Và tôi đã
ngạc nhiên khi tiếp xúc với thơ và đọc nhiều bài viết của anh – nhà thơ
Đỗ Nghê (bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc). Con người thơ ấy sinh năm 1940, quê ở Hàm
Tân, Bình Thuận, đến với thơ khi còn là chàng trai 20.
Những trang viết của BS Đỗ Hồng Ngọc
luôn chứa nhiều triết lý và chất hóm hỉnh. Đặc biệt, với đề tài thể
nghiệm Phật giáo thì anh là một trong những người tài hoa trong cách thể
hiện! Và dù bận rất nhiều công việc, nhà thơ Đỗ Nghê cũng đã dành cho
Giai phẩm xuân Giác Ngộ những tâm tình về “an lạc thân tâm”.
1. Mùa xuân, người con Phật
hay chúc nhau câu “Chúc cho năm mới thân tâm thường an lạc”, câu chúc ấy
mang ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Đỗ Hồng Ngọc: Thì ý
nghĩa là mong cho “thân tâm thường an lạc” chứ còn như thế nào nữa! Lời
chúc có lẽ muốn nói rằng mong cho thân thì luôn luôn (thường) an mà tâm
thì luôn luôn lạc! Mà ta biết thân thì bất tịnh, tâm thì vô thường… Cho
nên lời chúc nhiều khi chỉ là lời chúc! Tuy vậy, ta cũng có thể biến lời
chúc thành sự thật được nếu ta biết cách. Một nhà báo phỏng vấn cụ già
trên 100 tuổi bí quyết sống trường thọ mà vui khỏe, cụ nói có bí quyết
gì đâu, chẳng qua sáng nào thức dậy tôi cũng tự hỏi mình hôm nay nên
sống ở Thiên đàng hay ở Địa ngục… rồi lưỡng lự một chút, tôi chọn Thiên
đàng!
2. Theo bác sĩ, như thế nào là thân an lạc?
BS ĐHN: Tố chức Sức
khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn
sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thân và xã hội, chớ không phải
chỉ là không có bệnh hay tật”. Như vậy dể “thân tâm thường an lạc” rõ
ràng phải gồm cả 3 yếu tố:Thể chất (physicsal), tâm thần (mental) và xã
hội (social)… an lac. Thân an lạc tức thể chất (physical) an và lạc. An
và lạc đây hiểu là một trang thái well-being. Ta đều biết thân là do “tứ
đại” hợp thành, thì sự hòa hợp của tứ đại rõ ràng là điều kiện để thân
an lạc. Cơ thể ta có chừng hơn chục ngàn tỷ tế bào hình thành, luôn luôn
biến dịch. Chẳng hạn hồng cầu trong máu, cứ ba tháng đã được thay thế
toàn bộ bằng lứa hồng cầu mới… Tôi hiểu “tứ đại” người xưa nói đây là
bốn nguyên tố chính: C, H, O, N (Carbon là lửa, Hydro là nước, Oxygen là gió,
và Nitrogen là đất)… hợp thành các proteine – cấu trúc tế bào và các
chất liệu sinh lý khác của sinh vật- cùng với rất nhiều các nguyên tố
khác như sắt, đồng, chì, kẽm, calci, phospho… trong cơ thể chúng ta. Các
chất đó tương tác, tương ứng qua lại với nhau và nếu chúng điều hoà
được thì ta sẽ “an lạc”, còn không thì ta bệnh. Chẳng hạn thiếu một loại
Viatmin thì ta sinh bệnh mà thừa nó cũng lại sinh bệnh, chớ không phải
cứ uống Vitamin càng nhiều càng tốt đâu! Thân bất tịnh nhưng lại tịnh
trong sự hòa hợp của “tứ đại” đó vậy! Nói khác đi, bảo nó vô thường mà
thiệt ra là… thường, vì nó luôn luôn phải thay đồi không ngừng như thế!
3. Và như thế nào là tâm an lạc?
BS ĐHN: Ôi, hỏi gì mà
khó quá! Nếu thân là “physical” thì tâm là “mental” trong định nghĩa nói
trên. Tâm vốn như khỉ như ngựa, an sao nổi! “Như như bất động” được thì
tâm mới an. Nhưng còn lâu. Ta sống trong một xã hội quay cuồng, điên
đảo, toàn cầu hóa, thế giới phẳng, tràn ngập thông tin… càng dễ làm cho
tâm bất an. Có thể nói thân (physical) là Tứ đại thì tâm (mental) chính
là “Ngũ uẩn”. Tôi cho rằng không nên tách “sắc” ra khỏi “tâm”. Có sắc
rồi mới có thọ, có thọ rồi mới có tưởng… phải vậy không? Vậy câu trả lời
là khi nhận ra được “Ngũ uẩn giai không”… thì tâm an lạc. Nhưng, làm
cách nào để nhận ra được cái “Không” đó?
4. Cần phải làm gì để có thân tâm an lạc ạ?
BS: Có hai điều phải
làm. Một là bản thân ta, hai là xã hội. Vì như đã nói, để có well-being
thì phải có đủ ba yếu tố : thể chất, tâm thần, và xã hội. Yếu tố xã hội
phải được quan tâm nhiều hơn vì nó tạo ra môi trường sống của ta. Bây
giờ ra đường kẹt xe, khói bụi mù trời, đi bộ trên lề đường cũng cảm thấy
bất an… thì sảng khoái sao nổi ? Bhutan, một xứ nhỏ ở chân núi Hy mã
lạp sơn đã có một chính sách bảo vệ môi trường thật tốt để mang lại hạnh
phúc cho người dân. Họ không đo đạc sự phát triển kinh tế bằng GNP, GDP
như các quốc gia khác mà đo bằng GNH (Gross National Happiness), tức
Tổng hạnh phúc quốc gia. Chạy theo phát triển kinh tế ào ạt mà phá hủy
tài nguyên môi trường là một trọng tội. Còn yếu tố bên trong mỗi người
thì đó là sự rèn luyện bản thân. Có một lời khuyên trong y học là SAFE
(an toàn), tôi thêm chữ R thành SAFER (an toàn hơn), là chữ viết tắt của
các biện pháp : Smoking (không thuốc lá), Alcohol (giảm rượu), Food
(Dinh dưỡng đúng), Exercise (rèn luyện thể chất) và Respiration (Thở
đúng phương pháp). Thực ra nó chính là « Giới » và « Định » đó vậy. Giới
và Định tốt thì sẽ dẫn đến Tuệ. Nói khác đi, giảm được « tham sân si »
ta mới có được thân tâm an lạc. Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV nước ta cũng đã
khuyên : « Bế tinh dưỡng khí tồn thần/ Thanh tâm quả dục thủ chân luyện
hình » đó thôi.
5. Trong một bài trả lời
phỏng vấn, bác sĩ có nói tới nguyên nhân tạo ra các bệnh từ 60-80% là do
stress. Vì vậy, ngày nay con người bị stress nhiều nên có nhiều bệnh
hơn, lại là những bệnh nguy hiểm?
BS ĐHN: Đúng vậy.
Stress là một phản ứng sinh học, giúp con người thoát hiểm trước thú dũ,
hòn tên mủi đạn ngày xa xưa. Thế nhưng trong thời buổi hiện đại, stress
chính là sự căng thẳng trong đời sống, khiến cơ thể lúc nào cũng căng
cứng, phòng vệ, không thư giãn được trong một thế giới vật chất đua đòi,
đấu đá tranh giành nên tình trạng stress đã âm thầm dẫn tới những tác
hại đến thân tâm. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy từ 60-90%
các trường hợp bệnh đến bác sĩ là do có nguồn gốc sâu xa từ stress. Bác
sĩ có thể chữa được cái đau trước mắt nhưng cái khổ chập chùng đằng sau
thì bác sĩ không quan tâm. Mà con người thì đau và khổ luôn gắn với
nhau, cái này sinh cái kia và ngược lại. Hiện nay các dịch bệnh không
lây như tim mạch, tiểu đường… có nguồn gốc từ stress như ta đã biết.
6. Và, để chữa các bệnh nguy hiểm thì phải chữa cái gốc là từ tâm (tinh thần)?
BS ĐHN: Tùy. Có khi cần
mổ xẻ, có khi cần đến thuốc. Khi stress vượt ngưỡng, đưa đến tình trạng
tai biến, tâm thần, tự tử, trầm cảm (depression)… Còn ngoài ra thì
phải luyện tâm, rèn tâm, làm sao giữ đời sống bớt căng thẳng, cạnh
tranh, đua đòi… chạy theo những giá trị vật chất không ngừng phát
triển. Ngày xưa đời sống vật chất khó khăn hơn nhưng an nhàn hơn: Tháng
giêng ăn Tết ở nhà/ Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè… Bây giờ cũng có
nhiều hội hè đó chứ nhưng dẫm đạp nhau đến chết hàng loạt…
7. Có một nhận định như thế
này: “Khi càng phát triển thì con người được đáp ứng nhiều giá trị vật
chất hơn. Tưởng như thế sẽ có hạnh phúc nhưng ai dè những giá trị mà con
người cứ đeo đuổi, tìm cầu ấy khi đạt được lại làm người ta đánh rơi
nhiều thứ quý báu như sức khỏe và sự an lạc nơi tâm mình”. Bác sĩ có suy
nghĩ như thế nào về điều đó?
BS ĐHN: Cuộc sống vẫn
cứ phải phát triển. Bạn thấy đó, nhờ những tiến bộ “vật chất” đó mà nay
ta có thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, ta đã có thể ‘cân đẩu vân” tứ
phương và có đủ 72 phép thần thông chỉ trên một bàn tay với vài cái nút
bấm… Vấn đề là ở con người, nhận thức nó ra sao, “thấy biết” (tri kiến)
nó ra sao. Thấy đúng thì sẽ nghĩ đúng và làm đúng. Chánh kiến rồi mới
chánh tư duy chớ phải không? Cho nên phải nhìn dưới nhiều “nhỡn quan”.
Tôi rất thích “ngũ nhãn” trong kinh Kim Cang. Phật cũng có “nhục nhãn”
như chúng ta đó chứ, có điều bên cạnh nhục nhãn đó còn có nhiều thứ
“nhãn” khác gọi chung là “Phật nhãn” vậy!
8. Là người, ai cũng có 8
cái khổ (khổ đế), trong đó có bệnh tật và mất vui, bất an… Bác sĩ chắc
cũng có những lúc như thế. Vậy, khi bệnh tật và sự bất an “gõ cửa” thì
bác sĩ ứng phó như thế nào?
BS ĐHN: Thì có gì đâu.
Biệt ly thì có “Biệt ly, nhớ nhung từ đây, chiếc là rơi theo heo may,
người về có hay…” (Dzoãn Mẫn). Còn gặp gỡ thì “Rừng núi dang tay nối lại
biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…” (Trịnh Công Sơn)… Đắng
sau cái khổ là cái lạc. Bờ kia cái khổ là cái lạc. Thì thôi, gate,
gate, paragate, parasamgate… Bệnh hoạn cũng… cần thiết cho cuộc sống đó
chứ. Nó nhắc nhở ta nhiều thứ đó chứ.
9. Trong một bài trả lời
phỏng vấn, bác sĩ có nói “Biết tự tại để hạnh phúc”, tự tại là một trạng
thái của tâm, hẳn là hơi khó đạt được nên rất nhiều người than mình…
không có hạnh phúc?
BS ĐHN: Tự tại là sự tự
do bên trong, vượt thoát những ràng buộc, dính mắc. Khó. Không dễ chút
nào. Phải ráng, phải tập. Có người đã bỏ lên núi, có người đã trốn vào
hang động, rừng sâu. Nhưng làm sao thoát được cái tâm đeo đẳng bên mình?
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, mấy ai làm được. Cư trần lạc đạo?… mấy
ai làm được. Biết tự tại là một ước mơ. Cho nên phải rèn tập, phải quán
tưởng… Có phải đó là thực sự “hành thâm”, từ bi hỷ xả chăng?
10. Và trong cuộc sống của
mình bác sĩ có hạnh phúc không? Hạnh phúc nhất của ông là gì? Và theo
bác sĩ, hạnh phúc có thể được định nghĩa là sự an lạc thân tâm không ạ?
BS ĐHN: Tôi cũng không
biết. Tôi không có thói quen xếp hạng nhất nhì ba tư. Hạnh phúc có khi
sờ sờ ra đó mà ta không hay, cứ lo chạy đi kiếm tìm nơi khác. Hạnh phúc
đi rồi hạnh phúc đến, hạnh phúc đến rồi hạnh phúc đi, cứ như hơi thở
vậy. Cứ để nó đến nó đi. Sinh trụ dị diệt. Vấn đề là làm sao để thấy nó,
nhìn ra nó. Hạnh phúc có thể định nghĩa như vậy được, sự an lạc thân
tâm. Nhưng nên nhớ câu hỏi “Làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào đề
hàng phục tâm” từ ngàn xưa vẫn còn y đó. Loài người vẫn mãi đi tìm hạnh
phúc. Nhiều khi dừng lại thi thấy, nhưng đâu có dễ phải không?
11. Nếu dành một lời chúc cho độc giả báo Giác Ngộ thì bác sĩ sẽ chúc câu gì?
BS ĐHN: Chúc cho “Năm mới thân tâm thường an lạc”!
Xin cảm ơn bác sĩ đã ưu ái dành cho Giác Ngộ cuộc trò chuyện thú vị này!
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện.