Chùa Bửu Minh Gia Lai - Mobile
Gợi ý các bước cụ thể mở rộng sinh hoạt Gia đình PT
Minh Thạnh
19/11/2010 07:28 (GMT+7)

nên trong bài này, chúng tôi xin phép đi vào mức độ gợi ý những giải pháp cụ thể nhằm mở rộng sinh hoạt gia đình Phật tử, đưa quy mô tổ chức này lên một cấp độ mới, phù hợp với nhu cầu cùa thời đại.

I. Gợi ý về những quan điểm cơ bản của việc mở rộng hoạt động gia đình Phật tử

1. Quan điểm xem Gia đình Phật tử là một hình thức, một biện pháp, một công cụ nhằm đoàn ngũ hoá, tổ chức, liên kết hoạt động thanh thiếu niên Phật tử là quan điểm cơ bản. Do đó, bất cứ một hình thức, một phương tiện nào, một công cụ, một biện pháp… nào phục vụ cho mục tiêu trên đều có thể nghiên cứu, xem xét để vận dụng, có thể toàn phần, có thể bộ phận, có thể cải biến để phù hợp với sinh hoạt thanh niên Phật giáo và tổ chức Gia đình Phật tử.

2. Lấy tổ chức Gia đình Phật tử làm nòng cốt, làm trung tâm, làm hạt nhân để mở rộng sinh hoạt.

3. Mọi hoạt động mở rộng có quan điểm trái ngược với đạo đức truyền thống Phật giáo, với giáo lý Phật giáo, với những nguyên tắc sinh hoạt cơ bản của Gia đình Phật tử đều không thể chấp nhận.

4. Tham khảo, học tập kinh nghiệm có chọn lọc những hình thức tập họp sinh hoạt thanh thiếu niên đã có, trong nước cũng như ngoài nước, do nhà nước cũng như đoàn thể, tư nhân tổ chức, kể cả các sinh hoạt thanh thiếu niên của các tôn giáo khác.

5. Áp dụng, triển khai các biện pháp mới trong sự thận trọng, qua quá trình thử nghiệm. Nếu sau tổng kết, sơ kết phương thức hoạt động mở rộng nào có kết quả tốt thì lấy làm mô hình triển khai rộng rãi.

Ngược lại, phương thức mở rộng sinh hoạt nào tỏ ra không thích hợp, thì cần tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp cải tiến, giải quyết vấn đề, sau đó lại tiến hành áp dụng thử nghiệm. Nếu sau nhiều lần làm như thế mà không có kết quả thì loại bỏ phương cách đó.

6. Chú ý vận dụng nghiên cứu các yếu tố thời đại của sinh hoạt thanh niên, để từ đó lấy làm cơ sở xây dựng các giải pháp mở rộng sinh hoạt gia đình Phật tử.

7. Dứt khoát không chấp nhận các hình thức, các phương thức mở rộng sinh hoạt có thể làm tha hoá, biến dạng tổ chức hạt nhân là Gia đình Phật tử, tạo sự xâm nhập ngoại lai, như sinh hoạt “liên tôn” chẳng hạn.

8. Thay đổi quan niệm từ trước đến nay là sinh hoạt gia đình Phật tử phải được tổ chức tại chùa, nay có thể mở rộng đến nhiều địa điểm khác nhau, như công viên, khu du lịch…, nhất là tư gia các thành viên Gia đình Phật tử.

9. Áp dụng triệt để nguyên tắc cơ động, linh hoạt, có thể đẩy mạnh xây dựng những hình thức tổ chức ngoại vi nào thích hợp, có hiệu quả, nhưng cũng có thể nhanh chóng loại bỏ thay đổi các hình thức tỏ ra kém hiệu quả, bộc lộ những nhược điểm, nhanh chóng cải tiến loại bỏ hay thay thế bằng hình thức khác.

10. Vừa làm, vừa theo dõi kết quả, nghiên cứu diễn biến, sơ kết, tổng kết kịp thời, điều chỉnh bổ sung, cải tiến, tái định hướng khi có nhu cầu.

11. Các tổ chức mở rộng đều phải thể hiện rõ nguyên tắc và trình bày cụ thể “trực thuộc Gia đình Phật tử”.

II. Gợi ý một số phương thức đề xuất cụ thể

Đây có thể là một tiến trình thảo luận kéo dài, trước hết, trong nội bộ tổ chức Gia đình Phật tử, trong tăng ni Phật tử. Những gợi ý của chúng tôi là những đề xuất sơ khởi, bước đầu, có thể có một số khuyết điểm, nhược điểm, thậm chí, chỉ có thể để tham khảo mà không thể áp dụng trong thực tế.

1. Lãnh đạo tổ chức Gia đình Phật tử phân công một số cá nhân, tập thể nghiên cứu thực trạng hoạt động thanh niên Phật tử hiện tại, phát hiện vấn đề, khảo sát các khả năng giải quyết, xây dựng đề án cụ thể.

Các hoạt động có nội dung như trên có thể tiến hành trong nội bộ tổ chức Gia đình Phật tử, có thể tiến hành công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Phật giáo.

Mục tiêu của các hoạt động này là huy động trí tuệ những bậc trưởng thượng trong tổ chức Gia đình Phật tử, cũng như các thành viên tích cực, giàu sáng kiến, đồng thời cung thỉnh ý kiến chỉ đạo của chư tôn đức, và kể cả Phật tử nhiệt thành muốn đóng góp cho tiền đồ đạo pháp.

2. Nếu xét thấy có thể, thì tổ chức hội thảo, với những giải pháp được chuẩn bị sẵn, để qua thảo luận có thể rút ra những giải pháp hữu hiệu, khả thi, hứa hẹn kết quả.

3. Xây dựng các tổ chức ngoại vi, trực thuộc tổ chức gia đình Phật tử, đặt dưới sự chỉ đạo của hàng lãnh đạo Gia đình Phật tử cốt cán. Sao cho, những tổ chức như vậy không hình thành một cách tự phát, mà được xây dựng có kế hoạch, có tổ chức chỉ đạo, có theo dõi kiểm tra và đánh giá từ lãnh đạo Gia đình Phật tử.

4. Về những tổ chức ngoại vi, có thể tham khảo mô hình Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các hội ngoại vi như Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam...

Đối với Phật giáo, các hình thức tổ chức ngoại vi, nhằm tránh sự nặng nề của thủ tục, có thể là những ngành mới từ tổ chức Gia đình Phật tử, hay các câu lạc bộ, các “nhóm bạn”, các tổ chức ngoại vi được hình thành dựa trên nhu cầu sinh hoạt thanh thiếu niên hiện tại, đáp ứng yêu cầu các lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng, các yêu cầu khác từ thực tế.


Các tổ chức ngoại vi như trên hết sức cần thiết, vì nó tạo ra sự đa dạng phong phú trong sinh hoạt thanh niên. Mà sinh hoạt có đa dạng, phong phú, nhiều màu, nhiều vẻ, thì mới thu hút được đông đảo thanh niên Phật tử tham gia, theo điều kiện cụ thể, tâm sinh lý, sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của từng bạn thanh niên, từng em thiếu niên, từng cháu nhi đồng.

5. Việc hình thành các tổ chức ngoại vi của Gia đình Phật tử, đặt dưới sự chỉ đạo của Gia đình Phật tử có thể tập hợp theo hướng thành phần, nghề nghiệp, như “Nhóm bạn Phật tử sinh viên”, “ Nhóm bạn Phật tử thanh niên công nhân”, “Nhóm bạn Phật tử trường Đại học X…” chẳng hạn.

Đơn vị học tập, làm việc, thành phần…, bao giờ cũng là chất keo gắn kết thanh niên, có cùng tôn giáo. Sinh hoạt thanh niên Phật giáo trong trường hợp này cũng linh hoạt theo từng thành phần, trường hợp, đơn vị cụ thể.

Tất nhiên nó sẽ khác, theo hướng đa dạng hơn so với hoạt động Gia đình Phật tử thuần tuý. Tuy nhiên, chính sự mở rộng, đa dạng, phát triển đó chính là điều kiện để tổ chức nòng cốt là Gia đình Phật tử tập hợp được đông đảo thanh thiếu niên.

6. Hình thức tập hợp theo sở thích cũng là một hướng có thể tính đến. Chẳng hạn, có thể có các “Nhóm bạn Phật tử nghi lễ”, “Nhóm bạn Phật tử từ thiện”, “Nhóm bạn Phật tử hành hương”, “Nhóm bạn Phật tử văn nghệ”… Sở thích cũng là môi trường, đồng thời cũng là chất keo gắn kết lớp trẻ cùng trang lứa. Tổ chức các hoạt động, các cuộc thi theo nhóm sở thích như thi chụp ảnh chùa chiền, ảnh sinh hoạt thanh niên Phật tử, liên hoan nhạc đạo, thơ đạo…

7. Liên tục nghiên cứu, sưu tập để đưa các hình thức sinh hoạt mới vào tổ chức Gia đình Phật tử. Phong phú hoá hoạt động là tạo thêm sinh khí, sự thu hút, gắn kết.

Một tổ chức có tính chất đoàn ngũ hướng đạo như Gia đình Phật tử đương nhiên theo xu hướng rèn luyện, hy sinh, phục vụ, dấn thân, chịu cực, chịu khổ vượt khó. Đồng phục mạnh mẽ với chiếc quần soóc nói lên điều đó. Việc này, tất nhiên thích hợp với số đông thanh thiếu niên, mang lại lợi ích giáo dục căn cơ, lâu dài, mang bản chất tích cực, hướng thượng.

Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng phát triển các hoạt động vui chơi, thụ hưởng ngày càng gia tăng trong hoạt động đoàn thể thanh thiếu niên (như liên hoan ẩm thực, du lịch…).

Xu thế chuyển đổi này trong sinh hoạt thanh thiếu niên nói chung cũng cần chú ý trong sinh hoạt Gia đình Phật tử hiện nay. Từ nguyên tắc chung này, có thể “sáng tạo” một số hình thức sinh hoạt mới, chẳng hạn tổ chức các ngày vía Phật như những buổi sinh nhật (làm bánh kem dâng cúng Phật, lễ Phật, tụng kinh, thuyết trình về hạnh nguyện của vị Phật Bồ tát mà ngày vía đang được tổ chức, sau đó… liên hoan trong không khí hoan hỷ, có thể tổ chức chiều tối, bổ sung lễ cúng vía buổi trưa theo nghi thức nhà chùa).

Chưa từng trải qua sinh hoạt Gia đình Phật tử, chúng tôi không dám có nhiều ý kiến đối với hoạt động Gia đình Phật tử. Tuy vậy, có lẽ cái nhìn từ bên ngoài dẫu sao cũng có giá trị nào đó. Chúng tôi mong đóng góp theo hướng nhìn đó.

MT

Các tin đã đăng:
Về đầu trang