Con ở đâu, có nghe thấy những tiếng khóc trong đêm thâu của mẹ mỗi lần nhớ đến con? Mẹ là một đứa con gái hư thân mất nết, có học hành, nhưng mẹ đã sống đời sống của đua đòi, của hưởng thụ, của cám dỗ, và của những đam mê. Lứa tuổi mười bốn, mười lăm, lứa tuổi đẹp nhất của đời người đã bị mẹ thiêu trụi trong đêm trường lầm lỗi. Lao vào những cuộc chơi, kết bạn với những người không cần tìm hiểu, mẹ dần dần đánh mất mình. Mẹ đã rất cô đơn trước đó. Trường học đã không cho mẹ niềm vui. Thầy cô giáo đã không cho mẹ đủ sự quan tâm. Ba mẹ của mẹ đã không cho mẹ đủ tình thương, bạn bè và người thân xung quanh đã không cho mẹ niềm tin tưởng. Vì thế, lòng mẹ luôn đầy những khoảng trống. Mẹ muốn bít lấp những khoảng trống đó bằng bất cứ giá nào. Và những cuộc vui vô độ đã cuốn hút mẹ. Mẹ không trách ba con, dù trước đó mẹ rất hận, nhưng bây giờ mẹ hiểu, ba con cũng rất cô đơn, cái niềm cô đơn chung của đa phần tuổi trẻ bây giờ. Ba con cũng lao vào những cuộc vui để khỏa lấp sự trống trải, và ba con đã gặp mẹ trong sự kiếm tìm vô vọng đó. Hai sự cô đơn đã gặp nhau. Mẹ cứ ngỡ đó là tình yêu thương chân thật. Mẹ đã trao hết trái tim cho người con trai mẹ tìm thấy, đã thương mà không hiểu gì bao nhiêu ấy. Một thời gian sau, mẹ biết mình đang mang trong mình một sự sống… Hai sự cô đơn gặp nhau đã tạo nên niềm cô đơn gấp bội. Con ơi! Mỗi lần nghĩ đến đây, mẹ đều bật khóc rất to trong đêm, tiếng khóc và niềm ân hận theo mẹ suốt nhiều tháng ngày. Mẹ thương con lắm, nhưng đứa con gái chưa tròn hai mươi tuổi còn non dạ như mẹ biết phải làm sao. Ba con thì đã đi đâu mất sau khi bảo mẹ phải phá bỏ bào thai. Lúc này mẹ rất cần ba con bên cạnh để làm chỗ dựa, để cùng mẹ quyết định mọi thứ, cái ý nghĩ ấy khiến mẹ rất hận ba trong những tháng ngày đầu. Mẹ quyết định phá thai. Bao đêm mẹ không ngủ là bao đêm mẹ khóc đến lã đi vì quyết định ấy. Mẹ thấy đó là một quyết định điên rồ lắm. Nhưng mẹ đã làm. Đêm nào mẹ cũng đặt tay lên bụng như để ôm lấy đứa con bé bỏng của mẹ, để tưởng tượng ra khuôn mặt con, để được hôn lên trán con, và để nói lời xin lỗi con trước lúc mẹ bỏ con. Cái ngày đó đau đớn như có hàng tỉ tỉ mũi dao nhọn đâm vào lòng mẹ. Mẹ đã không khóc, người mẹ đanh lại như kẻ vô hồn, trời ơi, sao mẹ lại có thể bỏ con, sao mẹ lại không sinh ra con để mà hy vọng, để mà thương yêu, để mà nương tựa? Con ơi, con có thấu niềm đau này của mẹ như mẹ đang thấm thía niềm đau của ánh mắt con khi chứng kiến cảnh mẹ bỏ con. Con chưa ra đời, nhưng mẹ tin rằng con biết hết mọi thứ, và con sẽ trách móc, sẽ khổ đau vì mẹ vô cớ bỏ rơi con dù con rất khát khao được biểu hiện. Sau cái ngày đó, mẹ thất thểu giữa đời. Mẹ nhìn đâu cũng thấy mọi thứ đang lên án mẹ. Nhìn loài người mẹ thấy như ai cũng biết hết tội ác mẹ vừa làm. Nhìn một cây cổ thụ có cây con mọc lên bên cạnh mẹ cũng thấy chúng cười mẹ hèn mọn. Nhìn những đứa nhỏ nũng nịu ôm chân mẹ chúng, mẹ lại thấy nhớ thương và hối hận dâng ngập cả tâm hồn. Cái ngày mẹ vào chùa dự một khóa tu ngắn thì con của mẹ vừa tròn hai năm ba tháng mười một ngày. Mẹ khổ đau và chỉ tìm thấy ở quý thầy quý sư cô một niềm tin mà nương tựa. Hôm đó, một thầy cho pháp thoại. Cuối buổi giảng, có một dì Phật tử đứng dậy, với vẻ mặt thật nhiều khổ đau và hốc hác, đã vừa khóc vừa trình bày cho thầy nghe rằng mình vô tình chạy xe đụng chết một người mà suốt mấy tháng qua hối hận không yên, thấy mình là một kẻ sát nhân đáng sợ, xin thầy dạy phải làm sao để thoát ra khỏi khổ đau này. Thầy đã bằng lòng từ bi và tuệ giác mà giải thích rất rõ ràng. Dì Phật tử ấy rất xúc động vì thấy con đường chuyển hóa nên đã lạy ba lạy sát đất để tri ân thầy, vừa lạy vừa khóc nức nở, nhưng mẹ thấy trong ánh mắt dì đã có nhiều thay đổi và nhẹ nhàng. Lúc đó, tâm mẹ vô cùng xấu hổ. Mẹ thấy mình mới chính là kẻ sát nhân đích thực, một người dám giết bỏ đứa con của chính mình thì có tội ác nào mà