Trong đạo Phật người ta thường coi giới tu sĩ xuất gia như
là đại diện của Đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp, tức là
truyền đạt lại những lời Phật dạy cho bá tánh để tu hành và noi theo.
Quan niệm nầy đặc biệt được áp dụng tuyệt đối trong giới cư sĩ tại
gia, đến nổi có nhiều khi quên rằng giới tu sĩ xuất gia vẫn còn phải
đương đầu với biết bao thử thách trong cuộc đời trần thế, không khác
gì trong giới cư sĩ tại gia.
Nói cho cùng thì giới xuất gia là những vị có quyết tâm cao trong
việc tu hành, nguyện dứt bỏ mọi ràng buộc của gia đình để tu hành
theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Về nỗ lực tu hành thì ai
cũng biết giới xuất gia vượt trội hơn giới cư sĩ tại gia qua việc
xuống tóc, ăn chay trường, thường xuyên tụng kinh, niệm Phật, chí tâm
trì giới, quyết tạo cho mình một nếp sống thanh tịnh, xa lánh mọi
vướn bận ưu phiền của cuộc đời trần thế nhằm mục đích tự độ và độ
tha, tức là tự giúp mình và giúp người khác thoát khỏi kiếp luân
hồi.
Đó là cái lý tưởng của giới xuất gia, là cái mục tiêu nhắm tới
trên con đường tu hành của quí ngài. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là một
trong nhiều phương cách tu hành theo đạo Phật. Phương cách nào cũng
có những cái khó của nó. Trong khi giới cư sĩ tại gia thì vướng bận
biết bao chuyện đời, cụ thể được mô tả trong cụm từ thường nghe trong
Giáo Pháp là ‘gia duyên bận buộc’; giới xuất gia không phải là không
vướng bận việc đời thường, bởi vì thực tế là giới xuất gia vẫn luôn
luôn có sự liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời thường do nhu cầu
sinh hoạt đời sống tu hành. Như vậy giới xuất gia không thể tách rời
được mọi sinh hoạt đời thường. Điều nầy không có gì lạ cả, bởi cả hai
giới, xuất gia và tại gia luôn luôn là hai thành phần trong cộng
đồng xã hội loài người và có những sinh hoạt liên kết với nhau.
Nêu ra vấn đề liên kết hiển nhiên giữa hai giới xuất gia và tại
gia như vậy là muốn nhắc nhở rằng trong đạo Phật, mọi người cần có sự
nương tựa lẫn nhau trên con đường tu học. Mỗi giới đều có nghĩa vụ
riêng để đóng góp cho nhau trong khi mỗi cá nhân đều có Phật tánh,
tức là có một vị Phật ngự ở bên trong mỗi người như một hột kim cương
được bao quanh bởi nhiều lớp bụi trần. Khi nào các lớp bụi trần nầy
được gột rữa trong tinh thần giác ngộ, tức là tự mình biết, thì Phật
tánh hiện ra thể hiện qua các hành vi từ bi, cứu độ chúng sanh. Điều
nầy khá phức tạp nên ở đây người viết không muốn đi sâu hơn nữa, mà
chỉ muốn nêu ra một vấn đề then chốt, cụ thể hơn, đó là ngoài những
đức hạnh đáng tôn kính của giới xuất gia như nêu trên, về một số khía
cạnh khác thì các vị nầy vẫn còn mang các bản chất của người trần
thế, cho nên không thể coi như là những mẫu người lý tưởng hay hoàn
hảo được.
Nói rõ hơn, giới xuất gia vẫn có những giới hạn về kiến thức
chuyên môn và luôn luôn có nhu cầu thăng tiến, trau dồi kinh nghiệm
trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, trong sinh hoạt Phật sự có sự liên
kết giữa cư sĩ tại gia và giới xuất gia, thiết tưởng chúng ta nên rõ
ràng phân biệt đặc tính của mỗi công việc giữa đạo và đời. Có phân
minh rõ ràng như vậy để chúng ta ý thức được rằng không phải vì tôn
kính quí chư Tăng Ni mà bao giờ cũng thần tượng hoá hay lý tưởng hoá
các quyết định của vị chư Tăng lãnh đạo. Đây là một điều hết sức tế
nhị, nhưng người viết ước mong rằng trong tinh thần vô ngã của đạo
Phật quý chư Tăng trong giới lãnh đạo từ bi hỷ xả cho, để từ đó, sinh
hoạt Phật Giáo trong một tổ chức được hài hoà và thành công tốt đẹp
hơn.
Nếu một cư sĩ tại gia lúc nào cũng mang tinh thần lý tưởng hoá các
vị lãnh đạo trong giới xuất gia để đến khi thất bại thì sự hối tiếc
đã muộn màng. Vã lại trong tinh thần trách nhiệm tích cực, một thành
viên cư sĩ tại gia của một tổ chức Phật Giáo không thể ù lì, mù quáng
tôn sùng vị sư lãnh đạo của mình để rồi mọi công việc của tổ chức
cuối cùng cũng giao cho vị lãnh đạo thực hành; và như vậy, người cộng
tác viên cư sĩ tại gia lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng khi được
chỉ thị thì làm, không được chỉ thị thì ngồi chơi xơi nước! Thái độ
nầy cũng không hiếm trong các tổ chức Phật Giáo Việt Nam và đây là
một điều đáng tiếc. Chúng ta tôn sùng các vị Tăng sĩ lãnh đạo của
mình theo tinh thần của một người Phật tử là điều hiển nhiên, nhưng
thái độ tôn sùng không phải áp dụng trong mọi hoàn cảnh hay trong mọi
trường hợp, bởi vì như vậy sẽ không giúp ích được nhiều cho vị lãnh
đạo của mình.
Có nhiều khi là thành viên cư sĩ tại gia thấy được những hiện
tượng nguy hiểm cho giới Tăng sĩ lãnh đạo của mình mà vẫn làm ngơ,
nại lý do là vì tôn sùng các vị Tăng sĩ lãnh đạo. Đây là một thái độ
tôn sùng mù quáng, tiêu cực, không thể hiện đúng theo ba triết lý căn
bản của đạo Phật, đó là ‘Bi, Trí, Dũng’.
Đã có biết bao biến cố đau thương xảy ra gần đây trong sinh hoạt
Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, mà nguyên do cũng chỉ vì tiêu cực, lý
tưởng hoá giới chư Tăng Ni mà không có những hành động tích cực để
ngăn chận các hậu quả đau thương ấy. Nói như vậy, người viết hoàn
toàn không có ý bác bỏ thái độ tôn kính của người Phật tử tại gia đối
với gới chư Tăng, nhưng sự tôn kính của chúng ta phải đi kèm theo
‘Trí’ và ‘Dũng’, để kịp thời có hành động thích hợp.
Đức Thế Tôn đã từng dạy rằng ‘Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng
ta’. Nay đối với các vị lãnh đạo Phật Giáo cũng vậy; chúng ta tin
tưởng các ngài nhưng phải hiểu các ngài một cách tường tận để giúp
các ngài đạt thành ý nguyện – ý nguyện giải thoát và ý nguyện thành
đạt trong các công tác Phật sự.
Ước mong thay! Ba triết lý căn bản của đạo Phật – Bi, Trí, Dũng,
được áp dụng trong mọi tình huống để ít nhất là tránh được những
phiền não phức tạp hầu vượt qua những thử thách chua cay trên con
đường tu học. Trong cuộc đời trần thế nầy không có ai hoàn hảo cả,
nên mọi người cần có sự giúp đỡ tích cực lẫn nhau, để nương tựa nhau
trên con đường giải thoát.
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen