Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG “VUA” CÀ PHÊ ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ:
"Chúng ta phải thay đổi định mệnh?!"
13/11/2013 18:12 (GMT+7)





Cũng phải nói thêm rằng, Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới.

Ở Việt Nam, có lẽ không có doanh nhân nào ngoài Đặng Lê Nguyên Vũ dám “tuyên chiến” với những thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Anh đã thể hiện bản lĩnh, ý chí và khát vọng của mình với một “tuyên ngôn”: “Chúng ta phải thay đổi định mệnh”…

PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông “Vua” cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ khát vọng này.

Ta có hèn không?

PV: Này, tôi thấy ở dưới sảnh tòa nhà của anh có đề câu: “Chúng ta phải thay đổi định mệnh”. Nghe thật là to tát và đầy khát vọng của Đặng Lê Nguyên Vũ. Vậy định mệnh của chúng ta đang là thế nào và tại sao anh lại “đòi” phải thay đổi định mệnh?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Từ trước đến nay, thường có câu nghèo đi với “yếu” và có phần nào làm “hèn” con người ta, chứ chẳng ai nói nghèo mà lại khỏe mạnh, sang trọng. Tất nhiên cũng sẽ có nhiều người nói rằng, chúng ta không “hèn”.

Thật ra, khái niệm “hèn” ở đây nên hiểu là đã làm cho chúng ta giảm đi tính tự tôn dân tộc đối với thế giới, khi nhìn ra bên ngoài thấy cái gì người ta cũng hơn mình, thiếu tự tin... Và thế là du nhập thượng vàng hạ cám từ các cách làm ăn kinh tế, cách giáo dục, ứng xử, văn hóa… Thậm chí người ta còn không biết nổi rằng, trong những thứ đã du nhập về, cái gì cần tống khứ ra khỏi Việt Nam, cái gì cần tiếp thu, chọn lựa. Chính vì “hèn” mà chúng ta không biết phân biệt và chọn lựa. Điều này cũng giống như một người đói ăn quanh năm, vớ được cái gì để cho no bụng thì cũng bỏ vào miệng. Nhiều khi phải đi van vỉ, quỵ lụy, thậm chí phải đánh mất cái “tôi” để được no bụng.


Đặng Lê Nguyên Vũ

Chúng ta tự hào về quá khứ oanh liệt trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và thế giới vẫn ca ngợi Việt Nam là một dân tộc bất khuất. Nhưng bất khuất là thế nào? Bất khuất, theo tôi nghĩ là sự thụ động. Bất khuất không quan trọng bằng “không phải bất khuất” - nghĩa là đừng để ai đụng đến mình.

Bao năm nay chúng ta cứ tự hào về quá khứ, thậm chí lấy đó để tự an ủi mình, theo kiểu “ngày xưa còn khổ bằng mấy… mà còn thắng được Mỹ…”.

Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn xem “bộ não” riêng của Việt Nam là gì? Chúng ta đã có thành tựu gì để cho thế giới phải khâm phục, kính nể và noi theo? Tự hào về xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới ư?! Nhưng tại sao lại không biết xấu hổ khi giá gạo của ta rẻ nhất thế giới? Tự hào rằng xuất khẩu cà phê thứ nhì thế giới, hạt tiêu thứ nhất thế giới? Nhưng nếu so sánh với các hãng cà phê lớn trên thế giới thì chúng ta xếp vào hàng gì? Bao nhiêu năm nay người Việt Nam hay mắc bệnh tự hào hão.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, theo tôi nghĩ có 3 vấn đề chúng ta phải xem xét lại.

Thứ nhất là, chúng ta phải tư duy lại, cấu trúc lại xã hội và vận hành lại cơ chế quản lý xã hội. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên cơ sở văn hóa Việt Nam.

Thứ hai là, phải nhìn thấy nội tại của dân tộc Việt Nam là gì? Tại sao đang có sự phân ly lòng người, phân ly văn hóa, phân ly lịch sử và điều đáng buồn là sự phân ly này không phải do kẻ thù gây ra, mà do chính chúng ta.

Thứ ba là, phải xem lại “cái neo” cho dân tộc. Sở dĩ chúng ta cần phải có một “cái neo” là bởi vì hiện nay xã hội ta đang trôi và có cảm giác rằng đang bất định. Cái để neo giữ cho một dân tộc đứng được chính là văn hóa. Vậy tinh hoa văn hóa của dân tộc ta hiện nay là gì? Cái gì có từ ngàn đời, nhưng nay chưa chắc đã phù hợp. Cái gì là tinh hoa thì phải phát huy, bảo tồn, cái gì không còn phù hợp thì không nên níu giữ và phải biết du nhập tinh hoa văn hóa của thế giới… Như tình trạng hiện nay, văn hóa chúng ta đang rất hỗn độn.

Tôi nhớ mãi lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với McNamara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Đại tướng hỏi: “Ông có biết vì sao nước Mỹ lại thua Việt Nam không?”. McNamara không trả lời được. Đại tướng đã nói với ông ta rằng: “Các ông thua là vì các ông đánh nhau với Việt Nam, nhưng không hiểu gì về văn hóa người Việt”. Cho đến bây giờ, càng ngẫm càng thấy lời của Đại tướng là chí lý.

Nhưng bi kịch hiện nay lại ở chỗ, chúng ta đang đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đừng tưởng khôi phục lại mấy làn điệu ca trù, mấy điệu dân ca, dân vũ, những chùa nọ, miếu kia mà gọi đó là “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Những điều ấy chỉ là một góc rất nhỏ của văn hóa. Văn hóa người Việt nhìn sâu xa ra là văn hóa của một dân tộc sống duy tình. Mà đã là duy tình thì nặng về cảm xúc. Khi những cảm xúc này được kết tinh, được phát huy đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ là triệu người như một và trở thành sức mạnh to lớn. Nhưng đã là xúc cảm thì sẽ chịu sự biến thiên của lịch sử, của xã hội, lúc cao, lúc thấp. Khi không còn xúc cảm mạnh mẽ, xúc cảm xuống thấp, đó là lúc sự tan rã và ly tán bắt đầu.

Trong kinh tế hiện nay, những nhóm lợi ích nảy sinh ngày càng nhiều, tình trạng cục bộ địa phương, tình trạng sử dụng con người không theo những nguyên tắc cơ bản càng trở nên phổ biến. Đó chính là biểu hiện lớn của một nền văn hóa xúc cảm, hay văn hóa duy tình.

Cho nên, chúng tôi có một khát vọng là phải góp công sức, trí tuệ của mình để thay đổi định mệnh đã gắn với chúng ta, ấy là một nước nghèo.

Không biết xấu hổ, biết nhục thì… gay!

PV: Xin được ngắt lời. Rất hay! Hiếm có người làm kinh doanh nào như anh, suốt ngày lo “đồng tiền, bát gạo”, lo “kiếm miếng cơm manh áo” mà lại có những suy nghĩ rất táo bạo về văn hóa Việt Nam. Tôi sẽ có cuộc tranh luận với anh về vấn đề này sau. Nhưng theo anh, chúng ta đang có những cơ hội gì?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Theo tôi nghĩ, chúng ta đang có 5 vấn đề cần suy nghĩ thấu đáo để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất là, về vị trí địa lý chính trị.

Đất nước chúng ta rất tuyệt vời. Phải nhìn nhận thế này, nếu không có những kẻ thù vĩ đại thì cũng sẽ không có những chiến thắng vĩ đại. Dân tộc ta đã có rất nhiều chiến thắng vĩ đại. Vậy thì phải coi những kẻ thù vĩ đại mà chúng ta đã thắng là cái “đế”, để chúng ta đứng lên từ đấy.

Nhìn ra thế giới chúng ta thấy, người Nhật từng xấu hổ vì là kẻ chiến bại trong chiến tranh; người Do Thái từng đau đớn về một dân tộc không có đất dung thân; người Hàn Quốc thấy nhục nhã vì bị người Nhật xâm chiếm và xuất phát điểm kinh tế rất thấp. Không thể có một Singapore như hiện nay nếu như họ không chịu áp lực chống trả lại những âm mưu thôn tính từ xưa của Malaysia. Và các quốc gia đó đã biến nỗi đau đớn, nỗi nhục nhã thành sức mạnh. Sức mạnh đó kết tinh toàn dân tộc, để phấn đấu cho một sự nghiệp xây dựng dân giàu, nước mạnh… và đừng ai dám “bắt nạt”. Nhưng chúng ta thì lại quá quen với những tự hào và không biết tận dụng thế mạnh của vinh quang ấy cho xây dựng đất nước ngày hôm nay. Người Việt Nam hình như không thấy xấu hổ, bởi tại sao cho đến tận bây giờ, kinh tế vẫn phát triển kém, vẫn bị các quốc gia văn minh coi thường và vẫn bị các nước lớn có những hành động áp đặt…

Phải có “gene đại bàng, gene hổ báo”

PV: Anh nói tới điều này thì tôi đồng ý. Năm 2001, tôi sang Pakistan khi Mỹ tấn công Afghanistan. Chúng tôi ở một khách sạn khá sang tại thủ đô Islamabad. Khi chúng tôi trình hộ chiếu thì nhân viên lễ tân ngơ ngác vì không biết Việt Nam ở đâu. Tôi và nhà văn Quang Thiều đố họ là Việt Nam ở đâu trên thế giới. Người thì bảo người Việt cũng là người Trung Quốc, người thì bảo hình như… nằm đâu ở Nhật. Nghe mà buồn đến lặng người. Chỉ có một số rất ít người già mới biết Việt Nam là một quốc gia đánh thắng Mỹ. Anh có bao giờ “bị” như vậy?

Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi cũng từng bị hỏi như thế khi ra nước ngoài.

Vấn đề thứ hai là, chúng ta có điều kiện thiên nhiên khá tốt, có đồng ruộng phì nhiêu, có rừng, có biển, có mỏ, nhưng cái kìm hãm chúng ta lại cũng chính từ những điều kiện thiên nhiên tốt này. Đó là sinh cho ta một tư tưởng rằng, “đóng cửa cũng chẳng chết”. Vậy là tư duy làm kinh tế kiểu “săn bắt, hái lượm”, hay “trâu ta ăn cỏ đồng ta” vẫn đang ngự trị. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi không thể là tất cả để xây dựng một nền kinh tế phát triển. Hàn Quốc, Nhật Bản kia, họ có được thiên nhiên ban tặng cho gì đâu? Singapore kia, nước uống cũng phải đi mua… Vậy mà sao họ giàu thế? Thiên nhiên ưu đãi chỉ là chỗ dựa nhất thời, cần phải biết dựa vào đó, lấy đó làm bàn đạp để vươn ra thế giới.


Đặng Lê Nguyên Vũ kiểm tra cà phê xuất khẩu

Vấn đề thứ ba là quy mô dân số của chúng ta đang ở giai đoạn có cơ cấu dân số vàng.

Chúng ta có lực lượng lao động dồi dào. Nhưng lại phải nhận thấy một điều, trình độ người lao động của chúng ra rất thấp kém, làm việc thiếu tính kỷ luật, thiếu chuyên nghiệp. Nếu như không sớm khắc phục được điều này thì sẽ đến lúc không ai muốn nhận người lao động Việt Nam đâu. Quy mô dân số như thế này nhưng lại có một vấn đề là dân tộc ta mang nặng bản sắc văn hóa duy tình. Duy tình là đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Duy tình nặng về “âm tính”. Mà đã là người “âm tính” thì thiếu sự khát khao, không muốn chinh phục, khám phá và không trọng thương.

Vấn đề thứ tư là, đặc tính của chính quyền.

Chính quyền của chúng ta theo tôi nghĩ cũng mang nặng “âm tính”. Và biểu hiện đó chính là sự thiếu quyết đoán, thiếu mạnh mẽ, nặng về giáo dục xuông... mà coi nhẹ các biện pháp, chế tài buộc mọi người phải chấp hành luật pháp. Muốn đưa một đất nước, một dân tộc phát triển hùng mạnh thì những người lãnh đạo chủ chốt của từng cấp chính quyền phải có “gene đại bàng, gene hổ báo” - nghĩa là phải mạnh mẽ, phải xông pha, quyết đoán và phải biết dùng những biện pháp cứng rắn nhất để biến một dân tộc “âm tính” thành một dân tộc “dương tính”. Lịch sử thế giới cũng đã cho thấy rằng, một quốc gia muốn phát triển thì phải có thủ lĩnh đủ bản lĩnh và quyết đoán.

Vấn đề thứ năm là cơ hội của chúng ta đang rất lớn.

Ấy là chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ vào thế giới. Nhưng cũng phải nhìn thấy một điều, thời buổi hiện nay, “chủ nghĩa kinh nghiệm” không có chỗ đứng. Thời đại này là thời đại của “chủ nghĩa tưởng tượng”. Ngày xưa, muốn làm khuynh đảo một quốc gia khác thì tốn kém vô cùng về sức người, sức của và về thời gian. Nhưng bây giờ, có khi chỉ cần một chiếc máy tính trị giá vài chục triệu đồng là đã có thể khiến một quốc gia khác “mất ăn mất ngủ”.

Thời đại hiện nay là thời đại của sự khôn ngoan mới, tư duy mới và là sự sáng tạo có trách nhiệm. Nếu không có sáng tạo thì không có lịch sử và cũng chẳng có tương lai. Theo tôi, loài người đã trải qua ba giai đoạn.

