Tất cả đều nhằm tìm ra giải pháp chung nhất để có thể hướng đến một thế
giới hoà bình, thịnh vượng. Trong đó, Phật Giáo đã góp một vai trò hết
sức quan trọng.
Cùng trong sự thay đổi ấy, Phật Giáo Việt Nam trong những năm qua cũng
đã có những sự thay đổi tích cực trong công cuộc hoằng dương chánh pháp.
Tuy nhiên, Phật Giáo Việt Nam không thể không quan tâm đến một thực
trạng ngày nay đang là một thách thức lớn trong giai đoạn phát triển
Phật Giáo. Đó là sự mất cân đối giữa phát triển Phật Giáo và phát triển
tín đồ Phật Giáo ở Việt Nam. Hay nói khác hơn, chúng ta đang thiếu đi sự
hài hoà trong đường hướng phát triển chung của Phật Giáo Việt Nam.
Xưa nay khi nói đến Phật giáo Việt Nam, thường có những quan niệm cho
rằng phần lớn người dân Việt Nam chúng ta là thờ cúng ông bà, cho nên họ
cũng là Phật tử. Trong trang sử Việt, Phật giáo Việt Nam đã trải qua
những giai đoạn vàng son và huy hoàng nhất qua hai triều đại Lý – Trần,
Phật giáo là quốc giáo. Trải qua những biến thiên thăng trầm của lịch
sử, chúng ta vẫn tự hào rằng Phật giáo Việt Nam vẫn mãi mãi là cội
nguồn, là mạch sống tâm linh không thể thiếu trong lòng dân tộc Việt
Nam. Thế nhưng, khi phân tích những vấn đề của thực tế, chúng ta không
thể không khỏi chạnh lòng. Trong những năm gần đây, theo thống kế của
một số nhà tôn giáo học thế giới thì Phật giáo tại Việt Nam chiếm 50%
(1). Gần đây nhất, đại diện phái đoàn Học Viện Hành Chính Quốc Gia khi
đến thăm Phật Giáo Thái Lan đã phát biểu rằng tín đồ Phật giáo Việt Nam
ngày nay chưa đến 11%. (2) và chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tra
cứu số liệu thống kê về các tôn giáo tại Việt Nam, người ta kết ,luận
rằng ngoài 80.8% dân số Việt Nam không có tôn giáo thì Phật Giáo chỉ
chiếm 9.3 % (3).
Dù những con số thống kê trên có thể chỉ là tương đối, nhưng đó đã và
đang là một thực tế, chúng ta không thể không quan tâm đến. Qua đây,
chúng ta thử cùng nhau làm một phép tính đơn giản, trong số chưa đến
10% ấy thì được bao nhiêu phần trăm thuộc nhóm Phật tử thanh thiếu
niên, bao nhiêu phần trăm đúng với cái tên gọi là Phật tử thuần thành.
Trong khi đó, nhìn sang các tôn giáo bạn, thì tín đồ ngày càng tăng
theo cấp độ số nhân, không chỉ giới hạn người cao tuổi mà lứa tuổi thanh
thiếu niên đã được thu hút một cách đáng kể. Nói như vậy, không có
nghĩa là chúng ta tranh dành tín đồ với các tôn giáo bạn.
Chúng tôi không phủ nhận với một số ý kiến cho rằng: “khác với các
tôn giáo khác, Phật Giáo không chạy theo con số tín đồ. Và theo Đạo
Phật, tầm quan trọng của một tôn giáo không nên đo lường qua con số tín
đồ” (4) Nhưng liệu rằng có mâu thuẫn chăng? trong khi chúng ta ra
sức kêu gọi phát triển Phật giáo Việt Nam mà tín đồ Phật giáo chúng ta
ngày càng bị thu hẹp. Phải chăng chúng ta đang phát triển Phật giáo
Việt Nam theo một chiều hướng tỉ lệ nghịch. Bởi lẽ khi đã gọi là phát
triển tức nhiên sự phát triển ấy phải được xem là đồng bộ trong mọi mặt.
Nhất là trong một xu hướng Phật giáo Việt Nam đang bước vào giai đoạn
phát triển và hội nhập quốc tế.
