Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
"Không ít người coi đi tu là một nghề kiếm sống béo bở"
Minh Thạnh (điểm sách)
22/08/2012 08:55 (GMT+7)




Đây là một bài điểm sách, không phải là một bài giới thiệu sách. Chúng tôi không có ý muốn giới thiệu quyển “Cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay (qua một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ)” của Tiến sĩ Vũ Minh Tuyên, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010, vì trong sách có nhiều luận điểm mà chúng tôi không thể chia sẻ.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà không có những ghi nhận về đóng góp của quyển sách đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Từ điểm nhìn bên ngoài Phật giáo, việc tìm hiểu của tác giả tương đối bao quát. Bên cạnh một số quan điểm có phần chủ quan, phiến diện, chưa thể nhất trí, tác giả cũng có một số nhận xét khá khách quan, xác đáng. Vì vậy, quyển “Cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay (qua một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ)” là sự đan xen những cái nhìn tích cực và tiêu cực đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Giữa những nhận xét như vậy, chúng tôi xin chọn ghi lại ở đây một số nhận xét mà chúng tôi thấy cần chuyển tải đến với bạn đọc (dù có thể có chỗ chưa nhất trí, như quan điểm xem việc đi tu là một “nghề”). Chúng tôi nghĩ rằng, dù sao, quyển sách vẫn là có ích cho giới Phật giáo chúng ta. Nó gợi cho chúng ta những vấn đề cần suy nghĩ, cần có giải pháp. Nó cũng giúp cho chúng ta thấy những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển của Phật giáo, với cái nhìn từ một người bên ngoài.

Trước tiên, là vấn đề liên hệ để liên hệ đến Phật tử và việc cầu cúng: “Thế nhưng phần lớn những người đi chùa ngày nay ở các địa phương trên lại không biết đến thế giới quan và nhân sinh quan sâu xa đó của đạo Phật. Họ không biết sử dụng những yếu tố hợp lý của Phật giáo để làm lợi cho mình, cho người, cho nhà, cho nước. Không những thế họ phụng sự Phật chỉ để cầu may, giải hạn. Trong số không ít các chùa ở đây, bên cạnh việc tụng kinh niệm Phật, còn có việc xin thẻ, lấy số tử vi, đồng bóng v.v…

Thậm chí có  người đi chùa là để mong Phật che chở cho hành vi sai trái của mình, như khấn vái trước bàn thờ Phật, mong Phật làm cho công an, thuế vụ “có mắt như mù, có tai như điếc, có đầu như không” để cho việc làm ăn buôn bán phi pháp nào đó của mình được trót lọt, được “trúng quả”…

Một số nơi lại còn “hành chính hóa” nhà chùa gây trở ngại cho nhu cầu lễ bái sớm tối của dân. Ngay bản thân một số tăng ni ở Hải Dương, Bắc Ninh còn mặc cả tiền nong với gia chủ trong các công việc lễ bái, cầu cúng. Hoặc có khi gia chủ chỉ mời một vị sư tới độ niệm, hoặc cầu cúng tại gia, thì không ít những vị sư đó lại tự ý rủ thêm vài ba nhà sư nữa đến cùng cúng lễ gọi là cho “thêm phúc” làm tăng thêm sự tốn kém cho gia chủ. Thể hiện sự sa sút phẩm hạnh của một số tăng ni, lấy Phật pháp phục vụ cho mục đích làm kinh tế của họ…

Những việc làm đó chỉ là sự hạ thấp Phật pháp, làm mất đi vẻ thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam.

Trong sinh hoạt của Phật giáo ở các địa phương trên hiện nay xuất hiện một số vấn đề thế giới quan và nhân sinh quan, nhưng cũng gây ra sự ngộ nhận, nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ gây ra những trở ngại cho sinh hoạt trong Phật giáo cũng như trong xã hội nói chung.”

Bên cạnh vấn đề từ Phật tử, từ việc đi chùa, cầu nguyện, việc độ niệm… được ghi nhận ở trên, quyển sách còn có một số ghi nhận liên hệ đến động cơ tu hành. Tuy không nhất trí với tác giả ở việc coi đi tu là một “nghề”, nhưng xét thấy nhận định trong sách cũng phản ánh một số vấn đề đi kèm với việc xuất gia, nên chúng tôi xin phép được dẫn lại ở đây  (trang 98 - 100).

Xin nhấn mạnh, điểm chủ yếu cần rút ra là vấn đề mà tác giả phát hiện, không phải là kết luận của tác giả. Dù sao thì kết luận của tác giả cũng làm cho bạn đọc Phật tử chúng ta suy nghĩ.

Vì sao mà tác giả lại đi đến mức coi “đi tu là một nghề để hành đạo, để mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình không những ở hiện tại, mà chủ yếu cho tương lai”:

“Giải quyết công ăn việc làm trong cơ chế thị trường hiện nay cũng đang là vấn đề gay gắt trong xã hội, cũng như trong mỗi gia đình. Cả nước “hiện còn 2,4 triệu người thất nghiệp; 6 triệu lao động ở nông thôn thiếu việc làm; mỗi năm thêm 1,2 triệu đến 1,5 triệu người đến tuổi lao động. Đó là sức ép khá căng thẳng và bức xúc”.

Xuất phát từ đó, một số người hiện nay đã coi đi tu cũng là một nghề. Từ thực tế của đại đa số thanh niên hiện nay, kiếm được công ăn việc làm ổn định (nhất là đối với vùng nông thôn) là cả một sự khó khăn, vất vả. Trong khi đó, việc đi tu lại quá giản đơn (xét về mặt điều kiện thủ tục); không phân biệt tuổi tác, chẳng cần trình độ học vấn cao, thấp, sức khỏe thế nào, v.v… Chỉ cần người đó tự nguyện đi theo giới luật của Phật với những thủ tục hành chính đơn giản, thì cửa chùa luôn sẵn sàng rộng mở với họ.

Đương nhiên, đối với những người đi tu chân chính giữ nghiêm giới luật của Phật thì quả là sự “khổ luyện” phi thường chẳng phải là dễ dàng gì so với những công việc khác.

Qua thực tế của những vị tăng ni hiện tại, chỉ cần đi tu dăm bảy năm chuyên cần thì thường là đã có chùa cảnh riêng, làm chủ một lượng tài sản không nhỏ, thường xuyên có các vãi và lâu hơn nữa là đã có tiểu giúp việc.

Đối với các nhà sư dù ít hay nhiều tuổi vẫn thường được nhiều người trọng vọng và kính nể. Nhiều chùa cảnh giàu có, tăng ni lại có các phương tiện nghe nhìn hiện đại (điện thoại, tivi…), xe máy đời mới, rất nhiều nhà chùa có xe ô tô con, thậm chí có cả xe ô tô sang trọng đắt tiền.

Càng kích thích nhiều người quyết chí đi tu, trong đó cũng có không ít người coi đi tu là một nghề kiếm sống béo bở.

Xu hướng coi đi tu là một nghề kiếm sống đã định hình, từ đó xuất hiện nhiều người, với nhiều hoàn cảnh khác nhau cùng tìm đến chốn cửa chùa để được nương thân.

Cũng có một số trường hợp, sau khi đi tu được vài năm lại đưa người thân đến sinh sống ở chùa, coi chùa như là gia thất riêng của họ. Đáng chú ý là ở một số tăng ni trẻ đã bộc lộ ý định đi tu một thời gian “kiếm vốn” để sau này “hoàn tục” làm ăn.

Họ thường là những người hay phạm giới, những người này tham gia vào giới tăng ni chỉ làm ô danh nơi cửa Phật.

Tuy nhiên, bản thân đức Phật trước đây cũng đã từng xác định: đi tu cũng có dăm bảy đường, chân tu cũng cũng có mà giả tu cũng nhiều. Trong kinh sách của Phật hãy còn ghi, có kẻ “nghịch đồ” như Đề Bà Đạt Đa (De vadatta) lại còn muốn cướp đi mạng sống của Phật! Hiện thực số người tu hành ngày nay cũng thật là đa dạng.

Từ thực tế tình hình Phật giáo ở các địa phương trên, đối chiếu với từ điển tiếng Việt đã ghi: “Nghề: công việc chuyên làm theo sự phân công lao động của xã hội”, hoặc “Nghề: công việc hàng ngày làm để sinh nhai” đã đến lúc xã hội ta nên thừa nhận: đi tu cũng là một nghề và từ đó mà có chế độ, chính sách đối với người tu hành cho phù hợp.

Bởi vậy, có thể nói đi tu là một nghề để hành đạo, để mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình không những ở hiện tại, mà chủ yếu cho tương lai.”.

Sách “Cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay (qua một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ)”cũng dành sự chú ý đến việc đối xử với Phật giáo không đúng với chính sách chung của một số cán bộ địa phương, coi đây như một vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện đại (trang 207 – 208):

Đường lối chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay là nhất quán. Tiếc rằng mấy thập kỷ vừa qua có một số địa phương, chính quyền nơi này, nơi khác có những việc làm không đúng thậm chí trái ngược hẳn với chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước.

Một số cán bộ có thái độ mặc cảm, thờ ơ, nghi kỵ, hẹp hòi dẫn đến hành vi vùi dập, xúc phạm thô bạo đến niềm tin tôn giáo, có cả những hành vi áp đặt, cưỡng bức thiếu văn hóa như phá phách đình chùa, đền điện, đốt phá tượng Phật, vật thờ cúng…, hoặc ngăn cản bà con sinh hoạt tôn giáo bình thường.

Ngày nay vẫn còn một số cán bộ cho rằng đi lễ bái ở đền, chùa vào các ngày rằm mồng một, hoặc các dịp lễ hội hè là mê tín dị đoan.

Có nơi cấm đoán việc lập các Hội quy, Hội vãi. Thậm chí có nơi còn cấm đoán sửa chữa nơi thờ cúng, hành lễ đã bị hư hỏng, dột nát…

Những thái độ và việc làm sai lệch đó có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó trước hết cần đề cập đến nguyên nhân chủ quan, đó là trình độ nhận thức non kém, ấu trĩ về vấn đề tôn giáo, thái độ hẹp hòi, thành kiến, mặc cảm với người có niềm tin Phật giáo ở một số người.

Không ít người hiểu phiến diện luận điểm nổi tiếng mà Mác đã đề cập trong lời nói đầu của tác phẩm Phê phán triết học Pháp quyền của Heghen: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Họ coi tôn giáo là thứ ma túy đầu độc tinh thần quần chúng, một hiện tượng xã hội hoàn toàn tiêu cực, xa lạ và đối lập với xã hội chủ nghĩa, mà không thấy những yếu tố hợp lý của Phật giáo cần bảo lưu, kế thừa như những giá trị tinh hoa của nhân loại.

Từ nhận thức ấy dẫn đến hành động “tả khuynh” muốn “truy kích Thượng đế”; “tuyên chiến” với tôn giáo mà Ăngghen và Lênin đã từng phê phán.

Về những vấn đề trên, hơn lúc nào hết chúng ta nên giáo dục và quán triệt sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải thực sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.

Sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng ấy phải được thể hiện bằng hành động cụ thể là bảo vệ các cơ sở vật chất và tôn trọng các nghi lễ của Phật giáo. Góp phần làm cho Phật giáo luôn gắn bó cùng với dân tộc, tạo ra sức mạnh đoàn kết để góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.”

Quyển sách có những nhận định tích cực, tiêu cực lẫn lộn đối với Phật giáo, nhưng kết quả của quyển sách về việc cần thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo là tích cực, xác đáng:

Như vậy, Phật giáo nước ta hiện nay chính là sự tiếp biến của Phật giáo Việt Nam gần hai ngàn năm – với tư cách là dòng chảy liên tục của lịch sử. Dòng chảy đó là cơ duyên tồn tại quá khứ mang mạch sống cội nguồn của Phật giáo Việt Nam, vì như “cây bồ đề” cổ thụ đã mấy ngàn năm mà cành lá vẫn xum xuê tươi tốt lạ thường. Nhưng đó không phải là cây “trường sinh bất tử” như nhiều người lầm tưởng.

Trái lại, “cây bồ đề” cổ thụ ấy sẽ trở nên cằn cỗi, khô héo và lụi tàn, nếu như người ta cắt bỏ mọi nguồn nuôi dưỡng nó từ trong cơ duyên hiện thực.

Với ba cơ duyên hiện thực từ cơ duyên kinh tế - xã hội đến cơ duyên nhận thức, cho tới cơ duyên tâm lý xã hội nảy sinh trong công cuộc đổi mới hiện nay, thông qua thực tiễn nước ta hiện nay nói chung, và ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ nói riêng đã tạo nên tính muôn vẻ và toàn diện của những con đường dẫn đến niềm tin Phật giáo của các tín đồ Phật tử và những người có cảm tình với Phật giáo Việt Nam.

Những cơ duyên ấy, chúng không tồn tại một cách tách rời, cô lập nhau mà trái lại, chúng luôn tác động, liên hệ và ràng buộc, thúc đẩy nhau, tạo tiền đề cho nhau cùng tồn tại.

Điều đó làm cho Phật giáo Việt Nam hiện nay chẳng những tồn tại, mà còn tồn tại trong sự phát triển mang tính tất yếu khách quan.

Kết hợp toàn bộ cơ duyên tồn tại quá khứ và cơ duyên tồn tại hiện thực của Phật giáo Việt Nam lại với nhau một cách biện chứng làm nên cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Từ việc nghiên cứu cơ duyên tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam hiện nay một cách toàn diện ta hoàn toàn có cơ sở lý luận khoa học và cơ sở thực tiễn để đi đến kết luận rằng:

 -    Phật giáo tồn tại và phát triển ở nước ta hiện nay là một tất yếu khách quan.

 -    Phật giáo có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta.

Bởi vậy, chúng ta cần phải có quan điểm và thái độ thực sự khoa học đối với tôn giáo này. Điều đó phải được thể hiện một cách sinh động và thiết thực trong hệ thống chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.”

Các tin đã đăng:
Về đầu trang