Viện chủ Chùa Cổ Lâm, chúng
tôi rất hoan hỷ đến đây để thuyết trình và tham dự buổi hội thảo tôn
giáo tại Đại học này do các vị Giáo sư tổ chức. Những người nói chuyện
chính tối hôm nay là Thượng tọa Nguyên Kim, Linh Mục Thành, Hướng đạo
viên Sơn, và thầy Trừng Sỹ.
Đề tài của tôi thuyết trình ở đây là “làm thế nào trở thành những người tốt trong gia đình.”[2]
Như quý vị biết gia đình là một tế bào của xã hội,
là ngôi trường giáo dục đầu tiên của xã hội, là nền tảng căn bản và vững
chãi giáo dục về thương yêu. Trong gia đình, cha mẹ đóng vai trò giáo
sư rất quan trọng trong việc dạy dỗ về thương yêu, an lạc và hạnh phúc.
Con cái là những sinh viên học về thương yêu, an vui và hạnh phúc.
Thương cha, thương mẹ, hay thương con cái của mình, trước hết, chúng ta phải có mặt đích thực ngay bây giờ và ở đây cho
người thương của chúng ta. Có mặt ngay bây giờ và ở đây để chúng ta có
thể lắng nghe những gì người thương của chúng ta nói. Người ấy nói điều
gì tốt chúng ta học để duy trì và phát triển; điều gì không tốt chúng ta
không học và loại trừ. Những điều mà chúng ta muốn đề cập ở đây là ái ngữ và lắng nghe.
Nếu cha mẹ nói thương con, nhưng họ không có ở nhà, họ không có mặt bây
giờ và ở đây, họ luôn bận rộn công việc làm ăn, họ không có thời gian
rảnh để chơi với con, để ăn, uống, ngủ, nghỉ với con, và chăm sóc con
cái họ.
Do đó, theo tác giả, một ngày một đêm 24 giờ đồng hồ, chúng ta nên
dành thời gian rảnh ít nhất 2 giờ, một giờ cho buổi sáng và một giờ cho
buổi tối để chăm lo việc học hành, ăn, uống, ngủ, nghỉ và đời sống con
cái. Chúng ta hướng dẫn con cái và thực tập được như vậy, thì con cái
của chúng ta có thể dễ dàng trở thành những thành viên tốt trong gia
đình, sinh viên tốt ở nhà trường, và công nhân hay viên chức ở xa hội.
Tuy nhiên, muốn dạy dỗ con cái cho tốt, thì chúng ta phải là người vợ
hoặc người chồng gương mẫu sống đời sống chánh niệm và tỉnh giác bằng
cách áp dụng và thực tập ái ngữ và lắng nghe
trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Khi người vợ nói điều gì giận,
người chồng phải thực tập hạnh lắng nghe với tâm không thành kiến, không
phản ứng và không phán xét. Đợi người vợ nói xong, thì lúc đó, người
chồng mới bắt đầu nói một cách khéo léo và uyển chuyển. Ngược lại, khi
người chồng giận, người vợ cũng thực tập lắng nghe sâu những gì người
chồng nói. Đợi người chồng nói xong, thì người vợ mới bắt đầu tâm sự và
chia sẻ những điều đúng, sai, hạnh phúc hay không hạnh phúc.
Song, qua quá trình thực tập ái ngữ và lắng nghe,
đôi lúc nói lớn tiếng, người vợ cũng trả lời lại khi người chồng đang
nói, và ngược lại, người chồng cũng trả lời lại trong khi người vợ đang
nói, nhưng cả hai người điều biết hành động trả lời của mình là không
hoặc thiếu ái ngữ. Ở điểm này, người có tu tập khác hơn người chưa có tu
tập. Ban đầu người chồng giận và nói điều gì đó bất hòa, người vợ cố
gắng lắng nghe những gì người chồng nói khoảng 20 phần trăm, dần dần 40,
60, 80, và 100%.
Tu tập là quá trình chuyển hóa; chuyển hóa không lắng nghe thành lắng
nghe, chuyển hóa cái giận thành cái vui, chuyển hóa cái bực bội, khổ
đau thành an vui và hạnh phúc; hạnh phúc cho mình và cho người thân
người thương trong gia đình của mình. Chúng ta biết rằng ái ngữ và lắng nghe là các hạnh thực tập của đức Mẹ hiền Quán Thế Âm.[3] Người nào thực tập được hạnh ái ngữ và lắng nghe
thì người đó có thể gặt hái được hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực
cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện
tại.
Một điều nữa là, khi nói một điều gì, người vợ hoặc người chồng phải
nói đúng lúc, đúng nơi, và đúng đối tượng, thì lời nói của mình trở nên
giá trị. Trong gia đình, người vợ và người chồng thực tập được như vậy,
thì họ hạnh phúc, gia đình họ hạnh phúc và con cái của họ cũng được
hạnh phúc. Chúng ta nên nhớ rằng hạnh phúc của người vợ chính là hạnh
phúc của người chồng, và ngược lại, bất hạnh của người chồng chính là
bất hạnh của người vợ và của con cái. Chúng ta hiểu và thực tập được như
vậy, thì gia đình ta hạnh phúc, chúng ta và con cái của chúng ta cảm
thấy an vui.
Kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc!
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe và theo dõi!
[1] Đề tài này thuyết trình tại Đại học Seattle, phòng Bannan 102, 901 12th Avenue, Seattle, WA 98122- 1090. See http://www.seattleu.edu/
[2] Đề tài này chỉ được phép trình bày khoảng 15 phút.
[3] Vị Bồ tát này có khả năng lắng nghe tiếng kêu khóc của chúng sanh để cứu giúp.