không dám làm. Lúc đó mẹ cũng đã khóc nức nở, nhiều người nhìn vào cứ nghĩ chắc mẹ xúc động vì câu chuyện của dì Phật tử kia. Không ai ngờ tuổi trẻ như mẹ cũng có những khổ đau chất ngất. Mẹ nghĩ rằng, đã đến lúc mẹ cần phải bày tỏ sự khổ đau trong lòng, nhưng mẹ không có sự dũng cảm để nói trước đám đông. Chiều hôm ấy có buổi tham vấn riêng. Mẹ đã quyết định phải nói. Vị thầy trước mặt mẹ, với đôi mắt đầy hiểu biết và điềm tỉnh, đã cho mẹ đủ niềm tin để lên tiếng. Mẹ đã trình bày nỗi khổ của mẹ trong nước mắt ngập tràn. Mỗi lần quá xúc động, vị thầy với giọng đầy hiểu biết và điềm tỉnh đều yêu cầu mẹ dừng lại nghe chuông và thở cho đến khi cơn xúc động đi qua mới tiếp tục nói. Ánh mắt thầy không có chút xoi mói, trách móc hay khinh bỉ. Thầy ngồi thật yên suốt thời gian mẹ nói. Mẹ có cảm tưởng như thầy nghe rõ từng nỗi đau trong lòng mẹ. Nghe xong, vị thầy lên tiếng với giọng ngập tình thương: “Ai đã từng làm người đều phải trải qua những lỗi lầm. Lỗi lầm nhỏ thì trả giá ít, lỗi lầm lớn thì phả trả bằng cái giá rất đắt, có thể khiến mình bị đày ải trong khổ đau suốt đời này và những đời sau nếu mình không biết cách chuyển hóa và làm mới. Chị đã thấy mình rất khổ đau trong chuyện phá thai. Chị phải nói cho các bạn trẻ hiểu rằng phá thai là một nỗi đau lớn. Và không phải phá thai rồi thì mọi thứ đều xong chuyện. Dù mình không muốn con mình ra đời, nhưng con mình vẫn còn đó, vẫn đang buồn khổ như chị. Xã hội ngày nay coi việc phá thai là một chuyện nhỏ, không muốn sinh thì phá bỏ đi… Chị đã lớn lên trong ý thức hệ ấy, cho nên, lỗi này không phải của riêng chị. Lỗi này là lỗi chung của xã hội, của con người, lỗi của cả người bạn trai đã không biết thương và bảo hộ cho chị. Nếu chị chưa đủ sự chuẩn bị để cho đứa con biểu hiện, chưa biết cách thương và hiểu con, thì dù em bé có biểu hiện, cả hai mẹ con vẫn khổ đau như thường. Con của chị không bao giờ mất, con của chị vẫn còn đó. Chị hãy nói chuyện với con đi. Hãy nói bằng tất cả tình thương trong trái tim chị. Hãy tâm sự để em bé hiểu tại sao chị không thể cho em bé biểu hiện. Hãy ôm em bé bằng tất cả tình thương trong trái tim chị mà mỉm cười. Em bé sẽ hiểu và mỉm cười lại với chị. Chị sẽ có cơ hội để mời em bé biểu hiện trong tất cả trẻ con trên thế giới này, trên mỗi bông hoa, trên mỗi tia nắng. Hãy làm lại mọi thứ, hãy sống có ý nghĩa, có niềm vui sau khổ đau này để em bé cảm nhận được rằng sau mọi chuyện mẹ mình đã thật sự trưởng thành và thật sự có tình thương với cuộc đời. Em bé sẽ rất vui vì thấy mình đã đóng góp rất nhiều vào công trình ấy của chị. Chị phải để sự thực tập ấy chữa trị, hãy để không gian chữa trị, hãy giúp đỡ những bạn trẻ khác để chữa trị, hãy sống bằng tình thương qua việc bố thí cúng dường hay phóng sanh để chữa trị. Em bé không còn trách chị nữa đâu, mà sẽ biểu hiện rất khỏe mạnh trong cuộc đời này dưới những hình hài mới”… Con ơi! Mỗi lời thầy nói ra là mỗi lời đi vào trái tim mẹ, mở ra cho mẹ sự thênh thang cõi lòng. Mẹ cảm giác như ai đó vừa lấy đi khối đá nặng nề bấy lâu nay đè lên trái tim mẹ. Mẹ đã khóc, không phải vì khổ đau mà là vì những chuyển hóa sâu sắc trong lòng mẹ. Mẹ đã thấy được đường đi, khổ đau đã vơi nhẹ đi nhiều. Mẹ đã lạy xuống sát đất ba lạy để tri ân thầy, mẹ thấy con cũng đang lạy cùng mẹ với búp sen tay rất đẹp, mẹ thấy Dì Phật tử hồi sáng cũng lạy, mẹ thấy những người mẹ trẻ từng nông nổi như mẹ và những em bé không được biểu hiện như con cũng đang lạy trước thầy. Mẹ thấy cả mẹ và con đều đang chuyển hóa được rất nhiều khổ đau trong lòng những người mẹ trẻ và những em bé khác. Con ơi, mẹ sẽ sống những tháng ngày còn lại bằng tất cả trái tim hiểu biết và thương yêu trong lòng. Con hãy đi chung cùng mẹ con nhé… Mẹ rất thương con! K.S Theo: lieuquanhue
|
Nguon: http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-4057/Con-oi-Tam-su-cua-mot-nguoi-me-tre-pha-thai.html