, với đầy đủ tất cả những khiếm khuyết, thậm chí những thói hư tật xấu. Không thể hời hợt, lầm lẫn khi nhìn nhận về người mình yêu, cũng như không đeo cặp kính hồng để thấy người ấy luôn luôn tuyệt vời.
 
Cùng với từ bi và trí tuệ, ta có thể cùng với người yêu chuyển hóa được những cái xấu, nuôi dưỡng những cái tốt. Ta và người yêu không chỉ “cùng nhìn về một hướng”, mà còn biết “nhìn nhau” nữa - nhìn nhau trong thương yêu và chính niệm. Bằng chính niệm, ta sẽ có một cái nhìn mới mẻ, khác hẳn với cái nhìn thông thường.
 
Hàng ngày, chúng ta do quá bận rộn chạy theo những tất bật của cuộc sống nên không thể sống trọn vẹn với người mình thương. Chính niệm giúp ta có được sự chuyên chú, sâu sắc và bén nhạy. Nhờ đó mà ta biết người thương cần gì nơi ta, ta có thể giúp được gì cho người ấy. Sự vô cảm, thờ ơ và thiếu cảm thông, nhạy bén là nguyên nhân làm cho tình yêu tàn lụi.
 
Cho dù ta chỉ có một giây phút bên người ta yêu, nhưng đó là giây phút trọn vẹn, hơn là sống với nhau mấy chục năm mà không có sự lắng nghe, thấu hiểu, không thấy được sự “có mặt” của người ấy.
 
Thiền sư Nhất Hạnh nói: “Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy quên tất cả. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức trong khi nắm tay, trong khi ôm”. Sự chuyên chú đó giúp ta hiểu được người yêu. Hiểu được người yêu, ta mới thực sự thương người yêu của mình, không làm cho người yêu đau khổ.
 
Chính niệm cũng giúp cho ta nhận ra sự mong manh của vạn vật và trân trọng từng phút giây hiện hữu. Chính niệm cũng giúp cho ta có thêm yêu thương, lòng từ bi đối với mọi người, mọi loài. Chính niệm giúp cho tình yêu vững hơn. Mặc dầu vậy, có thể do một nguyên nhân nào đó, ta không thể cùng người ta yêu đi trọn con đường đời, thì ta vẫn có thể giữ được một mối quan tâm đúng mực, một tình thương yêu trong sáng.
 
Rất nhiều người, khi yêu nhau thì rất đỗi mặn nồng, đến khi chia tay thì oán hận, lạ xa.
 
Thiền sư Từ Đạo Hạnh có một bài thơ rất hay, nói về tính duyên khởi của Phật giáo, nhưng ta cũng có thể soi thấu vào những tình cảm yêu thương trai gái thế này: “Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không” (Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không) - khi yêu, trong đôi mắt anh, em là tất cả; em hắt hơi là anh đã lo lắng, nói chi khi em bệnh, em cần. Còn khi không yêu, thì thế giới của em chẳng thuộc về anh, em có sống, có chết thì anh cũng không quan tâm, không còn chút trách nhiệm nào nữa! Đó là thói thường của những người yêu nhau, người thực tập chính niệm không nên mắc phải!
 
Trong Phật giáo, có bốn yếu tố quan trọng để xây đắp và nuôi dưỡng tình yêu. Đó là từ, bi, hỷ, xả.
 
Từ là khả năng ban tặng niềm vui. Yêu người, ta nhất định đem niềm vui đến cho người chứ không đem đến dằn vặt, khổ đau. Và bi, ta xót xa trước nỗi đau khổ của người ta yêu, tìm mọi cách để người ấy hết khổ. Hỷ, ta vui cùng người - tình yêu nhất thiết phải vui, không vui không phải là tình yêu đích thực. Nhiều người yêu nhau, sau một ngày làm việc căng thẳng và nhiều muộn phiền, gặp nhau, họ chỉ có thể trao cho nhau những bức bối, bực mình. Xả, ta không tìm mọi cách khiến người phải thuộc về ta; ta không tôn bản ngã của mình, buộc người phải giống như ta muốn - một khi người không theo ý ta, ta hờn, ta giận, thậm chí căm thù. Với xả, ta và người ta yêu không hai; nỗi đau hay niềm vui của người ấy cũng chính là của ta - một sự chia sẻ tột cùng!
 