Nói đến vấn đề này để chúng ta cùng tìm ra những nguyên nhân vì sao tín
đồ Phật Giáo chúng ta đang càng ngày càng giảm. Hay nói khác hơn, Phật
Giáo Việt Nam cần có những phương hướng cấp bách để củng cố và duy trì
tín đồ của mình. Như lời nhận xét của một vị tôn túc, Phật Giáo Việt
Nam không phải không có những sự hấp dẫn, thu hút tầng lớp thanh thiếu
niên như các tôn giáo khác, mà hơn thế nữa Phật Giáo còn được thể
nghiệm, hướng dẫn họ đến một đời sống an lành, hạnh phúc ngay trong đời
sống hiện tại. Vấn đề ở đây chính là việc tổ chức. Chúng ta cần có những
tổ chức như thế nào cho phù hợp và thích nghi với thời đại mới khi các
con em chúng ta đang thực sự cần đến một nguồn dinh dưỡng mới cho đời
sống tâm linh.
Trong xu hướng hiện nay, thành phần nhân sự có khả năng sinh hoạt với
độ tuổi như các em đang thực sự khan hiếm. Các vị Nam nữ cư sĩ thuộc
thế hệ trước đây đã luống tuổi, khó có thể đảm trách tiếp những công
việc Phật sự trong vai trò của những Huynh Trưởng. Do vậy, chúng ta nên
mở ra những khoá đào tạo chính thức, mang tính chuyên nghiệp hơn. Đối
tượng đào tạo cần được mở rộng cả Tăng ni sinh trẻ và nam nữ cư sĩ,
những ai có năng lực hoà mình trong giới trẻ. Bởi lẽ, Phật giáo Việt Nam
đang cần một thế hệ kế thừa nhiệt huyết và năng động.
Đối với xã hội, tuổi trẻ được xem là tương lai của đất nước, là thế hệ
kế thừa trên hai phương diện truyền thống và hiện đại. Phật Giáo cũng
không đi ngoài quy trình đó. Chính thế hệ thanh thiếu niên Phật tử trẻ
được sinh ra và lớn lên trong môi trường cha mẹ là những Phật tử thuần
thành sẽ là những thế hệ tiếp nối gìn giữ truyền thống Phật giáo của ông
bà tổ tiên để lại. Một khi những mô hình gia đình Phật tử truyền thống
ấy không được quan tâm và gìn giữ thì số lượng tín đồ Phật giáo chúng
ta trong 10 năm, 20 năm… tới sẽ có nguy cơ mai một. Đây là một thực
trạng mà những ai lãnh đạo Phật giáo không thể không lưu tâm đến.
Cũng vậy, để có thể bắt kịp với xu hướng phát triển và hội nhập, Phật
giáo Việt Nam đang nỗ lực trẻ hoá cơ cấu tổ chức lãnh đạo, trẻ hoá nhân
sự… thế nhưng chúng ta đã không quan tâm đến một yếu tố hết sức quan
trọng đó là trẻ hoá tín đồ Phật giáo. Ở đây, trẻ hoá không đơn thuần chỉ
mang ý nghĩa để nói đến vấn đề thâm niên, tuổi tác mà còn là sự thay
đổi, trẻ hoá phương hướng, sách lược… làm thế nào để Phật giáo trở nên
trẻ trung, năng động trong tiến trình hội nhập. Điều này có lẽ chúng ta
đã thấy rõ hơn ai hết. Vào những ngày chủ nhật, ngày 30, mồng một hay
những ngày vía Phật, phần lớn Phật tử đến chùa tụng kinh, thính giảng …
là các bác, các cụ lớn tuổi.
Một số tỉnh thành tại Việt Nam, nếu chùa nào có sinh hoạt Gia đình Phật
tử, mỗi chiều chủ nhật chúng ta chỉ thấy thoáng 15 – 20 em đoàn sinh
trong một không khí thật đơn điệu và buồn tẻ. Tìm hiểu thực tế, có nhiều
vị trụ trì bộc bạch, thật sự chúng tôi cũng muốn có một môi trường tốt
để các em có thể học tập, vui chơi bổ ích với đúng cái tên gọi của những
con em Phật tử. Bởi lẽ, qua đó ít nhiều chúng ta sẽ tạo nên cho các em
một sân chơi lành mạnh trong tinh thần hướng thiện. Nhưng hiện nay chùa
không có đủ nhân sự tổ chức dành cho tuổi trẻ, huynh trưởng bây giờ tìm
cũng khó, mấy ai có tâm huyết để hướng dẫn.
Thế nhưng, có những chùa khi đầy đủ nhân sự ,đầy đủ điều kiện thì lại gặp
khó khăn trở ngại trong những thủ tục hành chánh rườm rà, phức tạp từ
các Ban Đại Diện Phật Giáo cho đến cơ quan chính quyền địa phương sở tại.
Do đó, gây nên những quan điểm an phận, không còn nhiệt huyết trong vấn
đề đóng góp, xây dựng cho sự phát triển chung của ngôi nhà Đạo pháp.
Có lẽ phần nào thấy được thực trạng ấy, mà thời gian gần đây Thành phố
Sài Gòn đã có tổ chức kỳ trại hè cho các em được ghi nhận là sự kiện có
thể thu hút được sự tham gia đông đảo và háo hức nhất của thanh thiếu
niên Phật tử. Đặc biệt, qua phong trao tổ chức những ngày đại lễ như
Phật Đản, Vu Lan… vừa qua đã phần nào làm sống dậy tinh thần Phật giáo,
gây được sự chú ý quan tâm của rất nhiều đối tượng trong xã hội.
Bên cạnh đó, tại một số địa điểm như Chùa Hoằng Pháp, Chùa Từ Tân (Sài
Gòn), Chùa Phật Quang (núi Dinh)…. Cũng bắt đầu mở ra những khoá tu hè
với những hình thức sinh hoạt mới mẻ dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên.
Trên các phương tiện công nghệ thông tin đã xuất hiện một số diễn đàn
dành cho thanh thiếu niên Phật tử. Điển hình như diễn đàn Phattuvietnam
do nhóm Tăng ni và Phật tử trẻ thành lập cũng đã thu hút được rất nhiều
sự quan tâm chia sẻ của các em thanh thiếu niên Phật tử trong và ngoài
nước. Đây có thể nói là những việc làm mang lại rất nhiều hiệu quả. Tuy
nhiên, đó chỉ mới là những đơn vị cá thể.
Những mô hình ấy cần được nhân rộng và có những hoạch định lâu dài.
Lãnh đạo Phật giáo Việt Nam cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc
khuyến khích các tự viện có nhiều sinh hoạt mới mẻ hơn. Việc làm này nên
có sự đồng bộ và hợp thức hoá. Không nên tổ chức mang tính cá nhân,
theo xu hướng cảm hứng, phong trào hay thành tích.
Trên đây, chỉ là một số nhận định và ý kiến đóng góp mang tính cá nhân,
rất mong sự chỉ giáo và quan tâm của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội. Hy
vọng trong xu hướng phát triển hiện nay của đất nước, Phật giáo Việt Nam
sẽ có những hướng đi mới mẻ hơn, phù hợp hơn. Nhất là tạo nên được một
sự cân bằng và hài hoà trong quá trình phát triển chung của Phật giáo,
cũng như phát triển tín đồ Phật giáo tại Việt Nam ngày càng hưng thạnh.
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_by_country
[2] Phát biểu của GS.TS . Nguyễn Đức Lữ, viện trưỡng Viện Nghiên
Cứu Tôn Giáo & Tín Ngưỡng Học Viện Chính Trị Quốc Gia TP.HCM, Hà
Nội trong chuyến đến thăm trường Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkorn,
Bangkok, Thailand ngày 09/10/2006.
[3] http://vi.wikipedia.org/wiki/Vietnam
[4] Phật Giáo Trước Cái gọi là “Sự Tấn Công Của Các Tôn Giáo” – Huyền Trân, Nguyệt San Giác Ngộ 50 – 05/2000
Nguồn: www.thuvienhoasen.org