TRẢ LỜI
Đọc thư anh xong, chúng tôi rất thương cho đứa trẻ. Nó đang là nạn nhân của tôn giáo. Anh chị có thấy điều này không?
Nếu anh 'quyết tử' vì đạo Phật mà gia đình phải cắn đắn nhau, con anh
phải chứng kiến cảnh cha mẹ nó giận hờn nhau, hơn thua với nhau vì tôn
giáo, thì sự hy sinh hạnh phúc gia đình của anh cho đạo Phật có xứng
đáng không? Sự hy sinh của chị cho đạo Công giáo có xứng đáng không? Nếu
vì đạo Phật, vì đạo Công giáo, mà vợ chồng phải bỏ nhau để con trẻ bơ
vơ, đói khát tình thương từ cha lẫn mẹ và mái ấm gia đình, thì đạo Phật
đó chỉ làm khổ gia đình anh, đạo Công giáo ấy chỉ làm khổ gia đình chị,
vậy thì anh chị muốn con mình theo đạo của mình để làm gì, rồi nó cũng
sẽ gặp chuyện khó xử sau này y hệt như cha mẹ nó vậy thôi. Thầy chúng
tôi thường nói: 'Phật ra đời đâu phải để cho con của Phật khổ'. Xin anh
hãy nghiệm lấy câu này để hiểu cho thật tường tận về gốc rễ tâm linh của
mình.
Anh và chị là vợ chồng với nhau. Khi thương nhau, hai người đã lấy đi
hàng rào tôn giáo để đi đến hôn nhân hoàn toàn không kỳ thị. Vậy tình
thương đó bây giờ đâu rồi? Tinh thần không kỳ thị đó đâu rồi? Tình
thương đó là đạo Phật. Tinh thần không kỳ thị đó là đạo Phật. Đó là đạo
Phật trong cuộc sống hàng ngày. Anh đã đánh mất đạo Phật như anh đã đánh
mất tình thương cho vợ anh vậy. Chuyện của anh chị, gợi lại cho chúng
tôi một câu chuyện khác, có thật:
- Có một gia đình nọ có hai đứa con. Trong nhà chỉ độc nhất có một
cái ti-vi, mà thằng lớn ưa coi phim cao bồi, thằng nhỏ ưa coi phim hoạt
họa. Cứ đến ngày thứ bảy là chúng giành nhau cái ti-vi. Thằng lớn nói
cái lý của thằng lớn: 'Nó là em, nó không được cãi.' Thằng em nói cái lý
của thằng em: 'Ảnh là anh mà ảnh không biết nhường nhịn em.' Người cha
muốn xử đề huề cho cả hai đứa, nhưng đứa nào cũng bảo cha xử ép chúng.
Người cha thấy hai con không đứa nào lắng nghe đứa nào, không đứa nào
nhường nhịn đứa nào, và tệ hơn cả là chúng không còn biết nghe đến lời
can ngăn của ông nữa. Ông giận lên và quăng cái ti-vi đi.
Đọc xong câu chuyện này, anh nghĩ gì? Anh tự nghiền ngẫm lại đi.
Anh muốn con anh tiếp xúc với đạo Phật, thì anh phải cho con anh thấy
tận mắt cái đẹp, cái lành, cái thật của đạo Phật qua đời sống hàng ngày
của anh. Nếu con anh tiếp nhận được tấm lòng vị tha, bao dung, rộng
lượng, hiểu biết lớn... của anh, thì nó sẽ thấy gốc rễ tâm linh của ba
nó, ông nội nó rất giàu có. Và gốc rễ tâm linh đó sẽ ăn sâu vào lòng nó
mỗi ngày mỗi ngày một cách rất âm thầm. Thành ra anh đừng lo rằng con
anh sẽ mất gốc.
Anh hãy tưởng tượng một cái cây chỉ sống trong chậu. Cây có lớn đến
đâu đi nữa thì gốc rễ của nó cũng không thể vươn ra ngoài cái chậu. Nếu
anh cho rằng, con anh đi chùa sẽ tiếp xúc được với gốc rễ tâm linh đạo
Phật, thì chẳng khác gì cái cây ở trong chậu mà thôi. Đạo Phật có tầm
vóc lớn lao hơn nhiều. Nó vượt ra ngoài không gian (khuôn viên chùa) và
thời gian (từ ông bà truyền qua nhiều đời con cháu). Xin anh hãy nghiền
ngẫm lại.
Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở anh chị nên nghĩ đến tâm trạng của một
đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng muốn thấy cha mẹ chúng thương yêu nhau, sống
hạnh phúc với nhau. Đối với chúng, Phật và Chúa đều xa lạ lắm. Chúng
không tưởng tượng ra được Phật từ bi như thế nào, Chúa cứu thế như thế
nào. Nhưng chúng thấy rõ, biết rõ là cha mẹ chúng sống như thế nào. Đứa
trẻ sẽ thích đạo Phật nếu cha nó bao dung và rộng lượng như Phật, biết
thương nó và mẹ nó; đứa trẻ sẽ thích đạo Công giáo nếu mẹ nó ngọt ngào
và hiền dịu như thiên thần, biết thương nó và cha nó. Nếu anh và chị làm
đúng vai trò của mình, thì đứa trẻ tiếp nhận hai gốc rễ tâm linh cũng
dễ dàng như 'ăn cơm Tàu mà ở nhà Tây' vậy. Gia đình sẽ hạnh phúc hơn
nhiều.
Anh và chị có bảo đảm là đứa trẻ khi lớn lên sẽ theo đạo của mẹ nếu
nó đi nhà thờ mỗi tuần từ khi còn bé thơ, hay theo đạo của cha nếu nó đi
chùa mỗi tuần không? Theo chúng tôi thì vấn đề không phải ở chỗ cho
cháu đi nhà thờ hay đi chùa. Vấn đề là: Nhà thờ có gì cung cấp cho cháu
làm hành trang sau này khi cháu gặp khó khăn hay không? Nhà chùa có gì
cung cấp cho cháu làm hành trang sau này khi cháu khổ đau, tuyệt vọng
hay không? Xin anh suy nghĩ lại.
Thư khá dài, chúng tôi xin dừng ở đây. Mong rằng với những dòng chữ
này sẽ giúp anh chị thoát ly được 'perception' của mình để tìm lại được
hạnh phúc thuở ban đầu. Hạnh phúc của anh chị là món quà mà đứa trẻ sẽ
thích nhất, trân quý nhất. Cảm ơn anh đã để thì giờ đọc lá thư này.
Sư cô Đoan Nghiêm