|
Phùng Hưng, Giải Phóng hiện có rất nhiều "cửa hàng" trưng biển phá thai... |
GS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền vừa có cuộc nói chuyện, trao
đổi với báo điện tử Kiến Thức về những "phố phá thai" ở Hà Nội nhìn từ
góc văn hóa, đạo đức con người.
Là nhà nghiên cứu văn hóa, ông nghĩ gì khi nhìn những “phố phá thai” vô tư mọc lên giữa Thủ đô?
Đây là hạt sạn trong thời kỳ chuyển đổi,
kinh tế phát triển. Nhìn vào những tấm biển phá thai, hút thai, trưng
đầy đường, trước khi xét tới chủ nhân của chúng, chúng ta phải thấy một
thực tế là có cung mới có cầu.
Hiện nay, đạo đức con người đang đi theo
một hướng khác, quan niệm về việc trai gái chót có thai với nhau, rồi
phá cái thai đó đi, nếu ngày xưa là tội tày đính thì họ lại thấy hoàn
toàn bình thường. Xã hội tự do hơn nhưng đường đi, nước bước về đạo đức
lại chưa xác định được.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ trân
trọng bào thai - đó là một đứa trẻ đã được hình thành, xem như một con
người. Phá thai là giết chết một đứa hài nhi, là hành động vô nhân đạo.
Nhưng ở nước ta thời nay, người ta không nhìn thấy vấn đề đó, trai gái
chỉ thích vui thú, rồi đến khi chót dại thì bỏ đi là xong, là nhẹ gánh.
Có thể nói, nhận thức của giới trẻ đang
bị lệch lạc nghiêm trọng. Giới trẻ Việt Nam đang luôn nghĩ đến bản thân
mình trước khi nghĩ đến cộng đồng mà không hể biết rằng, hành động phá
thai với việc đâm chém, giết người nó có cái gốc tương đồng.
Đứng ở khía cạnh tín ngưỡng, tôn giáo,
khi một cô gái có thai nghĩa là một sinh linh nhỏ bé đã được hình thành,
đã thành dạng con người nên việc nạo phá thai là hành động vô cùng tàn
ác, trừ những người phải bỏ cái thai đi vì điều kiện bắt buộc như sức
khỏe của bà mẹ không cho phép…
|
GS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền |
Những người mang việc làm được xem là nhẫn tâm ra quảng cáo, trưng biển đầy đường như một dịch vụ kiếm tiền thì sao?
Tôi cho rằng, cùng một hành động như
vậy, nhưng có thể trong nhận thức của một số người, việc làm này là nhân
đạo, mang ý nghĩa tốt lành - giúp cho những chàng trai, cô gái, cứu lấy
danh dự.
Nhân đạo có hai khía cạnh là nhân đạo
hình thức và nhân đạo sâu xa thì ở trường hợp này, chỉ dừng lại ở nhân
đạo hình thức, nghĩa là nhận thức của những bà y tá, ông bác sĩ cho
rằng, mình đang làm việc tốt chỉ đến được tầm đó, trong một chừng mực
nào đó.
Tuy nhiên, cũng có những người họ trưng
những biển “phá thai, hút thai” ra đường với mục đích thu hút khách, coi
việc làm đó là một dịch vụ để họ kiếm tiền, chỉ nghĩ về đồng tiền thì
họ đã mất hẳn những quan niệm về đạo đức con người. Những đồng tiền kiếm
được như vậy tanh hôi lắm.
Theo ông, phải làm thế nào để xoay chuyển được nhận thức của một bộ phận lớn giới trẻ về việc nạo phá thai hiện nay?
Theo tôi, làm gì cũng cần có giáo dục.
Nếu không có giáo dục sẽ như cỏ cây muôn loài, muốn phát triển, mọc
xiên, mọc xẹo thế nào cũng được và dẫn đến sai lầm về nhận thức, hành
động.
Ta phải giáo dục con trẻ từ khi chúng
biết nhận thức, dạy chúng thấm nhuần về đạo đức, về tình yêu thương con
người. Phải dạy chúng biết cách yêu thương từ những thứ nhỏ nhất tới
người thân trong gia đình rồi chúng mới biết yêu thương ra ngoài xã hội.
Khi đứa trẻ được giáo dục đầy đủ như vậy
rồi thì tôi tin chắc, đến khi lớn lên, sẽ từ bỏ được cái tàn ác mà
thiện lương hơn, sống có trách nhiệm hơn. Những hài nhi vô tội sẽ không
chết đi một cách oan uổng.
Liệu chăng chúng ta nên có một chế tài về vấn đề này giống như một số quốc gia trên thế giới?
Cái này khó lắm. Một số bang bên Mỹ hay
một số nước khác, phá thai là cái tội lớn, họ cấm tuyệt đối. Nhưng
trong hoàn cảnh thực tế của đất nước ta hiện nay, đặt ra chế tài thì dễ
nhưng liệu có thực hiện đươc hay không mới là vấn đề.
Nhưng muốn chế tài gì thì chế tài vẫn
phải có bệ đỡ là truyền thống để tạo cho họ cái nhìn quen với chế tài
đó. Do vậy, điều quan trọng hiện nay vẫn là cần giáo dục đạo đức, lòng
yêu thương từ gốc rễ. Cuộc đời này, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tôi
cho rằng chế tài lớn nhất là ở lòng người mà ra.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Đan - Theo KTO