Càng gần về cuối năm, trong khi người Việt đang hối hả để chuẩn bị Tết cổ truyền thì nhiều "Tây" cũng lên chùa để lễ cuối năm.
Đang lúi húi sắm lễ để chuẩn bị vào chùa Trấn Quốc (Tây Hồ, Hà Nội), tôi
rất ngạc nhiên khi thấy có người nước ngoài cũng mua tiền, vàng, hoa
quả vào lễ chùa. Người bán hàng tên Hoa xác nhận với tôi: "Cô gái này
người Pháp đấy, nhưng lại thường xuyên đi chùa vào những ngày rằm, mùng
một…".
Viết sớ bằng... tiếng Anh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngôi đền, chùa gần khu người nước
ngoài sinh sống ở Hà Nội như Quán Sứ, Trấn Quốc, Quán Thánh, phủ Tây
Hồ..., thường xuyên có người nước ngoài đến vãn cảnh và làm lễ cầu may.
Đa phần trong số họ từng sống và tìm hiểu tập tục văn hóa Việt Nam
được một thời gian dài nên họ có thể nói được tiếng Việt thành thạo và
đi chùa "như người Việt Nam". Ngoài việc thắp hương và vái, họ cũng học
"khấn Nôm" những điều mình mong muốn để mong các ngài bề trên phù hộ.
Caterlin (một phụ nữ người Anh) cho biết: "Tôi đang là điều phối viên
của một dự án phi chính phủ tại Hà Nội, sang đây đã 4 năm nên tôi hiểu
được phần nào văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam. Một lần được
một người bạn Việt Nam đưa đến phủ Tây Hồ và được giải thích văn hóa
thờ cúng trong tín ngưỡng Việt Nam, tôi thấy rất thú vị. Vì thế, hàng
tháng, vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, tôi đến phủ Tây Hồ để cầu được
phù hộ may mắn". Nói xong bằng giọng lơ lớ tiếng Việt, Caterin lúi húi
chọn lễ để vào phủ Tây Hồ cùng hai người bạn Việt Nam. Đúng là hình ảnh
người nước ngoài "tay xách nách mang" lễ vào chùa vẫn còn là một điều
lạ, bởi nếu để hiểu và yêu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thì họ đã phải
rất kiên trì và ham học hỏi. Anh Trần Văn Hoàn, trông xe tại phủ Tây Hồ
cho biết: "Dịp cuối năm có nhiều người nước ngoài đến đây lễ chùa lắm.
Họ thường đi từ 2 người trở lên, có thể đi cùng với người Việt Nam
hoặc rủ bạn cũng là người nước ngoài đi cùng. Ban đầu, tôi thấy cũng
ngạc nhiên, nhưng sau dần thấy họ đi nhiều nên cũng bình thường. Đặc
biệt, khi đến chùa ở Việt Nam, họ thấy người Việt làm gì, họ cũng làm
theo như thắp hương, lễ, thậm chí hóa vàng".
Ngoài việc đến chùa để cầu mong sức khỏe, bình an, nhiều người nước
ngoài cũng đến chùa để mong được... se duyên. Chị Hồng Anh, làm việc
tại một trung tâm Anh ngữ trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết:
"Nửa năm nay, tôi và Maria - một người Mỹ - thường xuyên đi chùa Quán
Sứ. Vì chơi với nhau khá thân nên tôi và cô ấy có thể chia sẻ mọi việc,
kể cả thói quen đi chùa cầu may. Ngoài việc lễ chùa, tôi còn nhờ người
viết sớ... cầu duyên cho Maria nữa. Tháng 10 vừa rồi, chúng tôi còn
làm một khóa lễ khá to ở chùa Hà nữa đấy, vì Maria muốn lấy chồng...
Việt Nam".
Caterlin đang chọn lễ để vào chùa
Nhiều người bán hàng ở cổng chùa Quán Sứ cho biết, người nước ngoài
vào đây mua hàng, được "đối xử" như người Việt Nam, không có hiện tượng
chặt chém, tăng giá, vì ngay việc "Tây" tìm hiểu tục lễ bái ở người
Việt, còn thường xuyên đến chùa nữa, thì đó đã là một điều đặc biệt.
Một người viết sớ tại cổng chùa Hà cho biết: "Cũng có người nước
ngoài vào hàng nhờ viết sớ bằng... tiếng Anh, chúng tôi "Ok" hết. Tuy
nhiên, vì không biết tiếng Anh nên tôi thường nhờ cậu con trai học
trường chuyên ngữ dịch cho và viết lại. Cầm được "sớ" bằng tiếng Anh,
họ thích thú lắm, nói "Thank you" (cảm ơn) suốt. Có điều lạ là có thể
người nước ngoài nên không để ý đến cách ăn mặc lắm nên họ ăn mặc rất
thoải mái, vì có cả "ông Tây" mặc quần soóc vào chùa. Gặp khách hàng
như thế, chúng tôi cũng giải thích cho họ là ở trong khuôn viên tôn
nghiêm của chùa Việt Nam, tránh ăn mặc như thế, họ cũng rất vui vẻ tiếp
thu".
Chị Minh, bán hoa quả cổng chùa Hà tiếp lời: "Vào những ngày tuần như
mùng 1, rằm, khách nước ngoài đến đây cũng nhiều, họ thường đi với
bạn, cũng sắm lễ và ra hàng mua hoa, quả vào để thắp hương. Bên cạnh
những người lóng ngóng thì có nhiều người cũng rất tất tả và chu đáo để
chuẩn bị lễ. Tôi cũng không nghĩ là họ cũng có thể hòa nhập với văn
hóa Việt Nam nhanh đến thế. Có cô "Tây" đi mua lễ còn biết chọn quả
tươi ngon, không dập, lá trầu phải xanh…".
Quan trọng là thành tâm
Theo xu hướng hiện nay, nhiều công ty lữ hành cũng tổ chức các tour
cho khách du lịch nước ngoài đến các chùa ngắm cảnh và tìm hiểu phong
tục tập quán tại Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều du khách nước ngoài vô
cùng thích thú được hòa mình vào dòng người đi lễ tại chùa cuối năm tại
những nơi có phong cảnh đẹp. Mỗi khi nghe hướng dẫn viên nói đến một
đoạn phong tục truyền thống của người Việt và giới thiệu về lịch sử
ngôi chùa, mọi người lại ồ lên thú vị.
Anh John Mikery - du khách người Đức - thích thú cho biết: "Đây là
lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Thật đặc biệt, khi hôm nay, tôi được đến
ngôi chùa Quán Thánh vào đúng ngày 15 tháng 11 âm lịch, khách đến chùa
rất đông. Tôi được chứng kiến nhiều người Việt Nam lên chùa để cầu may
cho cả gia đình trong năm mới. Văn hóa truyền thống của Việt Nam thật
thú vị. Trước khi sang Việt Nam du lịch, tôi có đọc nhiều sách hướng
dẫn về du lịch Việt Nam, nên tôi cũng chắp tay cầu khấn để mình có
nhiều may mắn cho chuyến khám phá tại Việt Nam thật thú vị".
Vợ chồng ông Andray Berler trong chùa Trấn Quốc
Đang hướng dẫn cô bạn nước ngoài hóa vàng tại phủ Tây Hồ, Trần Diệp
Hòa (du học sinh tại Thụy Sĩ) cho biết: "Năm nay, em đưa cô bạn thân
Elena - người Thụy Sĩ - về Việt Nam ăn Tết cổ truyền. Gia đình em có
lệ là cứ cuối năm là làm lễ tại phủ Tây Hồ để cầu mong điều may mắn
trong năm mới. Elena thấy rất ngạc nhiên nhưng cũng tham gia nhiệt
tình, cái gì cũng hỏi "Tại sao? Tại sao?" suốt. Thấy mọi người lễ và
khấn cũng làm theo rất thành tâm. Em nghĩ, cầu mong việc thiện trong
tâm thì ngôn ngữ nào cũng hiểu và người nước ngoài cũng hưởng ứng thôi".
Tuy nhiên, nhiều "Tây" đến chùa Việt Nam cũng gặp nhiều cảnh bi hài
như do đông quá, đã bị thất lạc đoàn du lịch, khiến cho nhiều ông "Tây"
cao lớn cũng phải "méo mặt" mới chen được khỏi "đám đông ồn ào" ngày
cuối năm để về khách sạn. Hay có bà khách người Anh, cũng chuẩn bị sớ,
lễ cuối năm vào chùa nhưng do vào ngày tuần đông quá nên đã bị lấy nhầm
lễ, lúc ra hóa vàng mới biết là... lễ của mình chắc bị "hóa" từ lâu
rồi…
Sư thầy Thích Thanh Tuấn (chùa Quán Sứ) cho biết: "Ngoài khách Việt
Nam, mấy năm gần đây, khách nước ngoài đến chùa cũng khá đông. Thường
thì trước khi đi du lịch hay làm việc tại Việt Nam, họ cũng tìm hiểu
khá kỹ các phong tục, tập quán tại nước sở tại nên khi sang, một thời
gian là họ có thể thích ứng với nếp sinh hoạt của người Việt. Đạo Phật
nhân từ và bác ái lắm, nên ai có lòng từ bi đều được hết, không phân
biệt Tây hay ta. Nhiều khách nước ngoài đến chùa Quán Sứ còn nhờ các sư
thầy "kêu" hộ bằng tiếng Việt. Chúng tôi luôn ủng hộ những tấm lòng
thiện tâm, bất kể là người nước nào".
"Chùa nào cũng đẹp và linh thiêng"
Đang cùng vợ mua hoa tại cổng chùa Trấn
Quốc, ông Andray Berler (một người Mỹ) cho biết: "Chúng tôi vừa có
tour đi du lịch các nước có nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Thái Lan,
Lào và Việt Nam là điểm dừng chân thứ ba. Văn hóa tín ngưỡng đạo Phật
là một nét khác biệt rất đáng trân trọng mà những người từ phương xa
như chúng tôi rất thích được tìm hiểu.
Cả ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã đi tham quan tại các chùa ở Hà Nội, nơi nào cũng đẹp và linh thiêng.
Chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam để được khám phá và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam".
|
Lạc Thành