Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Câu chuyện: Đóa hoa vô thường
20/06/2012 21:24 (GMT+7)


BỖNG DƯNG TA GẦN NHAU HƠN

Công ty đồng nghiệp của tôi năm nay không có điều kiện tổ chức cho nhân viên đi nghỉ ở nước ngoài như mọi năm nữa. Anh chị em thấp thỏm, không biết năm nay công ty cho đi đâu. Lương không tăng, thưởng có vẻ như giảm xuống. Thời buổi khó khăn toàn thế giới, không biết kêu ai, và kêu thế nào. Nhưng dù sao cũng qua một năm làm việc vất vả, nên mọi người mong chờ một chuyến đi hơn bao giờ hết. Thay vì làm lơ đi, cho qua, việc này được bàn luận công khai qua email rất chân tình của sếp tới toàn công ty. Đồng thời xin ý kiến của mọi người tư vấn tìm một nơi nào đó phù hợp. Kết quả là có rất nhiều giải pháp của nhân viên được đề ra và mọi người đều thống nhất với ý tưởng  tổ chức một chuyến dã ngoại đồng quê với nhiều trò chơi và món quà thú vị. Ai cũng hiểu những nỗ lực của công ty trong thời điểm khó khăn về kinh tế. Dường như sau chuyến đi, mọi người đã hiểu nhau, vui vẻ và cống hiến nhiệt tình cho công ty hơn, bớt cảm giác lo lắng như trước.

Tôi có một anh bạn làm CEO một công ty xuất nhập khẩu. Năm qua, công việc không được thuận lợi lắm, nhưng năm nay thi thoảng lại thấy anh chị dắt nhau đến nhà hát lớn xem chương trình giải trí hoặc đi đây đi đó. Đây quả là một việc bất thường, vì anh là một người quá ư bận rộn, suốt ngày thấy đi công tác nước ngoài hoặc tiếp khách đó đây. Nay do tình hình suy giảm kinh tế, thay vì tung tẩy, mọi người có vẻ có nhiều thời gian hơn với tổ ấm của mình, không thích ăn nhậu tiếp khách, tạm thời gác lại mọi ham muốn xa xỉ…  Tình cảm gia đình có vẻ khăng khít ấm cúng hơn xưa!

Hà Nội những năm gần đây, bỗng dưng các chương trình giải trí đẳng cấp lại rất thành công, trong khi thị trường ở Sài Gòn bão hòa. Điều này lý giải bởi con người khi đã biết thu xếp công việc, khi mọi thứ đang dần trở nên đắt đỏ, thì việc dẹp bớt chuyện “ngoài lề” cũng là một hình thức tiết kiệm và lại được vui vẻ với gia đình bạn bè thưởng thức văn hóa, một hình thức xả căng thẳng, và thư giãn khá tốt.

Vậy là lúc khó khăn, hình như tình cảm sẽ bị thay đổi theo chiều hướng tốt, hoặc xấu. Trong thâm tâm, nếu biết bình tĩnh, biết lẽ vô thường của sự thăng trầm lên xuống, của sự có, sự không, từ đó có quyết định đúng đắn cho con đường kinh doanh của mình mà không bị những áp lực đè “chết” mình.

TÂM TĨNH ĐỂ CÓ QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT

Theo Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN), dưới nhãn quan Phật giáo, vũ trụ có Thành – trụ-hoại-không, với nhân sinh có Sinh –trụ-dị-diệt.  Mọi vật đều là vô thường. Nếu những người kinh doanh hiểu được lý vô thường như vậy, thì hãy quán sát nó, đừng để mình đi vào vòng xoáy của đồng tiền, đừng để nó chi phối.

Kiếm được tiền đã là đáng quý, kiếm được nhiều tiền còn quý hơn, nên nếu biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, tức là bạn sẽ được an tâm phần nào. Đức Phật dạy rằng: Hãy chia số tiền mình có thành bốn phần. 1/4 dùng để chi tiêu cuộc sống hàng ngày, 2 /4 để đầu tư sinh lợi, 1/4 để dành phòng khi ốm đau và giúp người nghèo khó.

Trong cuộc sống, phải có ý chí vươn lên, chiến thắng số phận nhưng cũng phải biết tự lượng sức của mình. Nếu bạn là một doanh nghiệp nhỏ, ít vốn mà lại mong có nhiều lãi nên đã dùng nhiều cách để có lãi nhanh, lãi gấp, từ đó mà dẫn đến cung cách làm ăn chộp giật, buôn bán gian lận thì đó quả là điều sai lầm. Chớ có buôn bán những mặt hàng gây hại cho xã hội, vì ích lợi của mình của mình mà giẫm đạp lên người khác.

Cầm một đồng tiền bẩn không trong sạch cũng không tạo được một niềm vui. Còn đồng tiền do khối óc con tim tạo nên một cách hợp pháp, đó là đồng tiền sạch, thì bạn mới là một nhà kinh doanh chân chính. So với thời cuộc, có đôi lúc người làm ăn nghiêm chỉnh chân chính đôi khi sẽ thiệt thòi với những doanh nhân xung quanh, nhưng bù lại, tự đáy lòng mình, bạn sẽ có được sự thanh thản.

Đức Phật luôn đề cao Hạnh bố thí. Người nào biết bố thí, biết cho, sẽ biết nhận. Mình thương người khác, người khác sẽ thương tới mình. Bạn nên nhớ, người ta gọi đó là cái Phúc, hãy chăm cái Phúc, bớt nhậu nhẹt lãng phí, hãy giúp đỡ người nghèo khó cô đơn, cúng dàng… Cái Phúc càng tăng lớn, sự nghiệp của bạn càng được vững mạnh.  Trong Phật giáo còn khuyên con người ta biết an trú. Tâm tĩnh, mọi việc sẽ sáng tỏ. Trong lúc này, khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nếu bạn biết vững tâm, tập trung trí tuệ lúc khó khăn này, trí tuệ của bạn càng nảy nở.

Hòa Thượng cũng khuyên giới kinh doanh nên thực tập phép thiền quán của Phật giáo. Tâm các bạn yên tĩnh, không bị chao đảo, rối bời, sẽ đưa ra những phương hướng chiến lược sáng suốt. Nên có một thời gian tĩnh tại, an trú, từ đó, khi bạn đỡ đau khổ, ức chế, đầu óc thanh thản, sẽ có nhiều giải pháp tốt!

Được mùa chớ phụ ngô khoai, đến khi thất bát lấy ai làm cùng. Hãy luôn nhớ tới những người đồng hành cùng bạn để có được cách ứng xử chân thành nhất!

CON THUYỀN BÁT NHÃ BÌNH AN

Cuộc sống luôn có nhiều biến động như con sóng xô từng lớp, từng lớp không ngừng. Có, rồi không. Không, rồi lại có. Mới sớm mai đây còn tưng bừng những tia ánh ban mai ấm áp của mùa xuân rồi lại đến những ngày mưa gió lạnh lùng. Xuân, rồi hạ, rồi thu, rồi đông, rồi lại xuân… Con người sinh ra, bươn trải trong cuộc sống rồi lại cũng lại là cát bụi theo gió bay đi. Có sinh lại có diệt. Mọi thứ và vạn vật đều theo vô thường.

Bạn là thuyền trưởng đang lái một con tàu phải đối đầu với biết bao nhiêu bất trắc? Giữa được thăng bằng đã khó, lái được con thuyền tiến lên, là cả một trọng trách. Bạn là số 1,nhưng nếu bạn cứ giữ khư khư số 1 đó mà không chịu sẻ chia với các đồng nghiệp, thì thiệt hại nhất vẫn là bạn chứ không phải là lợi lạc nhất!

Nếu những lúc bộn bề thử thách, thăng trầm, đối mặt với sự khó khăn, những nguy cơ rủi ro, bạn hiểu điều đó là lẽ thường tình, mọi thứ đều phải theo quy luật. Bạn biết điềm tĩnh tìm cách giải quyết và cân bằng trong mọi thứ thì cuộc sống sẽ dễ chịu hơn. Bạn là một người không chấp nhận thua cuộc, bạn không chấp nhận sự nghèo đói, bởi nghèo đói sẽ dẫn tới tụt hậu, nhưng bạn cũng không phải là một người an phận, gặp khó khăn là lùi bước.

Chẳng bao giờ người ta hết được sự lo lắng, niềm vui này tới, nỗi buồn kia bay xa, rồi nỗi buồn lo lắng lại tới, cứ thế, cứ thế liên tục, biết bao giờ con người mới hết lo, hết khổ? Chính vì thế, biết thế nào là đủ, biết gạt bỏ sự quay cuồng vì đồng tiền, để đi tìm những giá trị chân thật, hạnh phúc chân chính sẽ thấy nó vô cùng giản dị và gần gụi chứ chẳng phải ở đâu xa. Đó chính là thấm nhuần hai chữ vô thường!

http://www.phattuvietnam.net/doisong/nghethuatsong/19488.html

Các tin đã đăng:
Về đầu trang