Với bốn yếu tố này làm hành trang, ta có thể đem đến cho tình yêu một sắc thái mới: bao la, sâu sắc, trọn vẹn và vững bền. Đó mới chính là cuộc tình “thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”.
 
Thiền tập nuôi dưỡng tình yêu
 
Thượng tọa B. Seelawimala, sư trưởng của một tu viện tại London, là vị sư Phật giáo đầu tiên được hoàng gia vương quốc Anh mời dự lễ cưới của hoàng tử William và công nương K. Middleton. Thep tạp chí Shambhala Sun, nhân cơ hội này, ngài đã có vài lời khuyên chân thành đến với những đôi vợ chồng trẻ, rằng chìa khóa của hạnh phúc lứa đôi chính là thiền tập. “Trao đổi những khó khăn với nhau và cùng nhau thực tập thiền để thanh lọc những phiền não ra khỏi tâm thức”, ngài nói.
 
Thiền tập có công năng nuôi dưỡng tình yêu. Trong đó, chính niệm chính là trái tim của thiền tập. Ai cũng biết chính niệm sẽ đem đến niềm an lạc, hạnh phúc, không chỉ cho tình cảm yêu thương, mà cho tất cả các hoạt động sống.
 
Dù vậy, để đạt được chính niệm trong từng phút giây là điều không dễ. Chúng ta cần phải thực tập chuyên cần theo thời khóa và trong bất kỳ thời gian nào có thể. Bắt đầu từ hơi thở, chúng ta tập quan sát hơi thở của mình. Thở vào ta biết ta thở vào, thở ra ta biết ta thở ra - chú tâm vào hơi thở không xao lãng. Khi tâm xao lãng, chúng ta hãy kiên trì đưa tâm trở lại, không bực mình, và cũng không tham cầu.
 
Hiện nay, thiền trở nên phổ biến, và được biết đến như là một nghệ thuật sống. Để hiểu rõ kỹ thuật và thấm nhuần thiền tập, lý tưởng nhất là chúng ta hãy đến với những trung tâm thiền.
 
Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể học tập từ sách vở, từ những vị thầy. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu đến quý độc giả Du lịch tâm linh một vài hướng dẫn thực hành chính niệm nhằm nuôi dưỡng hạnh phúc, tình yêu. Những bài thực hành này được trích dịch từ tập sách The Meditation Bible - A Definitive Guide to Meditations for Every Purpose của Madonna Gauding - một tập sách hướng dẫn thiết thực về thiền.
 
Thực hành 1: Tình yêu vô điều kiện
 
Hầu hết tình yêu của chúng ta là tình yêu có điều kiện - chúng ta muốn người mình yêu hành xử theo cách mình thích hoặc ủng hộ những định hướng của mình. Nhưng một tình yêu đẹp sẽ là một tình yêu vô điều kiện - ta yêu ai đó như chính bản thân họ là, bất kể họ làm gì đi nữa.
 
Tình yêu vô điều kiện nghe rất hay, nhưng để thực hiện được thì không dễ. Phương thức thiền này giúp bạn mở rộng con tim và từ bỏ những điều kiện mà bạn có thể đặt để trong tình yêu. Nếu bạn gặp rắc rối trong mối tương tác với người yêu, hay bạn đang cố gắng kiểm soát tình yêu của mình, phương pháp thiền này sẽ ít nhiều giúp bạn có được nhiều niềm vui và sự thăng hoa, giải phóng khỏi tự ngã để yêu thương mọi người, và giúp bạn tiến xa trên con đường tâm linh.
 
Chuẩn bị: Hãy nghĩ về những mối quan hệ tình cảm gần gũi nhất đối với bạn. Tự hỏi rằng liệu bạn có đặt những điều kiện trong tình cảm của mình hay không? Ví dụ, bạn có thấy tình yêu của bạn phụ thuộc vào việc người ấy có yêu lại bạn theo cách bạn muốn hay không. Nhận rõ rằng đây là điều kiện làm cho tình yêu bị tù túng, giới hạn.
 
Thực tập:
 
1. Hãy ngồi xuống, trên ghế hay trên bồ đoàn, trong không gian thiền. Chắc rằng bạn đang rất riêng tư. Bắt đầu bằng việc quán sát hơi thở và để cho thân, tâm thật tĩnh lặng.
 
2. Hướng tâm đến đối tượng mà bạn thương yêu. Liệt kê tất cả những điều kiện nào mà bạn đòi hỏi có thể làm cho tình yêu bị giới hạn. Ví dụ, có thể bạn thấy bạn yêu người ta bởi người ta làm ra nhiều tiền, người ta mua hoa tặng bạn vào những dịp đặt biệt hay người ta phục trang theo một kiểu nào đó. Lưu ý những điều kiện đó, trong khi có vẻ như là thiết thực và hợp lý, lại khép kín trái tim của bạn. Lưu ý rằng đó không phải là tình yêu, nhưng sao ta lại đòi hỏi nó phải có mặt?
 
3. Bây giờ bạn hãy hình dung rằng bạn đang trao cho người bạn yêu thương một sự tự do hoàn toàn và người ấy có thể làm bất kỳ điều gì mà người ấy muốn. Điều này liệu có làm cho bạn lo sợ, có khiến cho bạn buồn hay có thay đổi cảm xúc của bạn về người ấy? Hướng tâm bạn đến những phẩm tính của người ấy khiến bạn yêu thương. Có lẽ là bạn yêu cái nghị lực, khí phách và năng lực của người ấy khi người ấy đáp lại với tha nhân.
 
4. Tưởng tượng rằng người ấy không bên bạn hay sẵn sàng gặp bạn những khi bạn cần và bạn yêu thương họ bất kể thế nào. Cảm thấy trái tim bạn rộng mở vì bạn chấp nhận và thương yêu người ấy hết lòng, bất kể người ấy có làm hay không làm gì cho bạn.
 
Thực hành 2: Tình yêu và ái nhiễm
 
Như đã tìm hiểu trong phần thực hành trên, tình yêu chân thực sẽ không đặt ra bất kỳ điều kiện nào đối với người khác hay yêu cầu người khác phải làm gì đó để có được tình yêu của mình. Phương pháp thiền này giúp cho chúng ta khám phá đề tài như trên, song với đôi chút khác biệt, giúp chúng ta hình dung sự khác nhau giữa tình yêu và ái nhiễm, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa ta và người ta thương yêu.
 
Ở đây, bạn sẽ tập phát hiện mối quan tâm chân thành từ một đối tượng không có thật. Trong tình yêu, chúng ta thường nhầm lẫn giữa sức cuốn hút tính giới và sự phụ thuộc trong tình yêu. Ta cũng thường tơ tưởng đến ai đó, thổi phồng những phẩm chất của họ và lầm lẫn nó với tình yêu. Trong trường hợp này, người mà bạn yêu không thực sự tồn tại và bạn thấy bạn đang luyến ái một ảo tượng.
 
Pháp thiền hành dưới đây sẽ hữu ích cho những người đang yêu.
 
Chuẩn bị: Viết về người mới ấy trong cuộc đời bạn, chú ý đến lý do tại sao bạn cảm thấy yêu người ấy.
 
Thực tập:
 
1. Ngồi xuống bồ đoàn hay trên ghế trong không gian thiền. Hít thở sâu trong vài phút. Bây giờ hãy nằm duỗi dài xuống nền trong tư thế thoải mái nhất.
 
2.  Tưởng tượng rằng bạn đang nằm trên một bãi cỏ trong công viên. Chợt một con chim rất đẹp đậu xuống cạnh bạn. Thật tuyệt vời. Bạn chưa từng thấy con chim nào như thế bao giờ. Tim bạn tràn ngập nỗi hân hoan vì bạn thấy con chim đậu thật gần, nhìn bạn đầy vẻ tò mò. Bạn hiểu rằng con chim cũng hân hoan khi bên bạn. Nó ở với bạn trong một khoảng thời gian rất lâu. Bạn thấy giữa bạn với nó có một sự kết nối diệu kỳ. Chợt, một làn gió khuấy động và con chim biến mất vào lùm cây. Bạn thầm biết ơn rằng bạn đã có một sự đối diện ngẫu nhiên với một sinh linh tuyệt vời đến thế, và bạn hạnh phúc bởi nó đã hiện diện. Bạn cảm ơn khoảng thời gian mà cả hai đã cùng trải qua.

3. Đó là một trải nghiệm về tình yêu vô ái nhiễm. Hãy cố gắng gìn giữ điều này trong tâm khi bạn bắt đầu mối quan hệ mới với người mà mình yêu thương.

Nguon: http://www.phattuvietnam.net/doisong/nghethuatsong/15421.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang