Vì thế, mỗi con người chúng ta cần phải trau giồi trí tuệ
để trở nên một con người xứng đáng với danh nghĩa của nó. Nhất là tuổi
trẻ, tuổi đầy triển vọng phát huy trí tuệ, như tấm gương sẵn sàng phản
chiếu ánh sáng, nhưng phải chờ có ánh đèn, ngọn đuốc, ánh sáng mặt
trời...
Tuy con người cần phải trau giồi trí tuệ, nhưng phải biết trí tuệ là
gì? - Trí tuệ là kiến thức rộng rãi, cao sâu, sáng suốt. Nhờ trí tuệ,
con người biết hợp đoàn bảo vệ nhau, biết tổ chức guồng máy xã hội, biết
chế tạo những khí cụ nông nghiệp, kỹ nghệ..., biết phát triển khả năng
mình, biết tư tưởng những triết lý cao siêu, biết ăn ở theo luân lý đạo
đức. Tóm lại, trí tuệ là một kiến thức sáng suốt, hướng dẫn con người
sống hợp lý và vươn lên.
Tuổi trẻ trí óc còn minh mẫn nhưng rất
trống, rất khát khao thu nhận những kiến thức của phụ huynh, của sư hữu,
của tiền nhân truyền lại. Như dạ dày trống rỗng đang đón chờ những thức
ăn dồn vào để tiêu hóa, nhưng phải là thức ăn có chất bổ dễ tiêu mới có
sinh tố bồi dưỡng cơ thể, nếu thức ăn chứa nhiều chất độc và khó tiêu
thì sẽ hại dạ dày và hại luôn cả cơ thể. Trí óc bạn trẻ cũng thế, thu
nhận những kiến thức cao đẹp chân chánh sẽ tự cải đổi đời sống cá nhân
mình trở nên chân chánh và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Trái lại,
chỉ thu nhận toàn những kiến thức điêu ngoa gian trá thì cá nhân mình đã
hư hỏng mà xã hội cũng đến nguy cơ.
Hun đúc cho trí tuệ bạn trẻ
được sung mãn, rực rỡ là nhiệm vụ to tát của phụ huynh. Những người nhịn
ăn, nhịn mặc, dành để tài sản cho con cháu sau này là thương con cháu
đã đành; nếu không giáo dục về phần trí tuệ vẫn còn là một khuyết điểm
lớn. Có những người lưu lại sự nghiệp cho con, con chưa được hưởng đã
qua tay người khác, nên dành để tài sản chưa phải là kế vĩnh viễn cho
con cháu. Sự quan trọng và chắc chắn là trí tuệ; dạy dỗ cho con cháu
được trí tuệ chân chánh là kẻ làm cha mẹ biết nghĩ đến sự lâu dài cho
con cháu. Trí tuệ không ai có thể cướp được, cũng không ai lường gạt
được, nó lại soi đường cho mình, cho mọi người khỏi sa chân vào hầm hố,
nên rất quí báu.
hụ huynh đã có bổn phận với con cháu, thì những
ông thầy há không có trọng trách hay sao? Thế hệ trước đã qua, để lại
cho thế hệ sau những tư tưởng, những kinh nghiệm, kẻ làm thầy có bổn
phận thâu nhặt những tư tưởng, những kinh nghiệm ấy, rồi nhào nặn lại
cho hợp thời, sẽ đem hun đúc vào tâm não tuổi trẻ để được phát huy sáng
tỏ. Kho tư tưởng kinh nghiệm của người xưa để lại rất dồi dào phong phú,
nếu kẻ làm thầy không chịu khó chọn lọc đem ra dạy bảo học sinh cho kết
quả, để đầu óc các bạn trẻ sau này rỗng tuếch, ấy là tội rất to của kẻ
làm thầy.
Tuy thế, các bạn trẻ không nên ỷ lại cả vào phụ huynh,
vào giáo sư, mà phải tin tưởng vào phần tự lực, tự trau giồi trí tuệ cho
mình. Đành rằng nhờ sự chỉ dạy của cha mẹ, sự hướng dẫn của giáo sư,
nhưng phải cộng thêm sức cố gắng của mình mới có kết quả. Nếu vô phước
cho một số các bạn nào, sớm không được sự chỉ dạy của cha mẹ, và gần gũi
thầy bạn, các bạn phải cố gắng gấp bội lần hơn, để tự trau giồi trí tuệ
cho mình.
Chúng ta đã biết, có xác thịt mà không có trí tuệ thì
ấy chỉ là một khối da thịt biết ăn, biết mặc mà thôi. Người không trí
tuệ khác nào kẻ lạc lõng trong rừng đêm không trăng sao, không đèn đuốc,
còn gì đau khổ bằng! Phật dạy:
Nỗi khổ bị thiêu đốt ở địa ngục,
nỗi khổ con lạc đà chở nặng, nỗi khổ đói khát của loài quỉ đói chưa gọi
là khổ, ngu si không biết lối đi mới thật là khổ.
Lẽ đương nhiên
muốn thoát khổ, chúng ta cần phải có trí tuệ. Nhưng trí tuệ thế nào mới
thoát khổ được? Đấy là điểm quan trọng trong bài này.
Bởi vì có
lắm người khôn ngoan mà gian trá, xảo quyệt, họ lợi dụng trí sáng suốt
của họ để lừa người, bịp chúng, nên càng khôn ngoan càng gây đau khổ cho
chính họ và tang tóc cho mọi người. Như Tào Tháo ở Trung Hoa thời xưa,
sự gian hùng của y đã làm cho bao nhiêu người thời ấy phải điêu linh
tang tóc. Trên lịch sử hiện đại còn biết bao nhiêu kẻ như thế và hơn thế
nữa. Một khi lừa bịp được người, họ càng hăng hái tự đắc mà quên cả tội
lỗi đã gây. Nên có câu: “Có học thức không có đạo đức là người ác...”
Những kẻ như thế, ai dám bảo họ là ngu? Nhất định họ là người có trí,
nhưng là “TRÍ ĐIÊU NGOA”.
Lại một hạng người khôn nữa, họ thông
minh lắm, học rộng nhớ nhiều, họ tưởng như trí thông minh của họ không
còn ai bì kịp, do đó đâm ra tâm khinh người ngạo vật. Những người ấy coi
Trời Đất bằng nắm tay, toàn cả người trong xã hội bằng cây kim. Họ
khinh tất cả và xem thường tất cả. Đi đâu họ cũng mang theo cây cờ ngã
mạn, gần ai họ chỉ gây sự bực tức cho người. Nếu ai gắng gượng giới
thiệu với họ: “ông kia tài giỏi, người nọ đức cao...”, thì chỉ nhọc một
phen bĩu môi của họ mà thôi. Hạng người này không tài nào khuyên dứt họ
được, như hòn đá cứng khó mong xông ướp được mùi thơm. Nhà văn Cao Bá
Quát điển hình cho nhóm người này, kết cục đời ông chỉ là:
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp,
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời!
Trí ấy gọi là “TRÍ KIÊU MẠN”.
Trí điêu ngoa, trí kiêu mạn nguy hiểm dường ấy, tại sao người ta lại hun đúc nên nó? - Điều này bởi nhiều lẽ:
Trước
nhất là phụ huynh, phụ huynh chỉ muốn con em khôn ngoan, mà không giản
trạch cái khôn ngoan chân chánh, cái khôn ngoan tà ngụy. Cứ dồn hết vào
đầu óc non nớt ấy tất cả cái khôn ngoan ở thế gian, tưởng thế là thỏa
mãn nhu cầu của tuổi trẻ và sẽ trở nên hay. Đâu ngờ đó là lối đầu độc
trẻ con trong lúc trí óc rất vô tư không biết chọn lựa. Như người kia cứ
dồn cả thức ăn vào dạ dày khi nghe nó đòi hỏi, mà không phân biệt thức
ngon, dở, lành, độc, kết quả rồi ôm bụng kêu đau.
Kế là thầy. Ông
thầy không phải là cái máy phát thanh, cứ phóng hết những điều mình đã
thâu một cách vô tư, để mặc thính giả hiểu sao cũng được. Thính giả của
các ông là nhóm tuổi trẻ măng tơ đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa đời, như
khách bộ hành chưa thuộc đường, đang ngỡ ngàng đứng trước ngã tư, kẻ
hướng dẫn có bổn phận giải thích và hướng dẫn cho đến đích. Nếu để cho
khách mặc ý chọn đường thì làm sao bảo đảm được con đường chánh đại.
Rốt
sau là xã hội. Người trong xã hội phức tạp, nào tốt, nào xấu, nào lành,
nào dữ v.v... Những gương tốt lành lại hiếm, mà gương xấu dở lại nhiều.
Như trăm màu ngàn sắc vận hành trước mặt gương thì lạ gì phản ảnh trung
thành của mặt gương có trăm màu sắc. Đầu óc của thiếu niên bị hun đúc
bởi những tập quán, tư tưởng, hành động của người trong xã hội, nên rồi
họ trưởng thành theo cái đà ấy - đà điêu ngoa, ngã mạn - rất dễ dàng hư
hỏng.
Nói thế, không phải là đổ trút mọi tội lỗi cho phụ huynh,
thầy, người trong xã hội, mà các bạn trẻ phải nhận lấy trách nhiệm quan
trọng hơn cả. Giả sử phụ huynh, thầy, bạn, người trong xã hội rất vô tư
đối với sự giáo dục các bạn, nhưng cũng tùy thuộc tánh tình của các bạn
mà hấp thụ điều hay, điều dở. Ví dụ: thằng Nhân, thằng Tợn ngồi nghe ông
cụ kể chuyện cổ tích “ông Thiện ông Ác”. Trong khi nghe, thằng Nhân yêu
chuộng hành động của ông Thiện, trái lại thằng Tợn thích việc làm của
ông Ác. Và sau khi nghe, những hành động ấy vẫn còn lảng vảng trong tâm
não hai đứa trẻ. Như vậy, hai quan niệm sai biệt ấy lỗi tại ai? Lại một
thí dụ nữa: Thằng Ái và thằng Bạo cùng đứng xem đứa trẻ mục đồng bắn
chim. Khi thấy chim bị trúng đạn, Bạo vỗ tay reo cười, ngược lại Ái bùi
ngùi thương hại. Ấy cũng cùng xem một hành động mà hai đứa bé có cảm xúc
khác nhau, lý do tại đâu? Nếu không phải ảnh hưởng tánh tình là gì? Do
đó sự hư hỏng của các em thiếu niên ngày mai, các bạn phải chịu trách
nhiệm một phần lớn, nếu không nói là tất cả.
Đấy là tướng trạng và lý do của trí điêu ngoa, trí kiêu mạn, còn phần trí tuệ chân chánh là thế nào?
Người
có trí tuệ thì biết phân biệt lẽ chánh tà, biết nhận định việc phải
quấy và biết tôn sùng điều thiện, khinh chê điều ác. Trí phân biệt ấy sẽ
đưa ta xa tà gần chánh, bỏ ác theo lành, sửa quấy thành phải. Nó là
động cơ thúc đẩy con người từ hạng phàm phu tiến lên quả vị Hiền Thánh.
Nhờ trí này, người ta kiên quyết tìm phương pháp giải khổ cho mình và
quả cảm cứu giúp mọi người. Sự phát minh của các nhà khoa học, sự hi
sinh cứu đời của các đức giáo chủ đều do trí tuệ làm động cơ.
Trí
tuệ có công dụng chiếu tan những mây mờ giả ảo, bày tỏ chân tướng của
vạn vật ở giữa cuộc đời này. Như ngọn đèn sáng soi vào nhà tối, các vật
trong nhà đều hiện bày tỏ rõ. Nó cũng đủ công năng đưa người thoát vòng
đau khổ. Cho nên Phật dạy:
Trí tuệ là con thuyền đưa người qua bể
khổ, là thứ lương dược chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, là chiếc
búa bén chặt gãy cây phiền não, là ngọn đèn sáng chiếu tan tất cả tối
tăm.
Nhờ trí tuệ người ta mới thấu đạt chân lý, trở thành bậc giác ngộ.
Các
bạn trẻ! Xin lỗi các bạn, có khi nào các bạn muốn người ta gọi mình
bằng thằng “lưu manh” hay đứa “xảo quyệt” chăng? Chắc hẳn là không. Các
bạn có muốn người ta mến mình như vị Hiền, quí mình như ông Thánh chăng?
Chắc là có. Vậy là các bạn ghét “trí điêu ngoa”, “trí kiêu mạn” lắm
rồi; các bạn đều tỏ ra yêu chuộng “trí tuệ”.
Có lẽ các bạn đã băn khoăn tự hỏi phải làm sao để được trí tuệ? Tôi xin góp ý kiến với các bạn.
Muốn
được trí tuệ, các bạn phải học Thánh giáo. Thánh giáo tôi muốn nêu ra
đây là kinh điển nhà Phật vậy. Chắc bạn cho tôi là quá chủ quan. Phải
thế, thưa bạn, tất cả kinh điển nhà Phật đều nhắm vào sự xây dựng trí
tuệ làm căn bản. Như vừa nghe hai chữ đạo Phật, bạn đã thấy ý nghĩa đó
rồi. Chính đạo Phật là đạo giác ngộ, cho nên toàn thể hệ thống giáo lý
nhà Phật đều nhắm mục tiêu ấy. Thái tử Tất-đạt-đa, sau khi giác ngộ dưới
cội bồ-đề, mới được gọi là Phật, tức là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Nhờ sự giác ngộ ấy, nên mỗi lời Ngài phán ra đều thích hợp với
chân lý.
Bạn thử nghĩ, trước đây trên hai mươi lăm thế kỷ, đức
Phật đã quả quyết tuyên bố rằng: “Chúng sanh và thế giới là nhân duyên
kết hợp mà thành.” Câu nói ấy đã phủ nhận tuyệt đối đấng Tạo hóa hay
Thượng đế, trong khi khắp Á, Âu người ta đều phủ phục và hiến dâng tất
cả sanh mạng cho Thượng đế. Câu nói ấy mãi đến ngày nay - thời đại
nguyên tử - cũng không ai chối cãi được. Những câu giá trị tương đương
như vậy còn bàng bạc khắp trong biển giáo lý của Ngài. Vì thế, bạn cần
phải học, học để khai thông ý kiến chân chánh của bạn.
Muốn được
trí tuệ, bạn phải gạt bỏ những thứ phiền não làm rối loạn tâm hồn bạn.
Phiền não tức là những thứ giận, hờn, thương, ghét, buồn phiền... Bạn có
nhớ chăng, mỗi khi bạn nổi cơn giận dữ thì trí khôn ngoan của bạn liền
đó bị lu mờ. Đôi thanh niên nam nữ yêu nhau thắm thiết, họ sẽ mù quáng
khi gặp hoàn cảnh buộc phải lìa nhau. Khi bạn ghét ai, dù người ấy đưa ý
kiến rất hay, bạn cũng không thèm nghe. Đó! bạn thấy chưa, phiền não nó
che đậy khiến con người mê tối, nên trước bạn phải gạt bỏ nó. Bạn sống
thản nhiên và bình tĩnh một chút là bạn sẽ thấy trí tuệ trở về với bạn.
Lại
nữa, muốn được trí tuệ, bạn phải lóng lòng trong sạch. Bạn có thấy
không, mặt nước hồ trong trẻo thì bóng trăng và vạn vật in hình. Tâm hồn
ta yên tĩnh thì chân lý của vũ trụ sẽ hiện bày. Để tập cho tâm hồn yên
tĩnh, mỗi tối trước khi ngủ, bạn ngồi yên chừng mười lăm phút để phản
tỉnh tư tưởng và hành động của bạn trong ngày qua. Nếu thấy có những cái
dở, bạn phải cương quyết chừa; nếu thấy có cái hay, bạn gắng sức phát
triển. Thế là dần dần, bạn sẽ phát sanh trí tuệ.
Còn điều đại tối
kỵ với trí tuệ mà bạn phải tránh, là rượu mạnh và sự chơi bời trác
táng. Rượu là kẻ thù số một của trí tuệ, vì trí tuệ là do yên tĩnh phát
sanh, mà rượu là thứ kích thích hỗn loạn. Bạn thử thí nghiệm, khi uống
vào một cốc rượu mạnh, bạn có thể giải được một bài đại số khó hay
không? Nếu muốn giải được, bạn cần phải yên tĩnh. Sự chơi bời trác táng
tai hại cũng tương tợ như vậy. Nếu muốn có trí tuệ, bạn phải cữ hẳn hai
điều này.
Các bạn trẻ! Để kết luận bài này, tôi mong mỏi các bạn
cố gắng thực hành mới mong phát huy trí tuệ. Các bạn rất đủ điều kiện
khai thác trí tuệ. Các bạn hãy cố gắng lên, đừng để ngày tháng lững lờ
trôi, cuối cùng các bạn vẫn sống triền miên trong đêm tối. Các bạn đừng
để phải hối hận như anh chàng cùng tử kia mang sẵn trong chéo áo một
viên ngọc quí, mà mãi lang thang đầu làng, xó chợ xin ăn, đợi có người
biết đến chỉ, mới sực nhớ đem dùng. Rất muộn thay!
H.T Thích Thanh Từ