GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC NHÂN CÁCH
CHO GIỚI TRẺ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Kính bạch Chư tôn Hòa thượng chứng minh,
Kính bạch Chư Tôn đức Tăng Ni,
Kính thưa Ban Tổ chức,
Kính thưa các vị Đại biểu Chính quyền các cấp,
Kính thưa toàn thể Hội nghị
Thế
giới ngày nay đang lâm vào những nguy hiểm trầm trọng, ô nhiễm môi
trường, chiến tranh với các tệ nạn xã hội… Tuy nhiên có một mối ô nhiễm
nguy hiểm còn tồi tệ hơn, to lớn hơn đó chính là ô nhiễm tâm linh. Đây
chính là nguồn gốc của tệ nạn xã hội đang diễn ra thầm lặng nhưng tác
hại vô cùng đến đời sống con người mà mấy ai quan tâm để giải quyết.
Lâu
nay nền giáo dục được coi là nền móng của xã hội hòa bình và thịnh
vượng. Giáo dục sẽ giúp cho chúng ta cách chữa trị những vết đau cho xã
hội và sẽ hướng dẫn cách chuyển khổ đau thành phúc lạc cho mỗi người đặc
biệt là tuổi trẻ. Nếu như chúng ta biết quan tâm và chọn ra những hướng
giáo dục đúng đắn.
I. Vai trò trách nhiệm của Gia đình Phật tử trong tình hình hiện nay
Tổ
chức Gia đình Phật tử là một tổ chức tự nguyện với nhận thức đúng đắn
về giáo lý của Đức Phật, về bổn phận của người Phật tử tại gia. Trong
tâm nguyện phụng đạo yêu nước được tổ chức cách đây 62 năm, màu áo lam
mà Gia đình Phật tử được thử thách biết bao biến cố của dòng lịch sử
song màu áo này đâu có dễ dàng phai được với phương châm mục đích là đào
tạo thanh thiếu niên trở thành người Phật tử chơn chính gắn liền thiết
thực tinh thần đạo pháp và dân tộc. Song đứng trước nhiều nghịch cảnh
của xã hội nói chung đặc biệt là nền kinh tế thị trường luôn luôn biến
động lòng người lấy giá trị đồng tiền làm thước đo cho bản thân, phần
nào có bị mai một về đời sống tâm linh chảy đua theo nghịch cảnh đó.
Thanh
niên Gia đình Phật tử cũng là một công dân của xã hội, hằng ngày họ
phải tự làm kinh tế để nuôi sống bản thân và gia đình, nếu như không
chen lấn để tìm kiếm cuộc sống hằng ngày thì làm sao có đời sống ổn định
cho việc thu phục nhân tâm đối với giới trẻ thanh thiếu niên. Đó là nỗi
khó khăn lớn nhất mà hiện nay thành viên Gia đình Phật tử (các cấp
Huynh trưởng) đang rơi vào tình trạng kinh tế gia đình quá eo hẹp. Nhưng
vì tâm nguyện, vì nguồn đam mê với màu áo mà các bậc Huynh trưởng phải
chịu sự hy sinh tự thân để trưởng dưỡng đời sống tâm linh.
Khó
khăn thứ 2, thanh thiếu niên trong tình hình hiện nay nói chung là tuổi
trẻ mấy ai chú ý đến đời sống tâm linh mà đa phần giới trẻ hiện nay thì
chỉ biết học kiến thức ngoài đời để đua chen với vật chất, quyền lực,
tiền bạc và danh vọng. Nhưng sự thật tiền, quyền, danh lợi sẽ đưa họ đến
hạnh phúc thật sự hay không? Từ chỗ nhận thức chưa sâu sắc nên họ bị
rơi vào các tệ nạn xã hội ngày càng đông mà thanh thiếu niên về chùa
tham gia sinh hoạt còn hạn chế.
Khó khăn thứ 3, các Gia đình Phật
tử đang nằm trong tình trạng chưa gắn liền với cư sĩ Phật tử đó là Đạo
tràng. Cho nên dẫn đến sự phối kết hợp hoạt động đang có nhiều hạn chế.
Vị trụ trì chưa thực sự quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật
chất của Gia đình Phật tử. Mặc dù sự khó khăn về vật chất lần tinh thần
của Gia đình Phật tử mà chúng ta đang gặp ...
Bên cạnh đó cũng có được nhiều thuận lợi đáng kể:
-
Sự sẵn sàng hy sinh tự thân của Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử vô cùng
lớn lao, không quản tuổi cao sức yếu, xa xôi nhưng ở đâu có tổ chức sinh
hoạt trại hè hoặc trại huấn luyện thì mấy cụ Huynh trưởng trên thất
thập vẫn làm đến thức trắng đêm để nhắc nhở động viên các bác Huynh
trưởng trẻ và đoàn sinh nhỏ .Về xã hội thì có sự bất cập đó là độ tuổi
của các ban huấn luyện xứng đáng là bậc ông nội của các đoàn sinh nhưng
sự ân cần cưu mang của các vị này đầy trách nhiệm.
- Giáo hội
luôn quan tâm về đời sống tinh thần, động viên sách tấn để các bậc Huynh
trưởng có động cơ đúng đắn để hổ trợ cùng Giáo hội để xây dựng Gia đình
Phật tử ngày một vững vàng hơn. Đứng trước nghịch cảnh của xã hội, tuổi
trẻ đa số bị mai một về đạo đức, lối sống và định hướng tương lai. Vậy
thì Gia đình Phật tử Việt Nam nói chung và gia đình Phật tử tỉnh Bà Rịa -
Vũng Tàu nói riêng phải xác định đúng đắn về động cơ, lý tưởng và hoài
bão của mình để tập hợp thanh thiếu niên vào sinh hoạt ngày cành đông,
xây dựng thêm nhiều gia đình mới. Ở đâu có chùa, có đạo tràng thì ở đó
có Gia đình Phật tử, phải gắn kết với đạo tràng và vị trụ trì. Trách
nhiệm ở đây không những ở các bậc Huynh trưởng mà trác nhiệm lớn nhất
vẫn là các vị Trụ trì đều phải thật sự quan tâm và Bác gia trưởng song
song với chúng đạo tràng, con cháu của các đạo hữu Phật tử phải làm
gương trước chúng. Lâu nay chúng ta hầu như đang có phần thờ ơ trước
trách nhiệm này, cha mẹ, ông bà là Phật tử trung thành nhưng con cháu
lại xa rời Gia đình Phật tử. Muốn Phật hóa gia đình, muốn đời sống tâm
linh của con cháu ổn định thì các đạo tràng phải thực sự quan tâm. Chẳng
những quan tâm về tinh thần mà phải hy sinh về vật chất để cho con em
chúng ta đi vào hoạt động. Ở các tỉnh phía Bắc hiện nay vai trò Gia đình
Phật tử còn yếu và thiếu. Vùng Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi em học sinh 3 tháng
hè chỉ gửi vào trong quân đội 10 ngày cho tập, học, thiếu sinh quân
phải đóng góp 3 triệu đồng nhưng phía quân đội họ lại gửi vào chùa mất 4
ngày để tu học. Như vậy con em đoàn sinh đi vào chùa tu học sân chơi
lành mạnh mà cân đối số lượng thanh thiếu niên ngoài xã hội với con em
đoàn sinh còn quá bất cập.
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa Quí liệt vị,
Trong
tình hình hiện nay nền giáo dục xã hội chỉ coi trọng việc truyền dạy và
sức phát huy những chuyên môn chi tiết mà không song hành con đường đạo
đức, chân lý của cuộc sống. Như vậy chỉ là phương diện bên ngoài chứ
chưa phải là gốc rễ của giáo dục, không có gốc rễ thì nền giáo dục vô
tình thúc đẩy con người đua đòi trong phát minh, trong khám phá của tham
dục. Lợi bất cập hại cho một xã hội giàu có trong sự vị kỷ manh động,
tàn ác và tư lợi.
Phật giáo là một hệ thống giáo dục của Đức Phật
Thích Ca. Mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo là đạt tới trí tuệ vì nó
là yếu tố quyết định trong chân tính con người chứ không phải là cái gì
bên ngoài để người ta đắc thú. 62 năm qua Gia đình Phật tử Việt Nam luôn
luôn gắn kết với dân tộc, với sứ mệnh cao cả là giáo dục đời sống tâm
linh cho giới trẻ có đức tin với giáo lý của Đức Phật giúp chúng ta nhận
ra trí tuệ nội tại hoàn hảo và vô thường của mình. Sự hy sinh của Gia
đình Phật tử không mưu cầu về tư lợi bất cứ điều gì mà họ chỉ có một
tham vọng hy sinh tự kỷ đạt tới Chân - Thiện - Mỹ mà những bè bạn đồng
sự hay con em thanh thiếu niên biết hồi tâm hướng thiện vun bồi cho thế
hệ trẻ có năng lực Bi – Trí – Dũng và đức hạnh là việc làm có ý nghĩa và
giá trị trong xã hội.
II. Những đề xuất kiến nghị
- Gia đình
Phật tử là đứa con nằm trong lòng của Giáo hội. Vậy thì tất cả Chư Tôn
đức Tăng Ni và các cấp Giáo hội nói chung phải có trách nhiệm thực sự
trong công tác này.
- Về trách nhiệm các cơ sở thờ tự phải tạo
điều kiện hết sức cho Gia đình Phật tử có Đoàn quán, có thư viện riêng
để có họ có phương tiện trong lĩnh vực sinh hoạt.
- Các đạo tràng phải có chủ đề vận động con cháu về học tập giáo lý, tham gia vào gia đình Phật tử theo từng cấp bậc.
-
Hiện nay Gia đình Phât tử đang sinh hoạt theo 2 tổ chức riêng đó là Gia
đình Phật tử truyền thống và Gia đình Phật tử Phân ban, vấn đề này kiến
nghị Giáo hội các cấp nên có giải pháp mới Ban Hướng dẫn Gia đình Phật
tử Trung ương để hợp nhất với nhau, để tạo thêm sức mạnh, giáo lý của
Đức Phật thì không phân biệt mà hiện nay Gia đình Phật tử lại có 2 luồng
tư tưởng khác nhau.
- Các vị trụ trì là thành viên của Giáo hội
các cấp mà cố vấn giáo hạnh cho Gia đình Phật tử ngoài tổ chức điều này
nên xét lại vì trách nhiệm của tự thân đối với Giáo hội.
- Thường
trực Ban Trị sự và Ban Hướng dẫn cư sĩ Phật tử cần có một giải pháp tạo
kinh phí hỗ trợ cho Gia đình Phật tử trong sinh hoạt.
- Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử phải thực sự quan tâm đến các Huynh trưởng về mặt đạo đức lối sống để làm gương cho đoàn sinh.
-
Trong dịp hè Ban Hướng dẫn cần đặt vấn đề với tổ chức thanh thiếu niên
các địa phương và Ban giám hiệu nhà trường để tập hợp thanh thiếu niên
trong các khóa tu mùa hè. Vấn đề này là trách nhiệm của các Trưởng ban
Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử các cơ sở phải nhiệt tâm và trách nhiệm.
- Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khóa sinh hoạt động trại hè tập trung.
III. Kết luận:
Gia
đình là tế bào của xã hội, Phật tử là con em của Giáo hội. Sở dĩ đạo
Phật lưu truyền 2000 trên đất Việt luôn luôn phát triển là vì giáo lý
của Đạo Phật đã thấm nhuần trong tâm hồn người Việt.
Từ thời
Đinh, Lê, Lý, Trần ngôi chùa không chỉ là nơi thể hiện tín ngưỡng của
người dân Việt mà có lúc đóng vai trò là ngôi trường dạy chữ cho con
dân. Đạo Phật có lúc đã trở thành Quốc giáo như dưới thời Lý, Trần nền
tảng đạo đức của xã hội được hun đúc từ giáo lý của Đức Phật. Trong điều
kiện hiện nay nếu như các trường học đưa vào các môn Hán học và Đạo đức
luân lý kết hợp với giáo dục công dân. Gia đình Phật tử được củng cố và
phát triển cả bề nổi lần chiều sâu thì xã hội chúng ta sẽ thăng hoa tốt
đẹp ngang tầm với thời đại.
Chúng tôi mong rằng Hội thảo Gia
đình Phật tử là cơ hội thức tỉnh và quy trách nhiệm cho toàn Giáo hội
trong sự nghiệp nuôi dưỡng đời sống đạo đức tâm linh của giới trẻ trong
tình hình hiện nay mà xã hội đang rất chú trọng. Đây là giá trị đích
thực của Phật giáo nói chung không chỉ tồn tại trong tư tưởng mà còn
đang hiện diện thông qua sự nỗ lực của hàng triệu Phật tử nhằm vươn tới
lẽ sống vì Tổ quốc giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc điều đó càng khẳng định
được vị trí và vai trò của Phật giáo trong suốt quá trình đồng hành
cùng dân tộc.
Cuối cùng thay mặt Thường trực Ban Trị sự Giáo hội
Phật giáo huyện Xuyên Mộc chúng con thành tâm kính chúc Chư Tôn đức pháp
thể khinh an chúng sanh dị độ.
Kính chúc quí vị Đại biểu an lành, hạnh phúc và thành đạt.
Kính chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin gửi đến lời chào quyết tâm và trách nhiệm.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
http://www.lieuquanhue.vn/ph%E1%BA%ADt-gi%C3%A1o-kh%E1%BA%AFp-n%C6%A1i/7338-gia-%C4%91%C3%ACnh-ph%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AD%2C-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-nh%C3%A2n-c%C3%A1ch-cho-gi%E1%BB%9Bi-tr%E1%BA%BB-trong-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-hi%E1%BB%87n-nay.html