Nhân mùa tựu trường niên khóa 2008-2009, thấy mấy chú tiểu săm soi sách vở, giày dép chuẩn bị đi học mà vừa mừng lại vừa lo.
Bởi ngày nay học trò không phải hoang nghịch, quậy phá “dễ thương”
như thuở trước. Ngày chúng tôi đi học, các chú tiểu cũng hoang lắm nhưng
hoang kiểu học trò, nghịch ngợm mà học giỏi, phá phách mà được mấy thầy
mấy cô thương lắm. Tôi nhớ thời học sinh có lần giờ ra chơi, chúng bạn
rủ rê bắn bi, chơi say quá trống đánh vào học không đứa nào nghe, cô
giáo dạy môn Anh văn điểm danh thiếu, báo cho thầy giám thị thế là cả lũ
chúng tôi bị đưa lên phòng giám thị trị tội. Sau khi tra hỏi và bắt làm
kiểm điểm song tùy theo tội nặng nhẹ mà thầy giám thị gọi từng em một
nằm lên giường đánh đòn. Tôi là chú tiểu trong thâm tâm cứ nghĩ mình sẽ
không bị phạt, nào ngờ đến phiên tôi, thầy bắt nằm lên giường và nói:
“Trò là chú tiểu đáng ra phải làm người gương mẫu nhưng đằng này trò
cũng tham gia và phạm tội, tội của trò đáng phạt gấp đôi”. Thế là tôi bị
trận đòn gấp đôi vừa đau buốt thịt da lại vừa đau điếng cả tâm hồn. Tôi
nhớ hoài trận đòn đó, cô giáo dạy môn Anh văn sau này mỗi lần gặp tôi
nói cô rất hối hận bởi đã báo cho giám thị, nhưng tôi thì luôn cảm ơn
cô.
Ngày đó, tại trường Trường An các chú tiểu học đông nhất. Một nhóm
các chú chơi thân với nhau hoang hết chỗ nói, thế nhưng chưa một lần bị
nhà trường và quý thầy quý cô báo về chùa, mà ngược lại quý thầy cô giáo
rất thương, chỉ nhắc nhở thôi. Bởi nhóm chú tiểu ấy học rất giỏi, luôn
là những học sinh đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp thành
phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia đoạt được nhiều giải cao đem về cho
trường.
Thời nay học trò đi học có nhiều thứ cám dỗ quá. Nào là bi-da, là
game, là chat... internet mở ra nhan nhản ngay trước cổng trường. Hai
bên đường đến trường, giờ nào cũng thấy mấy cô cậu học trò đeo hai cái
tai nghe to đùng như phi công say sưa lướt tay theo chuột, phím vi tính
mà bỏ bê chuyện học. Có nhóm thì tụ tập đàn đúm tập tành hút hít nhậu
nhẹt quậy phá theo kiểu “đàn anh đàn chị” mà ớn. Tuy nhiên với những học
trò đời mà nghịch ngợm, quậy phá thì đôi khi các cô các thầy và các bạn
đồng trang lứa ít khi để ý hoặc có khi cho qua nếu không quá đáng.
Nhưng còn các chú tiểu đầu tròn áo vuông luôn được xem như là một “ngôi
sao” đạo đức trong lớp, bởi vậy mỗi khi các chú các điệu lỡ có hoang
nghịch quậy phá là y hệt ngay lập tức bị phản ánh. Nếu biết suy nghĩ thì
những lời phản ánh đó tuy nhẹ nhàng nhưng ngẫm ra thì rất “đau”. Đại
khái như là “chú tiểu mà còn hoang ghê hè”, “chú tiểu chi mà quậy phá
quá trời” hoặc có người nặng lời hơn thì “vào chùa làm chú tiểu mà quậy
không khác chi ở đời”...
Nhìn mấy tiểu, mấy điệu đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”
đang chuẩn bị vào năm học mới mà sợ, chỉ cần nghe theo một sự rủ rê nào
đó mà lâm vào thì khốn. Mà lo có phải thừa đâu, chuyện mấy chú mấy điệu
bỏ học đi theo bạn bè thụt bi-da, đi uống nước, chơi game, chát chít
không phải là không có và trở thành một vấn nạn đau lòng cho các chùa!
Thế nhưng với một số chú, một số điệu ở các chùa thì cứ coi đó là
“chuyện thường ngày ở trường” nên ở chùa thì cắp sách “thưa thầy con đi
học” nhưng đến trường thì chẳng thấy hình bóng mấy chú mấy điệu đâu, hỏi
thì người ta bảo các chú học ngoài mấy dịch vụ vi tính, chơi game… Nghe
mà ngán ngẩm.
Lo sợ sự chểnh mảng của chúng điệu, thầy quản chúng chùa tôi đã liên
hệ với quý cô quý thầy chủ nhiệm, giám thị trên trường, có chuyện gì thì
báo về ngay để nhà chùa kịp thời cùng nhà trường răn đe dạy dỗ các chú
các điệu. Thế nhưng lòng vẫn không yên nên mỗi ngày khi mấy chú tiểu cắp
sách “thưa thầy con đi học” và thầy cũng dặn một vài câu “cố gắng lên
nghe con, đừng ham chơi mà hư thân”. Không biết hiệu quả đến đâu nhưng
chắc là các chú các điệu hiểu được nỗi lo và tình thương của thầy đối
với mấy chú mà chăm lo học hành hơn…
Không Lực