Vai trò của các chương trình nghe nhìn diễn văn,
đạo từ trong truyền thông đại chúng
Các sách giáo khoa, tài liệu nghiên
cứu về truyền thông đều coi các chương trình diễn văn phát thanh (radio
address) và diễn văn truyền hình (television address) là một thể loại
quan trọng của truyền thông đại chúng. Trong đó, diễn văn trên truyền
hình được coi là hiệu quả hơn cả trong việc tác động đến công chúng.
Theo theo dõi của ngành nghiên cứu
truyền thông, thì công chúng đặc biệt chú ý đến diễn văn phát trên
truyền hình, mặc dù bài diễn văn có thể đồng thời được công bố bằng cả
bốn phương thức: báo giấy, văn bản online (trên trang web), phát thanh
và truyền hình.
Riêng đối với Hoa Kỳ chẳng hạn, tổng
thống có các chương trình diễn văn phát thanh định kỳ, chỉ phát trên
truyền hình giọng nói của tổng thống, kèm với ảnh chân dung tĩnh, người
xem không thấy được tổng thống đang đọc diễn văn, nhưng các thống kê
cho thấy bài diễn văn được phát trên truyền hình theo cách đó vẫn có số
lượng người theo dõi cao hơn trên sóng phát thanh và hơn hẳn nhiều lần
so với việc công chúng tự đọc bài diễn văn in trên báo giấy. Còn những
bài diễn văn mà trực tiếp tổng thống phát biểu trước camera thì truyền
hình thu hút một số lượng công chúng tuyệt đối áp đảo.
Xem thế thì vai trò của hình ảnh và
tiếng nói trong việc phổ biến các bài diễn văn là hết sức quan trọng.
Đối với các đài truyền hình thì việc
chuẩn bị thu và phát hình các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo là nhiệm
vụ số một, và chương trình truyền hình diễn văn là chương trình loại
một. Các đài truyền hình dành cho loại chương trình này đạo diễn giỏi
nhất, đầu tư chuẩn bị cao nhất, thiết bị tốt nhất…
Người ta nghiên cứu rất kỹ vị trí mà
các nhà lãnh đạo sẽ đọc diễn văn, trang trí hậu cảnh, các góc độ thu
hình, các cỡ khung hình khi bài diễn văn được đọc, video clip phát
trước và sau bài diễn văn…
Thí dụ, đối với truyền hình Nga, đài
truyền hình quốc gia PTP ghi hình nhiều video clip phát trước và sau
bài diễn văn giao thừa dương lịch của tổng thống để những trợ lý cho
tổng thống và chính tổng thống lựa chọn sử dụng.
Đối với các nhà lãnh đạo, những nhân vật
nổi tiếng… thì việc phát biểu trên truyền hình và video rất quan
trọng. Nhiều vị yêu cầu phải tập dượt trước, ghi hình nháp, có khi phải
ghi hình nhiều lần, sửa đi sửa lại. Phó giáo sư phó tiến sĩ V.V
Smirnov trong một công trình giáo khoa đã nhắc đến cụm từ được thường
xuyên nhắc đến: “một cuộc mít tinh của nhiều triệu người” đối với diễn
văn phát thanh.
Khả năng Phật giáo ứng dụng
chương trình truyền thông nghe nhìn diễn văn, đạo từ, thông điệp...
Trong Phật giáo chúng ta, thể loại diễn văn, đạo từ, thông điệp… đã
được sử dụng rộng rãi trong hơn nửa thế kỷ qua. Chẳng hạn, thông điệp
Phật đản, trên các phương tiện truyền thông, khởi đầu được đăng tải
trên báo viết, chẳng hạn tờ Phật giáo Việt Nam của Tổng hội Phật giáo
Việt Nam trong những năm 50 thế kỷ trước, những năm sau đó đã được loan
tải trên sóng đài phát thanh…
Hiện nay, nhu cầu phổ biến các diễn văn,
đạo từ trong Phật giáo rất cao. Không chỉ là thông điệp ở cấp cao
nhất, mà còn là diễn văn, đạo từ của các cấp thấp hơn. Như diễn văn,
đạo từ của các vị viện chủ, trụ trì… gửi đến Tăng Ni sinh Phật tử trong
nhiều dịp lễ quan trọng trong năm như Nguyên đán, Phật đản, Vu Lan,
Thành đạo, v.v…
Nội dung các bài diễn văn, đạo từ, thông
điệp trong Phật giáo hoàn toàn khác với các bài thuyết pháp. Do đó,
khi phổ biến bằng phương tiện ghi âm, ghi hình, cũng cần phân biệt
chương trình thuyết pháp và chương trình diễn văn, đạo từ, thông điệp…
Với những tiến bộ của khoa học công nghệ
truyền thông hiện nay thì việc phổ biến các bài diễn văn, đạo từ,
thông điệp bằng các phương thức multimedia như video online, audio
online, dĩa DVD, VCD, CD… là hết sức dễ dàng, thuận tiện và tiết kiệm
chi phí.
Chẳng hạn, một vị Hòa thượng trụ trì
thay vì gửi thiệp chúc tết đến môn đồ Tăng Ni Phật tử, thì có thể thu
hình đạo từ chúc tết của mình trên dĩa VCD và gửi tặng thay cho thiệp
chúc tết. Mà việc in một thiệp chúc tết giấy hiện nay có thể phức tạp
và đắt tiền hơn so với việc in một dĩa VCD (chi phí sản xuất chỉ 2000
đồng/dĩa, có thể chép từng bản một trên máy vi tính).
Trong khi đó, nội dung chứa đựng trên
đĩa VCD là phong phú và sinh động hơn rất nhiều so với thiệp chúc tết
giấy. Những ngày Xuân, Phật tử chúng ta mở đĩa hình đạo từ chúc tết của
quý chư tôn đức tại nhà, thì không khí đạo vị trong gia đình chắc chắn
sẽ tăng lên rất nhiều, chừng như rước được quý thầy về nhà mừng Xuân
cùng chúng ta.
Qua trên, chúng tôi muốn gợi ý đến khả
năng chư vị giáo phẩm cao cấp, chư Tôn đức, chư Hòa thượng, Thượng tọa,
Trụ trì các chùa phổ biến các thông điệp, đạo từ, diễn văn đến Tăng Ni
Phật tử bằng hình thức ghi hình trước phát biểu của chư vị.
Như thế, Phật giáo chúng ta sẽ có thêm
một phương thức truyền thông trong hoạt động Phật sự. Thực ra, cách này
không phải là mới lạ gì lắm với Phật giáo. Chúng tôi đã có dịp được
nghe đạo từ chúc tết của hòa thượng Thích Thanh Từ phổ biến qua băng
cassette, lời chúc tết của thiền sư Nhất Hạnh in trên dĩa CD…
Điều mà chúng tôi muốn đề xuất từ góc độ
một người làm công tác chuyên môn là nên chú ý đầu tư nhiều hơn nữa
cho thể loại chương trình truyền thông này. Không nên lẫn lộn chương
trình ghi âm, ghi hình thông điệp diễn văn, đạo từ với các chương trình
thuyết pháp.
Trong khoa học về truyền thông chương
trình diễn văn là một thể loại riêng, khác hẳn với chương trình giảng
dạy (mà có thể coi là tương đương với chương trình thuyết pháp trong
Phật giáo chúng ta).
Các chương trình diễn văn, đạo từ cần
đến “tính chân thành, bộc bạch vẻ tự nhiên và sắc thái cảm xúc bắt
nguồn từ đó, đã tạo nên bầu không khí tin cậy, buộc mọi người phải lắng
nghe những lời được nói ra”(1). Thông điệp, diễn văn, đạo từ được đọc,
được nói bởi chính người viết ra nó, thể hiện bằng hình ảnh động, sẽ
có sức tác động mạnh, hiệu quả lan tỏa cao hơn nhiều so với những dòng
chữ đen vô hồn trên trang giấy trắng im lặng.
Đầu tư cho các video clip Phật giáo
trước vào sau hình ảnh thông điệp, diễn văn, đạo từ cũng là điều cần
lưu ý. Hình như, Phật giáo chúng ta chưa tính đến các yếu tố này. Các
video clip thực hiện thành công phát trước và sau bài nói sẽ góp phần
tôn cao giá trị của chương trình diễn văn, đạo từ, thông điệp ghi âm,
ghi hình tạo không khí trang trọng cho cả chương trình.
Thí dụ, thông điệp của một vị thượng thủ
Phật giáo có thể được phát sau video clip thể hiện những ngôi chùa cổ
kính, trang nghiêm, trên nền nhạc Phật giáo Việt Nam của Lê Cao Phan đã
trở thành bài hát mang tính truyền thống.
Trong các sách giáo khoa truyền thông,
các nhà chuyên môn khuyến cáo không nên coi diễn văn là thể loại độc
thoại mà phải xem đây “là hình thức đối thoại bên trong với người đối
thoại vô hình”(2). Việc trực tiếp chứng kiến của việc đọc văn bản của
chính người viết ra nó đã là tốt, nhưng lý luận truyền thông đòi hỏi một
hình thức cao hơn là phát biểu miệng một nội dung truyền đạt đến công
chúng.
“Lời nói sống động thể hiện những đặc
điểm của nhân cách, tính khí của diễn giả. Lời nói ấy có sức mạnh tác
động to lớn”(3). Yêu cầu của một chương trình ghi âm, ghi hình diễn
văn, đạo từ đòi hỏi tính chất hùng biện để tạo thành những chương trình
mạnh. Có lẽ, truyền thông trong Phật giáo cũng không đứng ngoài quy
luật đó.
Ghi chú:
(1) (2) (3) V.V Smirnov: Các thể loại báo chí phát thanh – Nhà xuất bản
Aspect Press, Moskva, 2002.
Theo: Tập san Pháp luân