Có được một hoạt động bổ ích, phục vụ đông đảo mọi tần lớp như vậy, có lẽ, trước hết là do Ni trưởng trụ trì đã có một tầm nhìn văn hóa. Với trình độ cao về thế học (Cử nhân Việt – Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn, Cử nhân Đại học Văn khoa Sài Gòn), Ni trưởng đã sớm nhận thấy được tác dụng và hiệu quả của thư viện.
Thứ hai, Ni trưởng là người có tâm nguyện đem đạo vào đời. Ni trưởng mong muốn nam nữ thanh niên đến chùa hàng ngày, đến chùa thật nhiều, ở trong chùa từ sáng đến chiều, không ngại ồn ào náo động đến việc tu học.
Có lẽ Ni trưởng hiểu rất rõ việc đưa người đời vào với đạo thì ban đầu phải chấp nhận một số khó khăn nhất định.
Thư viện chùa Phước Hải, theo chúng tôi trước hết là một phương pháp bố thí pháp độc đáo. Bước vào thư viện, không khí trầm lắng như đưa chúng ta vào một thế giới tâm linh của chính mình. Trên bàn, từng trang sách Phật đang lật ra trong im lặng, hay chính là những dòng pháp nhũ đang chảy vào tâm trí người có duyên lành được đến với Phật pháp.
Thứ hai, thư viện chùa Phước Hải là cơ duyên để thu hút mọi người đến với chùa, với Phật. Sinh viên, học sinh có thể không đến đó để đọc sách Phật, người lớn tuổi có thể chỉ đến để tìm một không khí tĩnh lặng, lánh xa sự ồn ào của gia đình, con cháu trong một vài thời khắc nào đó.
Họ đến chùa vì có không gian thư viện, và như vậy là họ đến rất gần với Phật pháp. Những pho sách Phật xếp sẵn bên cạnh họ, sớm hay muộn gì họ cũng phải xem. Ra vào gặp chư Ni rồi họ cũng phải tiếp xúc. Lễ lạy ở chùa tổ chức thường xuyên, không lẽ gì họ không một lần dự qua. Từ đó đến quy y, thọ giới, tu tập để tìm kiếm sự an lạc chỉ còn một bước nữa.
Thư viện cũng là nơi gặp gỡ giữa các nhóm Phật tử, nhóm bạn đến chùa (có thể chưa là Phật tử). Không gian thư viện là không gian thoải mái, mời gọi.
Chúng ta đều biết, thư viện cũng là một phương thức truyền thông. Trong hoạt động truyền thông quảng bá văn hóa của các quốc gia, thư viện là một công cụ thường được sử dụng.
Tại TPHCM có các thư viện quảng bá văn hóa như: Thư viện Hội đồng Anh, Thư viện Trao đổi văn hóa với Pháp, trước đây có thư viện nhà văn hóa khoa học Nga…
Các thư viện đều có chức năng phổ biến văn hóa, giao lưu văn hóa… Thư viện chùa Phước Hải cũng có chức năng như vậy, nhưng giới hạn trong phạm vi Phật giáo.
Người viết còn được biết, thư viện chùa Phước Hải còn giữ xe miễn phí, cung cấp nước uống cho bạn đọc. Đặc biệt hơn, ngày rằm và mùng một hàng tháng bạn đọc còn được mời ăn cơm chay miễn phí với Phật tử.
Tất cả đều tạo nên hoàn cảnh thuận duyên, lý tưởng để thực hiện việc hoằng pháp độ sinh. Từ đó, sinh viên, trí thức, thanh niên, học sinh là bạn đọc của thư viện chùa có một số vị đã hình thành một nhóm “thiện nguyện”, làm công tác xã hội cùng nhà chùa.
Số Phật tử là sinh viên, học sinh, thanh niên của chùa Phước Hải ngày càng đông dần.
Nói chuyện thư viện chùa Phước Hải không chỉ là để tán thán, mà mục tiêu của người viết là mong muốn có được kiểu thư viện như vậy ở tất cả các chùa, nhất là những ngôi chùa lớn. Đó là một kiểu làm truyền thông Phật giáo rất hữu hiệu.
Nhiều chùa còn diện tích rộng rãi, có khoảng sân rộng với nhiều cây cao bóng mát, rất thích hợp để mở thư viện cả trong nhà lẫn ngoài trời. Nguồn sách thì dễ dàng quyên góp từ Phật tử. Hơn nữa sách Phật ở chùa thì không phải lo, chỉ lo là không có người xem mà thôi.
Mở thư viện không hẳn là cần có quản thư viện chuyên nghiệp, có thư mục phích hay thư mục vi tính… mà chỉ cần phân loại sách theo một thứ tự nào đó được coi là hợp lý để bạn đọc có thể tự do vào kho chọn sách là tạm được. Trong khoa thông tin thư viện, người ta gọi đây là dạng “thư viện kho mở”.
Hiện nay, thư viện không còn được hiểu là nơi chứa sách, mà còn là nơi phổ biến phim ảnh, băng đĩa. Thư viện hiện đại là thư viện multimedia. Do vậy, nếu có khả năng, thư viện các chùa có thể lưu trữ băng đĩa thuyết pháp và phổ biến bằng phương thức nghe, xem cá nhân (xem bằng màn hình riêng, nghe bằng tai nghe cá nhân).
Người viết còn được biết chùa Phước Hải có cả tủ băng đĩa Phật pháp, bạn đọc có thể mượn về nhà nghe, có loại nhà chùa còn biếu hẳn mà không cần hoàn trả.
Thư viện multimedia không phải là một khái niệm lỗi thời. “Cà phê-sách” là một không gian tĩnh lặng, cây cỏ xanh tươi, cách biệt với thế giới ồn ào, xô bồ bên ngoài để đọc sách, suy tư… Đó là cái mà nhà chùa có sẵn.
Cần nhạc ư? Chúng ta mở nhạc Phật giáo, nhà chùa có trà thơm đãi khách và nếu muốn, bạn đọc có thể tự mua nước đem vào từ một bán nước giải khát tự động bên ngoài khuôn viên chùa. Cần thư giãn ư? Đã sẵn sách thiền, kinh Phật.
Điều quan trọng là giới trí thức đến chùa để hưởng bầu không khí thoát tục của cảnh chùa. Họ chưa đọc sách Phật, mà thậm chí đọc sách tôn giáo khác, cũng không sao! Như đã nói, đã có duyên thì chỉ chờ ngày kết quả.
Ở các nước phát triển, thư viện các trường đại học mở cửa 24/24, thư viện nhỏ cũng có cho mượn sách vở tài liệu về nhà. Ở nước ta, rất tiếc giờ hoạt động của các thư viện lớn còn hạn chế. Đối với thư viện chùa, có lẽ nên chú ý mở cửa đến hết buổi công phu chiều để bạn đọc làm quen với kinh kệ.
Nếu tổ chức tốt, thư viện chùa sẽ trở thành những đảo văn hóa, đảo thanh tịnh giữa thành phố náo nhiệt, ngột ngạt và đầy đua tranh. Đó là cầu nối giữa đời và đạo.
Thứ bảy, chủ nhật đến chùa, dạo vườn sân thượng với cây xanh và chiêm bái đức Phật niết-bàn yên tịnh, đọc thơ Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh… nghe nhạc đạo của Võ Tá Hân, Phạm Duy, đàm đạo với sư thầy, thì không ai là không muốn đến chùa, không muốn làm Phật tử.
Còn đối với sinh viên, học sinh một chỗ học yên tĩnh là nhu cầu cần thiết hàng ngày. Đến chùa mỗi ngày, chắc chắn phần đông rồi sẽ trở thành những Phật tử thuần thành, Phật tử của đạo Phật ngày nay.