Giai đoạn sơ khai đó là, con người sáng tạo để tồn tại. Đó là sáng tạo ra công cụ sản xuất, tìm ra lửa…

Giai đoạn thứ hai là, giai đoạn sáng tạo để chinh phục con người, chinh phục thiên nhiên.

Giai đoạn thứ ba là, giai đoạn hiện nay - giai đoạn sáng tạo có trách nhiệm.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tạo được 3 tinh thần vĩ đại ấy cho mỗi cá nhân, để 3 tinh thần vĩ đại này kiến tạo nên một tổ chức hay một quốc gia vĩ đại. Đó là tinh thần chiến binh, tinh thần doanh nhân và tinh thần sáng tạo.

Tinh thần chiến binh bao gồm tinh thần thách thức và chiến thắng nghịch cảnh; ý thức và nghệ thuật rèn luyện bản thân; tinh thần đồng đội và tư duy chiến lược, chiến thuật thông minh.

Tinh thần doanh nhân bao gồm khát vọng làm giàu, năng lực tạo ra sự khác biệt và truyền thông sự khác biệt đó; năng lực quản lý kinh doanh, kỹ năng và trí thông minh tài chính.

Tinh thần sáng tạo là phải luôn luôn đổi mới và là nghệ thuật sáng tạo trong mọi hành động, tư duy và nghệ thuật kết nối, thuyết phục các nguồn lực bên ngoài để trở thành nội lực.

Thiền để… sáng tạo

PV: Nghe rất hay, rất Đặng Lê Nguyên Vũ. Nhưng tôi được biết rằng, gần đây Đặng Lê Nguyên Vũ lại hay nói về thiền. Vậy thì có phải anh đang mâu thuẫn với chính bản thân không? Một đằng anh nói rằng, phải làm giảm bớt “âm tính” trong mỗi người Việt, phải năng động, tư duy sáng tạo, mạnh dạn đổi mới… vậy mà anh lại quan tâm đến thiền.

Đặng Lê Nguyên Vũ: Phải hiểu thế này.

Bản chất về mục đích thiền là phương pháp giúp con người hoàn thiện và nhìn nhận bản thân. Vì vậy, thiền có mặt trong nhiều tôn giáo, trong nhiều học thuyết. Thiền là phương pháp thực hiện cốt lõi của mỗi hệ phái tôn giáo và để hoàn thiện bản thân, đi đến thành công. Thế giới đã và đang thay đổi nhanh chóng, đang tích hợp vào nhau ngày một toàn diện và có chiều sâu. Từ đó, phải coi thiền là một hệ mới phù hợp với yêu cầu mới về thành công ở mức toàn cầu, vượt qua mọi khác biệt về chủng tộc, biên giới, văn hóa.

Chúng tôi đã và đang nghiên cứu để hoàn thiện hệ thiền mới này, với tên gọi là thiền sáng tạo hay thiền cà phê.

Thiền sáng tạo là loại thiền được hình thành từ cơ sở nghiên cứu và chắt lọc các tinh hoa của các hệ thiền truyền thống, do các tôn giáo và các nền văn minh sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống thiền đó chỉ thiên về cấu tạo phần nào của con người trong tổng thể xã hội. Ví dụ như thiền cho thân, gồm có yoga, thể dục, vũ đạo, võ thuật. Các loại thiền cho tâm gồm có cầu nguyện, thiền định. Thiền cho trí và cho tuệ thì đã có phái thiền tông. Nếu như tập hợp tinh hoa của các loại thiền đó và xây dựng một hệ thiền mới để tác động vào 3 giai đoạn sáng tạo mà tôi vừa nói thì đó là điểm khác biệt huyền bí và vô cùng mới của khoa học mới.

Quốc gia là một cơ thể. Mỗi con người là một tế bào trong cơ thể đó. Một quốc gia không thể khỏe mạnh nếu như có quá nhiều tế bào ốm yếu và nhiều tế bào bị ung thư. Cho nên, chúng tôi với tinh thần cà phê, với khát vọng thay đổi định mệnh, mong muốn góp phần mình làm cho mỗi tế bào của cơ thể Việt Nam đều khỏe mạnh.

PV: Xin cảm ơn “Vua” cà phê. Hy vọng chúng ta lại có những cuộc trao đổi tiếp.

Như Phong (thực hiện)

Nguon: http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/chung-ta-phai-thay-doi-dinh-menh.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang