Nhằm mục tiêu cổ động bạn
đọc là tăng ni Phật tử đọc quyển sách giá trị này, chúng tôi xin dẫn lại ở đây
lời giới thiệu sách của tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu
Tôn giáo – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, sau đó là tựa đề các bài viết của hai
tác giả Lê Tâm Đắc và Nguyễn Đại Đồng. Cuối cùng là một vài ý kiến nhỏ của
chúng tôi.
“Lời giới thiệu
Hai tác giả Lê Tâm Đắc
và Nguyễn Đại Đồng cùng nhau ra tập sách này vì nhiều “duyên lành” nên đã gặp
nhau ở cùng một chủ đề: các nhân vật và sự kiện của Phật giáo Việt Nam gần trọn
thế kỷ XX vừa trải qua, thế kỷ đầy ắp các sự kiện của dân tộc và của đạo Phật.
Các sự kiện của dân tộc
đã được làm sáng tỏ trong nhiều công trình dưới nhiều dạng ấn phẩm khác nhau.
Trong khi đó, rất ít bạn đọc có dịp tiếp xúc với các sự kiện và nhân vật của đạo
Phật ở thế kỷ này. Các nhà sư (xuất gia), các vị tu tại gia (cư sĩ), các trí thức
đương thời làm những công việc gì của đạo Phật, và thông qua công việc ấy mà
đóng góp những gì cho dân tộc đã được phác họa bởi hai tác giả này.
Ta tưởng các nhà sư chỉ
biết có tụng kinh và thủ thế, thế là ta nhầm. Ta tưởng đạo Phật đã suy yếu và bạc
nhược trầm trọng dưới ách thực dân Pháp, ta đã nhầm. Ta nghĩ rằng các vị trí thức
“Tây học” thì quên dân tộc, ta lại nhầm. Ta bảo đạo Phật chỉ “xuất thế”, không
“nhập thế”, ta đã chủ quan khinh xuất. Ta bảo đạo Phật yếm thế, ta lại càng chủ
quan, tự mãn. Ta bảo nhà sư ta chỉ biết việc trong nước, không biết việc ngoài
nước, thế là ta chỉ biết một. Vâng, xin mời độc giả hãy đọc cuốn sách này để biết
đạo Phật Việt Nam tồn tại cách đây chưa xa đã làm gì, làm thế nào và đạt được
thành tựu gì trong các biến chuyển mau lẹ của thời cuộc ở thế kỷ XX, thế kỷ mà
dân tộc ta đã đổ biết bao máu xương để giành lại độc lập, xây dựng đất nước phồn vinh.
Có được một đạo Phật Việt
Nam đầy sức sống như thế không thể chỉ là kết quả của thời cuộc ngắn ngủi, dù
cho có nỗ lực của bất cứ kỳ ai. Nó bắt nguồn từ truyền thống sâu xa của chính đạo
Phật Việt Nam ở thời Trung Quốc xâm chiếm gần 1.000 năm đã trợ giúp dân tộc, ở
thời đại tự chủ và độc lập bắt đầu từ thế kỷ X mở đầu bằng hai triều đại tuy ngắn
là Đinh và Tiền Lê, vụt lớn dưới triều Lý và triều Trần, trầm lắng nhưng lan tỏa
khắp đất nước dưới triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Một bề dày như thế ắt sẽ tạo
ra một đạo Phật đầy sức sống ở thế kỷ XX.
Tôi hân hạnh được hai
tác giả dành cho vinh dự viết đôi lời giới thiệu, trong lòng thấy ngưỡng mộ vì
đã cho bạn đọc ngày nay biết được một khoảnh khắc và không gian mà đạo Phật Việt
Nam đã từng tồn tại mới đây.
Là người có ít nhiều thời
gian nghiên cứu đạo Phật Việt Nam, xin nhiệt liệt “tán thán” công sức của hai
tác giả đã giúp cho tôi và hàng hậu sinh, hậu thế biết thêm về đạo Phật Việt
Nam. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ được bạn đọc trân quý và đón nhận.
Hà Nội, những ngày vào
Hè năm Quý Tỵ
TS. Nguyễn Quốc Tuấn - Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam”
Sách “Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX – Nhân vật và sự
kiện” được chia làm 2 phần:
Phần thứ nhất: Nhân vật
và sự kiện Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1900-1954, gồm các bài:
-
Những người đầu tiên khởi xướng phong
trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam – Nguyễn Đại Đồng.
-
Sư Tâm Lai và việc vận động chấn hưng Phật
giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX – Nguyễn Đại Đồng, Lê Tâm Đắc.
-
Hòa thượng Thích Trí Hải và quá trình vận
động chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc giai đoạn 1924-1934 – Lê Tâm Đắc.
-
Những tờ báo đầu tiên của báo chí Phật
giáo Việt Nam – Nguyễn Đại Đồng.
-
Tổ Vĩnh Nghiêm trọn đời vì sự nghiệp
phát triển Phật giáo Việt Nam – Nguyễn Đại Đồng.
-
Thiện Chiếu: Nhà cải cách Phật giáo Việt
Nam nửa đầu thế kỷ XX – Nguyễn Đại Đồng.
-
Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940)
- Nguyễn Đại Đồng.
-
Hòa thượng Thích Trí Hải với sự cải cách
nơi thờ tự - Lê Tâm Đắc.
-
Tư tưởng Phật giáo nhân gian qua các trước
tác của Sa môn Trí Hải - Nguyễn Đại Đồng.
-
Một số đóng góp của Tổng đốc chí sĩ Nguyễn
Năng Quốc với phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc (1934-1945) – Lê Tâm Đắc,
Nguyễn Đại Đồng.
-
Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha với những đề xuất về
phương thức tu tập và sinh hoạt Tăng già – Lê Tâm Đắc.
-
Việc biện giải những hiểu lầm về Phật
giáo của Hội Phật giáo Bắc kỳ - Lê Tâm Đắc.
-
Hội Phật giáo Bắc Kỳ với việc đề cao
phương pháp tu tập Tịnh Độ - Lê Tâm Đắc.
-
Công tác giáo dục tăng ni ở Hội Phật
giáo Bắc kỳ - Lê Tâm Đắc.
-
“Ý kiến phụ nữ đối với Phật học” – Lê
Tâm Đắc.
-
Tổ chức Gia đình Phật tử ở miền Bắc -
Nguyễn Đại Đồng.
-
Hội Phật giáo Bắc kỳ với vấn đề vàng mã
– Lê Tâm Đắc.
-
Vài nét về chính quyền cách mạng với Phật
giáo (từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946) - Nguyễn Đại Đồng.
-
Đóng góp của Phật giáo miền Bắc với sự
nghiệp giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ XX – Lê Tâm Đắc.
-
Vai trò của phong trào chấn hưng Phật
giáo ở miền Bắc đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX – Lê Tâm
Đắc.
-
Chí nguyện chấn hưng Phật giáo của Hòa
thượng Tuệ Tạng - Nguyễn Đại Đồng.
-
Hòa thượng Tố Liên với sự thành lập Tổng
hội Phật giáo Việt Nam năm 1951 – Lê Tâm Đắc.
-
Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954)-
Nguyễn Đại Đồng.”
Phần thứ hai: Nhân vật
và sự kiện Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1955-2000, gồm các bài:
-
Hòa thượng Tố Liên: Người đặt nền móng
cho Phật giáo Việt Nam hội nhập với Phật giáo quốc tế - Nguyễn Đại Đồng.
-
Lễ trồng cây Bồ đề Bác Hồ tặng Hội Phật
giáo Thống nhất Việt Nam mùa xuân 1958 - Nguyễn Đại Đồng.
-
Hòa thượng Kim Cương Tử với vấn đề mê
tín trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam – Lê Tâm Đắc.
-
Nhìn lại tiến trình thống nhất Phật giáo
Việt Nam trong thế kỷ XX - Nguyễn Đại Đồng.
-
Lễ Thành hôn tại ngôi chùa ở Việt Nam: lịch
sử và hiện tại – Lê Tâm Đắc.
-
Đôi điều về hoạt động từ thiện xã hội của
Phật giáo Việt Nam hiện nay – Lê Tâm Đắc.
-
Giáo dục Phật giáo Việt Nam: lịch sử và
hiện trạng – Nguyễn Đại Đồng”.
Quyển
sách dành số trang tỷ lệ lớn để viết về nhân vật và sự kiện Phật giáo Việt Nam
giai đoạn 1900-1954. Đây là giai đoạn khởi phát và đi đến cao điểm của phong
trào chấn hưng Phật giáo. Vì vậy, cũng có thể coi đây là một quyển sách tập
trung nghiên cứu công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo
khía cạnh nhân vật và sự kiện.
Đi
liền với những nhân vật Phật giáo được quyển sách nghiên cứu là những giải
pháp, những nỗ lực cụ thể để chấn hưng Phật giáo. Đây là điểm bạn đọc cần lưu ý
vì nó rất hữu ích. Không chỉ có giá trị lịch sử, nhiều quan điểm, giải pháp vẫn
còn giá trị đối với việc củng cố, phát triển Phật giáo Việt Nam hiện đại. Những
nhân vật mà quyển sách nghiên cứu đều là những tấm gương lớn phục vụ Phật giáo
Việt Nam. Vì vậy, ngoài giá trị lịch sử, tư liệu, sách “Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX – Nhân vật và sự kiện” còn cung cấp
cho người đọc tư tưởng chỉ đạo, động lực, mô hình, việc khai triển hoạt động chấn
hưng Phật giáo, mà trong bối cảnh hiện nay, việc vận dụng vẫn là hết sức hữu
ích. Các vấn đề liên hệ đã được các tác giả xem xét khá toàn diện, từ vấn đề
giáo lý, nghi lễ, tổ chức đến giáo dục, tu tập, hoạt động thanh thiếu niên… Ở từng
vấn đề, người đọc đều có thể rút ra những giá trị thực tiễn. Do vậy, quyển sách
là tập bài giảng sống động và cụ thể về hoạt động chấn hưng Phật giáo.
Hiện
nay, Phật giáo có vẻ phát triển ở bề mặt, nhưng những vấn đề có từ đầu thế kỷ vẫn
là gánh nặng đối với Phật giáo, tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực. Bên cạnh
đó, hoạt động cải đạo đang gặm nhắm ngôi nhà Phật giáo. Để giữ đạo Phật và làm
cho đạo Phật phát triển, chấn hưng Phật giáo luôn là vấn đề nóng hổi. Vì vậy,
quyển sách là rất có ích đối với những người quan tâm đến tiền đồ đạo pháp hiện
nay.
MT